Trong 9 ngày nghỉ Tết Nguyên đán Ất Tỵ năm 2025 (từ 25/1 đến 2/2), các bệnh viện trên cả nước đã tổ chức thường trực bốn cấp; duy trì lực lượng trực cấp cứu, điều trị, bảo đảm thực hiện tốt công tác chăm sóc sức khỏe cho nhân dân.
Bệnh viện Ðại học Y dược Thành phố Hồ Chí Minh duy trì công tác chuyên môn và bảo đảm an toàn cho người bệnh trong suốt dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025.
Sáng 2/2, khu vực Trung tâm Cấp cứu (Bệnh viện Hữu nghị Việt Ðức) làm việc rất khẩn trương mặc dù số ca cấp cứu khá vắng so với dịp Tết của những năm trước. Tất cả người bệnh đều được đánh giá để đưa về các khoa, phòng tiếp tục điều trị, "giải phóng" khỏi khu vực cấp cứu trong vòng một đến hai giờ sau khi nhập viện.
Tiến sĩ, bác sĩ Phan Bá Hải, Phó Trưởng khoa Khoa phẫu thuật chi trên và Y học thể thao (Bệnh viện Hữu nghị Việt Ðức), trưởng tua trực cọc 2 ngày 2/2 cho biết, tổng số lượng ca cấp cứu giảm 20 đến 30% so với cùng kỳ năm trước, trong đó số ca cấp cứu do tai nạn giao thông giảm chỉ còn khoảng 50% tổng số ca cấp cứu (những năm trước thường chiếm khoảng 80 đến 90%). Ðáng chú ý, số ca cấp cứu do tai nạn giao thông phải xét nghiệm nồng độ cồn chiếm rất ít.
Tuy nhiên, số ca cấp cứu do tai nạn pháo nổ tăng cả trước và trong Tết. Ðêm 1/2, bệnh viện tiếp nhận hai trường hợp cấp cứu do pháo nổ, sau khi sơ cứu đã được đưa lên Khoa phẫu thuật chi trên và Y học thể thao, được phẫu thuật sáng 2/2. Ðáng lo ngại, những ca cấp cứu do pháo nổ có tổn thương khá nặng, thường là 2 cánh tay, ngực, bụng, mặt… Ðã có trường hợp bị cụt hai bàn tay, có trường hợp bị mù vĩnh viễn (do sóng xung kích làm vỡ nhãn cầu).
Tại tỉnh Bắc Ninh, theo thống kê của Sở Y tế, trong hơn một tuần nghỉ Tết Nguyên đán Ất Tỵ, các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh tiếp nhận tổng số 7.673 bệnh nhân đến khám, cấp cứu, trong đó 1.908 bệnh nhân nhập viện điều trị nội trú.
Giám đốc Sở Y tế tỉnh Bắc Ninh Tô Thị Mai Hoa cho biết, ngành y tế Bắc Ninh chủ động xây dựng kế hoạch, phương án bảo đảm công tác y tế, phòng, chống dịch bệnh, sẵn sàng các điều kiện kịp thời cấp cứu, khám, điều trị cho người dân từ sớm; chú trọng kiện toàn các đội cấp cứu ngoại viện (Bệnh viện đa khoa tỉnh, Bệnh viện Sản Nhi, Trung tâm Y tế các huyện, thị xã, thành phố), thành lập các đội cấp cứu lưu động.
Bệnh viện Trung ương Huế đã chủ động xây dựng kế hoạch từ sớm. Thạc sĩ, bác sĩ Trương Viết Hoàng, Phó Trưởng khoa Cấp cứu đa khoa cho biết, trung bình mỗi ngày đơn vị tiếp nhận 150-170 ca bệnh, chủ yếu là tai nạn giao thông, đột quỵ, hen suyễn, viêm phổi... Ðội ngũ y, bác sĩ được phân công trực 24/24 giờ theo ca kíp, chuẩn bị đầy đủ trang thiết bị và thuốc men; duy trì kênh liên lạc với các đơn vị liên quan để tiếp nhận thông tin, điều phối các trường hợp cần thiết...
Bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Viết Hậu, Trưởng khoa Cấp cứu, Bệnh viện Ðại học Y dược Thành phố Hồ Chí Minh cho biết: Vào những ngày Tết, lượng người bệnh đến cấp cứu thường tăng cao do các phòng khám tư nhân trên địa bàn nghỉ hoạt động. Có những thời điểm chỉ trong 24 giờ, bệnh viện tiếp nhận tới 150 ca cấp cứu. Nhiều người bệnh nặng thường đến bệnh viện muộn, một phần vì tâm lý "ráng vui Tết", khiến ca bệnh trở nên phức tạp hơn.
Tại Bệnh viện Nhi Ðồng 2, bên cạnh làm tốt công tác cấp cứu, chữa bệnh, bệnh viện còn tổ chức các chương trình giúp bệnh nhi vui Xuân đón Tết. Phòng Công tác xã hội bệnh viện đã tiếp nhận khoảng 200 đoàn nhà hảo tâm đến trao hơn 7.000 phần quà cho bệnh nhi. Mỗi ngày bệnh viện tiếp nhận và phát các suất ăn miễn phí đến thân nhân bệnh nhi.
Giám đốc Sở Y tế tỉnh Ðồng Nai Lê Quang Trung cho biết: Từ ngày 27/1 đến 1/2, các cơ sở khám, chữa bệnh trên địa bàn đã tiếp nhận hơn 11.270 lượt khám, cấp cứu, điều trị bệnh, giảm hơn 5.000 lượt so với cùng thời điểm Tết năm 2024. Trong đó, số khám cấp cứu do tai nạn giao thông là 894 trường hợp, tăng 12,2 % so với năm 2024; 14 trường hợp nhập viện do pháo, vật liệu nổ.
Tại Bệnh viện Nhi đồng Ðồng Nai, dịch bệnh sởi được kiểm soát, tính từ ngày 28/1 đến 1/2 có 247 lượt bệnh nhân khám ngoại trú bệnh sởi, trong đó, có 15 bệnh nhân nhập viện để được chăm sóc, điều trị. Ðến nay, bệnh viện có 63 bệnh nhân bị bệnh sởi đang được theo dõi, điều trị. Tổng số bệnh nhân đang điều trị tại bệnh viện là 268.
Bệnh viện đa khoa Ðồng Nai đã hỗ trợ cho các bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn số tiền 70 triệu đồng; tặng 140 phần quà trị giá 94 triệu đồng; tặng quà bằng tiền cho 380 lượt bệnh nhân với số tiền 214,5 triệu đồng; tặng 3.500 suất ăn yêu thương trị giá 105 triệu đồng. Ngoài ra, trong 5 ngày nghỉ Tết, bệnh viện chi hỗ trợ bệnh nhân vì điều kiện bệnh tật phải ở lại bệnh viện điều trị số tiền mỗi ngày 100 nghìn đồng/bệnh nhân.
Theo Sở Y tế thành phố Cần Thơ, các cơ quan, đơn vị đã thực hiện nghiêm, hiệu quả, chủ động tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, tuyệt đối không chủ quan, lơ là, mất cảnh giác trong mọi tình huống; tính đến hết ngày 1/2, không có vụ dịch xảy ra. Công tác tiêm chủng được bảo đảm liên tục, an toàn, hiệu quả. Tổng số khám, cấp cứu, tai nạn trong ngày 1/2 là 1.873 lượt; lũy kế từ ngày 25/1 đến ngày 1/2, tổng số bệnh nhân khám, cấp cứu, tai nạn là 22.539 trường hợp.
Theo báo cáo của Bộ Y tế, trong 9 ngày nghỉ Tết Nguyên đán Ất Tỵ (từ 25/1 đến 2/2), các cơ sở y tế đã thực hiện khám, cấp cứu cho 549.997 lượt người bệnh.
So với cùng kỳ Tết Giáp Thìn 2024, số ca khám cấp cứu nghi do tai nạn giao thông giảm 11%; số ca tử vong nghi do tai nạn giao thông giảm 28,9%; số ca khám, cấp cứu nghi do tai nạn pháo nổ, pháo hoa giảm 24,2%; số ca khám, cấp cứu tai nạn nghi do vũ khí, vật liệu nổ tự chế giảm 50,5%.
Riêng khám, cấp cứu nghi do tai nạn giao thông, các cơ sở y tế tiếp nhận 24.122 ca khám, cấp cứu nghi liên quan đến tai nạn giao thông; 9.818 lượt người bệnh nghi liên quan tai nạn giao thông phải nhập viện điều trị nội trú/theo dõi; 2.538 người chuyển viện.
Tổng số tử vong nghi do tai nạn giao thông là 160 người, trong đó tử vong trước khi đến cơ sở y tế là 66 người, tử vong tại cơ sở khám, chữa bệnh là 39 người và tiên lượng tử vong xin về là 55 người. Các cơ sở y tế tiếp nhận cấp cứu 481 trường hợp cấp cứu tai nạn do pháo nổ, pháo hoa; 48 trường hợp khám, cấp cứu tai nạn do vũ khí, vật liệu nổ tự chế.
Các cơ sở y tế tiếp nhận 711 người khám, cấp cứu do rối loạn tiêu hóa, ngộ độc thức ăn tự chế biến, say bia/rượu, trong đó có 444 người phải nhập viện theo dõi, điều trị; chưa ghi nhận ca tử vong. Bộ Y tế cũng cho biết trong những ngày nghỉ Tết, chưa nhận được phản ánh về việc thiếu thuốc, tăng giá thuốc và chất lượng thuốc phục vụ khám, chữa bệnh.
Nguồn: https://nhandan.vn/