"Với các thông báo mới liên tục về các trường hợp mắc bệnh gần đây, cùng với việc tiếp nhận thông tin về các trường hợp mắc mới ở các quốc gia khác, rất có thể sẽ có thêm nhiều ca mắc bệnh được ghi nhận trước khi nguyên nhân cụ thể được xác định và các biện pháp phòng ngừa cụ thể hơn được áp dụng” – thông báo của WHO nêu rõ.
Những thông tin ban đầu về căn bệnh viêm gan lạ
|
Indonesia công bố 3 trẻ nghi mắc bệnh viêm gan bí ẩn đã tử vong tại Jakarta trong tháng Tư. (Nguồn: Shutterstock) |
Ngày 15/4, WHO đã phát đi cảnh báo về các trường hợp viêm gan cấp tính nghiêm trọng không rõ nguyên nhân tại Anh, ảnh hưởng đến nhóm trẻ em từ 1 tháng đến 16 tuổi. Kể từ sau thời điểm trên, đã có thêm nhiều báo cáo bổ sung về các trường hợp tương tự được ghi nhận tại các nước gồm: Anh, Tây Ban Nha, Israel, Mỹ, Đan Mạch, Ireland, Hà Lan, Italia, Na uy, Pháp, Romania, Bỉ, Indonesia, Panama, Bồ Đào Nha và Brunei.
Các triệu chứng của bệnh viêm gan lạ bao gồm đau bụng, tiêu chảy, nôn mửa, vàng da, viêm gan cấp tính nặng và tăng nồng độ men gan. Tuy nhiên, WHO cũng chỉ ra rằng các virus thường gây bệnh viêm gan virus cấp tính đã không được phát hiện trong các trường hợp mắc bệnh viêm gan lạ.
Theo phân tích của WHO, viêm gan là tình trạng gan bị viêm. Có những căn nguyên hoặc nguyên nhân khác nhau có thể dẫn đến tình trạng viêm này, chẳng hạn như nhiễm trùng, say thuốc hoặc các chất gây nghiện. Các tác nhân lây nhiễm liên quan thường xuyên nhất là các virus gây viêm gan A, B, C, D và E.
Ngày 10/5, WHO cho biết đã xác định 348 ca bệnh có thể mắc viêm gan không rõ nguồn gốc trên toàn thế giới, trong bối cảnh nhiều nghiên cứu đang tìm hiểu vai trò tiềm tàng của virus adeno và lây nhiễm COVID-19.
Chuyên gia Philippa Easterbrook thuộc chương trình viêm gan toàn cầu của WHO cho biết trong tuần qua đã có nhiều tiến triển quan trọng, với các cuộc điều tra sâu hơn và một số sàng lọc rõ ràng về các giả thuyết về nguyên nhân của bệnh. Theo bà Easterbrook, Anh đã điều phối một loạt nghiên cứu toàn diện về di truyền học ở những em nhỏ mắc bệnh, phản ứng miễn dịch, virus cũng như nghiên cứu về dịch tễ sâu hơn. Theo đó, các giả thuyết hàng đầu về nguyên nhân của bệnh viêm gan bí ẩn này hiện nghiêng về phía virus adeno dù vẫn có sự cân nhắc đáng kể về vai trò của COVID-19 như một bệnh đồng nhiễm hoặc từng mắc trước đó.
Trong khi đó, ông Jay Butler, Phó giám đốc phụ trách các bệnh truyền nhiễm của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC), cho biết một số nguyên nhân phổ biến của bệnh viêm gan virus đã được xem xét, nhưng không được tìm thấy trong bất kỳ trường hợp nào. Các nghiên cứu của CDC cho thấy virus adeno đã được phát hiện trong hơn 50% các trường hợp mắc bệnh, mặc dù nó chưa được xác nhận là nguyên nhân thực sự gây bệnh viêm gan lạ.
Tiến sỹ Upton Allen, người đứng đầu bộ phận bệnh truyền nhiễm tại bệnh viện nhi SickKids ở Toronto (Canada), lưu ý rằng virus adeno có thể tồn tại không hoạt động trong cơ thể rất lâu sau khi bị nhiễm.
“Nếu bạn mắc một căn bệnh nghiêm trọng, nếu hệ thống miễn dịch của bạn bị rối loạn vì bất cứ lý do gì, thì có thể do virus thức dậy trong cơ thể bạn và bạn có thể phát hiện ra nó trong máu. Bạn có thể nghĩ đó là nguyên nhân gây ra bệnh, nhưng lại không phải… Vì thế, chúng tôi đang cố gắng xem xét và đánh giá một cách cẩn thận, để có thể hiểu rõ ràng liệu virus adeno có phải chỉ là một kẻ ngoài cuộc vô tội vừa thức giấc hay đó chính là thủ phạm” – Tiến sỹ Allen nói.
Không có mối liên hệ giữa bệnh viêm gan lạ với vaccine hoặc COVID-19
Trước những thắc mắc về việc liệu bệnh viêm gan cấp có thể liên quan đến vaccine COVID-19 hoặc COVID-19 hay không, WHO và một số quốc gia đã đưa ra kết luận sơ bộ và câu trả lời là “không”.
WHO khẳng định: “Dựa trên thông tin hiện tại, hầu hết trẻ các ca nhiễm ở em được báo cáo đều chưa được tiêm COVID-19. Điều đó đã loại trừ mối liên hệ giữa các ca bệnh và việc tiêm chủng vào thời điểm này… Trong một số trường hợp, người ta đã phát hiện thấy xuất hiện của virus SARS-CoV-2 và đây là một trong những hướng điều tra cùng với những giả thuyết khác như virus adeno”.
Theo kết luận của Bộ Y tế Brunei, viêm gan cấp tính không phải là một trong những đặc điểm chung của việc nhiễm COVID-19 ở trẻ em hoặc một biến chứng của việc tiêm chủng COVID-19 ở trẻ em, trong khi CDC cũng đã loại trừ COVID-19 là một yếu tố gây ra căn bệnh viêm gan lạ.
Hiện WHO đang làm việc với các quốc gia và đối tác để cân nhắc về một loạt các yếu tố nhằm giải thích căn bệnh viêm gan lạ. Một trong những giả thuyết hàng đầu là virus adeno – vốn là một nhóm virus phổ biến lây lan từ người sang người gây ra các triệu chứng về đường hô hấp, nôn mửa và tiêu chảy ở trẻ em. Tuy nhiên, theo WHO thì hiện giả thuyết nghiêng về virus adeno không giải thích được toàn bộ vấn đề, xét theo khía cạnh lâm sàng. Đã có báo cáo về trường hợp viêm gan ở trẻ em bị suy giảm miễn dịch do nhiễm virus adeno, tuy nhiên, đây là một nguyên nhân khác thường gây viêm gan nặng ở những trẻ khỏe mạnh.
Các yếu tố như tăng tính nhạy cảm ở trẻ nhỏ sau khi mức độ lưu hành của virus adeno thấp hơn trong đại dịch COVID-19, khả năng xuất hiện của virus adeno chủng mới, cũng như đồng nhiễm SARS-CoV-2, là các giả thuyết cần được nghiên cứu thêm.
Lời khuyên dành cho chính phủ các nước và các bậc phụ huynh
Học sinh tiểu học sát khuẩn tay sau khi tan học ở Jakarta, Indonesia. (Ảnh minh họa: Reuters)
Theo WHO, điều quan trọng nhất để bảo vệ trẻ em là "chú ý đến các triệu chứng, chẳng hạn như tiêu chảy hoặc nôn mửa, và màu sắc của cơ thể. Nếu có dấu hiệu vàng da – tức là khi da và lòng trắng của mắt chuyển sang màu vàng, cần được chăm sóc y tế ngay lập tức”.
“Chúng tôi khuyến nghị thực hiện các biện pháp vệ sinh cơ bản như rửa tay và che miệng khi ho hoặc hắt hơi để ngăn ngừa nhiễm trùng, điều này cũng có thể bảo vệ chống lại sự lây truyền của virus adeno" – WHO nêu rõ.
Đối với các quốc gia đang hành động theo hướng ngăn chặn sự lây lan của bệnh, thì khuyến nghị của WHO là luôn cập nhật thông tin và theo dõi các ca bệnh. Công việc tiếp theo là xác định các trường hợp mắc bệnh bổ sung, cả ở các quốc gia hiện đang bị ảnh hưởng, nhưng cũng ở những nơi khác. Theo WHO, ưu tiên hiện nay là xác định nguyên nhân gây bệnh để có thể đưa ra điều chỉnh thêm về các biện pháp kiểm soát và phòng ngừa./.