Ngày 14.9, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức hội nghị trực tuyến xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và đầu tư công năm 2022 vùng đồng bằng sông Hồng và Trung du, miền núi phía Bắc (viết tắt là vùng). Dự hội nghị tại điểm cầu Hưng Yên có đồng chí Đặng Ngọc Quỳnh, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh.
Các đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu Hưng Yên
Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, từ đầu năm đến nay, dịch Covid-19 diễn biến phức tạp ở nhiều địa phương trong cả nước, tác động tiêu cực, kéo dài, ảnh hưởng đến nhiều ngành, nhiều lĩnh vực. Trước thực trạng trên, các địa phương trong vùng đã có nhiều sáng tạo, kiểm soát dịch bệnh, thực hiện tốt "mục tiêu kép" vừa phòng, chống dịch, bảo vệ sức khoẻ nhân dân, vừa phát triển kinh tế - xã hội. Kết quả, tốc độ tăng trưởng kinh tế 6 tháng đầu năm toàn vùng đạt 7,67%, cao hơn bình quân cả nước trên 2%. Trong 8 tháng năm 2021, tổng thu ngân sách nhà nước ước đạt 356 nghìn tỷ đồng, chiếm 33,5% tổng số thu của cả nước, kim ngạch xuất khẩu đạt 72 tỷ USD. Môi trường đầu tư kinh doanh tiếp tục được cải thiện. Các chính sách an sinh xã hội được quan tâm thực hiện. Kế hoạch vốn ngân sách nhà nước năm 2021 của vùng được giao là trên 89,63 nghìn tỷ đồng, đến ngày 31.8 đã giải ngân đạt 52,9%. Tuy nhiên, nguồn vốn ngân sách Trung ương mới giải ngân đạt 23,5%, vốn đầu tư ODA giải ngân đạt 3,6%.
Những tháng cuối năm 2021, toàn vùng phấn đấu tập trung thực hiện "mục tiêu kép" vừa phòng, chống dịch Covid-19, vừa phục hồi, phát triển kinh tế; tiếp tục thực hiện các giải pháp thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công theo chỉ đạo của Chính phủ; hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp bảo đảm sản xuất, kinh doanh, duy trì tăng trưởng; tăng cường công tác quản lý thu ngân sách nhà nước, quản lý dự án đầu tư công, kiểm tra, xử lý các dự án triển khai chậm tiến độ, sử dụng đất không hiệu quả…
Năm 2022, các địa phương trong vùng đề ra một số chỉ tiêu chính phát triển kinh tế - xã hội, trong đó phấn đấu tốc độ tăng tổng sản phẩm trong nước (GRDP) đạt 7,91%; tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 98 tỷ USD; thu ngân sách nhà nước đạt trên 518 nghìn tỷ đồng; tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 75%... Tổng nhu cầu vốn ngân sách nhà nước của các địa phương đầu tư công là gần 121,7 nghìn tỷ đồng, gấp 1,36 lần so với kế hoạch năm 2021.
Để đạt được mục tiêu trên, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị các địa phương trong khu vực cần thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp như: Tiếp tục cơ cấu lại ngành công nghiệp tập trung theo hướng phát triển công nghiệp mũi nhọn của vùng; cơ cấu lại ngành du lịch toàn vùng; khuyến khích tích tụ ruộng đất để tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển vùng sản xuất hàng hóa tập trung, vùng chuyên canh với quy mô lớn; điều chỉnh cơ cấu trong thu hút đầu tư; hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa tiếp cận các chính sách ưu đãi, phục hồi sản xuất, kinh doanh; tăng cường huy động vốn đầu tư từ các hình thức đầu tư BOT, PPP, công tác lập quy hoạch, xây dựng kết cấu hạ tầng…
Nguồn: http://baohungyen.vn/