KỶ NIỆM 80 NĂM NGÀY THÀNH LẬP QUÂN ĐỘI NHÂN DÂN VIỆT NAM (22/12/1944 - 22/12/2024) VÀ 35 NĂM NGÀY HỘI QUỐC PHÒNG TOÀN DÂN (22/12/1989 - 22/12/2024)
Di tích lịch sử văn hóa
Đăng ngày: 20/12/2018 - Lượt xem: 549
Viết ở hội làng Phụng Công

- Tùy bút-

Như nhiều người khác, cùng với những câu chuyện về các anh hùng dân tộc được dân gian huyền thoại hóa như Thánh Gióng, Nỏ Thần…, truyện về Hai Bà Trưng đánh giặc đã đến với tôi ngay từ ngày thơ ấu, qua lời kể thì thầm mà tha thiết của ông bà, cha mẹ mỗi tối trước khi ngủ. Lớn lên một chút, tôi lại được nghe thêm một truyền thuyết nữa về Hai Bà, liên quan trực tiếp đến tên các thôn, xóm trong xã của mình. Ấy là chuyện giải thích về những cái tên làng “Bạc”, làng “Lại Ốc” đầy hư cấu và kì thị. Nhưng chỉ đến khi đã có thể dũng cảm bước ra khỏi những con đường thân thuộc từ nhà đến trường, vượt qua được luỹ tre làng để cùng chúng bạn dự một đám hội đầu tiên trong đời, tôi mới biết đến một địa danh khác trong câu chuyện ấy, đó là làng Phụng Công, nơi thờ Hai Bà Trưng gần với quê tôi nhất…

 Sau này, tôi cũng được dự khá nhiều lễ hội trên các vùng, miền đất nước, nhưng những ấn tượng về ngày hội Hai Bà Trưng thuở thiếu thời vẫn không hề phai nhạt trong tôi. Khi còn làm nghề “gõ đầu trẻ”, tôi có dịp được dạy học một thời gian khá dài ở xã Phụng Công, được nhiều gia đình ở đây coi là thành viên. Vì thế, dĩ nhiên, Phụng Công mở hội, tôi không thể vắng mặt. Trong tiếng rộn rã của thanh la, sênh, phách, trái tim tôi lại rung lên như chiếc trống bọc da trâu ngày chính hội. Giữa lúng liếng, long lanh, khúc khích, giòn giã, rộn rã, sặc sỡ, những mắt, những môi, những lĩnh, những the, những yếm thắm, những khăn đen, sâu thẳm lòng tôi lại ngân lên từng chữ, từng chữ câu đối hào sảng cửa đền:

Phong Quận cựu binh uy vạn cổ anh thanh kinh Bắc địa.

Hương viên lưu hiển tích thiên thu linh ứng trần Nam bang.

Nghĩa là:

(Chiến công của nghĩa quân Châu Phong vang trời đất

Tiếng thơm của Hai Bà lừng lẫy đến muôn đời)

Cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng là cuộc khởi nghĩa lừng lẫy bậc nhất trong lịch sử dân tộc. Lừng lẫy ở chỗ, nó không chỉ bởi thủ lĩnh của cuộc khởi nghĩa ấy lại là một nữ nhi quần hồng mà còn là cuộc khởi nghĩa đầu tiên đánh đổ sự đô hộ của các triều đại phong kiến phương Bắc suốt từ thời Triệu Đà dùng mưu hèn kế bẩn để xâm chiếm nước ta đến lúc ấy, xây dựng quốc gia tự chủ, độc lập:

Đô kỳ đóng cõi Mê Linh

Lĩnh Nam riêng một triều đình nước ta

Không chỉ trong truyện Nôm, dã sử, ngay trong chính sử, dù phải viết với văn phong cô đọng và khách quan, nhưng các bộ sử của nhiều triều đại trước vẫn dành những dòng trang trọng để nói về cuộc khởi nghĩa của Hai Bà. Hãy xem Việt Nam sử lược của Trần Trọng Kim viết:

“Năm Giáp Ngọ (năm 34 sau Tây lịch), vua Quang Vũ (nhà Đông Hán) sai Tô Định sang làm thái thú quận Giao Chỉ. Tô Định là người bạo ngược, người Giao Chỉ đã có lòng oán giận lắm. Năm Canh Tý (năm 40 sau TL), người ấy lại giết Thi Sách. Vợ Thi Sách là Trưng Trắc, con gái quan Lạc Tướng ở huyện Mê Linh, cùng em gái là Trưng Nhị, nổi lên đem quân đánh Tô Định. Chẳng bao lâu, Hai Bà hạ được 65 thành trì (Lĩnh Nam hơn sáu mươi thành, Hai Bà Trưng thị dẹp bình như không), và tự xưng làm vua, đóng đô ở Mê Linh là chỗ quê nhà. Tô Định phải chạy về Tầu”.

Trên địa bàn tỉnh Hưng Yên có hàng trăm ngôi đình, đền thờ các danh tướng của Hai Bà Trưng. Có những vị tướng, đã được dân gian tôn thờ không chỉ như một vị anh hùng dân tộc, mà còn như một thiên thần, cai quản một cõi riêng trong đạo Mẫu như bà Bát Nàn ở đền Ỷ La. Những pho thần phả ghi công tích của các vị thần tướng ấy, đều có những dòng nói về hành trạng của hai vị Vua Bà. Tuy nhiên, để nói nhiều về hành trạng của Hai Bà thì chỉ có ở bản thần phả đền Ngò và các giai thoại ở Phụng Công là khá chi tiết. Cũng chính tại các giai thoại này, ta lại bắt gặp phảng phất đâu đó màu sắc của các giai thoại ở quê hương của Hai Bà. Ở Hát Môn (Mê Linh, Hà Nội), có những cánh đồng mang tên cổ, mà chỉ huyền tích dân gian ở đây mới giải thích được. Đó là cánh đồng Dai là nơi quân ta và quân địch đánh nhau dai dẳng, cánh đồng Đống là nơi xác giặc chết chất thành đống, cánh đồng Vỡ là nơi đại quân của Tô Định bị vỡ trận, cánh đồng Đỗi là nơi quân tiếp viện của Hai Bà kéo đến thì giặc đã tan, không phải đánh nữa (Đỗi là thừa, không được đánh). Ở Phụng Công cũng thế, truyền thuyết kể rằng, trên đường hành binh tiến đánh thành Luy Lâu, đại quân của Hai Bà có qua vùng đất này. Hào trưởng làng Phụng Công lúc bấy giờ là Trần Cảnh đã cùng nhân dân trại Ngô (nay là làng Ngò) đốt đuốc trong đêm đón rước và phục vụ quân sĩ của Hai Bà. Sau đó, trai tráng trong làng  đua nhau theo Hai Bà ra trận. Ở Phụng Công đến giờ, vẫn còn các địa danh cánh Đồng Chầu là nơi dân làng ra chầu Bà; Giếng Dạ là giếng nước mà dân làng thức suốt đêm đào giếng lấy nước cho đại quân uống; Bãi Yến là nơi Hai Bà mở tiệc khao quân. Ngay đến cái tên làng- Phụng Công (có công phụng sự sự nghiệp của Hai Bà), cũng là do Hai Bà cảm kích trước công lao và tấm lòng trung nghĩa của người dân mà đặt cho.

Nếu như giống Mê Linh ở tên các cánh đồng, địa danh liên quan đến Hai Bà, thì Phụng Công lại trùng với làng Đồng Nhân (Hà Nội) ở các truyền thuyết và lệ tục khi tổ chức lễ hội. Điều này cũng dễ hiểu, bởi Phụng Công và Đồng Nhân là hai làng đã kết chạ từ xa xưa. Đền Đồng Nhân vốn là một ngôi chính từ thờ Hai Bà được các triều đại phong kiến xưa ưu ái tôn vinh bằng rất nhiều sắc phong, mỹ tự, như: “Trinh linh nhị phu nhân”, “Chế thắng nhị Trưng phu nhân”, “Hiển liệt chế thắng thuần bảo thuận”… Đặc biệt nhất là hai mỹ tự “Quảng giáo viên minh linh thạch Trưng Vương Phật” được phong vào năm Nguyên Hòa thứ nhất (1533) và “Lĩnh Nam liệt khái, thạch hóa chân dung” được phong vào năm Chính Hòa, đều vào thời Lê. Cả hai mỹ tự này, đều có từ “linh thạch” và “thạch hóa chân dung” bởi nó liên quan đến truyền thuyết về ngôi đền lớn này. Đó là khi Hai Bà trầm mình xuống sông Hát Giang đã hóa thành tượng đá, thường phát ra khí sáng, trôi mãi xuống gần địa phận làng Đồng Nhân khi ấy. Một đêm, phường chài đậu bên sông, nghe văng vẳng tiếng mắng “Thuyền bay ô uế lắm, nên lui xuống hạ lưu”. Vu Lý Anh Tông nghe tấu, sai người chèo thuyền ra đón rước, nhưng không được. Dân làng Đồng Nhân bèn lấy vải đỏ, làm lễ đón tượng vào. Tượng Hai Bà cao lớn và nặng, đầu đội mũ trụ, thân mặc áo giáp, tay giơ cao lên trời, một chân quỳ, một chân ngả. Vua Lý Anh Tông truyền cho dân làng dựng đền thờ tượng, lại phát cho đôi ngà để trang trí cho đôi voi thờ.

Có một điều đặc biệt là trong cả các câu chuyện truyền ngôn của làng Phụng Công lẫn làng Đồng Nhân đều kể rằng, khi làng Đồng Nhân cử 100 tráng đinh mang vải điều ra rước tượng Hai Bà vào bãi thì tình cờ có 38 người làng Phụng Công đi chợ qua thấy vậy bèn xúm vào giúp sức. Từ bấy, hai làng kết chạ với nhau, khi có hội, đều cử đại diện mang lễ vật sang làng nhau tham dự. Khi làng Đồng Nhân ra lấy nước sông Hồng về làm lễ mộc dục và chiêu tịch, thì làng Phụng Công cũng đưa thuyền ra hỗ trợ. Rồi ngày tế hội đồng thì không chỉ có Đồng Nhân mà cả 4 xã thờ Hai Bà là Hạ Lôi, Hát Môn, Đồng Nhân và Phụng Công đều lần lượt tiến hành, cứ đến làng nào thì làng đó được làm chủ tế, ba xã còn lại phụ tế. Khoảng cách địa lý giữa các làng, so với thời hiện tại thì không đáng kể, chứ vào thời xưa, khi phương tiện chỉ có đi bộ, đi ngựa, đi thuyền thì thật xa xôi diệu vợi. Thế mà, bằng lòng kính trọng, tôn thờ Hai Bà, 4 làng này vẫn thân nhau như ruột thịt, chưa năm nào bỏ lễ của nhau. 

Trong ngôi đình Đầu ở Phụng Công, có những bức đại tự treo trang trọng với hàm ý vinh danh công đức Hai Bà với đất nước, như: Trưng Thánh Vương điện; Vạn cổ anh linh; Thăng long định đỉnh; Chính khí quang minh. Đình Đầu có kiến trúc thời Lê, nhưng lần theo dấu vết của các bức đại tự này, ta nhớ rằng, có thể ngôi đình được cất dựng hoặc trùng tu sớm nhất là vào thời Tây Sơn. Bởi danh hiệu “Trưng Thánh vương” là danh hiệu mà vua Quang Trung đã phong cho Hai Bà, cùng với những lời ca ngợi rất đẹp:

“Quế Gia phỉ chấn anh thanh, thập bát thế tăng quang ư phả diệp. Mai Lĩnh mậu chương tuấn tích, lục thập thành kỷ phục ư Phong Đô. Trạc dương lưu vạn cổ thần quan, bồi cố thọ thiên thu quốc mạch” (Miền Quế Giao vang dậy tiếng anh linh, mười tám đời (Hùng Vương) rực rỡ sử sách. Đất Mai Lĩnh ngời sáng công tuấn kiệt, sáu mươi thành Phong Đô trả lại non sông. Ánh thần bàng bạc chiếu sáng ngàn đời, vận nước tài bồi vững bền muôn thuở).

Nếu như bức tượng Hai Bà ở đình Đầu cũng bằng đá, được tạo tác theo nguyên mẫu ở làng Đồng Nhân thì bức tượng Hai Bà ở đền Ngò (nơi thờ Hai Bà, cũng trong làng Phụng Công) lại có nhiều nét dị biệt. Tượng cao chừng hơn một mét, tư thế vươn nên phía trước, hai cánh tay tượng giơ cao ngang tầm mắt. Theo các cụ đồ Nho, đó là dấu hiệu của chữ Tràng Khoát (hay quảng khoát, khoảng khoát?) dụ trước ba quân, giữ vững sơn hà. Tượng Hai Bà lộng lẫy trong bộ lễ phục màu hồng, như đang toả ánh hào quang giữa lung linh đèn nến…

*

Qua đằng đẵng tháng năm, bia đá cũng đã mòn mờ, tứ linh rồi cũng rêu phong, tượng đá rồi cũng như phủ trần ai quá vãng. Nghìn năm thoảng qua như chớp mắt, chuyện hôm nay bỗng chốc ngày mai đã bị quên lãng. Nhưng trong cõi người huyền hoặc, những công tích của tiền nhân xa xưa lại cứ lồng lộng chói lòa mãi giữa nhân gian. Hôm nay và mai sau, chẳng phải riêng tôi, mà trong mỗi người dân đất Việt, vẫn văng vẳng trong lòng những câu ca giản dị: “Bà Trưng quê ở Châu Phong/ Giận ngươi tham bạo thù chồng chẳng quên…”

Văn Giang

 

 

Tin liên quan