KỶ NIỆM 80 NĂM NGÀY THÀNH LẬP QUÂN ĐỘI NHÂN DÂN VIỆT NAM (22/12/1944 - 22/12/2024) VÀ 35 NĂM NGÀY HỘI QUỐC PHÒNG TOÀN DÂN (22/12/1989 - 22/12/2024)
Tin tức hoạt động
Đăng ngày: 11/11/2021 - Lượt xem: 81
Xét nghiệm phát hiện SARS-CoV-2: Những vấn đề cần quan tâm

Xét nghiệm phát hiện SARS-CoV-2 có ý nghĩa quan trọng trong chiến lược phòng ngừa, giám sát, khống chế dịch cũng như chẩn đoán, điều trị người bệnh COVID-19. Để tối ưu hiệu quả, chi phí của xét nghiệm, cần quan tâm đến nhiều yếu tố cả về nhân lực, trang thiết bị, sinh phẩm cũng như hoá chất, vật tư tiêu hao và chỉ định xét nghiệm.

Ảnh minh họa
Từ cuối năm 2019 đến nay, đại dịch COVID-19 vẫn đang diễn ra rất phức tạp ở nhiều quốc gia và gây ra gánh nặng lớn về sức khỏe, kinh tế và xã hội. Theo thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới, cho đến ngày 30 tháng 10 năm 2021, thế giới đã ghi nhận 246 triệu trường hợp nhiễm COVID-19 và gần 5 triệu người tử vong. Châu Á đã trở thành điểm nóng với tổng số ca mắc mới nhiều nhất thế giới. Trong đó, Việt Nam đã ghi nhận 910.000 ca mắc và 21.966 trường hợp tử vong liên quan đến COVID-19. Các đợt bùng phát dịch về sau ngày càng có diễn biến phức tạp, khi mà số ca nhiễm tăng nhanh trong thời gian ngắn, có nhiều nguồn lây và có sự xuất hiện của nhiều biến chủng cùng lúc. Đến thời điểm hiện tại, Việt Nam đã cơ bản khống chế dịch và chuyển sang trạng thái thích ứng linh hoạt, an toàn và kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19.
Xét nghiệm phát hiện SARS-CoV-2 là một thành phần quan trọng trong chiến lược phòng ngừa và kiểm soát tổng thể đối với COVID-19 bên cạnh các biện pháp khác như giãn cách, tăng cường tiêm vắc xin, điều trị và an sinh xã hội. Xét nghiệm sàng lọc, khẳng định các trường hợp mới nhiễm nhằm bóc tách các trường hợp mắc mới trong cộng đồng, cách ly và truy vết người nhiễm SARS-CoV-2, cắt đứt nguồn lây là chìa khóa quan trọng đối với chiến lược phòng ngừa và kiểm soát tổng thể dịch COVID-19, góp phần đưa cuộc sống trở lại trạng thái bình thường mới. Tăng cường xét nghiệm nhằm giảm thiểu nguy cơ lây truyền, quản lý người bệnh, đẩy lùi và kiểm soát được dịch bệnh, qua đó tạo điều kiện thuận lợi cho phục hồi và phát triển các hoạt động kinh tế - xã hội và nâng cao khả năng đáp ứng, chủ động đối phó với các dịch bệnh và thảm họa sức khỏe trong tương lai.
Tổ chức Y tế Thế giới khuyến cáo, mỗi quốc gia nên xây dựng một chiến lược xét nghiệm riêng phù hợp với các mục tiêu đặt ra và có thể điều chỉnh theo những thay đổi về tình hình dịch tễ học, các nguồn lực và công cụ sẵn có, bối cảnh cụ thể của mỗi quốc gia. Điều quan trọng là tất cả xét nghiệm phát hiện SARS-CoV-2 phải hỗ trợ các hoạt động y tế cộng đồng, khám chữa bệnh nhằm đảm bảo hoạt động chăm sóc sức khỏe cho nhân dân và thực hiện cách ly, truy vết, phá vỡ chuỗi lây truyền.
Xét nghiệm là một công cụ quan trọng trong việc phát hiện tác nhân gây bệnh, tìm hiểu sự lây truyền của vi rút, hướng dẫn và giám sát các biện pháp kiểm soát sức khỏe cộng đồng và quản lý điều trị bệnh nhân.
Dịch bệnh COVID-19 đã đặt ra nhu cầu rất lớn về cơ sở hạ tầng phòng xét nghiệm, nhân lực và yêu cầu mở rộng năng lực xét nghiệm nhanh chưa từng có để phát hiện SARS-CoV-2 ở tất cả các mức độ của hệ thống chăm sóc sức khỏe của mỗi quốc gia.
Bài viết này đề cập đến các kỹ thuật xét nghiệm hiện có đang được ứng dụng để phát hiện vi rút SARS-CoV-2 hiện nay cũng như một số vấn đề cần quan tâm.
Có 3 nhóm kỹ thuật xét nghiệm chủ yếu để phát hiện SARS-CoV-2 hiện nay:
Một là, phát hiện RNA của vi rút bằng kỹ thuật sinh học phân tử (phổ biến là Realtime RT-PCR).
Hai là, phát hiện kháng nguyên vi rút bằng kỹ thuật miễn dịch hay còn gọi là test nhanh kháng nguyên.
Ba là, phát hiện kháng thể đặc hiệu với SARS-CoV-2 bằng kỹ thuật huyết thanh học, chẳng hạn như test nhanh kháng thể, ELISA hoặc xét nghiệm miễn dịch hóa phát quang hoặc điện hóa phát quang (CLIA).
KỸ THUẬT XÉT NGHIỆM NÀO LÀ PHÙ HỢP NHẤT?
Việc sử dụng kỹ thuật xét nghiệm nào cho đối tượng nào và trong trường hợp nào là phù hợp là câu hỏi được đặt ra. Câu trả lời là, chỉ định xét nghiệm phù hợp phải kết hợp với Yếu tố dịch tễ học cùng với Triệu chứng lâm sàng, có thể phân thành (1) nhóm không có triệu chứng, (2) nhóm có triệu chứng nhẹ hoặc vừa, (3) nhóm có biểu hiện nặng. Chúng ta cũng cần phân loại người nguy cơ nhiễm thành nhóm cần chăm sóc y tế (tuỳ mức độ) hoặc chưa cần chăm sóc y tế. Ngoài ra, cần điều tra các trường hợp có nguy cơ khi họ đang trong giai đoạn ủ bệnh qua khai thác tiền sử phơi nhiễm. Nếu có điều kiện, có thể xét nghiệm để phát hiện đáp ứng của cơ thể với việc nhiễm vi rút.
Các kỹ thuật xét nghiệm phát hiện vật liệu di truyền (ARN) của vi rút
Hầu hết các kỹ thuật phát hiện vật liệu di truyền của vi rút là các kỹ thuật sinh học phân tử dựa vào nguyên lý khuếch đại gen (acid nucleic-ARN) của SARS-CoV-2. Kỹ thuật thường dùng nhất là Realtime RT- PCR (Polymerase Chain Reaction-Phản ứng chuỗi trùng hợp). Các kỹ thuật này phát hiện sự có mặt của ARN vi rút trong mẫu bệnh phẩm từ người (người bệnh/hoặc người nghi ngờ) nhiễm vi rút. Loại bệnh phẩm thường dùng nhất là dịch ở họng mũi (tỵ hầu) và họng miệng (khẩu hầu). Người ta dùng dụng cụ chuyên dụng-tăm bông đưa vào mũi với độ sâu nhất định để lấy dịch tỵ hầu và tăm bông đưa vào họng miệng của bệnh nhân để lấy dịch ở đây.
Theo khuyến cáo, để phát hiện SARS-CoV-2 bằng kỹ thuật Realtime PR- PCR người ta nên lấy cả hai loại bệnh phẩm này. Tuy nhiên, khả năng phát hiện vi rút ở dịch họng mũi cao hơn ở dịch họng miệng. Với bệnh nhân bị viêm phổi, ngoài hai loại dịch kể trên, một số loại dịch tiết ở đường hô hấp dưới như đờm, dịch rửa phế quản… cũng có thể được dùng để xét nghiệm. Một điều cần lưu ý là, khả năng cũng như tỷ lệ phát hiện SARS-CoV-2 ở từng loại bệnh phẩm, từng lần lấy bệnh phẩm sẽ khác nhau ngay cả ở cùng một người và khác nhau giữa người này với người khác. Đặc biệt, khả năng phát hiện được vi rút cũng thay đổi qua các giai đoạn của bệnh. Một số người bệnh bị viêm phổi có thể có kết quả phát hiện vi rút ở dịch họng mũi, họng miệng Âm tính nhưng có thể có kết quả Dương tính với xét nghiệm dịch ở đường hô hấp dưới hoặc bệnh phẩm khác như phân chẳng hạn.
Như vậy, độ nhạy của xét nghiệm trong thực tế của bất cứ kỹ thuật nào rất khó xác định chính xác (và chắc chắn là không được 100% như kỳ vọng về mặt lý thuyết). Kết quả của một xét nghiệm Âm tính cũng không có nghĩa là người đó không bị nhiễm vi rút. Nếu một kết quả xét nghiệm cho kết quả Dương tính, cũng cần phải xem xét khả năng Dương tính giả. Do vậy, việc phối hợp xét nghiệm với đánh giá các yếu tố trên lâm sàng cũng như tiền sử dịch tễ là rất quan trọng.
Ngoài ra, sự xuất hiện ARN của vi rút không đồng nghĩa với việc vi rút đó còn sống và tồn tại trong cơ thể người và cũng không đồng nghĩa với việc vi rút có thể lây truyền từ người này sang người khác. Kết quả xét nghiệm bằng kỹ thuật Realtime RT- PCR vẫn có thể vẫn Dương tính trong vài tuần đến vài tháng sau khi nhiễm lần đầu và có thể phát hiện nồng độ axit nucleic của vi rút ngay cả khi không thể nuôi cấy vi rút. Điều này cho thấy, sự hiện diện ARN của vi rút có thể không phải lúc nào cũng đồng nghĩa với khả năng lây nhiễm. Việc phát hiện ARN của SARS-CoV-2 từ bệnh phẩm là kỹ thuật tốt nhất cho tới nay để xác định người nhiễm vi rút.
Một điều quan trọng nữa cần lưu ý là độ chính xác của kỹ thuật bị ảnh hưởng bởi khá nhiều yếu tố khác nhau như khi lấy bệnh phẩm có đúng vị trí không, đủ lượng dịch, lượng vi rút trong dịch không, bệnh phẩm có được vận chuyển, bảo quản đảm bảo các điều kiện tối ưu không, việc xử lý bệnh phẩm có đúng quy định, RNA của vi rút có bị phá huỷ không, các khâu của quá trình xét nghiệm có được đảm bảo theo yêu cầu của Hệ thống quản lý chất lượng xét nghiệm tại cơ sở y tế hay không. Nếu toàn bộ các yếu tố trên được đảm bảo, việc xét nghiệm phát hiện SARS-CoV-2 giúp xác định người nhiễm, để chẩn đoán, điều trị, giám sát cũng như quản lý người bệnh và cộng đồng.
Với các kỹ thuật xét nghiệm nói chung, đặc biệt là các kĩ thuật phát hiện SARS-CoV-2, vẫn còn có những thách thức, những vấn đề chưa được thống nhất, cần cải tiến và hoàn thiện. Điều này cũng phù hợp với lý thuyết và thực tế vì đây là một vi rút mới, các nhà khoa học cần có thời gian để nghiên cứu, tăng cường hiểu biết để ngày càng cải tiến, hoàn thiện các kỹ thuật nhằm tăng độ nhạy, độ đặc hiệu cũng như giá trị của xét nghiệm.
Kỹ thuật Realtime RT- PCR là kỹ thuật có độ nhạy, độ đặc hiệu rất cao. Đây là xét nghiệm khẳng định và là “tiêu chuẩn vàng” trong chẩn đoán COVID-19. Tuy nhiên, để thực hiện kỹ thuật này, chúng ta cần nhân lực được đào tạo, thiết bị xét nghiệm chuyên dụng và cơ sở hạ tầng phù hợp. Ngoài sinh phẩm, hoá chất cho việc thực hiện xét nghiệm, cũng cần có những vật tư tiêu hao, sinh phẩm, hoá chất cho quá trình lấy bệnh phẩm, vận chuyển, bảo quản, xử lý bệnh phẩm cũng như tách chiết vật liệu di truyền. Có nhiều loại hoá chất, sinh phẩm khác nhau của nhiều công ty cũng như công nghệ khác nhau nên cũng ảnh hưởng đến thời gian, chất lượng, giá cả và tính khả thi khi thực hiện các xét nghiệm này.
Kỹ thuật phát hiện kháng nguyên vi rút
Xét nghiệm phát hiện kháng nguyên vi rút bằng kỹ thuật miễn dịch sắc ký là một xét nghiệm nhanh nhằm phát hiện sự hiện diện của một kháng nguyên virus SARS-CoV-2 (Ag) cụ thể. Xét nghiệm này cung cấp thông tin về tình trạng nhiễm vi rút hiện tại. Kháng nguyên Nucleocapsid protein (NP) là kháng nguyên đích của hầu hết các xét nghiệm phát hiện kháng nguyên virus SARS-CoV-2 hiện nay. Các xét nghiệm kháng nguyên hiện được phép thực hiện trên các mẫu tỵ hầu hoặc họng miệng. Các xét nghiệm kháng nguyên hiện nay được phép sử dụng tại chỗ (POC) như tại điểm sàng lọc, tại phòng xét nghiệm và tự xét nghiệm (xét nghiệm tại nhà, công sở…) và có thể áp dụng cho phần lớn các đối tượng. Đây là kỹ thuật xét nghiệm dễ dàng thực hiện, thường được áp dụng trong sàng lọc, không yêu cầu về thiết bị chuyên dụng và cơ sở vật chất. Xét nghiệm cho kết quả nhanh chóng trong vòng 15-30 phút và chi phí ít tốn kém hơn xét nghiệm Realtime RT-PCR vì ngoài yêu cầu về dụng cụ lấy bệnh phẩm, quá trình xét nghiệm không yêu cầu nhiều hoá chất, sinh phẩm, vật tư tiêu hao khác. Xét nghiệm này cũng có nhiều loại sinh phẩm khác nhau tuỳ vào nguồn gốc, nước sản xuất, công nghệ chế tạo. Tuy nhiên, các xét nghiệm kháng nguyên đối với SARS-CoV-2 thường có độ nhạy thấp hơn xét nghiệm bằng Realtime RT-PCR. Do đó, chỉ định xét nghiệm kháng nguyên nên được áp dụng tốt nhất ở những người có triệu chứng và trong một số ngày nhất định kể từ khi bắt đầu có triệu chứng. Các xét nghiệm kháng nguyên cũng có thể được áp dụng trong các tình huống để phát hiện người đã tiếp xúc với một người nhiễm SARS-CoV-2.
Phát hiện kháng thể đặc hiệu với SARS-COV-2
Bên cạnh các xét nghiệm sinh học phân tử phát hiện RNA của SARS-CoV-2, các loại kỹ thuật xét nghiệm khác như phát hiện IgM, IgA, IgG hoặc kháng thể tổng số trong máu (có thể gọi là xét nghệm huyết thanh học) được nhiều nhà khoa học và các công ty nghiên cứu và phát triển. Đối với các bệnh lý nhiễm trùng nói chung và nhễm SARS-CoV-2 nói riêng, sự hình thành kháng thể phụ thuộc thời gian nhiễm bệnh và vật chủ (người).
Trong trường hợp SARS-CoV-2, một số nghiên cứu cho thấy, phần lớn người bệnh chuyển đổi huyết thanh (có sự xuất hiện kháng thể trong máu) trong khoảng thời gian từ 7 đến 11 ngày sau khi nhiễm vi rút, mặc dù trong thực tế, một số người có thể có kháng thể sớm hơn. Do sự đáp ứng muộn (tự nhiên) này, kỹ thuật xét nghiệm phát hiện kháng thể không hữu ích trong bối cảnh bệnh lý cấp tính. Các nghiên cứu cũng không xác định chắc chắn rằng, liệu những người bị nhiễm SARS-CoV-2 sau khi phục hồi, kháng thể được hình thành sẽ có tác dụng bảo vệ hoàn toàn hay một phần nếu bị nhiễm trong tương lai hoặc khả năng miễn dịch bảo vệ có thể kéo dài bao lâu. Bằng chứng gần đây từ một nghiên cứu trên động vật không cho thấy khả năng bảo vệ của kháng thể sau khi nhiễm vi rút tiên phát; tuy nhiên, cần có thêm các nghiên cứu về vấn đề này. Các xét nghiệm phát hiện kháng thể cũng có nhiều loại khác nhau tuỳ theo công nghệ, nguồn gốc và nước sản xuất. Chính vì vậy, chi phí cũng như quá trình tiến hành xét nghiệm cũng khác nhau. Nhiều trường hợp cần có những trang thiết bị chuyên dụng để đảm bảo chât lượng của xét nghiệm.
Các kỹ thuật xét nghiệm phát hiện kháng thể đối với SARS-CoV-2 có thể dùng để (1) điều tra nguồn lây nhiễm; (2) giám sát huyết thanh học ở địa phương, khu vực và quốc gia; và (3) nhận dạng những người đã nhiễm vi rút và do đó có thể có miễn dịch bảo vệ. Thông tin về huyết thanh học có thể được sử dụng để đánh giá người bệnh trong giai đoạn phục hồi. Xét nghiệm huyết thanh học ứng dụng trong điều trị người bệnh COVID-19 bằng huyết tương của người đã khỏi bệnh. Trong một số trường hợp, các kỹ thuật này có thể được sử dụng nhằm kiểm tra người bệnh có kết quả Âm tính với xét nghiệm dựa trên nguyên lý Reatime RT-PCR, do vi rút xuất hiện muộn trong giai đoạn bệnh.
Liên quan đến câu hỏi chúng ta cần xét nghiệm bao nhiêu lần cho một người nếu lần đầu xét nghiệm Âm tính để có thể nói rằng người đó không nhiễm hay đã “sạch vi rút”. Đây là điều khá khó, chúng ta cần nghiên cứu thêm và cần có cập nhật cho hướng dẫn chẩn đoán, điều trị và giám sát tại cơ sở y tế và cộng đồng tuỳ thuộc vào tình hình thực tế tại quốc gia, khu vực, lãnh thổ và từng địa phương.
CÁC YẾU TỐ ẢNH HƯỞNG ĐẾN XÉT NGHIỆM PHÁT HIỆN SARS-COV-2 HIỆN NAY
Hiện nay, có rất nhiều loại sinh phẩm, hoá chất xét nghiệm phát hiện SARS-CoV-2 được phê duyệt và lưu hành, tuỳ thuộc công nghệ, nước sản xuất cũng như tham chiếu về tiêu chuẩn. Tuy nhiên chúng ta vẫn đang có những thách thức như (1) Hiểu biết rõ hơn về đặc tính của các sinh phẩm này (ví dụ: độ nhạy và độ đặc hiệu) cũng như các đánh giá hiệu quả xét nghiệm trên các loại mẫu khác nhau; (2) Tối ưu hóa các xét nghiệm (ví dụ: tối ưu để phát hiện một gen đích thay vì nhiều gen đích) nhằm tối ưu hóa việc sử dụng sinh phẩm hóa chất nhưng vẫn đảm bảo chất lượng xét nghiệm; (3) Theo dõi khả năng xuất hiện sự biến đổi của vi rút: chúng ta phải thường xuyên tiến hành giải trình tự gen của vi rút để theo dõi sự biến đổi, đột biến của vi rút theo thời gian nhằm kịp thời điều chỉnh thiết kế trình tự mồi và probe trong xét nghiệm Realtime RT-PCR để phù hợp với sự biến đổi này; (4) Các điều kiện đảm bảo chất lượng của xét nghiệm.
Độ nhạy là khả năng xét nghiệm Dương tính ở người nhiễm vi rút.Xét về khía cạnh kỹ thuật, khi chúng ta có thông tin về một sinh phẩm xét nghiệm SARS-CoV-2 của một hãng sản xuất hay một công ty nào đó, chúng ta quan tâm đến điều gì đầu tiên? Đó là chất lượng của bộ sinh phẩm đặc biệt là độ nhạy và độ đặc hiệu.
Độ đặc hiệu là khả năng xét nghiệm Âm tính ở người không nhiễm vi rút.
Độ nhạy và độ đặc hiệu đóng vai trò rất quan trọng trong việc đánh giá độ chính xác và độ tin cậy của xét nghiệm cả trước khi thực hiện và là một phần của đảm bảo chất lượng xét nghiệm một cách liên tục. Những yếu tố này cùng tồn tại cùng nhau và cùng thông tin về những điểm mạnh và điểm yếu, điểm cần hoàn thiện của một sinh phẩm xét nghiệm. Độ nhạy và độ đặc hiệu được coi là “tiêu chuẩn vàng” trong việc đo lường hiệu quả của xét nghiệm. Sinh phẩm có độ nhạy cao và độ đặc hiệu cao là điều kiện lý tưởng, điều này cũng phản ánh được chìa khóa công nghệ trong phát triển và sản xuất các bộ sinh phẩm chẩn đoán. Do có nhiều công ty với nhiều công nghệ khác nhau, nên độ nhạy và độ đặc hiệu cũng khác nhau tuỳ theo nguồn gốc, xuất xứ.
Khi chúng ta nói đến độ nhạy và độ đặc hiệu, nghĩa là chúng ta cũng nói đến giá trị dự đoán Dương tính và giá trị dự đoán Âm tính cũng như tỷ lệ nhiễm/mắc bệnh trong cộng đồng và xác suất trước khi xét nghiệm cho một bệnh nhân. Các giá trị dự đoán Dương tính và Âm tính bị ảnh hưởng trực tiếp bởi độ nhạy và độ đặc hiệu của xét nghiệm.
Giá trị dự đoán Dương tính sẽ trả lời các câu hỏi: Kết quả xét nghiệm Dương tính có thực sự phản ánh sự hiện diện của vi rút/bệnh và kết quả xét nghiệm Dương tính có nghĩa là không có sự nhiễm vi rút/bệnh? Nếu không có các chỉ số rõ ràng về độ nhạy và độ đặc hiệu của xét nghiệm phát hiện SARS-CoV-2, rất khó xác định khả năng kết quả xét nghiệm Dương tính với vi rút này đối với một đối tượng cụ thể, người đó có đang bị nhiễm thực sự hay không.
Giá trị dự đoán Âm tính sẽ trả lời các câu hỏi: Kết quả xét nghiệm Âm tính có thực sự phản ánh người không nhiễm vi rút/bệnh hay không?.
Trong quá trình triển khai xét nghiệm, chúng ta cần tối ưu các điều kiện từ khâu lấy mẫu, vận chuyển, bảo quản, xử lý mẫu và thực hiện xét nghiệm. Toàn bộ các khâu này phụ thuộc rất nhiều vào kỹ thuật lấy mẫu, vật tư tiêu hao đảm bảo việc lấy mẫu đạt chất lượng. Mẫu cung cần được bào quản và vận theo hướng dẫn phù hợp. Việc xử lý mẫu tại thực địa cũng như trong phòng xét nghiệm và quá trình xét nghiệm có vai trò quan trọng. Chất lượng của xét nghiệm ngoài phụ thuộc vào nhân lực, trang thiết bị, còn phụ thuộc vào sinh phẩm, hoá chất, vật tư tiêu hao sử dụng trong các quá trình này. Ngoài ra, chúng ta cần đảm các vấn đề liên quan đến an toàn sinh học. SARS-CoV-2 là vi rút mới, có khả năng lây nhiễm nhanh qua đường hô hấp, nhất là các chủng mới. Việc đảm bảo an toàn sinh học từ lúc lấy mẫu, vận chuyển, bảo quản, xử lý và xét nghiệm hết sức quan trọng. Trong đó, việc sử dụng khẩu trang N95 (hoặc tương đương), các môi trường vận chuyển (hoặc bất hoạt), các điều kiện đảm bảo an toàn sinh học là những yếu tố cần hết sức được quan tâm. Trong thực tế, việc lấy mẫu là quá trình tiếp xúc rất gần với người nhiễm/nghi nhiễm. Có thể tạo ra phản ứng ho, hắt hơi…tạo “khí dung” nên người thực hiện lấy mẫu cần đảm bảo các yêu cầu về an toàn sinh học theo hướng dẫn.
Ngoài ra, kỹ thuật lấy bệnh phẩm, vận chuyển, bảo quản, xử lý và làm xét nghiệm đúng theo khuyến cáo là vấn đề rất quan trọng. Điều này liên quan đến việc đào tạo nhân viên cũng như tuân thủ các qui trình chuẩn trong quá trình xét nghiệm. Thêm vào đó, các điều kiện về cơ sở vật chất đảm bảo an toàn sinh học như labo đạt tiêu chuẩn, các tủ an toàn sinh học, các phương tiện phòng hộ cá nhân. Chính vì những lý do trên, chi phí cho các xét nghiệm nói chung và xét nghiệm phát hiện SARS-CoV-2 nói riêng cũng phụ thuộc và nhiều yếu tố của cả một quá trình từ lúc lấy bệnh phẩm đến lúc kết thúc xét nghiệm. Trong đó, hai yếu tố chú yếu là chi phí cho sinh phẩm xét nghiệm và các chi phí khác (dụng cụ, vật tư tiêu hao, sinh phẩm hoá chất cho việc lấy mẫu, vận chuyển, bảo quản, xử lý mẫu cũng như tách chiết vật liệu di truyền…).
Nói tóm lại, xét nghiệm phát hiện SARS-CoV-2 có ý nghĩa quan trọng trong chiến lược giám sát, khống chế dịch cũng như chẩn đoán, điều trị người bệnh COVID-19. Để tối ưu hiệu quả, chi phí của xét nghiệm, cần quan tâm đến nhiều yếu tố cả về nhân lực, trang thiết bị, sinh phẩm cũng như hoá chất, vật tư tiêu hao và chỉ định xét nghiệm./.
Nguồn: https://tuyengiao.vn
Tin liên quan