Tại Hưng Yên có khoảng 60 doanh nghiệp sản xuất bao bì và các sản phẩm từ nhựa; có 02 làng nghề tái chế nhựa Minh Khai, thị trấn Như Quỳnh, huyện Văn Lâm và làng nghề tái chế nhựa Phan Bôi, xã Dị Sử, huyện Mỹ Hào. Theo tính toán của Sở Tài nguyên và Môi trường, rác thải sinh hoạt phát sinh của cả tỉnh là 650 tấn/ngày, có khoảng 6 tấn rác thải nhựa. Trong đó, 5% rác thải nhựa được tái sản xuất; 12% rác thải nhựa bị đốt; 79% rác thải nhựa thành rác. Nếu không thực hiện thu gom rác thải nhựa thì số đó sẽ trôi nổi trong môi trường, gây hậu quả nghiêm trọng đến sức khỏe môi trường và cuộc sống của chúng ta.
Hưởng ứng lời kêu gọi toàn xã hội chung tay hành động chống rác thải nhựa vì một Việt Nam trong lành, phát triển bền vững, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hưng Yên đã ban hành Công văn số 2137-CV/TU ngày 07/5/2019, đề nghị các địa phương, cơ quan, đơn vị, cộng đồng doanh nghiệp, cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân trong tỉnh tích cực triển khai thực hiện, đề cao tinh thần trách nhiệm, làm tốt công tác thông tin tuyên truyền, vận động, phát động các phong trào và nhân rộng các mô hình, có hành động cụ thể thực hiện các biện pháp giải quyết vấn đề rác thải nhựa theo hướng bền vững. Ủy ban nhân dân tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 76/KH-UBND ngày 15/5/2019 thực hiện phong trào chống rác thải nhựa trên địa bàn tỉnh.
Sở Tài nguyên và Môi trường tổ chức nhiều hội nghị, hội thảo hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới năm 2019, triển khai, ký cam kết tham gia phong trào Chống rác thải nhựa trên địa bàn tỉnh. Tại các sở, ngành, đoàn thể, các huyện, thị xã, thành phố đã có 100% cơ quan, đơn vị, địa phương xây dựng kế hoạch cụ thể nhằm giảm thiểu việc sử dụng, tiêu dùng các sản phẩm nhựa dùng một lần, khó phân hủy trong các hoạt động của cơ quan môi trường, chống rác thải nhựa. Toàn tỉnh có 39 cơ quan, đơn vị trong đó 10 huyện, thị xã, thành phố và các sở, ban, ngành, đoàn thể ký cam kết và tổ chức thực hiện hiệu quả phong trào chống rác thải nhựa. Nhiều cơ quan, đơn vị đã có những hành động cụ thể trong việc hưởng ứng phong trào, như: không sử dụng nước đóng sẵn bằng chai nhựa, không in khẩu hiệu bằng chất liệu phông bạt nhựa trong các hội nghị; thực hiện vệ sinh cơ quan vào chiều thứ 6 hàng tuần...
Ban Tuyên giao Tỉnh ủy phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường ban hành Hướng dẫn số 67-HD/BTGTUvề hướng dẫn tuyên truyền giải quyết, giảm thiểu vấn đề rác thải nhựa; đồng thời phối hợp tổ chức thành công hội nghị tuyên truyền về chống rác thải nhựa tại thị xã Mỹ Hào. Công tác tuyên truyền về bảo vệ môi trường, chống rác thải nhựa được các cơ quan báo chí thực hiện thường xuyên, đạt hiệu quả cao. Nhiều cơ quan, đơn vị đã đẩy mạnh tuyên truyền phong trào chống rác thải nhựa thông qua nhiều hình thức phong phú, đa dạng, như: Nói chuyện chuyên đề; giao lưu, tọa đàm; sinh hoạt câu lạc bộ, chi hội; tổ chức các lớp tập huấn nâng cao kỹ năng, nghiệp vụ cho cán bộ và nhân dân; tuyên truyền về nguy cơ, tác hại của rác thải nhựa gây ra đối với môi trường sống và sức khỏe con người; hướng dẫn, thực hành phân loại xử lý rác trực tiếp tại các hộ dân; vận động cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân hạn chế sử dụng đồ nhựa dùng một lần trong sinh hoạt, tiến tới từ bỏ thói quen sử dụng túi nylon, thay thế bằng các sản phẩm thân thiện với môi trường…
Nhiều hoạt động dọn vệ sinh môi trường, thu gom rác thải, các mô hình về bảo vệ môi trường được triển khai, nhân rộng ở các ngành, các cấp. Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh tỉnh duy trì dọn vệ sinh tối thiểu 01 lần/tháng đối với 2.000 công trình, phần việc thanh niên. Hội Nông dân tỉnh lắp đặt, vận hành 40 bể thu gom, xử lý bao bì thuốc bảo vệ thực vật trên cánh đồng; các hoạt động ngày Chủ nhật xanh, ngày thứ bảy tình nguyện, chiều thứ 6 vì thành phố xanh-sạch-đẹp được duy trì hiệu quả. Duy trì công tác thu gom, vận chuyển rác thải nền nếp với sự tham gia tích cực của 915 tổ vệ sinh môi trường tự quản, trong đó lực lượng hội viên phụ nữ, cựu chiến binh là nòng cốt. Hội Liên hiệp Phụ nữ các cấp duy trì, nâng cao chất lượng và nhân rộng các mô hình câu lạc bộ "Phụ nữ hạn chế sử dụng túi nilon”, với các hoạt động thiết thực như vận động hội viên phụ nữ và nhân dân hưởng ứng phong trào chống rác thải nhựa, thực hiện “Nói không với sản phẩm nhựa sử dụng một lần”, sử dụng các sản phẩm thân thiện với môi trường như túi giấy, làn nhựa, làn cói, lá cây…. Cùng với đó là thành lập và duy trì các mô hình: Mô hình ngâm ủ rác hữu cơ thành chế phẩm EM để sản xuất nước rửa bát, nước lau nhà, nước giặt tại thành phố Hưng Yên, huyện Khoái Châu và Ân Thi; mô hình “Phế liệu sạch” với phương thức các hộ gia đình tự thu gom, phân loại rác thải sinh hoạt của gia đình, đối với các loại phế liệu là bìa carton, vỏ lon bia, chai nhựa, giấy vụn, … thu gom bán tái chế.
Bằng những việc làm cụ thể, tỉnh Hưng Yên đã góp phần nâng cao nhận thức của người dân, tạo nên hiệu quả bước đầu trong phong trào chống rác thải nhựa. Trong thời gian tới, phong trào chống rác thải nhựa sẽ được triển khai thiết thực, sáng tạo, tiết kiệm, huy động được sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, các tổ chức đoàn thể và mọi tầng lớp nhân dân, để xây dựng một Hưng Yên sáng – xanh - sạch - đẹp.
Hữu Chất