Những ngày qua, câu chuyện về dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona (nCov) bùng phát tại thành phố Vũ Hán, Trung Quốc lây lan sang Việt Nam đã khiến nhiều người dân cả nước nói chung, người dân trên địa bàn tỉnh Hưng Yên nói riêng không khỏi lo lắng. Các nguồn thông tin về dịch bệnh này xuất hiện trên khắp các phương tiện truyền thông đại chúng, đặc biệt là trên các trang mạng xã hội. Bên cạnh sự quan tâm đến diễn biến, tình hình phòng, chống dịch bệnh, nhiều tài khoản trên Facebook, Zalo, Instagram, Twitter cá nhân đã đăng thông tin sai sự thật về dịch bệnh gây nhũng loạn, hoang mang dư luận.
Theo điểm a khoản 2 Điều 5 Nghị định 176/2013, cơ quan chức năng phạt tiền 3-5 triệu đồng đối với cá nhân và 6-10 triệu đồng đối với tổ chức có hành vi cung cấp hoặc đưa tin sai về số liệu, tình hình dịch bệnh truyền nhiễm so với số liệu, tình hình dịch bệnh truyền nhiễm mà cơ quan nhà nước có thẩm quyền về y tế đã công bố. Ngoài biện pháp xử phạt tiền, cá nhân, tổ chức vi phạm còn buộc cải chính thông tin sai sự thật trên phương tiện thông tin đại chúng trên địa bàn liên tục trong ba ngày. Mặt khác, theo Điều 101 Nghị định 15/2020/NĐ-CP quy định phạt tiền từ 10-20 triệu đồng đối với hành vi lợi dụng mạng xã hội để cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật; cung cấp, chia sẻ thông tin bịa đặt, gây hoang mang trong nhân dân. Điều 8, Luật An ninh mạng cũng nghiêm cấm hành vi đưa thông tin sai sự thật gây hoang mang trong nhân dân, gây thiệt hại đến hoạt động kinh tế xã hội, gây khó khăn cho hoạt động của cơ quan nhà nước hoặc người thi hành công vụ, xâm hại quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân khác. Còn nếu xác định tin đồn sai sự thật nhưng chưa đến mức nguy hiểm cho xã hội, không xúc phạm nghiêm trọng đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác và chưa ảnh hưởng lớn đến hoạt động của cơ quan, tổ chức, cá nhân thì người tung tin sẽ bị xử phạt hành chính.
Trên địa bàn tỉnh Hưng Yên tính đến nay chưa có trường hợp nào mắc virus Corona (nCov). Việc thông tin không chính xác, thiếu cơ sở, chưa được kiểm chứng về tình hình dịch bệnh này trên báo chí và mạng xã hội cũng chưa xuất hiện. Tuy nhiên, để hạn chế tình trạng đưa thông tin sai sự thật lên mạng xã hội, hiểu đúng, hiểu đủ về công tác kiểm soát, phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do virus Corona (nCoV) gây ra thì các cơ quan, đơn vị, nhất là cơ quan báo chí cần chủ động đưa tin đầy đủ, chính xác, kịp thời về tình hình diễn biến dịch cùng những khuyến cáo cần thiết để người dân không hoang mang lo lắng và chủ động thực hiện tốt các biện pháp phòng chống dịch bệnh khi cần thiết theo khuyến cáo của ngành Y tế.
Bên cạnh đó, người dân hãy chung tay cùng các cấp, các ngành và cộng đồng phổ biến, tuyên truyền nội dung phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona (nCov) theo khuyến cáo của Bộ Y tế, Sở Y tế tỉnh. Đồng thời, cần nâng cao trách nhiệm với những thông tin do mình đăng tải, chia sẻ lên môi trường mạng; cảnh giác, chọn lọc thông tin, không nên chia sẻ những thông tin khi chưa được kiểm chứng, sai sự thật về dịch nCov gây hoang mang dư luận và gây khó khăn cho việc phòng, chống dịch bệnh; tiếp cận và chia sẻ thông tin từ các nguồn tin chính thống.
Trường hợp người dân phát hiện có tin đồn thất thiệt hoặc thông tin không đúng sự thật về dịch bệnh Corona thì thông báo ngay đến cơ quan Công an nơi xảy ra vụ việc để có biện pháp xử lý kịp thời.
Để theo dõi tình hình về dịch bệnh, có thể cập nhật diễn biến tình hình phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona theo địa chỉ website của Bộ Y tế (moh.gov.vn); Sở Y tế Hưng Yên (http://soyte.hungyen.gov.vn); Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Hưng Yên (tuyengiaohungyen.vn)…
Nguyễn Điệp