KỶ NIỆM 50 NĂM NGÀY GIẢI PHÓNG MIỀN NAM, THỐNG NHẤT ĐẤT NƯỚC (30/4/1975 - 30/4/2025)
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Đăng ngày: 06/05/2020 - Lượt xem: 253
Chủ nghĩa Mác- Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh trong sự nghiệp đổi mới của Đảng

Tròn 34 năm kể từ khi Đảng khởi xướng công cuộc đổi mới đồng bộ và toàn diện đất nước, Việt Nam từ một trong những nước nghèo nhất thế giới đã vươn lên trở thành quốc gia có thu nhập trung bình thấp với thu nhập bình quân đầu người đạt gần 2.800 USD trong năm 2019. Những thành tựu về kinh tế đã làm thay đổi căn bản đời sống xã hội, mang lại diện mạo hoàn toàn mới cho đất nước ta, được nhân dân trong, ngoài nước và bạn bè quốc tế ghi nhận, đánh giá cao. Kết quả to lớn đó là nhờ sự nỗ lực không mệt mỏi, sự chung sức đồng lòng của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta, dưới ánh sáng của Chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh.

Chủ nghĩa Mác - Lênin là thành tựu tư tưởng vĩ đại của con người, do C. Mác - Ph. Ăngghen đặt nền móng tại Đức vào khoảng đầu thế kỷ XIX; được V.I. Lênin kế tục, phát triển từ cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX tại Nga. Đây là học thuyết khoa học, cách mạng và nhân văn duy nhất đề ra mục tiêu giải phóng giai cấp, giải phóng xã hội và con người cũng như chỉ rõ lực lượng, con đường, phương thức nhằm đạt được mục tiêu đó.

C. Mác là người đầu tiên đưa phép biện chứng duy vật vào nghiên cứu lịch sử, từ đó đưa ra quan điểm duy vật về lịch sử và xây dựng học thuyết về hình thái kinh tế - xã hội. Những phát kiến vĩ đại đó đã giúp hình thành một thế giới quan và phương pháp luận khoa học, cách mạng và nhân văn, cung cấp cho nhân loại, nhất là giai cấp công nhân công cụ để nhận thức và cải tạo thế giới. Mác cũng đồng thời luận giải một cách khoa học về sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân, về vai trò lãnh đạo của Đảng cộng sản, về khả năng quá độ lên chủ nghĩa xã hội bỏ qua chế độ tư bản chủ nghĩa và chỉ ra con đường đấu tranh cách mạng để giành chính quyền về tay nhân dân...

Xuất phát từ thực tiễn nước Nga chuyển từ chủ nghĩa tư bản tự do cạnh tranh chuyển sang giai đoạn đế quốc chủ nghĩa, Lênin đã bổ sung, phát triển lý luận của Mác - Ăngghen để hình thành nên Chủ nghĩa Mác - Lênin. Lênin đã nhận thấy vai trò và mối quan hệ gắn bó mật thiết của cách mạng giải phóng dân tộc với cách mạng xã hội chủ nghĩa. Ông cũng là người đã đề xướng cải cách chủ nghĩa xã hội thông qua “Chính sách kinh tế mới” (NEP), khơi dậy tiềm năng sáng tạo của con người nhằm tạo động lực thúc đẩy xã hội phát triển.

Kế thừa những thành tựu lý luận vĩ đại của Mác, Ăngghen và Lênin, trên cơ sở tiếp thu các giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc cùng tinh hoa văn hóa nhân loại, Hồ Chí Minh đã vận dụng và phát triển sáng tạo Chủ nghĩa Mác - Lênin vào điều kiện cụ thể ở nước ta. Người đã giương cao ngọn cờ độc lập dân tộc gắn với chủ nghĩa xã hội và giải quyết đúng đắn mối quan hệ giữa dân tộc và giai cấp, giữa quốc gia và quốc tế, kết hợp sức mạnh dân tộc và sức mạnh thời đại để lãnh đạo nhân dân ta giành được những thắng lợi to lớn trên khắp các mặt trận quân sự, chính trị, kinh tế, xã hội, đối ngoại. Hồ Chí Minh đã sáng tạo phương pháp cách mạng, chỉ ra lực lượng cách mạng và xây dựng các tổ chức cách mạng khoa học, triệt để trên tinh thần “Nước lấy dân làm gốc” và phát huy sức mạnh tổng hợp, của bạo lực chính trị với bạo lực vũ trang, của truyền thống và hiện đại, của dân tộc với quốc tế...

Dưới sự lãnh đạo, dẫn dắt của Ðảng Cộng sản Việt Nam, dưới ánh sáng của Chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, nhân dân ta đã liên tiếp giành thắng lợi vẻ vang trong công cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa. Từ chỗ khẳng định Chủ nghĩa Mác - Lênin là nền tảng tư tưởng và kim chỉ nam cho mọi hành động của Đảng, đến Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ VII (tháng 6/1991), Đảng đã bổ sung tư tưởng Hồ Chí Minh vào nền tảng tư tưởng và khẳng định: “Đảng lấy Chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho hành động”. Văn kiện Đại hội XII yêu cầu toàn Đảng và mỗi cán bộ, đảng viên phải: Kiên định Chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, vận dụng sáng tạo và phát triển phù hợp với thực tiễn Việt Nam. Đó là lời khẳng định giá trị vững bền và ý nghĩa to lớn của Chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh đối với cách mạng Việt Nam.

Cuộc cách mạng khoa học và công nghệ trong nền kinh tế tri thức ngày nay càng làm cho xã hội chủ nghĩa hiện thực trở thành tương lai đáng mong đợi. Nhờ có Chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, Đảng có được công cụ khách quan và khoa học để phân tích, đánh giá và giải quyết đúng đắn những vấn đề đặt ra trong thời đại.

Có thể nói, công cuộc đổi mới ở nước ta thực chất là sự kế thừa và phát triển sáng tạo bản chất tư tưởng cách mạng và khoa học của Mác, Lênin và Hồ Chí Minh vào thực tiễn. Nhờ có đổi mới, kinh tế phát triển năng động với mức tăng trưởng khá; môi trường chính trị, văn hóa, xã hội ổn định và phát triển; quốc phòng, an ninh được giữ vững và tăng cường; quan hệ đối ngoại ngày càng mở rộng… đó là những minh chứng sinh động, khẳng định kiên định và phát triển sáng tạo Chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh là nhân tố quyết định mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam.

Trong bối cảnh trong nước và quốc tế có những diễn biến phức tạp khó lường hiện nay, chúng ta cần tiếp tục bảo vệ, vận dụng và phát triển sáng tạo Chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh vào thực tiễn công cuộc đổi mới. Muốn vậy, cần nhận thức đúng và chú trọng thực hiện một số nội dung cụ thể nêu sau:

Một là, tiếp tục nâng cao nhận thức của các cấp ủy đảng, chính quyền, của cán bộ, đảng viên và nhân dân về vai trò của Chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh trong công cuộc đổi mới hiện nay. Cần quán triệt và tổ chức thực hiện tốt Chỉ thị số 23-CT/TW ngày 09/02/2018 của Ban Bí thư (khóa XII) về “Tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả học tập, nghiên cứu, vận dụng và phát triển Chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh trong tình hình mới”. Đây là đòi hỏi khách quan, là yêu cầu có tính nguyên tắc, đóng vai trò nền tảng, then chốt, nhằm tiếp tục xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa.

Hai là, coi trọng và tăng cường hơn nữa công tác nghiên cứu lý luận và tổng kết kinh nghiệm thực tiễn, nhất là những vấn đề lý luận và thực tiễn mới phát sinh để vận dụng vào tình hình thực tiễn của nước ta. Cần nhận thức một cách toàn diện, sâu sắc về con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam; về quá trình toàn cầu hóa, về cuộc cách mạng khoa học - công nghệ hiện đại nhằm đánh giá, nhận định đúng tình hình, đưa ra những giải pháp phù hợp đổi mới và phát triển đất nước.

Ba là, đổi mới và nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giáo dục lý luận chính trị trong Đảng và trong nhân dân. Quan tâm đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ của Đảng có năng lực, trình độ đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ đặt ra. Cần làm cho Chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và đường lối, quan điểm của Đảng giữ vai trò chủ đạo trong đời sống xã hội; trở thành nhu cầu, nguyện vọng của mỗi cán bộ, đảng viên trong quá trình công tác, cống hiến.

Bốn là, kiên quyết đấu tranh phòng, chống âm mưu “diễn biến hòa bình” và các quan điểm sai trái, thù địch, nhằm bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng. Cần phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, bằng nhiều hình thức và biện pháp phù hợp, sáng tạo; đấu tranh trên cơ sở đảm bảo tính khoa học, tính lý luận, giàu sức thuyết phục.

Ngày nay, Chủ nghĩa Mác - Lênin cùng những chỉ dẫn quý báu của Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn đóng vai trò quyết định quá trình Đảng lãnh đạo cách mạng xã hội chủ nghĩa và công cuộc đổi mới tại Việt Nam bởi nó tiếp tục soi sáng những vấn đề lý luận, giải quyết kịp thời các vấn đề thực tiễn đặt ra, đưa nước ta thực hiện thành công công cuộc đổi mới, tiến vững chắc đi lên chủ nghĩa xã hội.

Thanh Giang

 

 

Tin liên quan