KỶ NIỆM 70 NĂM NGÀY GIẢI PHÓNG THỦ ĐÔ (10/10/1954 – 10/10/2024)
Tin tức hoạt động
Đăng ngày: 12/12/2018 - Lượt xem: 98
Đề án “nâng cao hiệu quả thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải sinh hoạt nông thôn”- 2 năm nhìn lại

Rác thải, trong đó có rác thải nông thôn, đang là một vấn nạn hiển hiện trong xã hội. Theo thống kê chưa đầy đủ, mỗi ngày, chỉ tính riêng khu vực nông thôn trong cả nước, đã phát sinh 40.000 tấn rác thải. Để giảm thiểu ô nhiễm môi trường, giữ vững bộ mặt nông thôn trong lành, năm 2016, UBND tỉnh Hưng Yên đã phê duyệt Đề án nâng cao hiệu quả thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải sinh hoạt nông thôn giai đoạn 2016-2020 (Đề án).

Với mục tiêu “Nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực môi trường. Triển khai tổng hợp các biện pháp quản lý chất thải rắn sinh hoạt nông thôn và đẩy mạnh xã hội hóa về bảo vệ môi trường và thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải sinh hoạt, huy động tối đa mọi nguồn lực, tăng cường đầu tư cho công tác thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt”, sau 02 năm thực hiện, đến nay Đề án đã đạt nhiều kết quả nổi bật, hạn chế ô nhiễm môi trường các vùng nông thôn trên địa bàn tỉnh, tạo cảnh quan môi trường sống xanh - sạch - đẹp, bảo vệ sức khỏe người dân góp phần thực hiện tốt mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội bền vững và xây dựng nông thôn mới.
Để thực hiện có hiệu quả nội dung về công tác thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải và đảm bảo kế hoạch, mục tiêu của Đề án, tỉnh đã thẩm định, tiếp nhận công nghệ xử lý chất thải tiên tiến, hiện đại, gồm: Lò đốt rác thải sinh hoạt công suất 100 tấn/ngày của Công ty TNHH Giải pháp môi trường Đại Đồng; dự án mở rộng khu xử lý chất thải Đại Đồng, huyện Văn Lâm; xử lý rác thải công nghệ không chôn lấp, không đốt của Công ty cổ phần đầu tư xây dựng công nghiệp HTH; xử lý rác thải bằng công nghệ Điện rác-WTE của Công ty TNHH Sa mạc xanh; mô hình lò đốt rác thải quy mô xã, liên xã của Công ty TNHH vật liệu lò nhiệt luyện Việt Nam…
Đối với công tác thu gom vận chuyển rác thải, trong thời gian qua, toàn tỉnh đã thành lập và duy trì hoạt động 915 tổ vệ sinh môi trường với 2.369 người tham gia, đảm bảo thu gom rác thải tại 100% số thôn, khu dân cư; thành lập 06/154 hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp và môi trường. Xây dựng 97 điểm tập kết rác thải quy mô thôn, xã (nâng tổng số 210 điểm tập kết rác thải); mua và đưa vào vận hành 07 xe ô tô chuyên dụng vận chuyển rác thải, nâng tổng số xe ô tô chuyên dụng hỗ trợ các huyện là 16 xe; lắp đặt bổ sung 629 thùng đựng rác tại các khu vực công cộng, trường học (tổng số thùng chứa rác trên  địa bàn tỉnh là 1.105 thùng); hỗ trợ 2.268 xe thu gom rác thải, nâng tổng số xe đẩy tay, xe cải tiến phục vụ việc thu gom rác được trang bị trên 5.200 xe).
Công tác xử lý rác thải sinh hoạt nông thôn cũng được đầu tư, quan tâm thực hiện. Hiện nay, rác thải sinh hoạt nông thôn trên địa bàn tỉnh chủ yếu được xử lý bằng phương pháp chôn lấp hợp vệ sinh tại các bãi chôn lấp rác thải ở các thôn, xã và khu xử lý chất thải Đại Đồng, khu xử lý chất thải thành phố Hưng Yên. Trong 02 năm thực hiện Đề án, các xã đã xây dựng bổ sung 17 bãi chôn lấp rác thải sinh hoạt hợp vệ sinh; lượng rác thải sinh hoạt được xử lý tại khu xử lý chất thải Đại Đồng được trên 251.712 tấn rác thải. Sở Tài nguyên và Môi trường đang triển khai Dự án đầu tư xây dựng công trình cải tạo, nâng cấp bãi rác Dị Sử, huyện Mỹ Hào, trong đó lắp đặt lò đốt rác thải sinh hoạt công suất 02 tấn/giờ.
Công tác thu gom, xử lý các điểm đồn đọng rác thải sinh hoạt được tỉnh chú trọng, đẩy mạnh. Sở Tài nguyên và Môi trường đã kiểm tra, có văn bản đề nghị UBND tỉnh các huyện xử lý tình trạng ô nhiễm môi trường do đổ, đốt chất thải trên địa bàn, kết quả đã xử lý 33 vụ việc đổ, đốt chất thải gây ô nhiễm môi trường, 29 điểm tồn đọng rác thải, thu gom, xử lý 82.931,67 tấn rác thải sinh hoạt; có kế hoạch xử lý 13 điểm tồn đọng rác thải gần khu dân cư gây ô nhiễm môi trường.
Công tác phân loại, xử lý rác thải hữu cơ hộ gia đình cũng có nhiều chuyển biến tích cực. Đến nay, toàn tỉnh có 88.856 hộ gia đình (tăng 67.054 hộ gia đình so với thời điểm phê duyệt Đề án) tại 153/161 xã, phường, thị trấn thực hiện phân loại, xử lý rác thải hữu cơ tại hộ gia đình. Trong đó, huyện Phù Cừ có 11.806 hộ thực hiện (đạt tỷ lệ 46,36% số hộ của huyện; huyện Tiên Lữ có 9.455 hộ thực hiện, đạt 35,03% số hộ; thành phố Hưng Yên có 10.475 hộ, đạt 33,93% số hộ; huyện Mỹ Hào có 8.569 hộ, đạt 33,51% số hộ; huyện Khoái Châu có 18.245 hộ, đạt 31,92% số hộ; huyện Ân Thi có 10.120 hộ, đạt 24,06% số hộ; huyện Kim Động có 6.974 hộ, đạt 19,01% số hộ; huyện Văn Lâm có 6.058 hộ, đạt 20,61% số hộ; huyện Văn Giang có 3.536 hộ, đạt 13,14% số hộ; huyện Yên Mỹ có 3.618 hộ, đạt 9,00% số hộ. Việc phân loại, xử lý rác thải hữu cơ tại hộ gia đình được các địa phương triển khai với nhiều hình thức phù hợp với điều kiện của địa phương, như: huyện Phù Cừ vận động nhân dân tự đào hố, tận dụng vật liệu sẵn có để chế tạo nắp đậy hố xử lý rác hữu cơ; huyện Kim Động có 214 hộ gia đình xây và tận dụng bể xây hiện có để xử lý rác thải; xã Nghĩa Trụ, huyện Văn Giang và một số địa phương khác xử dụng thùng nhựa 20 lít để phân loại, xử lý rác thải hữu cơ…
Triển khai, thực hiện tiêu chí 17 về môi trường trong xây dựng nông thôn mới, toàn tỉnh có 95 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. UBND các xã đã đưa tiêu chí bảo vệ môi trường, thu gom, xử lý rác thải vào bình xét các danh hiệu “Làng văn hóa”, “Khu dân cư văn hóa”, “Gia đình văn hóa”; chỉ đạo xây dựng và thực hiện tốt hương ước, quy ước về bảo vệ môi trường, đến nay 100% làng văn hóa có quy ước, hương ước về bảo vệ môi trường. Bên cạnh đó, thực hiện Công văn số 17/BCĐ-VPĐP ngày 26/4/2018 của Ban Chỉ đạo các chương trình mục tiêu quốc gia về việc đẩy mạnh thực hiện công tác bảo vệ môi trường cảnh quan môi trường trong xây dựng nông thôn mới, hiện nay nhiều xã trên địa bàn tỉnh đã phát động toàn thể các hộ gia đình tại các cụm dân cư tiến hành định kỳ, hàng tuần tổng vệ sinh đường làng, ngõ xóm để tạo môi trường xanh-sạch-đẹp.
Có thể thấy, sau 02 năm triển khai thực hiện Đề án, cùng với sự vào cuộc của các sở, ngành, đoàn thể chính trị-xã hội, sự tích cực triển khai thực hiện của cấp ủy, chính quyền địa phương, ý thức, trách nhiệm của cộng đồng về bảo vệ môi trường đã được nâng lên; công tác thu gom, vận chuyển xử lý rác thải sinh hoạt nông thôn đã có chuyển biến rõ rệt góp phần cải thiện, bảo vệ môi trường khu vực nông thôn.
Trong thời gian tới, để đạt được các mục tiêu của Đề án nâng cao hiệu quả thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải sinh hoạt nông thôn giai đoạn 2016-2020, tỉnh yêu cầu một số sở, ngành, đoàn thể chính trị-xã hội, UBND cấp huyện, xã đẩy mạnh việc triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp của Đề án. Trong đó, đề nghị Sở Tài nguyên và Môi trường tiếp tục thực hiện các chương trình phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể tỉnh tổ chức tuyên truyền phổ biến pháp luật về bảo vệ môi trường, các đề án về bảo vệ môi trường của tỉnh; hướng dẫn các huyện, thành phố lựa chọn các lò đốt rác thải sinh hoạt phù hợp với điện thực tế; sớm đưa vào vận hành lò đốt rác thải xã Dị Sử, huyện Mỹ Hào làm cơ sở nhân rộng trên toàn tỉnh. Đồng thời, yêu cầu UBND các huyện, thành phố tiếp tục nâng cao chất lượng hoạt động của các tổ đội vệ sinh môi trường tự quản; hỗ trợ bảo hiểm y tế đối với người lao động thu gom, vận chuyển rác thải sinh hoạt; khẩn trương thành lập Hợp tác xã dịch vụ môi trường; nghiên cứu việc thành lập các doanh nghiệp thực hiện thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải sinh hoạt trên địa bàn huyện; rà soát, xử lý triệt để các điểm tồn đọng rác thải gây ô nhiễm môi trường, đồng thời có biện pháp ngăn chặn việc phát sinh, tái diễn tình trạng đổ, đốt rác thải không đúng quy định…
Nguyễn Điệp

 

Tin liên quan