MỪNG ĐẤT NƯỚC ĐỔI MỚI – MỪNG ĐẢNG QUANG VINH – MỪNG XUÂN ẤT TỴ 2025
Khoa giáo, Văn hoá - Văn Nghệ
Đăng ngày: 06/01/2025 - Lượt xem: 13
Gắn kết công tác đào tạo với thị trường lao động

Các số liệu thống kê của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội cho thấy, chỉ số chất lượng đào tạo nghề Việt Nam cải thiện rõ rệt trong năm 2023, tăng tám bậc, vượt so với chỉ tiêu đặt ra năm bậc. Năm 2024, tuyển sinh ước tính được 2.430.000 người, đạt 100% kế hoạch, trong đó trình độ cao đẳng, trung cấp 530 nghìn người, sơ cấp và các chương trình đào tạo nghề khác 1.900.000 người. Tốt nghiệp năm 2024 ước tính 2.146.000 người, đạt 100% kế hoạch…

Sinh viên ngành Công nghệ ô-tô (Trường cao đẳng Cơ điện Hà Nội) trong giờ thực hành.

Công tác nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp, gắn kết đào tạo với thị trường lao động, việc làm bền vững, an sinh xã hội được thực hiện đồng bộ trong những năm qua.

Tiếp tục đổi mới và phát triển giáo dục nghề nghiệp

Năm 2024, tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 21-CT/TW ngày 4/5/2023 của Ban Bí thư về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Chiến lược phát triển giáo dục nghề nghiệp giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045; Quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045…, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội) đã phối hợp các địa phương, chỉ đạo cơ sở giáo dục nghề nghiệp đẩy mạnh truyền thông về giáo dục nghề nghiệp năm 2024, trong đó ưu tiên tăng cường công tác tuyển sinh, nhất là tuyển sinh trình độ cao đẳng, trung cấp; đào tạo các chương trình chất lượng cao, ngành nghề, lĩnh vực mới nổi, kỹ năng mới (trí tuệ nhân tạo, chíp bán dẫn, chuyển đổi năng lượng, tín chỉ carbon, năng lượng hydrogen, logistics, đường sắt cao tốc, du lịch)..., tăng cường kết nối, hợp tác doanh nghiệp trong tổ chức đào tạo, đánh giá người học và giải quyết việc làm sau đào tạo, nhất là đối với những ngành nghề mới, kỹ năng mới.

Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp và các đơn vị cũng tăng cường hoạt động đào tạo nghề cho lao động trong doanh nghiệp nhỏ và vừa; kịp thời nắm bắt khó khăn, vướng mắc của các bộ, ngành, địa phương, cơ sở giáo dục nghề nghiệp trong hoạt động giáo dục nghề nghiệp để phối hợp tháo gỡ; triển khai rà soát, sắp xếp, tổ chức lại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập bảo đảm phân bố hợp lý về cơ cấu ngành, nghề, cơ cấu trình độ, cơ cấu vùng, miền; chuẩn hóa, hiện đại hóa, xã hội hóa, phân tầng chất lượng, bảo đảm đủ năng lực đáp ứng nhu cầu nhân lực qua đào tạo nghề, nhất là nhân lực có kỹ năng nghề cao cho phát triển đất nước trong từng giai đoạn.

Kết quả cho thấy, sau 10 năm triển khai Luật Giáo dục nghề nghiệp, đến nay đã hình thành mạng lưới giáo dục nghề nghiệp rộng khắp cả nước; chất lượng đào tạo nghề tiếp tục được cải thiện… Theo thống kê, hiện nay trong khu vực ASEAN, Việt Nam nằm trong tốp bốn và chỉ xếp sau Singapore và Indonesia. Việt Nam đã tham gia các kỳ thi Kỹ năng nghề ASEAN, thế giới và đạt được nhiều thành tích nổi bật; tỷ lệ lao động qua đào tạo tăng từ 53,6% năm 2016 lên 69% năm 2024, trong đó, tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ tăng từ 21,39 lên 28,1%. Điều này cho thấy chất lượng nguồn nhân lực không ngừng được nâng lên, nhất là nhân lực chất lượng cao, nhân lực đáp ứng cho các ngành, nghề trọng điểm, mũi nhọn. Nhiều ngành nghề trước đây phải sử dụng lao động từ nước ngoài thì đến nay lao động Việt Nam đã dần đáp ứng, thay thế.

Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực

Tuy nhiên, thực tế cho thấy, thị trường lao động Việt Nam vẫn còn nhiều hạn chế. Chất lượng cung lao động còn nhiều bất cập, khi chưa đáp ứng cho cầu lao động của một thị trường lao động hiện đại, linh hoạt, bền vững và hội nhập. Đến nay, có khoảng 37,8 triệu người lao động chưa qua đào tạo từ sơ cấp trở lên (cả nước chỉ có 28,1% người lao động đã qua đào tạo, có bằng, chứng chỉ).

Lao động có việc làm có xu hướng tăng nhưng thị trường lao động phát triển chưa bền vững khi số lao động có việc làm phi chính thức chiếm tỷ trọng lớn (tính chung 9 tháng năm 2024, tỷ lệ lao động có việc làm phi chính thức là 64,6%, giảm 0,3 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước)…

Để hoàn thành các chỉ tiêu Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội giai đoạn 2021-2030 đề ra, bao gồm: đến năm 2030, tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ đạt 35-40%; tỷ lệ thất nghiệp khu vực thành thị dưới 4%; tỷ trọng lao động nông nghiệp trong tổng lao động xã hội dưới 20%; tỷ lệ nghèo đa chiều duy trì mức giảm bình quân trên 1%/năm theo chuẩn nghèo giai đoạn mới…, đòi hỏi phải thực hiện đồng bộ các giải pháp phát triển thị trường lao động linh hoạt, hiện đại, hiệu quả, bền vững và hội nhập, trọng tâm là bảo đảm việc làm bền vững và sinh kế.

Trong đó, cần xây dựng và hoàn thiện hệ thống thông tin thị trường lao động, cơ sở dữ liệu về lao động-việc làm; kết nối và điều tiết hiệu quả cung-cầu lao động, khuyến khích tạo việc làm trong cả khu vực công và khu vực tư, khuyến khích người lao động tìm kiếm việc làm và chuyển đổi việc làm phù hợp với năng lực và sở trường; thúc đẩy tạo việc làm bền vững, sử dụng lao động hiệu quả thông qua các chương trình, đề án, chính sách tín dụng hỗ trợ tạo việc làm, hỗ trợ người lao động tham gia thị trường lao động; nâng cao năng lực và đẩy mạnh công tác dự báo nhu cầu sử dụng lao động, nhu cầu đào tạo nghề nghiệp của doanh nghiệp về số lượng, chất lượng, cơ cấu ngành nghề, trình độ của lao động trong các doanh nghiệp…

Nguồn: https://nhandan.vn/

Tin liên quan