KỶ NIỆM 70 NĂM NGÀY GIẢI PHÓNG THỦ ĐÔ (10/10/1954 – 10/10/2024)
Tác phẩm văn học nghệ thuật
Đăng ngày: 04/09/2015 - Lượt xem: 124
Bát cơm vàng mừng ngày độc lập

                                                                                                                                                                              Truyện ký

         Bước vào năm Ất Dậu (1945) nông dân khắp nơi càng khốn khổ cùng cực, nhà nào giữ được mảnh ruộng đều phải phá lúa trồng đay. Được hạt thóc để ăn lại phải nộp ngay thuế bằng thóc cho Nhật. Thóc cao gạo kém, hàng hoá khan hiếm  đắt đỏ, dân nghèo bán sạch gia sản lo cho hai bữa mỗi ngày. Có thứ gì bán được là bán tào bán huyệt để có cái cho vào miệng mà không kịp nữa .

        Không còn tiền đong gạo ngô khoai thì mua cám ăn thay. Nhưng rồi cũng không có tiền để mà mua cám.  Rau khúc, rau má, đến cả những thứ  rau cỏ linh tinh ngoài đồng không còn một ngọn. Đào củ chuối ăn trừ bữa nhưng vài bữa là không chịu nổi. Đành dắt díu nhau đi tha phương cầu thực, ăn mày ăn xin khắp nơi khắp chốn. Đói quá, đi không nổi, đành nhắm mắt quên đời. Gốc cây, vệ đường, quán chợ sáng nào cũng nhan nhản xác người vô thừa nhận, mặc cho đám tuần phiên địa phương lôi đi “chôn làm phúc”.    

Đến mùa thu năm ấy nạn đói càng hoành hoành dữ dội, làng xóm xơ xác tiêu diều. Hàng triệu gia đình lâm cơn ngắc ngoải, thần chết đang chực chờ khắp nơi khắp chỗ thì Việt Minh như vị Bụt cứu khổ cứu nạn trong cổ tích xuất hiện. 

Việt Minh đến làng, bắt lý dịch cường hào mang sổ sách triện bạ tập trung tại đình, đốt cháy ngùn ngụt giữa tiếng reo hò của nhân dân. Rồi Việt Minh hô hào mọi người đi theo phá kho thóc Nhật. Qua các làng, dân nghèo gọi nhau theo đi. Đoàn quân  vừa đi vừa hô to: “Đả đảo Nhật, Pháp! Đả đảo bọn Việt gian  bán nước hại dân! Cách mạng muôn năm! Việt Minh muôn năm!” .Tiếng hô vang động khắp vùng, khí thế ngùn ngụt long trời chuyển đất. Người nối tiếp người hăm hở vung tay, chân bước rầm rập.

Kho thóc Nhật tại đình Mễ Sở (Văn Giang) chưa kịp tẩu tán, mấy tên tuần và lính canh gác nghe tiếng hô và tiếng loa vang vọng đến gần vội vã vác súng lủi biến vào trong xóm. Việt Minh phá cửa kho, đạp tung cánh cửa cho dân ùa vào xúc thóc. 

        Tiếng loa sắt tây oang oang thông báo : “Thực dân Pháp dâng nước ta cho phát xít Nhật. Phát xít Nhật lập ra chính phủ bù nhìn Trần trọng Kim, cho Việt Nam độc lập giả hiệu. Chúng bắt dân ta phá lúa trồng đay, lại thu thuế bằng thóc  khiến dân ta đã và đang chết đói dần mòn. Hỡi  đồng bào! Hãy theo Việt Minh vùng lên đánh duổi Nhật- Pháp, lật đổ chế độ vua quan, phá các kho thóc cứu nhân dân đang đói…”. Rồi tiếng hát vang của những người cùng đi: “Việt Nam bao năm ròng rên xiết lầm than/ Dưới ách quân tham tàn đế quốc sài lang/ Loài phát xít cướp thóc lúa, cướp đời sống dân mình/ Nào nhà tù, nào trại giam biết bao nhiêu nhục hình/ Đồng bào tuốt gươm vùng lên/ Đã đến ngày trả mối thù chung ...”       

         Tiếng hát rộn ràng, hừng hực như  kêu gọi, như thôi thúc.

*

          Bác Hai Cỏn xóm 4 làng Đông, người gầy hốc hác hổn hển đội trên đầu một rá thóc đầy chốc chốc lại ngồi bệt xuống dệ đường nghỉ thở, cố lết đi gần hai cây số để về  được đến nhà. Gọi là nhà nhưng thực ra chỉ là một túp lều lợp rạ, mái thủng trông thấy trời, được dựng lên trên mảnh đất hoang phía cuối làng, kê  vừa chiếc giường tre ọp ẹp, một góc là bếp tro lạnh ngắt, cạnh đấy mấy cái nồi đất, vài cái bát sứt mẻ chỏng trơ. Trên vách bùn khô lủng lẳng treo mấy chiếc quần áo rách như xơ mướp.

         Vừa đặt rá thóc xuống đất, bác nằm vật ra để thở. Mệt nhưng vui sướng, bác muốn gào to: “Có thóc là sống rồi, các con ơi, có thóc rồi, có thóc rồi, giã dập ra  nấu cháo ăn là các con hết đói. Sống rồi! Sống rồi, các con ơi !”.

Hai đứa con thằng anh mười hai, con em lên chín. Đứa nào cũng  chỉ còn  da bọc xương và hai con mắt thô lố. Ngày ngày chúng lang thang tự đi kiếm lấy ăn, đến bữa về nhà bố mẹ cho gì thì ăn nấy. Nhưng mấy ngày nay chúng không đi được nữa, đang nằm thoi thóp trên chíếc giường tre góc nhà kia. Nghe tiếng bố lẩm bẩm  thằng  anh  ngóc đầu thều thào  trong tiếng thở :

           -  Bố ơi! Bố làm sao thế? Đói quá, có gì ăn không bố ơi ! .

Hai Cỏn  chỉ vào rá thóc :

          -  Có thóc rồi, bố đỡ mệt sẽ  giã thành gạo nấu cháo cho các con ăn. Ăn dè được vài ba ngày đấy. Thóc Việt Minh cho đấy. Mai bố lại đi theo phá kho thóc Nhật, cho cả chúng mày đi. Bố con mình phải theo Việt Minh mới sống nổi các con ạ! Các con sống được là bố mừng rồi …

         Rồi bác chợt nhớ đến vợ, chợt nhớ đến tình cảnh gia đình vừa hơn tháng trước đây. Hai mắt nước trào lăn trên gò má hom hem ,bật lên tiếng kêu thổn thức: “Sống rồi ! Sống rồi ! Mẹ  nó ơi sao không cố sống đến hôm nay, lúc có ăn thì lại vắng mẹ mày, hu …hu…?”

        Thấy bố khóc, hai đứa biết mẹ chết rồi, cùng oà khóc theo nức nở không thành tiếng…

*

Hơn tháng trước, một tối chị Hai  nói với chồng:

- Tôi đói không có sữa nuôi con mà cái Tý mới sinh chưa đầy tháng phải  chết, mọi thứ phải bán hết rồi, họ hàng làng xóm đều trong cảnh túng nghèo đói khổ, hay là ta theo mọi người, dắt 2 đứa còn lại đi nơi khác kiếm ăn ?

Hai Cỏn lắc đầu :

          -  Đi đâu bây giờ cũng thế, bỏ quê cha đất tổ mà đi rồi cũng đến chết vùi chết dập. Thà chết ở làng còn hơn. Cố kiếm lấy cái cầm hơi. Mẹ nó đi mò cua bắt ốc, làm thuê làm mướn, tôi đi choạc con tôm con cá, ai thuê mượn việc gì thì làm việc ấy, còn hai đứa cho ra chợ huyện vừa xin ăn vừa nhặt cái rơi cái vãi mà sinh sống qua ngày.

       Nói thế nhưng đói bụng thì thân thể rã rời, chân tay bải hoải chẳng làm được gì. Vả lại, cũng chẳng ai thèm mướn những người xạc xờ đói rách, nhấc tay không nổi kia. Lũ trẻ ra chợ thấy quà bánh càng thèm, càng đói, có hôm bốc trộm nắm bột ngô còn bị đánh thâm tím mặt mày, thằng lớn phải xoa bóp mấy ngày sau mới đỡ . 

Thương con, hai vợ chồng thất thểu đeo bị cầm gậy chia nhau đi ăn mày các làng phía dưới. Nhưng ăn mày ăn xin nhiều quá, vào nhà nghèo chẳng được gì , nhà giầu thì đóng cổng chặt hoặc thả chó dữ xồ ra xua đuổi. Lang thang suốt ngày chỉ được mươi củ khoai sống, vài bắp ngô... cho cả nhà quây quần một bữa. Có hôm xin được bát cám lợn, tối về  nấu chuội lên xì xụp qua ngày. Nhìn vợ phờ phạc, nói không ra hơi, bác  Hai bảo:

- Xin được gì thì mẹ mày ăn cho no đi, thừa thãi hãy mang về.

Chị Hai cười mà như mếu :

     - Đâu đâu cũng thiếu ăn, đi rạc cẳng chẳng được gì, xin được thì mang về  cho con cùng ăn để cầm hơi. Sao bố nó không ăn đi  mà cũng mang về?

        Rồi một ngày cuối tháng sáu, tối ấy chị Hai không thấy về nhà. Linh tính báo việc chẳng lành, sáng sau Hai Cỏn thất thểu bị gậy đi tìm chị. Đến chợ Từ  thấy mấy người phu tuần đang đi nhặt xác ăn mày chết quẳng lên chiếc xe kéo ọc ạch mang ra tha ma chôn. Hai Cỏn chợt sững người lại nhìn vào xác một người đàn bà quần áo rách tươm “Đúng mẹ nó kia rồi. Trời ơi! Chết khổ chết sở thế kia ư. Nén hương cũng không có !” Bác muốn kêu to và hét toáng lên nhưng kêu không ra hơi được nữa, muốn khóc than kể lể mà cạn hết nước mắt rồi. Muốn chạy theo giằng lại nhưng chân tay rã rời không sao đi nổi, bác lảo đảo theo hút chiếc xe bò đang được mấy anh tuần kéo ra cánh đồng hoang. Được một đoạn, bác ngã lăn quay ra vệ đường. Một anh tuần ngoái lại trông thấy quát to:

-  Lại một thằng ăn mày nữa chết kìa, quay lại vứt nó lên xe này đem chôn một thể.

Nhưng người khác gạt đi:

-  Người ta mới ngã là chưa chết hẳn đâu. Để đấy, sáng mai nhặt cùng bọn trong chợ, đêm nào mà không ba bốn xác. Khổ thân họ, chẳng biết quê quán ở đâu, ai chết cũng chỉ còn trơ khấc bộ xương.

Một người thở dài :

          - Cứ thế này, rồi bọn mình cũng chết đói cả nút thôi. Thóc cao gạo kém, cái gì cũng đắt như vàng. Làm ra được hạt thóc, hương lý kỳ hào thu cho Nhật hết, rồi lấy gì mà ăn? Thôi thì lạy các vong linh, chúng tôi đào sâu chôn chặt cho các người, xin phù hộ cho chúng tôi được thoát cảnh đói khát như các người phải chịu .

      Hai Cỏn không chết, thất thểu về đến nhà trời đã khuya, hai đứa con ôm nhau nằm trên chiếc giường ọp ẹp. Chúng cũng thở không ra hơi nữa, suốt ngày qua, chúng chỉ có nửa bát cám chia nhau, vừa vốc từng nhúm bỏ vào miệng, vừa uống nước lã cho khỏi nghẹn. Trời tối chúng khóc gọi bố, gọi mẹ. Nhưng đói quá khóc gọi chán rồi thiếp lịm đi .

       Cả xóm đều chung cảnh ngộ đói nghèo, nên tối đến nhà nào biết nhà nấy Bọn giầu có và bọn lý dịch trong làng nào có quan tâm đến ai, chưa chập tối  đã sập cổng ngõ, then trong then ngoài, chỉ sợ dân nghèo đến cướp .

        May quá đêm tối lần về, qua mấy ruộng khoai, Hai Cỏn móc trộm được ít khoai lang đang hình thành củ. Bác chùi qua loa đất cát rồi bỏ vào mồm nhai ngấu nghiến, vậy mà tỉnh táo hẳn lên. Nghĩ đến các con, bác cố móc thêm được ít củ non lỏn nhỏn…

Thấy động,thằng anh chợt tỉnh thều thào kêu :

- Bố ơi ! Bố bỏ chúng con chết đói thế này ư? Mẹ đâu rồi ! Mẹ về chưa bố ơi?

Hai Cỏn vội chùi sạch mấy củ khoai như những ngón tay gầy đưa cho các con mỗi đứa mấy mẩu. Chúng tóp tép nhai ngon lành, chất khoai tươi đã làm  chúng tỉnh táo. Nhưng rồi ngày sau thì chúng lại nằm liệt, bụng tóp lại, chỉ còn rên  khe khẽ. Cái chết đang chầm chậm tìm đến túp lều tranh .

      Giữa lúc ấy thì Việt Minh về làng, bác Hai  đi  theo phá kho thóc Nhật, đội về được hẳn một rá đầy. Xúc ít thóc cho vào cối giã vội, bác cho ngay vào nồi, đổ đầy nước bắc lên bếp nổi lửa đun luôn. Hơi gạo nguyên cám bốc lên thơm lựng khiến bụng dạ bác và lũ trẻ cồn cào mong ngóng, đợi chờ .

        Bác Hai cũng đói lắm, thèm ăn lắm nhưng phải cẩn trọng không thể háu ăn hấp tấp được. Vừa đi lấy thóc về, có người vội vàng ăn ngay suýt chết nghẹn, lại có người ăn no quá ôm bụng mà thở và cũng lại suýt chết no kia kìa.

        Bằng chiếc quat mo cau cáu bẩn, bác dồn sức quạt lấy quạt để, vừa quạt vừa quấy cho nồi cháo chóng nguội. Cháo vào bụng, hai đứa bé tỉnh hẳn ra, chúng ngơ ngác nhìn bố đang vừa ăn vừa lẩm bẩm: “Lạ quá ! Lạ quá, từ xửa xưa cụ kỵ tổ tiên chưa bao giờ có…”

                                  *                                  

Mới hơn một tháng trời mà bao nhiêu điều lạ lùng, kỳ diệu dã xẩy ra. Bọn quan lại, hương lý kỳ hào mới hôm nào còn vênh vang hống hách . Vậy mà bây giờ phải răm rắp nghe lệnh Việt Minh. Thằng Nhật tàn ác hung hăng, khoe là hùng mạnh nhất thế giới, vậy mà cũng phải cúi đầu, im hơi lặng tiếng.

Rõ ràng hôm đi phá kho thóc, hai thằng lính cầm súng hẳn hoi nghe tiếng Việt Minh đến thì ù té chạy trốn liền. Cái điều lạ nhất mà Hai Cỏn thấy là Việt Minh đều là người nghèo khổ như mình, tất cả đều gọi nhau là “đồng chí ”, trên dưới thân tình không hách dịch vênh váo như cai đội quan lại trước đây.  

          Rồi bao nhiêu điều mới lạ xuất hiện: Việt Minh chiếm lĩnh Huyện đường, phế truất Bảo Đại, ban hành bao nhiêu mệnh lệnh mà xưa nay chưa từng có...

Đất nước từ nay hoàn toàn độc lập rồi, không còn Tây, Nhật, không còn vua chúa quan lại lý dịch, không còn áp bức bóc lột. Nam nữ bình quyền, bình đẳng,c hế độ ta là chế độ dân chủ cộng hoà, nhân dân làm chủ. Ai cũng được học hành, ai cũng được tự do, hạnh phúc.

Nghe Cán bộ Việt Minh nói mà lâng lâng sung sướng, mà chứa chan tin tưởng và hy vọng, mà vỡ vạc ra bao nhiêu điều còn tối tăm mê muội.

 *  

         Hai Cỏn  được chia tức tốc nửa thùng ngô mảnh và nhận lại miếng ruộng hồi nào túng đói cầm cho địa chủ lấy mấy đấu gạo mà không chuộc nổi. Lúc nhận ruộng, nhận ngô, bác Hai sụp xuống hướng về phía ảnh Cụ Hồ vái lấy vái để, vừa vái vừa khóc nghẹn ngào:

 - Trăm lạy Cụ Hồ, ngàn lạy Cụ Hồ, lạy Việt  Minh cách mạng cứu bố con tôi sống sót , cứu vớt dân nghèo chúng tôi thoát cảnh lầm than.

Cán bộ Việt Minh vội vàng đỡ bác đứng dậy và cũng khóc theo:

-  Tôi cũng là dân nghèo đi làm Cách mạng. Chúng ta đều như nhau cả. Ơn Cụ Hồ, ơn Cách mạng, từ  nay chúng ta được đổi đời rồi, không còn là nô lệ  như  ngày xưa nữa. Tất cả chúng ta phải thề dù chết cũng gìn giữ bảo vệ  lấy chế độ này .

        Mang ngô cứu tế về nhà, chiều ấy bác Hai nấu đầy một nồi cơm ngô vàng choé, nói với hai con :

         -  Đây là cơm vàng của Cụ Hồ, của Việt Minh ban phát cứu sống bố con ta. Các con được ăn một bữa no để  mừng nước nhà độc lập, mừng bố con mình sống sót hồi sinh. Có cơm ăn rồi từ ngày mai bố con ta ra đồng sản xuất, chiều bố về luyện tập tự vệ, các con sẽ vào đội thiếu nhi cứu quốc. Hàng tối, cả mấy bố con ra đình học bình dân. Phải học cái chữ các con ạ, không có chữ thì u mê tăm tối, chẳng hiểu biết gì đâu. Từ đời tổ tiên cha ông cụ kỵ chưa bao giờ có được thế này đâu.

Khi cơm chín, bác Hai cẩn trọng xới một bát rõ đầy, đặt lên cái mâm gỗ sứt mẻ. Thêm đôi đũa, cái bát sành và chén nước lã, bác thắp ba nén hương rồi để trên cái ghế đẩu cũ trước cửa nhà. Bác bảo hai con đứng phía sau lưng vái theo. Bác khấn to:  

       - Hôm nay ngày 28 tháng bảy năm Ất Dậu, mừng nước nhà  độc lập, lại là 49 ngày mẹ nó chết đói chết khát, bố con tôi được Cụ Hồ và Việt Minh cứu sống, có bát cơm vàng, chén nước trong cúng vong hồn mẹ nó. Mẹ nó ơi có khôn thiêng  xin về cùng hưởng ...

         Một làn gió phất nhẹ, mấy đầu hương lập lòe như sự chứng giám của bác gái mừng cha con bác Hai Cỏn được hồi sinh.

 Đông Trang

Tin liên quan