Đỗ Hữu Nhân
Tỉnh ủy viên, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy
Dân số là yếu tố quan trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển của mỗi quốc gia, dân tộc. Ở Việt Nam, dân số tác động sâu sắc đến sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Công tác dân số được Đảng và Nhà nước xác định là nhiệm vụ chiến lược, vừa cấp thiết vừa lâu dài; là sự nghiệp của toàn Đảng, toàn dân. Vì thế, ngay trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, nhiệm vụ quan trọng hàng đầu là tập trung nguồn lực giải phóng dân tộc, nhưng tháng 12/1961, trên cơ sở nhận thấy những bất cập của việc gia tăng dân số quá nhanh, Hội đồng Chính phủ đã ra Quyết định 216/CP về việc sinh đẻ có hướng dẫn. Từ đó, Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều chỉ thị, nghị quyết, chính sách, pháp luật về công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình và ngày nay là chính sách về dân số và phát triển.
Hiện nay công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình tỉnh Hưng Yên đã thực hiện theo đúng định hướng và cơ bản đạt mục tiêu đề ra, góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế -xã hội, nhất là đối với công cuộc xóa đói giảm nghèo, bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Tính từ khi thực hiện Pháp lệnh Dân số đến năm 2018, số con trung bình của một người phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ giảm từ 2,32 con xuống 2,1 con, đạt mức sinh thay thế. Tỷ lệ phát triển dân số tự nhiên luôn đảm bảo dưới 1%. Tỷ suất sinh thô là 11,8%. Đến nay, dân số tỉnh Hưng Yên là 1.252.731 người, trong đó nam giới chiếm tỷ lệ trên 52%, mật độ trung bình 1.347 người/km2. Toàn tỉnh có 377.582 hộ dân, trung bình 3,3 người/hộ. Tuổi thọ trung bình của Hưng Yên đạt trên 74, cao hơn tuổi thọ trung bình của cả nước (73,5 tuổi). Các hoạt động truyền thông giáo dục chuyển đổi hành vi được triển khai thực hiện tốt; các hoạt động bảo đảm hậu cần và dịch vụ kế hoạch hóa gia đình được triển khai sâu rộng trên phạm vi toàn tỉnh. Dự án tầm soát các dị dạng, bệnh tật bẩm sinh và kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh thông qua các đề án sàng lọc trước sinh và sơ sinh; mô hình tư vấn và khám sức khỏe tiền hôn nhân; giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh; chăm sóc sức khỏe người cao tuổi được chú trọng triển khai thực hiện…
Bên cạnh những kết quả đạt được, dân số tỉnh Hưng Yên nói riêng, cả nước nói chung đã xuất hiện những đặc điểm mới và những xu hướng mới, khác biệt so với thời điểm hoạch định và thực hiện chính sách dân số - kế hoạch hóa gia đình như: vấn đề già hóa dân số, vấn đề mất cân bằng giới tính khi sinh, vấn đề đảm bảo duy trì mức sinh thay thế, vấn đề di cư nội địa, đô thị hóa... Ở tỉnh Hưng Yên, tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên có chiều hướng gia tăng, năm 2015 là 14,2%, tăng 5,1% so với năm 2005 (9,1%); năm 2018 tăng lên 19,6%. Đáng chú ý là tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên tăng cả ở 10/10 huyện, thị xã, thành phố, trong đó có một số cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức. Tỷ số giới tính khi sinh trên địa bàn tỉnh dù đã giảm từ 136 bé trai/100 bé gái (2005) xuống còn 121 bé trai/100 bé gái (năm 2015) và giảm xuống 117,4 bé trai/100 bé gái (năm 2018) nhưng vẫn còn cao so với mặt bằng chung của cả nước (115 bé trai/100 bé gái) và so với mức cân bằng tự nhiên 104 – 106 bé trai/100 bé gái. Hưng Yên có chỉ số già hóa dân số (người cao tuổi từ 60 tuổi trở lên) cao so với cả nước, hiện chiếm khoảng hơn 12% dân số toàn tỉnh; tỷ lệ này cao hơn tỷ lệ người cao tuổi của cả nước. Chất lượng cuộc sống của nhân dân đã được cải thiện nhiều song vẫn còn nhiều khó khăn, thu nhập bình quân đầu người có sự chênh lệch giữa các địa phương; trên 70% dân số vẫn sống ở khu vực nông thôn. Những đặc điểm và xu hướng mới trên đã, đang và sẽ tác động mạnh đến sự phát triển bền vững của tỉnh.
Dân số và phát triển là những vấn đề không mới ở những nước phát triển. Tuy nhiên, ở Việt Nam, dân số và phát triển lại là một vấn đề mới, mới được bàn luận, đề cập rộng rãi từ thập niên 90. Xác định được tính cấp thiết của nội dung này, nhằm nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ của ngành, từ năm 1990, Ủy ban Quốc gia Dân số - Kế hoạch hóa gia đình, Ủy ban Dân số, Gia đình và Trẻ em trước đây và Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình ngày nay đã phối hợp với Qũy Dân số Liên hợp quốc biên soạn tài liệu Dân số và phát triển. Tài liệu này được nghiên cứu bổ sung, hoàn thiện vào năm 2011, nằm trong khuôn khổ Dự án “Tăng cường năng lực cho Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình và các cơ quan có liên quan trong việc thực hiện giai đoạn 2 của Chiến lược Dân số Việt Nam 2001 – 2010”. Cũng trong thời kỳ này, một số tổ chức quốc tế đã bắt đầu chú ý đến một số vấn đề cơ bản của dân số Việt Nam.
Song, trong chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước khi đó vẫn nhất quán thực hiện chính sách dân số - kế hoạch hóa gia đình, mà trọng tâm của chủ trương, chính sách này là thực hiện giảm sinh. Chỉ sau khi tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 47 - NQ/TW ngày 22/3/2005, Đảng, Nhà nước ta nhận thấy bên cạnh những kết quả đạt được, hiện nay dân số cả nước đã xuất hiện những đặc điểm mới và những xu hướng mới, khác biệt so với thời điểm hoạch định và thực hiện chính sách dân số - kế hoạch hóa gia đình như: vấn đề già hóa dân số, vấn đề mất cân bằng giới tính khi sinh, vấn đề đảm bảo duy trì mức sinh thay thế, vấn đề di cư nội địa, đô thị hóa, chất lượng nguồn nhân lực... Như vậy, so với thời điểm hoạch định chính sách dân số - kế hoạch hóa gia đình (năm 1961), dân số nước ta đã xuất hiện những đặc điểm và những xu hướng mới, có tác động rất lớn đến sự phát triển bền vững của Việt Nam theo cả hai hướng tích cực và tiêu cực, mang lại cả cơ hội và thách thức. Trước tình hình đã và đang có nhiều thay đổi, đòi hỏi phải có những đổi mới về công tác dân số, Hội nghị Trung ương 6, khóa XII đã chỉ rõ cần có sự chuyển trọng tâm công tác dân số, từ dân số - kế hoạch hóa và gia đình sang dân số và phát triển, để giải quyết toàn diện, đồng bộ và căn bản hơn các vấn đề dân số.
Đây là bước ngoặt lớn trong chính sách dân số của nước ta không chỉ từ Nghị quyết Trung ương 4 mà còn là từ năm 1961 đến nay, vốn chủ yếu tập trung vào giảm sinh. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đánh giá tại Hội nghị Trung ương 6, khóa XII , đây là vấn đề “rất lớn và khó”. “Rất lớn”, bởi nếu trước đây chính sách dân số - kế hoạch hóa gia đình chỉ tập trung giải quyết một vấn đề là mức sinh cao thì nay, chính sách dân số mới phải giải quyết tới 6 vấn đề dân số đang đặt ra, để làm sao: (1) Duy trì vững chắc mức sinh thay thế; (2) Đưa tỉ số giới tính khi sinh về mức cân bằng tự nhiên; (3) Tận dụng hiệu quả cơ cấu dân số vàng; (4) Thích ứng với già hoá dân số; (5) Nâng cao chất lượng dân số; (6) Phân bố dân số hợp lý góp phần phát triển nhanh và bền vững đất nước. “Rất lớn”, bởi đây là những vấn đề “có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, liên quan đến việc bảo vệ, phát triển giống nòi, quốc gia, dân tộc”; ảnh hưởng trực tiếp đến kinh tế, xã hội và môi trường của nước ta.
Để giải quyết những vấn đề dân số đặt ra, dần chuyển đổi trọng tâm từ dân số - kế hoạch hóa gia đình sang dân số và phát triển, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Trung ương 6 (khóa XI) về công tác dân số trong tình hình mới, Kế hoạch số 90-KH/TU ngày 05/02/2018 của Tỉnh ủy về thực hiện Nghị quyết số 21-NQ/TW đòi hỏi sự chung tay phối hợp thực hiện từ cấp ủy, chính quyền các cấp đến từng người dân, trong đó nhiệm vụ hàng đầu là phát huy vai trò của công tác tuyên truyền thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước với nội dung truyền thông, giáo dục, vận động là chuyển mạnh sang chính sách dân số và phát triển. Tiếp tục tuyên tuyền người dân thực hiện cuộc vận động mỗi cặp vợ chồng nên có 2 con, bảo đảm quyền và trách nhiệm trong việc sinh con và nuôi dạy con tốt. Tập trung tuyên truyền duy trì mức sinh thay thế. Nâng cao nhận thức, thực hành về bình đẳng giới; đẩy mạnh truyền thông giáo dục chuyển đổi hành vi nhằm giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền để khơi dậy phong trào mọi người dân thường xuyên luyện tập thể dục, thể thao, có lối sống lành mạnh, chế độ dinh dưỡng hợp lý để nâng cao sức khỏe tầm vóc, thể lực người Việt Nam. Nâng cao nhận thức, thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về cư trú, về cấm tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống. Đổi mới toàn diện nội dung, chương trình, phương pháp giáo dục dân số, sức khỏe sinh sản trong và ngoài nhà trường. Hình thành kiến thức và kỹ năng về dân số, sức khỏe sinh sản đúng đắn, có hệ thống ở thế hệ trẻ.
Công tác tuyên truyền là một trong những biện pháp quan trọng hàng đầu để Hưng Yên chuyển trọng tâm từ dân số kế hoạch gia đình sang dân số và phát triển. Từ đó hình thành trong ý thức, hành động của nhân dân về vị trí, vai trò của dân số trọng sự phát triển kinh tế xã hội, góp phần xây dựng tỉnh Hưng Yên ngày càng văn minh, giầu đẹp và phát triển.