Theo Bộ trưởng, rà soát lại toàn bộ quy trình thi THPT quốc gia năm 2018, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã đánh giá những nguyên nhân dẫn đến gian lận thi cử và đưa ra giải pháp nhằm khắc phục tình trạng này.
“Trước hết về nguyên nhân, về phía Bộ Giáo dục và Đào tạo thì chúng tôi, và với trách nhiệm cá nhân tôi là Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo phụ trách ngành xin nhận trách nhiệm và thiếu sót ở một số công việc sau: thứ nhất là về phần mềm thi trắc nghiệm vẫn còn lỗ hổng kỹ thuật dẫn đến một số người xấu lợi dụng để làm sai lệch kết quả thi; thứ hai công tác quán triệt quy chế thi và hướng dẫn nghiệp vụ chưa được chi tiết ở một số địa phương, nhất là khâu chấm thi; thứ ba công tác thanh, kiểm tra cũng chưa thực sự sâu sát trong các khâu, đặc biệt là khâu chấm thi ở một số địa phương”, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nói.
Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo cũng chỉ ra nguyên nhân về phía địa phương dẫn đến sai phạm trong kỳ thi THPT quốc gia năm 2018. Cụ thể, ban chỉ đạo thi cũng như hội đồng thi các địa phương theo phân cấp chưa thực hiện đầy đủ trách nhiệm của mình, đặc biệt công tác chọn cán bộ coi thi cũng chưa đáp ứng được đầy đủ yêu cầu, dẫn đến việc một số cán bộ coi thi chủ động thông đồng và kết nối với nhau để thực hiện hành vi gian lận.
Ngay sau khi nhận được thông tin phản ảnh về gian lận, Bộ giáo dục và Đào tạo đã cử đoàn thanh tra để kiểm tra và có văn bản đề nghị Bộ Công an phối hợp điều tra. Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ giáo dục và Đào tạo và Bộ Công an đã phối hợp để điều tra xác minh và bước đầu đã có kết quả. Các thí sinh được nâng điểm đã được chấm thi lại và đưa về điểm thật, các thí sinh không đủ điểm vào đại học đã bị trả về địa phương và Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tổ chức kiểm điểm rút kinh nghiệm toàn ngành. Bộ Công an đã rất tích cực khởi tố bị can vụ án và đang tiếp tục để khởi tố các bị can, các đối tượng có liên quan. Do tính chất phức tạp của công việc cho nên đến nay Bộ Công an vẫn đang trong quá trình điều tra và các địa phương cũng đang tiếp tục xử lý trong phạm vi trách nhiệm của mình, khi có kết quả điều tra đối tượng gian lận sẽ bị xử lý nghiêm khắc theo quy định của pháp luật.
“Quan điểm của chúng tôi là nghiêm khắc xử lý gian lận và chúng tôi cũng đề nghị các địa phương xem xét cho ra khỏi ngành những cá nhân có dấu hiệu liên quan do công an điều tra xác minh”, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nhấn mạnh.
Để khắc phục tình trạng gian lận thi cử, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã triển khai một số giải pháp, cụ thể: tăng cường quán triệt quy chế thi và tập huấn thật kỹ; điều các cán bộ coi thi và tăng cường công tác thanh tra kiểm tra; đặc biệt, công tác chấm thi sẽ do Bộ giáo dục và Đào tạo trực tiếp chỉ đạo, trong đó giao cho các trường đại học đứng ra phụ trách, phầm mềm chấm thi trắc nghiệm được nâng cấp và mã hoá dữ liệu; thực hiện đánh phách; triển khai các camera giám sát để giám sát chặt chẽ kỳ thi. Đối với bài thi tự luận sẽ thực hiện chấm hai vòng và chấm thử nghiệm 5%, những bài điểm cao sẽ chấm lại.
“Nhân đây chúng tôi cũng đề nghị các cấp uỷ đảng, chính quyền địa phương và đại biểu, cử tri tham gia giám sát để kỳ thi năm 2019 bảo đảm an toàn”, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nói.
“Đề nghị ra khỏi ngành giáo viên sa sút về đạo đức”
Cũng trong phần phát biểu giải trình, Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo đã đề cập đến các vụ việc liên quan bạo lực học đường và đạo đức nhà giáo xảy ra trong thời gian qua mà bản thân Bộ trưởng cũng rất bức xúc.
Bộ trưởng cho biết, vấn đề bạo lực học đường đang được tích cực chỉ đạo xử lý. Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đang tham mưu cho Chính phủ ban hành các văn bản quy định liên quan tăng cường chống bạo lực học đường và tổ chức quán triệt toàn ngành để triển khai công việc này.
Về đạo đức nhà giáo, theo Bộ trưởng, hiện nay chúng ta có đội ngũ gần 1,5 triệu giáo viên và cán bộ, phần lớn tâm huyết say mê nghề nghiệp, đóng góp rất tốt, nhiều tấm gương tốt, tuy nhiên, trong đó có một bộ phận nhà giáo sa sút. Khi xảy ra những vi phạm, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng kiên quyết xử lý và đề nghị các địa phương đưa ra khỏi ngành những giáo viên sa sút, vi phạm đạo đức nhà giáo. Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có nhiều biện pháp tăng cường tuyên truyền và xây dựng các chương trình hỗ trợ cho các giáo viên kỹ năng ứng xử sư phạm để khắc phục những tình trạng này.
“Sự nghiệp đổi mới giáo dục và đào tạo cần có thời gian, có những đổi mới chưa thể có kết quả ngay được, đợt đổi mới này rất căn bản và toàn diện. Do vậy có nhiều việc chưa làm bao giờ cũng có lúng túng, sai sót không tránh khỏi, chúng tôi đã nhận thức được và đã kiên quyết khắc phục. Tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội, cử tri, chúng tôi tiếp tục kiên quyết chỉ đạo làm tốt hơn nhiệm vụ của mình”, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nói.
* Đại biểu Nguyễn Mai Bộ, Đoàn đại biểu Quốc hội An Giang:
"Bài phát biểu của đồng chí Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo chưa đề cập đến giải pháp để giải quyết quyền lợi cho các cháu bị tuột mất cơ hội. Chính vì vậy, tôi đề nghị Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo và các trường đã loại các thí si gian lận thì phải có giải pháp để gọi và công nhận, bù lại số các cháu bị mất cơ hội, vì số lượng loại ra là đã có và số các cháu bị mất cơ hội khi các cháu đã có nguyện vọng vào các trường này là chúng ta có thể tính được. Cho nên tôi đề nghị phải có giải pháp này để bảo đảm sự công bằng cho các cháu học thật mà đã bị mất cơ hội do gian lận vừa rồi".
Nguồn: nhandan.com.vn