KỶ NIỆM 70 NĂM NGÀY GIẢI PHÓNG THỦ ĐÔ (10/10/1954 – 10/10/2024)
Tin tức hoạt động
Đăng ngày: 22/02/2019 - Lượt xem: 39
Bộ Y tế khuyến cáo người dân tiêm vắcxin cúm mùa phòng bệnh

Theo thông tin Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), bệnh cúm mùa là bệnh truyền nhiễm cấp tính với biểu hiện sốt, đau đầu, đau cơ, mệt mỏi, sổ mũi, đau họng và ho.

Khoa Hồi sức tích cực – Bệnh viện Bạch Mai điều trị cho bệnh nhân (51 tuổi) cúm A/H1N1 rất nặng. (Ảnh: Dương Ngọc/TTXVN)

Trước tình hình bệnh cúm mùa có xu hướng gia tăng, Bộ Y tế đã khuyến cáo người dân nên tiêm vắcxin cúm mùa phòng bệnh.

Bên cạnh đó, để chủ động phòng chống cúm mùa, người dân cần thực hiện tốt việc đảm bảo vệ sinh cá nhân, che miệng khi hắt hơi, thường xuyên rửa tay với xà phòng, vệ sinh mũi, họng hàng ngày bằng nước muối. Cùng với giữ ấm cơ thể, ăn uống đủ chất để nâng cao thể trạng, cần hạn chế tiếp xúc với bệnh nhân cúm hoặc các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh khi không cần thiết. Đặc biệt, khi có triệu chứng ho, sốt, sổ mũi, đau đầu, mệt mỏi cần đến ngay cơ sở y tế để được khám, xử trí kịp thời.

Theo thông tin Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), bệnh cúm mùa là bệnh truyền nhiễm cấp tính với biểu hiện sốt, đau đầu, đau cơ, mệt mỏi, sổ mũi, đau họng và ho. Tác nhân gây bệnh chủ yếu do các chủng virus cúm A(H3N2), cúm A(H1N1), cúm B và cúm C. Bệnh có khả năng lây nhiễm rất cao, qua đường hô hấp, qua các giọt nhỏ nước bọt hay dịch tiết mũi họng do hắt hơi, ho khạc.

Thông thường bệnh diễn biến nhẹ và hồi phục trong vòng 2-7 ngày, nhưng đối với trẻ em, người lớn tuổi, người có bệnh mãn tính về tim phổi, thận, bệnh chuyển hóa, thiếu máu hoặc suy giảm miễn dịch..., bệnh có thể diễn biến nặng hơn, dễ bị biến chứng và có thể dẫn đến tử vong.

Bệnh lưu hành tại nhiều nước trên thế giới. Theo ước tính của Tổ chức Y tế thế giới, hàng năm có khoảng 5-10% người lớn trưởng thành và khoảng 20-30% trẻ em bị nhiễm bệnh, trong đó có 3 triệu đến 5 triệu trường hợp có diễn biến nặng và khoảng 250.000 đến 500.000 người tử vong.

Tại Việt Nam, trong 10 năm gần đây, hàng năm ghi nhận khoảng từ 1 triệu đến 1,8 triệu trường hợp mắc hội chứng cúm, nguyên nhân chủ yếu do các chủng virus cúm A(H3N2), cúm A(H1N1) và cúm B gây nên. Các trường hợp mắc bệnh có xu hướng gia tăng vào mùa Đông và mùa Xuân.

Để chủ động giám sát sự lưu hành và biến đổi của các chủng virus cúm ở Việt Nam, Bộ Y tế đã triển khai hệ thống giám sát cúm trọng điểm quốc gia từ năm 2006, giám sát nhiễm trùng đường hô hấp cấp tính nặng từ đầu năm 2016 và đẩy mạnh hoạt động xét nghiệm chẩn đoán tác nhân gây bệnh cúm tại Trung tâm cúm quốc gia tại Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, Viện Pasteur Thành phố Hồ Chí Minh. Đến nay, các đơn vị này đều có khả năng xét nghiệm các chủng virus cúm.

Trước đó, tại Khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Bạch Mai đã có hai bệnh mắc bệnh cúm A/H1N1 biến chứng trong tình trạng rất nguy kịch. Phó Giáo sư-tiến sỹ Đào Xuân Cơ, Trưởng khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, đa số các trường hợp cúm mùa sẽ tự khỏi. Tuy nhiên, một số trường hợp bệnh có thể tiến triển nặng với các triệu chứng sốt cao, khó thở, tím tái, phù phổi do suy tim và có thể gây tử vong.

“Phương pháp phòng cúm mùa hiệu quả nhất là tiêm phòng vắcxin cúm,” Trưởng khoa Hồi sức tích cực Đào Xuân Cơ khẳng định.

Tại Bệnh viện Nhi Trung ương, từ đầu năm 2019, số lượng bệnh nhi gặp biến chứng viêm não do virus cúm mùa (cúm A/H1N1) tăng. Theo bác sỹ Đỗ Thiện Hải, Phó Trưởng Khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Nhi Trung ương, biến chứng viêm não sau khi mắc cúm năm nay tần xuất gặp nhiều hơn các năm khác. Biến chứng xuất hiện vào ngày 2-3 sau sốt cao, trẻ ngủ nhiều, buồn nôn, nôn khan, co giật… và có những biểu hiện của nhiễm khuẩn thần kinh trung ương (li bì, co giật…). Một số biến chứng khác gặp khi mắc cúm như viêm phổi do virus cúm hoặc bội nhiễm các loại vi khuẩn có sẵn trong hầu, họng của bệnh nhân.

Theo các chuyên gia y tế, các chủng cúm thông thường ở Việt Nam là H1N1, H3N2 đều có vắcxin phòng ngừa, nhưng tỷ lệ tiêm phòng cúm còn rất ít. Vì vậy, người dân nên tiêm vắcxin để phòng tránh cúm và các biến chứng khi mắc./.
Nguồn: vietnamplus.vn
Tin liên quan