Trong làn sóng đầu tiên của đại dịch COVID-19, nhiều bệnh nhân điều trị trong phòng hồi sức tích cực đã không phục hồi được nhận thức sau khi bỏ ống thở và ngừng
thuốc an thần, khiến các bác sỹ và người nhà bệnh nhân phải đưa ra các quyết định khó khăn về việc liệu có tiếp tục các phương pháp duy trì sự sống hay không.
May mắn là phần lớn các bệnh nhân
hôn mê này sau đó đều tỉnh lại, tuy nhiên phải mất đến vài ngày, thậm chí vài tuần.
Để giúp cung cấp thông tin chính xác nhằm tiên lượng bệnh trạng, một nhóm các nhà khoa học của Bệnh viện đa khoa Massachusetts (MGH), Trung tâm Y tế Irving của Đại học Columbia, Trung tâm Y tế Weill Cornell đã tiến hành nghiên cứu nhằm làm rõ lộ trình phục hồi, cũng như những nguyên nhân dẫn đến tình trạng lâu phục hồi nhận thức ở những bệnh nhân mắc COVID-19 nặng.
Trong nghiên cứu được đăng trên tạp chí Annals of Neurology, các nhà khoa học đã tiến hành phân tích 795 bệnh nhân mắc COVID-19 nặng, được điều trị với máy trợ thở tại khu
hồi sức tích cực của các trung tâm y tế trên trong ít nhất 6 ngày.
Sau khi rút ống thở, các bác sỹ hằng ngày đều đánh giá liệu bệnh nhân có thể chủ động phản ứng với hiệu lệnh qua lời nói hay không, một phương pháp tiêu chuẩn nhằm đánh giá khả năng nhận thức.
Kết quả, có 72% bệnh nhân qua khỏi và phục hồi nhận thức trước khi xuất viện. Trong số này, 25% phục hồi nhận thức sau khoảng ít nhất 10 ngày từ khi ngừng trợ thở, 10% mất tới 3 tuần mới phục hồi.
Ảnh chụp não của đa số bệnh nhân cho thấy cơ quan này vẫn hoạt động bình thường, chứng tỏ thời gian phục hồi nhận thức lâu không liên quan đến các hiện tượng đột quỵ, chảy máu hay phù não. Kết quả này được ghi nhận tại cả ba trung tâm tham gia nghiên cứu trong làn sóng thứ nhất và thứ hai của dịch COVID-19.
Tuy nhiên, vẫn cần nghiên cứu sâu hơn để hiểu được mối liên hệ giữa nồng độ ôxy thấp trong máu và thời gian dài để phục hồi nhận thức. Các bác sỹ đã ghi nhận hiện tượng tương tự ở một số ít bệnh nhân bị ngưng tim phải điều trị giảm thân nhiệt.
Hiện tượng giảm thân nhiệt dường như giúp bảo vệ những bệnh nhân bị ngưng tim khỏi tổn thương thần kinh theo cách mà các nhà khoa học vẫn chưa thể hiểu được. Do đó, các nhà khoa học đang xúc tiến nghiên cứu nhằm tìm ra điểm chung của cơ chế bảo vệ thần kinh trong hai nhóm bệnh nhân này.
Mặc dù chưa làm rõ được cơ chế liên quan song các kết quả nghiên cứu trên được đánh giá là sẽ cung cấp thông tin chính xác để định hướng cho các gia đình còn đang phân vân có nên tiếp tục biện pháp duy trì sự sống cho các bệnh nhân COVID-19 đang hôn mê hay không.
Bên cạnh đó, các kết quả này cũng có thể được áp dụng với những bệnh nhân mắc bệnh nặng khác.
Đồng tác giả nghiên cứu, giáo sư gây mê của Đại học Y Harvard, bác sỹ Emery N. Brown cho biết các nhà khoa học đang nghiên cứu xem liệu những bài học kinh nghiệm rút ra từ các trường hợp mắc COVID-19 nặng có thể giúp gì cho các bác sỹ trong việc xác định nồng độ ôxy cần duy trì và mức độ sử dụng thuốc an thần cho những bệnh nhân cần trợ thở tại các phòng điều trị tích cực.
Ngoài ra, tác giả Megan E. Barra, dược sỹ tại MGH cũng lưu ý rằng cần có thêm nghiên cứu để xác định mức độ phục hồi chức năng của bệnh nhân COVID-19, hoặc những vấn đề gặp phải của các bệnh nhân phải mất thời gian dài mới phục hồi nhận thức sau khi ngừng trợ thở.
Mặc dù nghiên cứu không xem xét đến quá trình phục hồi nhận thức trong dài hạn hoặc sự độc lập của các chức năng song đây sẽ là những nhân tố giúp các bệnh nhân và người nhà của họ đưa ra những quyết định quan trọng./.