KỶ NIỆM 70 NĂM NGÀY GIẢI PHÓNG THỦ ĐÔ (10/10/1954 – 10/10/2024)
Tin tức hoạt động
Đăng ngày: 05/09/2019 - Lượt xem: 140
Bình đẳng giới trong lĩnh vực chính trị

Thực hiện Chương trình phối hợp, Trang Thông tin điện tử Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đăng nội dung phối hợp tuyên truyền với Sở Lao động, Thương binh và Xã hội.

Bình đẳng giới trong lĩnh vực chính trị được xem là một trong những nội dung quan trọng, then chốt, tạo cơ hội cho phụ nữ được phát huy trình độ, năng lực, kinh nghiệm, thể hiện quan điểm trong quyết định các chính sách về các lĩnh vực khác nhau của quốc gia. Thông qua đó, góp phần tạo nền tảng vững chắc cho việc thúc đẩy bình đẳng giới trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội.
Nội dung bình đẳng giới trong lĩnh vực chính trị đã được quy định tại Luật Bình đẳng giới: Nam, nữ bình đẳng trong tham gia quản lý Nhà nước, tham gia hoạt động xã hội; tham gia xây dựng và thực hiện hương ước, quy ước của cộng đồng hoặc quy định, quy chế của cơ quan, tổ chức; nam nữ bình đẳng trong việc tự ứng cử và được giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân; tự ứng cử và được giới thiệu ứng cử vào cơ quan lãnh đạo của tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội – nghề nghiệp; nam nữ bình đẳng về tiêu chuẩn chuyên môn, độ tuổi khi được đề bạt, bổ nhiệm vào cùng vị trí quản lý, lãnh đạo của cơ quan, tổ chức…
Nghị quyết số 11-NQ/TW ngày 24/4/2007 của Bộ Chính trị về công tác phụ nữ trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước cũng đã đưa ra mục tiêu: Phấn đấu đến năm 2020, phụ nữ được nâng cao trình độ về mọi mặt, có trình độ học vấn cao, chuyên môn nghiệp vụ đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập kinh tế quốc tế.
Để đảm bảo quyền bình đẳng trên lĩnh vực chính trị của phụ nữ, trước hết phải kể đến quyền bầu cử và ứng cử. Đây là quyền lợi chính trị quan trọng của phụ nữ Việt Nam. Điều 8, Điều 9 Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân năm 2015 quy định: “Số lượng phụ nữ được giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội do Ủy ban Thường vụ Quốc hội dự kiến trên cơ sở đề nghị của Đoàn Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, bảo đảm có ít nhất 35% tổng số người trong danh sách chính thức những người ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân là phụ nữ”.
Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011 – 2020 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 2351/QĐ-TTg, gồm 7 mục tiêu và 22 chỉ tiêu nhằm thúc đẩy thực hiện bình đẳng giới trong các lĩnh vực của đời sống xã hội, trong đó có mục tiêu: tăng cường sự tham gia của phụ nữ vào các vị trí quản lý, lãnh đạo nhằm từng bước giảm dần khoảng cách trong lĩnh vực chính trị. Phấn đấu đến năm 2020 đạt trên 95%  Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân các cấp có lãnh đạo chủ chốt là nữ.
Ngày 20/01/2018, Ban Bí thư ban hành Chỉ thị số 21-CT/TW về tiếp tục đẩy mạnh công tác phụ nữ trong tình hình mới, trong đó nêu: Người đứng đầu cấp uỷ, chính quyền các cấp chịu trách nhiệm chỉ đạo, tổ chức thực hiện đồng bộ các giải pháp để đạt chỉ tiêu Nghị quyết số 11-NQ/TW về công tác cán bộ nữ; quan tâm tạo nguồn cán bộ nữ trẻ, nữ dân tộc thiểu số. Hoàn thiện các quy định về công tác cán bộ bảo đảm nguyên tắc bình đẳng giữa nam và nữ về độ tuổi trong quy hoạch, đào tạo, bổ nhiệm, luân chuyển đối với một số nhóm phụ nữ giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý phù hợp trong từng giai đoạn.
Hướng tới Đại hội Đảng bộ các cấp và tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, ngày 30/5/2019, Bộ Chính trị ban hành Chỉ thị số 35-CT/TW, trong đó đề ra chỉ tiêu: Phấn đấu đạt tỷ lệ cấp ủy viên nữ từ 15% trở lên và có cán bộ nữ trong Ban Thường vụ; tỷ lệ cán bộ trẻ (dưới 40 tuổi đối với cấp tỉnh, cấp huyện) từ 10% trở lên. Cấp ủy các cấp, nhất là người đứng đầu phải chủ động và có trách nhiệm lãnh đạo, chỉ đạo việc rà soát, đánh giá để đào tạo, bồi dưỡng, bố trí, sắp xếp cán bộ nữ, cán bộ trẻ, cán bộ người dân tộc thiểu số vào các chức danh có cơ cấu tham gia cấp ủy khóa mới; đồng thời, có giải pháp hiệu quả chuẩn bị nguồn cán bộ cả trước mắt và lâu dài.
Thực hiện mục tiêu quốc gia về Bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ, trong những năm qua, tỉnh Hưng Yên đã xây dựng và triển khai thực hiện hiệu quả các chỉ thị, nghị quyết; chương trình, kế hoạch về công tác cán bộ nữ và hoạt động bình đẳng giới, vì sự tiến bộ của phụ nữ. Công tác bình đẳng giới trong lĩnh vực chính trị có chuyển biến tích cực, phụ nữ Hưng Yên đã và đang tham gia vào các vị trí cấp ủy, chính quyền, tham gia vào các ngành, lĩnh vực của đời sống xã hội, góp phần vào sự phát triển của gia đình, cộng đồng, quê hương, đất nước.
Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác bình đẳng giới, vì sự tiến bộ của phụ nữ còn một số hạn chế: Nhận thức của  một số cấp ủy, chính quyền, cán bộ, đảng viên về công tác  bình đẳng giới, vì sự tiến bộ của phụ nữ chưa đầy đủ, toàn diện. Một số địa phương, đơn vị, cấp ủy, chính quyền chưa thực sự quyết liệt trong chỉ đạo, tổ chức thực hiện Nghị quyết của Đảng về công tác phụ nữ và pháp luật về Bình đẳng giới nên vẫn còn có sự khác biệt lớn giữa nam và nữ  trong tham gia hoạt động chính trị, tỷ lệ nữ tham gia lãnh đạo, quản lý còn thấp so với yêu cầu Nghị quyết số 11-NQ/TW của Bộ Chính trị về công tác phụ nữ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Từ thực tiễn công tác bình đẳng giới, vì sự tiến bộ của phụ nữ tỉnh Hưng Yên và để đảm bảo quyền bình đẳng trên lĩnh vực chính trị chuẩn bị cho Đại hội Đảng các cấp nhiệm kỳ 2020 – 2025, bầu cử Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 – 2026, các cấp ủy đảng, chính quyền cần có những giải pháp đồng bộ, đó là:
1. Tiếp tục quán triệt quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ đã nêu trong Nghị quyết số 11-NQ/TW ngày 27/4/2007 của Bộ Chính trị; Chỉ thị số 35-CT/TW ngày 30/5/2019 của Bộ Chính trị; Chỉ thị số 21-CT/TU ngày 20/01/2018 của Ban Bí thư; Chương trình hành động số 11-CTr/TU ngày 10/10/2007 và Chỉ thị số 29-CT/TU ngày 25/5/2018 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tiếp  tục đẩy mạnh công tác phụ nữ trong tình hình mới.
2. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền, các ngành, các tổ chính trị - xã hội, cán bộ, đảng viên và toàn thể nhân dân về vị trí, vai trò của phụ nữ, thực hiện bình đẳng giới, xóa bỏ định kiến giới trong các lĩnh vực, nhất là lĩnh vực chính trị.
3. Thực hiện tốt công tác quy hoạch cán bộ nữ theo một lộ trình chặt chẽ từ cấp cơ sở; tăng cường công tác quy hoạch dài hạn cán bộ quản lý, lãnh đạo nữ. Quan tâm việc tuyển chọn, sử dụng, bố trí luân chuyển, đề bạt cán bộ nữ; đồng thời, có cơ chế thích hợp đảm bảo sự tham gia chính trị của phụ nữ nhằm đạt mục tiêu Nghị quyết số 11-NQ/TW và Chỉ thị số 35-CT/TW của Bộ chính trị.
Tin liên quan