Viêm gan là căn bệnh có số lượng người mắc lớn, và phần lớn người mắc bệnh khi đã quá muộn, dẫn đến xơ gan, ung thư gan. Thống kê trên toàn thế giới, mỗi năm có hơn 1 triệu người tử vong vì xơ gan, ung thư gan; trung bình, một phút có 2 người tử vong liên quan đến biến chứng của căn bệnh này. Nhằm kêu gọi sự tăng cường đầu tư các nguồn lực cả về lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành cũng như đầu tư tài chính trong dự phòng, phát hiện, chăm sóc điều trị, đặc biệt chú trọng đầu tư nâng cao nhận thức của mỗi người dân, Tổ chức Y tế thế giới đã chọn ngày 28/7 hàng năm là ngày thế giới phòng chống viêm gan. Ngày phòng chống viêm gan thế giới năm 2019 với chủ đề “đầu tư để loại trừ viêm gan” vừa được tổ chức tại thành phố Hưng Yên, tỉnh Hưng Yên. Tại lễ mít tinh này, Việt Nam đã phát động phong trào “Toàn dân chung tay đánh gục virut viêm gan” với mục tiêu tiến tới loại trừ hoàn toàn virus viêm gan vào năm 2030.
Ung thư gan đang chiếm tỷ lệ nhiều nhất trong các loại ung thư, gây tử vong hàng năm trên 25.000 người ở Việt Nam. Nguyên nhân chính gây ung thư gan ở Việt Nam là do tỷ lệ người dân mắc bệnh viêm gan virut cao và việc người dân tiêu thụ rượu bia quá nhiều. Có số lượng người mắc bệnh cao, song lượng bệnh nhân đến được cơ sở chăm sóc điều trị vẫn rất thấp, do người dân chưa nhận thức đầy đủ thông tin về bệnh viêm gan, trong khi bệnh lại không có triệu chứng rõ ràng, thường diễn biến âm thầm, khó nhận biết.
Ở tỉnh Hưng Yên, theo báo cáo của Sở Y tế, tỷ lệ nhiễm bệnh viêm gan virut là 8%; đồng nghĩa với khoảng 100 nghìn người dân đang nhiễm viêm gan virut và khoảng 10 nghìn người sẽ có biến chứng thành viêm gan mạn, xơ gan và ung thư gan. Nhưng, hiện các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh mới tiếp nhận điều trị cho khoảng 800 người bệnh do nhận thức của người dân về bệnh chưa cao.
Những năm qua, Hưng Yên được đánh giá là một trong những tỉnh đi đầu ở Việt Nam trong tăng cường đầu tư về điều trị các bệnh liên quan đến viêm gan virut, và đã thu được kết quả bước đầu. Theo đánh giá của đồng chí Nguyễn Duy Hưng, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh: Hiện nay, nhận thức của người dân còn hạn chế trong khi nguồn lực đầu tư còn chưa cao nên khả năng lây lan bệnh viêm gan virut là điều khó tránh khỏi. Để hạn chế, khống chế nguy cơ lây lan bệnh viêm gan virut là một thách thức, đòi hỏi sự đồng tâm hiệp lực của các cấp, các ngành, các tổ chức, doanh nghiệp và toàn xã hội tham gia theo tinh thần đầu tư cho viêm gan để đánh gục virut viêm gan.
Để phong trào “Toàn dân chung tay đánh gục virut viêm gan” sớm đi vào cuộc sống, được các cấp, các ngành và toàn thể nhân dân hưởng ứng, đạt kết quả cao cần thực hiện một số giải pháp sau:
Một là, tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, hướng dẫn công tác thông tin, tuyên truyền các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, văn bản chỉ đạo của tỉnh về công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân nói chung, về nguyên nhân lây lan, những biểu hiện và cách phòng, điều trị bệnh viêm gan virut trong cộng đồng nói riêng. Các cấp, các ngành xây dựng kế hoạch phát động hưởng ứng phong trào “Toàn dân chung tay đánh gục virut viêm gan”, gắn với thực hiện phong trào “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại”, phong trào “Toàn dân xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”, phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”. Đẩy mạnh phong trào xây dựng cơ quan, đơn vị đạt chuẩn văn hóa, làng, khu phố văn hóa, trong đó cán bộ, đảng viên là những người phải gương mẫu đi đầu trong việc thực hiện nếp sống văn minh, góp phần hạn chế sự lây lan của bệnh viêm gan virut trong cộng đồng.
Hai là, các cơ quan thông tin, truyền thông, trang thông tin điện tử, bản tin, tập san của ngành, cơn quan đơn vị tăng cường hơn nữa công tác truyền thông, góp phần nâng cao nhận thức của người dân về việc phòng ngừa, điều trị các bệnh lý do virut viêm gan và phòng, chống ung thư gan, từ đó chung tay vào cuộc, quyết tâm đánh gục viêm gan, bảo vệ sức khỏe bản thân, gia đình và cộng đồng. Đồng thời, đẩy mạnh các hoạt động thông tin, tuyên truyền thông qua các hình thức, như: sân khấu hóa, cổ động trực quan, pa nô, áp phíc, tờ rơi… gắn với các hoạt động văn hóa, du lịch, triển lãm trong dịp kỷ niệm các ngày lễ lớn của đất nước, của tỉnh, của ngành.
Ba là, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội trên địa bàn tỉnh tuyên truyền, hướng dẫn cán bộ, hội viên và người dân thực hiện tốt phong trào xây dựng làng, khu phố văn hóa, thực hành lối sống văn minh, nói không với rượu bia và thuốc lá; tuyên truyền, vận động người dân thường xuyên luyện tập, rèn luyện thể dục, thể thao, góp phần tăng cường thể lực, từ đó ngăn chặn căn bệnh viêm gan virut lây lan trong cộng đồng; biên tập, đưa nội dung tuyên truyền về viêm gan, ung thư gan vào nội dung sinh hoạt thường kỳ tại các chi tổ hội; tổ chức các hoạt động giao lưu, tọa đàm, nói chuyện chuyên đề về phòng, chống ung thư gan nói chung, viêm gan virut nói riêng; tổ chức các chiến dịch, lồng ghép tuyên truyền vào các đợt ra quân cao điểm nhân các ngày lễ, kỷ niệm của đất nước, của ngành.
Bốn là, lồng ghép nội dung tuyên truyền về bệnh viêm gan virut và các biện pháp phòng, điều trị vào chương trình ngoại khóa, giáo dục sức khỏe trong các tổ chức, cơ quan, đơn vị, bệnh viện, nhà trường, doanh nghiệp…để thay đổi nhận thức, hành vi của cả cộng đồng với vấn đề phòng chống bệnh viêm gan virut.
Năm là, ngành Y tế và các đơn vị liên quan tiếp tục thực hiện chương trình điều tra dịch tễ hàng năm, đây là cơ sở khoa học để đánh giá diễn biến tình hình cũng như kết quả của quá trình can thiệp. Tích cực truyền thông nâng cao hiệu quả công tác tiêm chủng mở rộng, tăng dần tỷ lệ tiêm chủng vacxin viêm gan B cho tất cả trẻ sơ sinh trong 24 giờ đầu, đối tượng dưới 18 tuổi và những đối tượng có nguy cơ lây nhiễm cao như cán bộ, nhân viên y tế, đối tượng tượng tiêm trích ma túy, mại dâm…
Nâng cao chất lượng Bệnh viện Nhiệt đới, góp phần nâng cao chất lượng điều trị các bệnh nhiệt đới nói chung, trong đó có bệnh viêm gan virut; tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh cho nhân dân tại các cơ sở y tế; đầu tư phương tiện, kỹ thuật để thực đúng quy định, đảm bảo an toàn trong truyền máu và các sản phẩm từ máu.
Cùng với việc nâng cao chất lượng khám chữa bệnh tại bệnh viện, chủ động xây dựng và mở rộng các mô hình quản lý, tư vấn, chăm sóc người bệnh tại cộng đồng để tăng cường các hoạt động chia sẻ những hiểu biết về cách phòng, chống, hỗ trợ trong công tác điều trị, phòng, chống bệnh tật.
Sáu là, tăng cường công tác an toàn vệ sinh thực phẩm. Để phòng bệnh cần vận động người dân tích cực hưởng ứng phong trào “5 không, 3 sạch”, cần ăn uống hợp vệ sinh, ăn chín, uống sôi để hạn chế mầm bệnh lây lan qua thực phẩm, trong đó có virut viêm gan A, E.
HC