KỶ NIỆM 80 NĂM NGÀY THÀNH LẬP QUÂN ĐỘI NHÂN DÂN VIỆT NAM (22/12/1944 - 22/12/2024) VÀ 35 NĂM NGÀY HỘI QUỐC PHÒNG TOÀN DÂN (22/12/1989 - 22/12/2024)
Tin tức hoạt động
Đăng ngày: 07/07/2022 - Lượt xem: 93
WHO đưa ra cảnh báo mới về đại dịch COVID-19

Số ca mắc COVID-19 trên toàn cầu đã tăng gần 30% trong 2 tuần qua, với các biến thể phụ của Omicron là BA.5 và BA.4 đang trở thành chủng thống trị ở Mỹ và châu Âu. Đã đến lúc cộng đồng thế giới cần hành động để chặn đứng sự gia tăng của các ca lây nhiễm.

Đây là thông điệp do Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus đưa ra trong cuộc họp báo ngày 6/7. Ông Tedros cho biết ngay cả khi vẫn phát huy hiện quả trong việc ngăn ngừa các triệu chứng nặng và tử vong do COVID-19 thì khả năng bảo vệ của vaccine sẽ giảm dần khi virus SARS-CoV-2 tiến hóa.
 “Sự suy giảm miễn dịch đã nhấn mạnh tầm quan trọng của các mũi tiêm tăng cường, đặc biệt là đối với những người có nguy cơ cao nhất” – người đứng đầu WHO nêu rõ.
Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus. (Ảnh: Reuters)
Biến thể phụ BA.5 và BA.4 đang tạo nên các làn sóng lây nhiễm mới tại Châu Âu và Mỹ
Về diễn biến cụ thể của dịch bệnh trên toàn thế giới, ông Tedros cho biết, các biến thể phụ của Omicron là BA.5 và BA.4 đang tạo nên các làn sóng lây nhiễm mới tại Châu Âu và Mỹ. Trong khi đó, biến thể BA.2.75 – một dòng phụ thế hệ thứ hai của Omicron đã xuất hiện ở nhiều nước trên thế giới, trong đó có Ấn Độ.
Đề cập tới nguyên nhân khiến số ca nhiễm COVID-19 gia tăng trở lại trên phạm vi toàn cầu, người đứng đầu WHO chỉ ra rằng, việc xét nghiệm COVID-19 đang bị buông lỏng tại một số nước trên thế giới và điều này đã khiến chúng ta bị “mù mờ” trước tình hình lây nhiễm của virus cũng như gánh nặng thực sự mà đại dịch COVID-19 đang gây ra đối với toàn thế giới. Việc cắt giảm các hoạt động xét nghiệm cũng khiến các ca nhiễm COVID-19 không được tiếp cận với các phương pháp điều trị đủ sớm để giúp ngăn ngừa bệnh chuyển nặng hoặc tử vong.
Một nguyên nhân khác được ông Tedros chỉ ra đó là, các phương pháp điều trị mới, đặc biệt là thuốc kháng virus đường uống mới đầy hứa hẹn, vẫn chưa tiếp cận được với các nước có thu nhập thấp và trung bình thấp. Điều này đã khiến toàn bộ dân số tại các nước này bị “bỏ lỡ” các phương pháp mới để điều trị COVID-19.
Ông Tedros cho biết, hiện WHO đang phối hợp với Quỹ toàn cầu (Global Fund) và Quỹ nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) để phát triển một cơ chế phân bổ nhằm hỗ trợ các quốc gia khi thuốc kháng virus có sẵn.
 Ảnh minh họa: gavi.org
“Cho đến nay, 20 quốc gia đã chấp nhận việc phân bổ thuốc kháng virus Molnupiravir… Trong khi đó, 43 quốc gia đã bày tỏ sự quan tâm đối với thuốc Nirmatrelvir-Ritonavir  hoặc Paxlovid… Tuy nhiên, các tổ chức của chúng tôi vẫn đang cố gắng đàm phán để hoàn tất với Pfizer các điều khoản thích hợp đối với các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình” - ông Tedros nói.
Người đứng đầu WHO lo ngại, ngoài các thủ tục có khả năng trì hoãn khả năng tiếp cận, thì việc một số quốc gia đang có ý chờ phiên bản chung của thuốc kháng virus, có thể chỉ có sẵn vào đầu năm 2023 đang khiến chúng ta phải  trả giá bằng mạng sống. Qua đó, ông kêu gọi Pfizer hợp tác chặt chẽ với các cơ quan y tế và các quốc gia để đảm bảo thuốc kháng virus đường uống mới của hãng này sẽ có sẵn một cách nhanh chóng và hiệu quả.
Các khuyến nghị của WHO                                
Từ những lập luận trên, người đứng đầu WHO kêu gọi hành động ở cấp độ toàn cầu, quốc gia và khu vực để giải quyết thách thức mà đại dịch COVID-19 gây ra đối với con người. Đồng thời, ông cũng kêu gọi các nước thực hiện việc tiêm liều vaccine bổ sung cho những người có nguy cơ cao, gồm người cao tuổi và các nhân viên y tế, hướng đến xây dựng “bức tường miễn dịch” cho toàn bộ dân số.
Tổng Giám đốc WHO khuyến cáo người dân cần tiếp tục thực hiện nghiêm túc việc đeo khẩu trang ở nơi đông người cũng như ở nơi có hệ thống thông gió kém. Đặc biệt nếu bạn đang ở một nơi có số ca nhiễm COVID-19 đang gia tăng, hãy áp dụng các biện pháp chăm sóc sức khỏe cộng đồng để giảm thiểu rủi ro. Tiếp theo là thúc đẩy quá trình nghiên cứu và phát triển vaccine, thử nghiệm và phương pháp điều trị thế hệ tiếp theo.
Người đứng đầu WHO cho biết, tổ chức này đang phối hợp với các nhà khoa học và nhà nghiên cứu trên khắp thế giới để hiện thực hóa các mục tiêu trên. Chúng ta không biết virus sẽ tiếp tục tiến hóa ra sao và xuất hiện các biến thể mới nào. Điều này đòi hỏi chúng ta phải áp dụng các công cụ hiện có và nhanh chóng tìm ra các phương thức mới để ứng phó với các diễn biến tiếp theo của đại dịch./.
Nguồn: https://dangcongsan.vn/
 

 

Tin liên quan