KỶ NIỆM 70 NĂM NGÀY GIẢI PHÓNG THỦ ĐÔ (10/10/1954 – 10/10/2024)
Tin tức hoạt động
Đăng ngày: 24/06/2020 - Lượt xem: 44
24 bệnh viện tuyến trên tham gia mạng lưới khám, chữa bệnh từ xa

Bộ Y tế cho biết, việc xây dựng và ban hành Đề án “Khám, chữa bệnh từ xa” trong bối cảnh cả nước Việt Nam đang hướng tới mục tiêu trở thành quốc gia số năm 2030, hướng tới tầm nhìn trở thành quốc gia số ổn định và thịnh vượng là việc làm rất cần thiết và cấp bách. Theo đó, mạng lưới bệnh viện tuyến trên do Bộ Y tế chỉ định tham gia đề án lần này bao gồm 24 bệnh viện.

24 bệnh viện tuyến trên tham gia mạng lưới khám, chữa bệnh từ xa
Thứ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long đã chủ trì Hội nghị triển khai Đề án.
 
Sáng 23-6, Thứ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long đã chủ trì Hội nghị triển khai Đề án “Khám, chữa bệnh từ xa” giai đoạn 2020 - 2025.
Theo Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long, trong giai đoạn phòng, chống dịch bệnh Covid-19, các giải pháp công nghệ thông tin triển khai hoạt động tư vấn điều trị từ xa rất hiệu quả. Ban chỉ đạo Quốc gia đã thành lập “Trung tâm quản lý, điều hành hỗ trợ chuyên môn chẩn đoán, điều trị người bệnh Covid-19”. Trung tâm thường xuyên tổ chức hội chẩn trực tuyến, mời các giáo sư đầu ngành cả nước cùng hội chẩn các ca bệnh nặng, bàn các phương pháp điều trị tối ưu cho người bệnh, cùng chia sẻ kinh nghiệm điều trị, chăm sóc người bệnh.
Vì vậy, việc ứng dụng công nghệ thông tin đã giúp tập hợp đội ngũ chuyên gia đầu ngành và các bệnh viện xích lại gần nhau hơn, gần tới mức gần như không có khoảng cách giữa trong nam, ngoài bắc, giữa tuyến trên, tuyến dưới. Trung tâm quản lý, điều hành được thành lập đã đánh dấu sự phát triển của hệ thống khám, chữa bệnh trong xu hướng hội nhập, áp dụng thành tựu khoa học công nghệ tiên tiến trong điều trị bệnh tật, đặc biệt với bệnh dịch nguy hiểm Covid-19.
Ngày 22-6, Bộ Y tế đã phê duyệt Đề án “Khám, chữa bệnh từ xa” giai đoạn 2020 - 2025, hướng đến mục tiêu: “Mọi người dân đều được quản lý, tư vấn, khám bệnh, chữa bệnh, hỗ trợ chuyên môn của các bác sĩ từ tuyến xã đến tuyến Trung ương; người dân được sử dụng dịch vụ y tế có chất lượng của tuyến trên ngay tại cơ sở y tế tuyến dưới. Các cơ sở y tế được hỗ trợ chuyên môn thường kỳ và đột xuất từ các bệnh viện tuyến cuối dựa trên nền tảng công nghệ thông tin; góp phần phòng, chống dịch bệnh, giảm quá tải bệnh viện tuyến trên, nâng cao chất lượng, hiệu quả khám, chữa bệnh và sự hài lòng của người dân”.
Các hoạt động chính của khám, chữa bệnh từ xa gồm, tư vấn y tế từ xa (tele-health), theo đó, thành lập và duy trì bộ phận khám, chữa bệnh từ xa tại bệnh viện; tư vấn sức khỏe từ xa, từ bác sĩ đến người dân bao gồm bác sĩ trong và ngoài nước. Đồng thời, tổ chức Hội chẩn tư vấn khám, chữa bệnh; hội chẩn tư vấn chẩn đoán hình ảnh từ xa, từ bệnh viện tuyến trên và bệnh viện tuyến dưới tới trung tâm y tế, bệnh viện, phòng khám tuyến huyện, xã. Bên cạnh đó là hội chẩn tư vấn huyết học, truyền máu, vi sinh, hóa sinh, miễn dịch, giải phẫu bệnh. Giải pháp hội chẩn xét nghiệm, giải phẫu bệnh từ xa cho phép các bác sĩ và chuyên gia trao đổi, chia sẻ kết quả, tình trạng bệnh lý... để phục vụ chẩn đoán, điều trị, nghiên cứu và đào tạo. Hội chẩn tư vấn phẫu thuật từ xa với giải pháp phẫu thuật từ xa có thể sử dụng công nghệ mới như robot và trang bị hệ thống các phòng mổ thông minh, tích hợp theo dõi thông tin của các thiết bị trên thiết bị đầu cuối thông minh điều hành cuộc phẫu thuật.
Theo Đề án, sẽ có 24 bệnh viện tuyến trên tham gia vào mạng lưới khám, chữa bệnh từ xa. Các bệnh viện cũng thực hiện hoạt động đào tạo, chuyển giao kỹ thuật, xây dựng các chương trình hợp tác đào tạo, chuyển giao kỹ thuật, tạo điều kiện cho người bệnh được tiếp cận những dịch vụ, kỹ thuật tốt của các cơ sở y tế với nhau. Sử dụng các ứng dụng trên thiết bị điện tử cầm tay thông minh trong một số dịch vụ y tế. Phát triển ứng dụng cho phép trao đổi, lưu trữ, chia sẻ các tệp tin chuyên môn giữa các bác sĩ trong khi hội họp. Ứng dụng cũng cho phép người dùng có thể đọc tin tức, đặt lịch hẹn khám, xét nghiệm, hỏi đáp, tìm hiểu lịch sử khám chữa bệnh, thực hiện đàm thoại bằng giọng nói, hình ảnh (video/audio) với bác sĩ; chụp gửi các tài liệu liên quan, nhận tư vấn về phòng bệnh, chế độ dinh dưỡng, tập luyện… hằng ngày. Nghiên cứu phát triển và sử dụng các thiết bị y tế thông minh
Phát triển và áp dụng các thiết bị y tế dành cho người bệnh, được kết nối với các thiết bị điện tử thông minh để phục vụ cho việc khám, chẩn đoán bệnh từ xa. Người dân hoặc bác sĩ gia đình, nhân viên y tế thôn bản có thể sử dụng các thiết bị y tế để đo, kiểm tra, theo dõi… tình trạng sức khỏe người dân ngay tại nhà. Các thông số y tế được truyền tới bác sĩ khám bệnh ở bệnh viện.
Đề án giai đoạn đầu 2020 - 2021 tập trung đầu tư vào các chuyên khoa có người bệnh sử dụng dịch vụ khám, chữa bệnh từ xa, đặc biệt các chuyên khoa có tình trạng quá tải trên cơ sở thống kê mô hình bệnh tật như tim mạch, ngoại, sản, nhi, truyền nhiễm, ung bướu, huyết học truyền máu, các bệnh không lây nhiễm và các bệnh khác trong cộng đồng ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân. Dự kiến đầu tư các bệnh viện tuyến trên và ít nhất 400 bệnh viện tuyến dưới bao gồm bệnh viện tuyến tỉnh, tuyến huyện và bệnh viện tư nhân.
Giai đoạn 2021-2025, đề án tiếp tục đầu tư bệnh viện tuyến trên có các chuyên khoa như hồi sức cấp cứu, hô hấp, tiết niệu, thần kinh, nội tiết, da liễu, răng hàm mặt… và các chuyên khoa khác có nhu cầu. Các bệnh viện tuyến dưới được mở rộng tương ứng với các chuyên khoa và số lượng bệnh viện tuyến trên. Giai đoạn sau năm 2025, Bộ Y tế sẽ đánh giá hiệu quả hoạt động đề án, tiếp tục duy trì mặt tích cực và các kết quả tốt của Đề án giai đoạn 2020-2025, đồng thời căn cứ vào nhu cầu thực tế để mở rộng Đề án.
Nguồn: baohungyen.vn
Tin liên quan