KỶ NIỆM 70 NĂM NGÀY GIẢI PHÓNG THỦ ĐÔ (10/10/1954 – 10/10/2024)
Tác phẩm văn học nghệ thuật
Đăng ngày: 21/01/2022 - Lượt xem: 243
ĐƯỜNG LÀNG

Dù bay vượt chín tầng mây
Đố ai quên ngọn cỏ may đường làng
Câu thơ dung dị của nhà thơ Ngô Hoàng Anh ( quê Hưng Yên ) mà ca sĩ Quốc Hưng đọc trong một chương trình văn nghệ của Đài Phát thanh và Truyền hình Hưng Yên những năm đầu tái lập tỉnh làm tôi nhớ mãi.
Biết bao người từ làng ra đi chiến đấu, công tác và học tập, nỗi nhớ quê không chỉ cây đa, giếng nước, sân đình, bờ tre, con đê, đồng lúa, gốc rạ… mà đằm sâu còn là con đường làng yêu dấu, nơi thuở thiếu thời cắp sách đến trường, còn đó hình bóng người dân quê hai sương một nắng gồng gánh ra đồng, mỗi độ xuân về đường làng phủ dây vàng ươm hoa nhãn, buổi tối thời chưa có điện, đèn dầu soi đường bên giậu đom đóm lập lòe, lúc ban mai còn đọng hơi sương các bà, các chị đi chợ sớm hay đàn trâu lững thững từ đồng trở về làng lúc hoàng hôn…
Đường làng mẹ dắt con đi
Sang bên bà ngoại mỗi khi xuân về
Ong bay trong dịp hội hè
Hoa xoan rụng tím áo dì, dì ơi
Đường làng ai tới ai sang
Miếng trầu thơm, thúng thóc vàng chia nhau
Đường làng chùm bóng tre xanh
Bầy chim ríu rít mái tranh dãi dầu
Đọc mấy vần thơ trên của Ngô Hoàng Anh, tôi lại nhớ con đường làng tôi Nghĩa Chế, xã Dị Chế, huyện Tiên Lữ:  Hồi những năm 60 của thế kỷ XX, đường trục làng là đường đất, đường vào các xóm là đường gạch nghiêng, nghe các cụ kể lại, thời trước con gái lấy chồng về làng phải góp mấy chục viên gạch để xây đường làng, giá trị không lớn nhưng thật là ý nghĩa. Từ những năm 80 của thế kỷ trước, kinh tế tập thể hợp tác xã nông nghiệp cũng đã dành một phần kinh phí cùng với các hộ xã viên  góp công, góp sức cải tạo đường trục làng thành con đường gạch. Bên đền thờ Ngô Quyền (di tích lịch sử - văn hóa quốc gia xếp hạng từ 1994), hàng xà cừ các cụ trồng sau năm 1954 cao xanh bên đường làng tỏa bóng, cũng bên đường làng, Phủ Bà thờ bà Dương Thị Ngọc (vợ Ngô Quyền) là giếng làng với cầu xây gạch cổ, dạo ấy cứ giáp Tết là mọi nhà mang thùng ra giếng lấy nước về đổ bể làm nước ăn dần, tạo lên vệt nước dài trên đường đến từng ngõ xóm. Cũng ngay bên giếng làng và Phủ Bà cạnh đường làng trước có cây gạo gần nghìn năm tuổi, cao vút. Cứ mỗi mùa gạo hoa nở, hoa đỏ thắm rụng lã chã mặt đường, mặt hồ, mặt giếng và đàn chim gọi nhau về làm tổ. Thưở còn rạ lợp nhà, rơm cho trâu ăn, mỗi vụ thu hoạch lúa là rạ phơi đầy đường đồng, rơm phơi kín đường làng và những gánh lúa kĩu kịt hay chiếc xe cải tiến chở lúa, chở thóc đẩy trên đường làng của những người nông dân cần cù, mồ hôi ướt đầm vai áo. Kỷ niệm ấy thật khó quên với bao thế hệ dân làng.
Từ lâu lắm rồi, đầu làng tôi có một cổng chào đơn sơ, giản dị, đã bao đời đón em bé sinh ra cất tiếng khóc chào đời ở bệnh viện trở về làng, tiễn các cụ ra nghĩa trang về cùng tiên tổ cũng đi trên đường làng, qua cổng chào của làng, rồi thanh niên lên đường tòng quân đi trên đường làng qua cổng chào thân thuộc, người đi công tác trên mọi miền đất nước trở về thăm quê, đông nhất là dịp Tết cổ truyền qua cổng chào trên con đường làng thân thương ấy. Đường làng gắn bó với mỗi người dân quê như hình với bóng, xa quê nhớ thưở nào từ ngõ quê, xóm quê, con đường làng ra đồng qua quán Bà Canh ở giữa đồng làng, quán là ngôi nhà cổ khung gỗ lim hàng trăm năm tuổi, cùng cây đa, cây đề cổ thụ cũng đã mấy trăm năm từng buộc trâu lúc trưa hè oi ả, hay bà con nghỉ ngơi lúc mưa dông mỗi vụ cấy cày, gặt lúa đồng chiêm, xa xa đàn cò chao nghiêng. Ôi, những con đường làng cha ông tạo lập, bồi đắp từ đời này qua đời khác. Đường làng qua khói lửa chiến tranh, qua thời thời bao cấp đến thời đổi mới, đường làng của những mùa lễ hội truyền thống, đường làng của những âm thanh xào xạc vườn cây, nhẹ đưa hương thơm hoa bưởi, của tiếng mẹ, tiếng cha, tiếng cười giòn của đôi nam thanh nữ tú, tiếng ríu rít trong trẻo của em thơ, tiếng nhạc rộn ràng qua loa truyền thanh đầu xóm…Đường làng gắn bó mọi nhà mọi người khi khó khăn ‘tối lửa tắt đèn‘, đoàn kết tình làng nghĩa xóm. 
Thế rồi, tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn, vào những năm 2000, sau tái lập tỉnh Hưng Yên, đường trục đến đường xóm làng tôi được bê tông hóa. Xe máy, xe ô tô ngày một nhiều hơn đi trên con đường làng.Từ năm 2020 và năm 2021, với phương thức “Nhà nước và Nhân dân cùng làm”, con đường trục từ Quốc lộ 38B vào giữa làng tôi qua làng bạn đến đường tỉnh 376 ( đường 200 cũ ) được trải nhựa, đường từ đầu làng lên quán Bà Canh cũng được trải nhựa và làm tiếp nối vào đường quy hoạch của tỉnh thành con đường liên xã, liên thôn. Các tuyến đường vào xóm ngõ được cải tạo bê tông hóa. Một số đường ngõ mới thay đường đất, đường gạch và một số tuyến đường ra đồng mới đã làm, ba tuyến đường đồng khác bằng bê tong phục vụ cho sản xuất nông nghiệp.
Mùa xuân mới đang về, nông thôn mới, trong đó có hạ tầng giao thông ngày càng khởi sắc. Cảnh sắc làng quê và những con đường đổi thay theo năm tháng trong quá trình phát triển. Nhưng ký ức về đường quê, đường làng thì luôn sâu đậm với bao thế hệ, với mỗi người, khi ta ở làng, ra đi khỏi làng và có lúc trở về làng với tình yêu quê hương, đất nước mặn nồng.
Nguồn: https://baohungyen.vn
Tin liên quan