KỶ NIỆM 70 NĂM NGÀY GIẢI PHÓNG THỦ ĐÔ (10/10/1954 – 10/10/2024)
Khoa giáo, Văn hoá - Văn Nghệ
Đăng ngày: 06/05/2024 - Lượt xem: 186
Chú trọng công tác phân luồng học sinh sau trung học cơ sở

Phân luồng học sinh sau tốt nghiệp trung học cơ sở (THCS) là giải pháp tích cực nhằm góp phần thay đổi nhận thức của các bậc phụ huynh và học sinh trong việc lựa chọn nghề nghiệp phù hợp khả năng, điều kiện kinh tế, năng lực, sở trường, nguyện vọng của học sinh cũng như nhu cầu xã hội. Thời gian qua, các cơ sở giáo dục trong tỉnh đã tăng cường đổi mới, đa dạng hình thức tuyên truyền, giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng cho học sinh cuối cấp THCS.

Năm học 2023-2024, Trường THCS Dị Chế (Tiên Lữ) có 139 học sinh khối lớp 9. Để việc phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS đạt hiệu quả, hằng năm, trường đều phân công giáo viên có nhiều kinh nghiệm thực hiện chương trình, chủ đề hướng nghiệp cho học sinh lớp 9. Mỗi tiết hướng nghiệp, giáo viên liên hệ thực tế, từ đó từng bước hình thành nhận thức của các em đối với việc định hướng nghề nghiệp trong tương lai. Bên cạnh đó, nhà trường còn thường xuyên tổ chức họp phụ huynh học sinh để thông tin về kết quả học tập của học sinh. Đặc biệt là thông tin về kỳ thi tuyển sinh lớp 10, chỉ tiêu của các trường THPT trên địa bàn và giới thiệu về học nghề để phụ huynh cùng học sinh chọn hướng đi phù hợp.Thầy giáo Vũ Đức Vệ, Hiệu trưởng Trường THCS Dị Chế cho biết: Trên cơ sở đánh giá đúng thực tế và triển khai tốt các yêu cầu về giáo dục định hướng nghề nghiệp cho học sinh, hằng năm, ngoài hoạt động tư vấn chung cho các em học sinh chọn trường thi vào lớp 10, nhà trường còn xây dựng kế hoạch tư vấn kỹ cho từng học sinh và tổ chức họp, tư vấn cho từng phụ huynh có con học lớp 9. Qua đó, giúp học sinh lựa chọn hình thức học tập phù hợp với năng lực, trình độ của bản thân. 
Học sinh các trường THCS trong tỉnh trải nghiệm tại Trường Cao đẳng Cơ điện và Thuỷ lợi
Trước đây, hầu hết học sinh trong tỉnh sau khi tốt nghiệp trung học cơ sở đều mong muốn được tiếp tục học lên trung học phổ thông, rồi thi vào đại học nhưng những năm gần đây, nhu cầu học tập của học sinh dần thay đổi. Em Đỗ Thị Hiền, học sinh lớp TK1 khóa 60 nghề kế toán doanh nghiệp (Trường Cao đẳng Cơ điện và Thủy lợi) thổ lộ: Nhờ các thầy, cô giáo Trường THCS Đông Kết (Khoái Châu) tư vấn đã giúp em hiểu rõ năng lực của bản thân. Vì thế, tháng 5/2023, em không nộp hồ sơ thi tuyển sinh lớp 10 THPT mà đăng ký ngay học nghề tại Trường Cao đẳng Cơ điện và Thủy lợi. Sau khi học xong nghề trung cấp kế toán doanh nghiệp tại trường, em sẽ được cấp bằng trung cấp nghề và trung học phổ thông quốc gia.
Thực hiện Đề án “Giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông giai đoạn 2018 - 2025” ngày 14/5/2018 của Thủ tướng Chính phủ, những năm qua, Trường Cao đẳng Cơ điện và Thủy lợi tăng cường các hình thức thông tin, tuyên truyền như: Phát tờ rơi; tuyên truyền tuyển sinh qua đài truyền thanh; thông tin qua các trang mạng xã hội, hỗ trợ tư vấn tuyển sinh online, ngày hội tư vấn tuyển sinh tại các trường THCS, THPT trong tỉnh. Chỉ tính riêng tháng 3 và tháng 4 năm 2024, trường phối hợp tổ chức cho hơn 2 nghìn học sinh của các trường THCS trong tỉnh trải nghiệm nghề nghiệp tại trường. Trong các buổi trải nghiệm, học sinh được tham quan cơ sở vật chất, được các thầy, cô giáo của nhà trường giới thiệu các ngành, nghề đào tạo, chỉ tiêu tuyển sinh năm học 2024-2025 của trường và cơ hội việc làm của các em sau khi học xong chương trình đào tạo nghề.
Để thực hiện công tác phân luồng cho học sinh lớp 9, Sở Giáo dục và Đào tạo đã chỉ đạo các cơ sở giáo dục thực hiện nghiêm túc chương trình giáo dục hướng nghiệp theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, đa dạng hóa các hình thức tư vấn hướng nghiệp. Khuyến khích mỗi cơ sở giáo dục thành lập Ban hoặc Tổ tư vấn hướng nghiệp. Hướng dẫn các trường THCS phối hợp với Trung tâm GDNN-GDTX, các trường nghề tổ chức dạy nghề phổ thông, tuyên truyền đến các nhà trường, phụ huynh, học sinh. Việc triển khai thực hiện các giải pháp, hoạt động trong công tác phân luồng học sinh sau THCS đã và đang góp phần làm thay đổi nhận thức của các cấp, các ngành, người dân và học sinh về lựa chọn nghề nghiệp phù hợp với năng lực, trình độ và điều kiện kinh tế, tránh lãng phí thời gian, tiền của do không lựa chọn đúng nghề. Từ giải pháp thực hiện ở các cơ sở giáo dục, những năm gần đây, công tác tư vấn, phân luồng học sinh trong tỉnh đạt hiệu quả và khá sát năng lực. Theo thống kê, năm học 2022-2023, tỉ lệ học sinh sau bậc THCS vào học THPT chiếm trên 70%, số học sinh tham gia học tại trung tâm giáo dục nghề nghiệp, giáo dục thường xuyên là 21%. 
Mặc dù công tác phân luồng, hướng nghiệp đã đạt được những kết quả quan trọng, song vẫn gặp khó khăn: Nhiều phụ huynh học sinh còn mang nặng tâm lý coi trọng bằng cấp; nội dung hướng nghiệp vẫn còn nặng lý thuyết…Do vậy, để công tác phân luồng học sinh đạt hiệu quả, các cơ sở giáo dục tiếp tục đổi mới nội dung, phương pháp, hình thức giáo dục hướng nghiệp trong trường trung học cơ sở, trung học phổ thông; phát triển và nâng cao năng lực cho đội ngũ giáo viên kiêm nhiệm làm nhiệm vụ tư vấn, hướng nghiệp trong các trường; huy động nguồn lực xã hội tham gia giáo dục hướng nghiệp, định hướng phân luồng học sinh…        
Nguồn: https://baohungyen.vn
Tin liên quan