KỶ NIỆM 70 NĂM NGÀY GIẢI PHÓNG THỦ ĐÔ (10/10/1954 – 10/10/2024)
Khoa giáo, Văn hoá - Văn Nghệ
Đăng ngày: 29/04/2024 - Lượt xem: 196
Bảo vệ sức khỏe mùa nắng nóng

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, đợt nghỉ lễ 30/4-1/5 năm nay, nước ta sẽ đón nhận đợt nắng nóng mạnh xảy ra ở cả 3 miền. Nguyên nhân là do thời tiết đang chịu tác động của hiện tượng El Nino, làm cho nền nhiệt cả nước cao hơn so với trung bình nhiều năm.

Tại Hưng Yên, từ ngày 27/4, ban ngày nhiệt độ nắng nóng đến 390C, ngoài trời nhiệt độ có thể cao hơn từ 4 đến 50C. Nhiệt độ cao có thể gây mất nước trong cơ thể, kiệt sức, thậm chí đột quỵ do sốc nhiệt. Do vậy, người dân hết sức chú ý các biện pháp bảo vệ sức khỏe.
Thời tiết mới bước vào mùa hè nhưng đã nắng nóng gay gắt, độ ẩm cao càng khiến không khí oi bức, cảm giác khó chịu. Tình trạng này khiến nhiều trẻ nhỏ dễ mắc bệnh do cơ thể chưa kịp thích nghi, gia tăng trẻ mắc các bệnh mùa hè, nhiễm khuẩn đường tiêu hóa… Tại Bệnh viện Sản – Nhi Hưng Yên, khoảng 100 bệnh nhi mắc bệnh đường hô hấp, bệnh truyền nhiễm hiện nay đang được điều trị nội trú. Bác sĩ Nguyễn Thị Thanh Hữu, Phó Giám đốc Bệnh viện Sản – Nhi Hưng Yên cho biết: “Nhiều bệnh nhân mắc vi rút bệnh hô hấp, trong đó có vi rút Adeno và vi rút hợp bào hô hấp RSV. Đây là 2 loại vi rút nguy hiểm, tốc độ lây lan nhanh, bệnh tiến nhanh vào phổi dễ khiến trẻ bị suy hô hấp”. Bệnh viện Đa khoa tỉnh đang có nhiều bệnh nhân nhi mắc bệnh hô hấp, tiêu chảy đang điều trị nội trú, ngoài ra, một số trẻ mắc bệnh truyền nhiễm được điều trị nội trú tại Khoa Truyền nhiễm.
Thăm khám bệnh nhi tại Bệnh viện Sản-Nhi Hưng Yên
Trong điều kiện thời tiết ngoài trời lên tới hơn 400C, nhiều người dân vẫn phải ra ngoài trời làm việc. Chị Nguyễn Thị Bình ở xã Thiện Phiến (Tiên Lữ) cho biết, thời tiết nắng nóng, song rau đến lứa thu hoạch nên tôi vẫn phải ra đồng để có rau bán buổi chiều. Tuy thời gian đi làm đồng đã được lùi lại muộn hơn mọi khi, nhưng ngoài ruộng vẫn rất nắng, hơi nóng hầm hập từ mặt ruộng hắt lên rất khó chịu.
Theo các bác sĩ, vào mùa nắng nóng có thể gặp phải một số vấn đề về sức khỏe thường gặp như: Say nắng, say nóng hoặc đột quỵ do nóng. Nguyên nhân chủ yếu là do phải tiếp xúc quá lâu hoặc làm việc trong môi trường nắng nóng, nhiệt độ cao hoặc cũng có thể do thay đổi nhiệt độ môi trường đột ngột. Trẻ em thường mắc các bệnh về đường hô hấp, bệnh truyền nhiễm, tiêu chảy. Một số đối tượng có nguy cơ cao gồm: Người già, trẻ nhỏ và phụ nữ có thai; những người làm việc, luyện tập với cường độ cao ở ngoài trời nắng lâu hoặc trong môi trường nóng bức; những người mắc các bệnh mạn tính…
Để bảo vệ sức khỏe và chủ động phòng, chống dịch, bệnh trong mùa nắng nóng, người dân cần thực hiện các biện pháp bảo vệ sức khỏe theo khuyến cáo của Bộ Y tế. Theo đó, hạn chế đi ra ngoài trời nắng trong những ngày nắng nóng, đặc biệt trong khoảng thời gian từ 10 giờ sáng đến 16 giờ. Những người đang ở trong phòng điều hòa nhiệt độ thấp không nên đi ra ngoài trời nắng đột ngột mà cần phải có một khoảng thời gian để cơ thể thích nghi với môi trường bên ngoài bằng cách tăng nhiệt độ điều hòa trong phòng hoặc ngồi nghỉ trong bóng mát trước khi đi ra ngoài trời. Mặc quần áo sáng màu, thoáng mát, thấm mồ hôi.
Đối với những người phải làm việc trong thời tiết nắng nóng, bố trí thời gian làm việc vào những lúc trời mát mẻ như vào sáng sớm hoặc chiều muộn. Hạn chế thời gian làm việc trong môi trường nhiệt độ cao. Nếu bắt buộc phải làm việc thì không nên làm việc quá lâu trong môi trường nóng bức, tránh các hoạt động thể lực quá sức. Nên định kỳ sau khoảng 45 phút đến 1 giờ làm việc thì nghỉ ngơi ở nơi thoáng mát trong khoảng thời gian từ 15 - 20 phút. Không sử dụng các loại đồ uống có cồn. Cần uống nước đều đặn trong suốt thời gian làm việc. Đặc biệt, cần uống thêm các loại nước có bổ sung thêm muối và khoáng chất như Oresol đối với những người bị mất nhiều mồ hôi trong quá trình làm việc, khi uống nước cần tuân thủ hướng dẫn của nhà sản xuất.
Thực hiện các biện pháp làm thoáng mát nơi làm việc như sử dụng mái che, các tấm phản chiếu nhiệt, vật liệu cách nhiệt, hệ thống phun nước, phun sương, lắp đặt hệ thống điều hòa, hệ thống quạt thông gió phù hợp. Hạn chế tối đa diện tích tiếp xúc của ánh nắng lên cơ thể đặc biệt là vùng vai gáy. Sử dụng phương tiện bảo hộ cá nhân phù hợp khi làm việc ngoài trời nắng như quần áo bảo hộ lao động, mũ, nón, kính. Mặc quần áo rộng, thoáng mát và thấm mồ hôi. Tăng cường ăn các loại rau xanh và hoa quả. Đặc biệt cần uống tối thiểu từ 1,5 đến 2 lít nước/ngày, nên uống thành nhiều lần trong ngày. Rèn luyện thân thể để nâng cao sức đề kháng và sức chống chịu với điều kiện thời tiết nắng nóng.
Đối với các cơ sở y tế, cần chuẩn bị sẵn sàng thuốc, trang thiết bị, phương tiện cấp cứu tại viện và ngoại viện; tập huấn lại kỹ năng cấp cứu người say nắng, sốc nhiệt và đặc biệt là đột quỵ; sẵn sàng cấp cứu kịp thời người bệnh. Rà soát thực trạng thông khí tại các khu vực có nhiều người bệnh như sảnh chờ, hành lang và các khoa điều trị, buồng bệnh, phòng hành chính…; lập kế hoạch bổ sung quạt, điều hoà cho các khu vực cần thiết; huy động các nguồn kinh phí mua quạt trần, quạt thông gió, quạt hơi nước hoặc máy điều hoà trong khả năng nguồn lực của đơn vị. Bảo đảm cung cấp đầy đủ nước uống miễn phí cho người bệnh và người nhà người bệnh tại các khoa, phòng, sảnh chờ; duy trì bệnh viện xanh, sạch, đẹp theo hướng dẫn trong Bộ tiêu chí chất lượng bệnh viện và bổ sung cây xanh nếu cần thiết…
Nguồn: https://baohungyen.vn
Tin liên quan