Cần triển khai nhanh các giải pháp để bình ổn giá xăng dầu
Giá xăng dầu tăng làm ảnh hưởng rất nhiều đến quá trình lưu thông hàng hóa, sản xuất, làm tăng giá thành sản xuất. Điều này làm giảm sức cạnh tranh hàng hóa của Việt Nam, làm giảm sức mua của thị trường, khiến kinh tế trì trệ. Đặc biệt, giá xăng tăng kỷ lục làm gia tăng áp lực lạm phát, gây ảnh hưởng đời sống người dân. Ngoài các giải pháp Bộ trưởng Tài chính đã nêu, Nhà nước cần tìm mọi cách giảm giá thành xăng dầu để giảm giá bán lẻ. Giảm giá xăng dầu là việc làm cần thiết để kích thích phát triển kinh tế, giảm khó khăn cho người dân. Không thể vì lý do giá xăng Việt Nam rẻ hơn các nước láng giềng sẽ khiến xăng dầu "chảy lậu" ra bên ngoài. Chúng ta cần siết chặt quản lý, xử lý nghiêm nạn buôn lậu vùng biên giới để ngăn chặn tình trạng này.
Cử tri NGUYỄN ĐÌNH DIỆU
(Phường Phú Hữu, thành phố Thủ Đức, thành phố Hồ Chí Minh)
Còn xảy ra thất thoát trong cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước
Phần chất vấn và trả lời chất vấn của Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc cho thấy, tiến trình cổ phần hóa và thoái vốn tại các doanh nghiệp nhà nước khá chậm trễ và vẫn còn "lỗ hổng", nhất là về đất đai, gây thất thoát tài sản nhà nước trong quá trình thực thi.
Theo chúng tôi, Quốc hội cần ấn định thời gian cụ thể để Chính phủ chỉ đạo Bộ Tài chính và các bộ, ngành, cơ quan liên quan đề ra các giải pháp công khai, minh bạch, bảo đảm tối đa lợi ích nhà nước, nhằm bịt "lỗ hổng" thất thoát tài sản nhà nước liên quan đến đất đai trong cổ phần hóa doanh nghiệp. Trong đó, cần có quy định các doanh nghiệp sau cổ phần hóa không được chuyển đổi mục đích sử dụng đất; nếu không có nhu cầu sử dụng đất phải trả lại Nhà nước để Nhà nước đấu giá khi chuyển mục đích sử dụng đất. Mặt khác, Chính phủ cũng cần giao trách nhiệm cụ thể cho những người đứng đầu các bộ, ngành, cơ quan trực thuộc và Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trong triển khai và kết quả cổ phần hóa, thoái vốn, cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước theo kế hoạch đã đề ra.
Cử tri TRẦN ĐĂNG MINH
(Phường Máy Tơ, quận Ngô Quyền, thành phố Hải Phòng)
Quan tâm nhu cầu mua, sửa chữa nhà ở của người dân
Thời gian gần đây, giá nhà, đất và các nguyên vật liệu xây dựng liên tục tăng cao, ảnh hưởng không nhỏ đến kế hoạch sửa chữa, mua sắm nhà ở, cải thiện chỗ ở của người dân. Trong khi đó, nguồn cung nhà ở, nhất là các căn hộ thuộc loại hình nhà ở xã hội dành cho người thu nhập thấp sinh sống ở đô thị, nhà ở thương mại có giá bán dưới 20 triệu đồng/m2 ngày càng khan hiếm. Rất nhiều người dân có nhu cầu vay vốn để sửa chữa, mua sắm nhà ở, tìm đến ngân hàng, nhưng rất khó tiếp cận nguồn vốn. Thực tế mấy tháng qua, các ngân hàng không "mặn mà" cho người dân vay vốn để sửa chữa, mua nhà ở.
Theo tôi, ngân hàng kiểm soát cho vay bất động sản, nhất là đối với những đối tượng đầu cơ bất động sản là cần thiết, nhưng cần mở rộng cho vay đối với những người có nhu cầu sửa chữa, mua nhà để ở. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cần tiếp tục có chính sách hỗ trợ nguồn vốn, ưu đãi lãi suất đối với chủ đầu tư thực hiện các dự án phát triển nhà ở xã hội, cải tạo chung cư cũ và nhất là hỗ trợ lãi suất cho người dân vay vốn mua nhà ở xã hội.
Cử tri NGUYỄN VĂN THÀNH
(Phường Bồ Đề, quận Long Biên, Hà Nội)
Còn khó khăn trong tiêu thụ nông sản
Những năm qua, nhờ chính sách phát triển nông nghiệp hàng hóa, nhiều huyện miền núi đã phát huy lợi thế khí hậu, thổ nhưỡng, tiềm năng đất đai, nhân lực để sản xuất nông sản.
Tuy nhiên, hoạt động sản xuất và chế biến của hầu hết các cơ sở, doanh nghiệp, hợp tác xã có quy mô nhỏ lẻ, mới chỉ dừng ở khâu sơ chế và xuất bán nguyên liệu thô sau thu hoạch cho nên giá trị sản phẩm không cao; việc tiêu thụ bấp bênh. Nguyên nhân là do ở các tỉnh miền núi, cơ sở hạ tầng còn hạn chế, giao thông khó khăn; đặc thù đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn lợi nhuận thấp, thị trường thường không ổn định, có nhiều rủi ro, khó thu hút được các doanh nghiệp đầu tư. Vì vậy, đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tham mưu Chính phủ, xây dựng và triển khai các chính sách hỗ trợ để thu hút đầu tư nhà máy chế biến; tiếp tục khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư công nghệ, thiết bị để chế biến các sản phẩm có chất lượng cao, bảo đảm an toàn thực phẩm nhằm đáp ứng yêu cầu của thị trường, góp phần làm giảm áp lực khâu tiêu thụ nông sản đặc trưng cho các tỉnh miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Cử tri SÍ XUÂN KIÊN
(Dân tộc Giáy, xã Mường Hum, huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai)
Tập trung ưu tiên đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn
Tại phiên chất vấn của đại biểu Quốc hội sáng 8/6, rất nhiều đại biểu Quốc hội đưa ra ý kiến về chương trình đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn. Tuy nhiên, phần trả lời chất vấn vẫn còn chung chung, chưa thật sự có những giải pháp cụ thể. Theo tôi, Chính phủ cần ưu tiên nguồn lực cho việc nghiên cứu, ứng dụng kỹ thuật, công nghệ phục vụ đầu vào sản xuất nông nghiệp. Trước hết, cần hình thành các trung tâm nghiên cứu, sản xuất về phân bón, thức ăn chăn nuôi, vật tư nông nghiệp, giống cây trồng, vật nuôi chất lượng cao, phù hợp điều kiện khí hậu, môi trường, thổ nhưỡng, trình độ sản xuất của nông dân Việt Nam, từng bước hình thành các vùng sản xuất lớn, chuyên canh, thâm canh, giảm dần sử dụng hóa chất, thuốc trừ sâu, vừa ảnh hưởng sức khỏe, đời sống, vừa gây hại lâu dài cho môi trường sống, môi trường tự nhiên; có các chính sách ưu tiên vốn, kỹ thuật, nhân lực, đào tạo nông dân áp dụng khoa học-kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp.
Cử tri TRƯƠNG THANH LÂM
(Tổ 34, phường Thuận Phước, quận Hải Châu, TP Đà Nẵng)
Sớm hỗ trợ doanh nghiệp vay vốn
Trong lĩnh vực tài chính-ngân hàng, tôi đề nghị Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chỉ đạo các ngân hàng thương mại nhanh chóng giảm 2% lãi vay cho các doanh nghiệp theo chủ trương của Chính phủ trong Nghị định 31/2022/NĐ-CP ngày 20/5/2022 về hỗ trợ lãi suất từ ngân sách nhà nước đối với khoản vay của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh. Hiện tại, các ngân hàng chưa triển khai, nếu làm chậm sẽ ảnh hưởng quá trình phục hồi sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp sau thời gian dài chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cần có chính sách cho vay tiêu dùng với đối tượng là công nhân lao động để hạn chế nạn tín dụng "đen" đang hoành hành trong công nhân lao động. Chính sách này nên phối hợp trực tiếp với doanh nghiệp để bảo đảm trả nợ và đến đúng đốitượng là công nhân.
Cử tri TRẦN THÀNH TRỌNG
(Khu công nghiệp Mỹ Phước 2, phường Mỹ Phước, thị xã Bến Cát, tỉnh Bình Dương).