Trong những ngày gần đây, hiện tượng một số doanh nghiệp kinh doanh bán lẻ xăng dầu xin đóng cửa hoặc tạm ngừng kinh doanh tập trung tại một số tỉnh, thành phố như: Thành phố Hồ Chí Minh, An Giang, Bình Phước, Đắk Lắk,… đã gây hoang mang dư luận.
Nguyên nhân chính là do từ cuối năm 2021 đến nay, các chi phí kinh doanh xăng dầu tăng mạnh, các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu không có đủ nguồn tài chính để nhập hàng nên chủ yếu chỉ duy trì lượng hàng đủ để cung cấp cho hệ thống phân phối trực thuộc và duy trì lượng dự trữ tồn kho theo quy định.
Nhiều doanh nghiệp đã giảm mạnh chiết khấu bán hàng để hạn chế việc lấy nhiều hàng của các đại lý bán lẻ, dẫn đến doanh nghiệp bán lẻ kinh doanh thua lỗ.
Người dân đổ xô đi mua xăng dầu tại Hà Nội
Sáng 11/10, trước thông tin xăng dầu sẽ tăng giá vào buổi chiều đã xuất hiện tình trạng người dân đổ xô đi mua xăng, xếp hàng dài tại nhiều cửa hàng xăng dầu. Tại cửa hàng xăng dầu PVOil trên phố Thái Thịnh (quận Đống Đa, Hà Nội) dù có đến 4 cột bơm xăng dành cho xe máy nhưng chỉ có 2 nhân viên làm việc nên bán xăng rất chậm, hàng dài dòng người dắt xe máy vẫn phải chờ đợi để mua được xăng.
Xếp hàng 10-15 phút vẫn chưa mua được xăng, nhiều người đã tỏ rõ sự mệt mỏi, anh Nguyễn Viết Toàn, lái xe Grab bức xúc cho biết, dịch vụ bán hàng như vậy không thể chấp nhận được. Kiểu này họ cố tình “câu giờ” đợi chiều điều chỉnh tăng giá xăng dầu mới đẩy mạnh lượng bán ra nhằm thu lợi nhuận”. Đến khoảng 9 giờ 30 phút sáng, khi thấy dòng người càng lúc càng đông, cửa hàng lúc này mới lại cắt cử thêm 1 nhân viên ra bán xăng cho người dân.
Xếp hàng tại cửa hàng xăng dầu của Mipec đối diện chợ tạm Nam Trung Yên (quận Cầu Giấy, Hà Nội), dù có đến 3 nhân viên liên tục bơm từ 2 cây xăng nhưng phóng viên vẫn phải xếp hàng đến 25 phút mới đến lượt. Nhiều người đi xe máy khác thấy xếp hàng đông quá cũng phải quay xe tìm cây xăng khác. Riêng với ô-tô do chỗ đỗ rộng hơn nên không có cảnh xếp hàng dài như xe máy.
Tại một số cửa hàng xăng dầu của Petrolimex ở Lương Yên, Trần Hưng Đạo hay Trần Quang Khải cũng xuất hiện dòng người xếp hàng dài chờ đổ xăng nhưng do có nhiều nhân viên bơm xăng (cửa hàng Petrolimex Trần Quang Khải có bốn nhân viên bơm xăng cho xe máy, Petrolimex Lương Yên cũng có 3 nhân viên) nên thời gian xếp hàng của người dân không quá lâu như các cửa hàng khác.
Nhìn chung, dù tại nhiều cây xăng người dân vẫn phải xếp hàng dài, nhưng nhóm phóng viên chúng tôi vẫn chưa ghi nhận được trường hợp cây xăng nào dừng bán hoặc hết hàng.
Bộ Công thương nhận định, mặc dù có sự thiếu hụt xăng dầu cục bộ tại một số cửa hàng, gây gián đoạn hoạt động kinh doanh thời gian vừa qua nhưng tồn kho xăng dầu của các doanh nghiệp vẫn cơ bản đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng xăng dầu trong nước, đồng thời nguồn cung xăng dầu của các doanh nghiệp vẫn liên tục được bổ sung từ nguồn nhập khẩu và mua trong nước.
Theo báo cáo của các doanh nghiệp đầu mối, lượng tồn kho của một số doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu lớn vẫn đang được duy trì và bảo đảm cung ứng đủ nguồn hàng trong hệ thống như Petrolimex tồn kho đến ngày 8/10 là khoảng 489.000m3 (gồm 208.000m3 xăng và 280.000m3 dầu); Pvoil còn khoảng 230.000m3; Công ty xăng dầu Quân đội còn khoảng 19.000m3; Saigon Petro còn khoảng 11.000m3; Petimex Đồng Tháp còn khoảng 45.000m3; Thanh Lễ còn khoảng 60.000m3...
Qua trao đổi, các doanh nghiệp cam kết vẫn đang tiếp tục nỗ lực nhập hàng để bảo đảm cung ứng xăng dầu cho các cửa hàng thuộc hệ thống phân phối của mình.
Bám sát diễn biến thị trường
Theo báo cáo của Sở Công thương Thành phố Hồ Chí Minh, đến 17 giờ chiều 10/10, trên địa bàn thành phố có 3/550 cửa hàng đóng cửa (chiếm 0,54%), có 121/550 cửa hàng tạm hết mặt hàng xăng (chiếm 20%). Đồng thời, có một số doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu quy mô lớn gặp khó khăn trong việc bảo đảm nguồn cung và đã được Bộ Công thương chỉ đạo, hỗ trợ giải quyết khó khăn.
Tại Bình Phước, đến ngày 10/10, địa bàn tỉnh có 27/415 cửa hàng bán lẻ xăng dầu (hầu hết ở địa bàn vùng sâu, vùng xa) dừng hoạt động (chiếm 6,5%), 23 cửa hàng hết xăng còn dầu, hai cửa hàng hết dầu còn xăng (tương ứng chiếm 5% và 0,48%).
Người dân xếp hàng dài chờ mua xăng tại cửa hàng xăng dầu PVOil trên phố Thái Thịnh (Hà Nội).
Tại An Giang, Sở Công thương tỉnh đã tiếp nhận 24 (trong tổng số 559 cửa hàng xăng dầu) thông báo tạm dừng kinh doanh của các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu. Trong đó, Sở Công thương chỉ chấp thuận cho 2 cửa hàng xăng dầu tạm dừng kinh doanh (chiếm 0,35%) do đường giao thông đang sửa chữa, 22 cửa hàng còn lại vẫn đang hoạt động bình thường. Trên địa bàn tỉnh có 30 cửa hàng vẫn mở cửa bán hàng nhưng không có xăng để bán (chiếm 5%). Nguyên nhân do giao thông đi lại khó khăn nên các thương nhân kinh doanh xăng dầu cung cấp hàng chậm hoặc do chiết khấu thấp nên các đại lý ngừng lấy hàng.
Để bảo đảm nguồn cung xăng dầu phục vụ người dân, Bộ Công thương cho biết sẽ tiếp tục tập trung phối hợp với Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố (đầu mối là các Sở Công thương) chỉ đạo các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu trên địa bàn có phương án bảo đảm nguồn cung xăng dầu; duy trì việc cung ứng xăng dầu trong hệ thống phân phối của doanh nghiệp; chỉ đạo các đơn vị chức năng trên địa bàn đôn đốc, kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định về duy trì bán lẻ xăng dầu tại các cửa hàng xăng dầu theo đúng quy định.
Theo đó, nhiều địa phương như TP Hồ Chí Minh, tỉnh Bình Phước, tỉnh Ninh Thuận,... đã đồng loạt triển khai công tác chỉ đạo và giám sát việc cung ứng xăng dầu trên địa bàn.
Bên cạnh đó, Bộ Công thương cũng phối hợp Bộ Tài chính điều hành giá xăng dầu bám sát diễn biến giá xăng dầu thế giới, phù hợp với diễn biến cung cầu xăng dầu trong nước để bảo đảm hài hòa lợi ích giữa các chủ thể tham gia thị trường xăng dầu, khuyến khích các doanh nghiệp duy trì nguồn cung và hạn chế các hành vi đầu cơ găm hàng hoặc buôn lậu xăng dầu qua biên giới sang các nước lân cận; đồng thời, chỉ đạo các thương nhân đầu mối, thương nhân phân phối hỗ trợ để điều phối nguồn hàng, tăng cường cung ứng xăng dầu tại một số địa phương có hiện tượng thiếu xăng dầu cục bộ.
Trước hiện tượng nhiều cửa hàng bán lẻ xăng dầu tạm ngưng hoạt động với nhiều lý do, gây ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp trong nước và quyền lợi của người tiêu dùng, để hạn chế tình trạng găm hàng, trục lợi trong kinh doanh xăng dầu, Bộ trưởng Công thương Nguyễn Hồng Diên đã chỉ đạo Tổng cục Quản lý thị trường tập trung việc giám sát các cửa hàng bán lẻ xăng dầu đang hoạt động trên địa bàn, đối với các cửa hàng bán lẻ xăng dầu tạm ngưng hoạt động tiến hành chủ trì, phối hợp Sở Công thương kiểm tra để làm rõ nguyên nhân, lý do tạm ngưng.
Bộ trưởng chỉ đạo kịp thời phát hiện, kiên quyết xử lý nghiêm khắc mọi hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật; thu hồi hoặc kiến nghị thu hồi giấy phép nếu vi phạm dù bất kể thương nhân ở loại hình nào; thực hiện áp dụng hình thức xử phạt bổ sung, biện pháp khắc phục hậu quả theo quy định.