Dân tộc Việt Nam ta đã có hàng nghìn năm lịch sử dựng nước và giữ nước. Trong trái tim mỗi người dân đất Việt, dù đi tận chân trời góc bể cũng không thể quên rằng trong mỗi thớ thịt, đường gân của mình là huyết quản của cha ông, của dòng giống Lạc Hồng. Từ câu chuyện mang đậm màu sắc thần thoại "Âu Cơ - Lạc Long Quân" đến những truyền thuyết "Sơn Tinh - Thuỷ Tinh", "Thánh Gióng", "Chử Đồng Tử - Tiên Dung"... tất cả đã đi vào tâm thức người dân Việt Nam như bản anh hùng ca mở đất, dựng nước và xây dựng cơ đồ, như bản tráng ca lịch sử đầu tiên của dân tộc. Khi sự cố kết cộng đồng để mưu sinh, để trị thuỷ ... đã đến một mức độ cao, hình thành nên Nhà nước đầu tiên của dân tộc Việt Nam, Nhà nước Văn Lang - Âu Lạc, thì những chiến công dựng nước và giữ nước không còn là những câu chuyện tưởng tượng, hoang đường nữa. Tất cả đã trở nên bất tử, lưu truyền từ đời này sang đời khác trong những trang Ngọc phả lịch sử của dân tộc.
Để có được một đất nước Việt Nam tươi đẹp, tự do và ấm no, hạnh phúc, kiêu hãnh và tự hào sánh vai cùng các quốc gia khác trên thế giớii như ngày hôm nay, không phải cha ông ta chỉ đi trên con đường trải đầy hoa và ánh sáng. Ngược lại, đến được cái đích hôm nay là cả một hành trình đấu tranh dài dặc, kiên cường suốt một ngàn năm Bắc thuộc, chống lại ách đô hộ và âm mưu đồng hoá của phong kiến phương Bắc. Những tên tuổi như Bà Trưng, Bà Triệu, Lý Bí, Mai Thúc Loan, Triệu Quang Phục... mãi mãi lưu truyền sử xanh, mãi mãi trở thành niềm tự hào của các thế hệ người Việt Nam sau này. Năm 938, với chiến thắng lẫy lừng của Ngô Quyền trên sông Bạch Đằng (chống quân Nam Hán), một trang sử mới của dân tộc đã được mở ra. Đó là thời kỳ quốc gia phong kiến Đại Việt độc lập, tự chủ. Hết triều đại này đến triều đại khác liên tiếp nối ngôi nhau, lúc hưng thịnh, khi suy vong, song đã làm nên nhiều trang vàng chiến công chói lọi, làm dày thêm nền văn hiến của dân tộc. Đúng như vị quân sư đại nhân, đại nghĩa, đại dũng của cuộc khởi nghĩa Lam Sơn, Nguyễn Trãi, đã từng tổng kết:
... Từ Triệu, Đinh, Lý, Trần bao đời gây nền độc lập
Cùng Hán, Đường, Tống, Nguyên mỗi bên xưng đế một phương
Tuy mạnh yếu từng lúc khác nhau
Song hào kiệt thời nào chẳng có...
(Cáo Bình Ngô)
Tuy vậy, việc duy trì quá lâu chế độ phong kiến chuyên chế tập quyền lại không phải là động lực để thúc đẩy xã hội tiến bộ. Bản chất của nhà nước phong kiến tập quyền ở Việt Nam thời kỳ trung đại là quyền lực tập trung trong tay nhà vua. Dưới vua có một bộ máy quan lại giúp việc. Vua chỉ ở dưới một người (trời) mà trên tất cả mọi người. Song người ở trên vua ấy lại là một đấng vô hình. Vì vậy, vô hình chung, vua là đại diện cao nhất, có sức mạnh to lớn nhất. Vua bảo sao phải làm vậy, bảo chết phải chết, không chết thì bị khép vào tội bất trung, phản nghịch. Trên ngôi cao chín bệ, không thể tránh khỏi chỉ nghe lời thuận lỗ tai, càng không tránh khỏi sự quan liêu, xa rời dân. Thế nên, không có triều đại nào mà cuối cùng không bị suy vong bởi sự suy đồi, ăn chơi, hưởng lạc của bọn vua chúa, nhất là sự lộng hành của bọn quan lại biến chất, xấu xa... Theo bước tiến tất yếu của lịch sử, chế độ phong kiến không thể là sự lựa chọn mô hình nhà nước cuối cùng của quần chúng nhân dân lao động.
Năm 1858, thực dân Pháp nổ súng xâm lược nước ta. Sự hèn nhát của vua quan nhà Nguyễn đã nhanh chóng biến nước ta trở thành nước thuộc địa của thực dân Pháp. Với âm mưu nham hiểm và thâm độc, kẻ thù không những duy trì chế độ phong kiến ở Việt Nam mà còn kìm hãm không để cho Việt Nam phát triển các ngành công nghiệp. Với một nền chính trị đặc biệt hà khắc (thực dân Pháp áp dụng chính sách chia để trị, chia nước ta thành ba kỳ với ba chế độ chính trị khác nhau hòng dễ bề cai trị), một nền kinh tế què quặt, nhân dân ta phải chịu một cổ hai tròng (khi phát xít Nhật nhảy vào Đông Dương thì nhân dân ta phải chịu một cổ ba tròng). Đời sống nhân dân vô cùng khổ cực, lầm than... Lòng dân oán hận, căm thù quân sâu mọt bán nước và cướp nước sâu sắc, chỉ chờ một cơn gió thổi bùng lên thành ngọn lửa đấu tranh.
Giữa lúc đó, dưới sự lãnh đạo của Nguyễn Ái Quốc, Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời (3/2/1930) đáp ứng lòng mong mỏi của đông đảo quần chúng nhân dân và những người Việt Nam yêu nước. Đảng Cộng sản Việt Nam đã nhanh chóng tập hợp được một lực lượng to lớn, kiên trì, bền bỉ và sáng tạo lãnh đạo phong trào đấu tranh cách mạng của nhân dân ta đi đến những thắng lợi vĩ đại.
Chỉ mới 15 năm sau ngày ra đời, Đảng đã dẫn dắt nhân dân ta giành được chiến thắng trong Tổng khởi nghĩa giành chính quyền tháng Tám năm 1945. Ngày 2/9/1945, một Nhà nước mới lần đầu tiên ra đời ở Việt Nam nói riêng và ở Đông Nam châu Á nói chung, đó là Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà. Đây là một sự kiện có ý nghĩa trọng đại đối với mỗi người dân lao động. Từ đây, Nhà nước này không còn là của riêng một cá nhân nào nữa, mà là của chung tất cả mọi người, vì tất cả mọi người...
Chính vì sự vĩ đại và tiến bộ của hình thái nhà nước mới này mà hàng chục triệu con người Việt Nam đã đồng lòng theo Đảng, Bác Hồ trong suốt hai cuộc kháng chiến trường chinh chống Pháp và chống Mỹ, giành thắng lợi, giữ vững nền độc lập dân tộc và tiến lên xây dựng Nhà nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa, một nhà nước thực sự "của dân, do dân và vì dân". Đồng thời, vượt qua bao khó khăn, thử thách, đưa đất nước vững vàng tiến lên qua cơn hiểm nghèo của cuộc khủng hoảng kinh tế - chính trị những năm 80 của thế kỷ XX cùng ảnh hưởng không nhỏ từ những biến động trên thế giới do sự sụp đổ của Liên Xô, thực hiện thắng lợi công cuộc đổi mới đất nước do Đảng khởi xướng và lãnh đạo.
Mới đó mà đã 90 năm “đời ta có Đảng”. Nhìn lại những trang sử hào hùng của dân tộc từ khi có Đảng, không khỏi xúc động, tự hào và kiêu hãnh “Đảng là đạo đức, là văn minh”...
Cuộc sống hôm nay tuy còn nhiều khó khăn, thách thức, song lớp lớp người Việt Nam luôn ngẩng cao đầu tiến bước lên phía trước với niềm tin vững chắc vào Đảng quang vinh, vào tiền đồ của Tổ quốc thân yêu:
“Những ngày tôi sống đây là những ngày đẹp nhất
Dù mai đây, đời muôn vạn lần hơn”...
(Chế Lan Viên)
Niềm tin ấy không chỉ được nuôi dưỡng từ mạch nguồn truyền thống mà còn xuất phát từ sự vững mạnh của Đảng Cộng sản Việt Nam và sự đồng thuận, tin yêu của nhân dân với Đảng. Bởi lẽ, chưa có dân tộc nào trên thế giới khi nói đến Đảng, nhân dân lại có một sự trân trọng, tự hào, yêu quý như dân tộc Việt Nam. Hai chữ “Đảng ta” thật thiêng liêng, gắn sâu trong tâm thức của các thế hệ người Việt 90 năm qua. Điều ấy cũng như một sự tất yếu, vì Đảng là do Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu - vị lãnh tụ thiên tài của dân tộc Việt Nam sáng lập. Đảng ra đời là sự kiện lịch sử trọng đại, một bước ngoặt vô cùng quan trọng trong lịch sử cách mạng Việt Nam, đánh dấu một mốc son chói lọi trên con đường xây dựng và phát triển của dân tộc ta. 90 năm qua, Đảng đã phấn đấu không ngừng, luôn xứng đáng là “người đày tớ, người lãnh đạo thật trung thành của nhân dân”, “là đạo đức, là văn minh”.
Vẫn biết rằng, trên lộ trình đất nước hội nhập quốc tế, nhân dân ta sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức, đòi hỏi Đảng ta phải vững vàng, có tầm nhìn, quyết sách chiến lược để có sự bền vững trong mỗi bước đi, giữ vững nguyên tắc bất di bất dịch: Bảo vệ vị thế, sự toàn vẹn lãnh thổ ngàn năm, chủ quyền Tổ quốc thiêng liêng và lợi ích vô giá của dân tộc, của đất nước và của nhân dân ta, dù trong bất cứ điều kiện nào. Để làm được trọng trách ấy, đòi hỏi Đảng càng phải chăm lo và giữ gìn mối quan hệ máu thịt, sinh tử giữa Đảng với nhân dân hơn bao giờ hết.
Một mùa xuân mới lại về, đánh thức những khát khao cống hiến trong từng bầu máu nóng tràn căng nhựa sống của mỗi cán bộ, đảng viên và người dân Việt Nam yêu nước. Giữa mùa xuân của đất trời, lòng người cũng lâng lâng, chung niềm hạnh phúc cùng mùa xuân của Đảng và dâng Đảng trọn vẹn niềm tin, tin vào truyền thống, tin ở bản lĩnh, tin ở sức mạnh đoàn kết của Đảng - chìa khóa để tạo nên những thành công tiếp nối thành công.
Thanh Mai