KỶ NIỆM 70 NĂM NGÀY GIẢI PHÓNG THỦ ĐÔ (10/10/1954 – 10/10/2024)
Tin tức hoạt động
Đăng ngày: 11/04/2019 - Lượt xem: 38
Hỗ trợ đào tạo nghề cho thanh niên hoàn thành nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ công an, thanh niên tình nguyện

Với mục đích giúp thanh niên hoàn thành nghĩa vụ, nhiệm vụ có tay nghề, việc làm ổn định cuộc sống, từ đó góp phần tuyên truyền, vận động thanh niên hăng hái tham gia nhập ngũ, xây dựng và bảo vệ tổ quốc, vừa qua, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 57/KH-UBND về việc hỗ trợ đào tạo nghề trình độ sơ cấp cho thanh niên hoàn thành nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ công an, thanh niên tình nguyện năm 2019.

Theo Kế hoạch, năm 2019, tỉnh sẽ hỗ trợ đào tạo nghề cho khoảng từ 300 đến 500 thanh niên; gắn kết với doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, đảm bảo trên 90% thanh niên sau đào tạo nghề có việc làm phù hợp và thu nhập ổn định. Đối tượng là thanh niên trong thời hạn 12 tháng sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ công an, thanh niên tình nguyện hoàn thành nhiệm vụ có nhu cầu học nghề và chưa được hỗ trợ đào tạo nghề từ chính sách hỗ trợ đào tạo nghề khác có sử dụng nguồn ngân sách nhà nước. Các nghề được hỗ trợ cho các đối tượng trên là những nghề được quy định tại Quyết định số 1362/QĐ- UBND ngày 18/5/2017 của Ủy ban nhân dân tỉnh hoặc những ngành, nghề khác tùy theo nhu cầu của người học. Đối với những ngành, nghề không có trong danh mục ngành, nghề tại Quyết định số 1362/QĐ-UBND, cơ sở giáo dục nghề nghiệp chủ động xây dựng dự toán kinh phí đào tạo cho ngành, nghề đó gửi Sở Lao động - Thương binh và Xã hội. Trên cơ sở đó, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan thẩm định, trình Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành định mức kinh tế - kỹ thuật, làm cơ sở xây dựng định mức chi phí đào tạo cho từng nghề.
Thời gian đào tạo được quy định là thời gian toàn khóa, thời gian thực học, thời gian học lý thuyết, thời gian thực hành, thực tập, thời gian ôn, kiểm tra hoặc thi kết thúc mô-đun, khóa học theo Thông tư số 42/2015/TT-BLĐTBXH ngày 20/10/2015 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội. Trong đó, thời gian thực hành, thực tập tối thiểu chiếm từ 75% thời gian thực học trở lên. Về hình thức, có thể đào tạo lưu động tại các địa phương hoặc đào tạo tập trung tại cơ sở giáo dục nghề nghiệp.
Các đơn vị được phép đào tạo là các cơ sở giáo dục nghề nghiệp và cơ sở tham gia đào tạo nghề trên địa bàn tỉnh có đủ năng lực, điều kiện đào tạo nghề theo quy định và thực hiện đào tạo nghề cho thanh niên theo hướng dẫn tại Thông tư 42 và các quy định pháp luật hiện hành.
Thanh niên có nhu cầu học nghề được Nhà nước hỗ trợ một lần để học một nghề, được cấp “Thẻ học nghề” có giá trị tối đa bằng 12 tháng tiền lương tối thiểu chung tại thời điểm học nghề và có giá trị sử dụng trong 01 năm kể từ ngày cấp thẻ. Thanh toán chi phí đào tạo cho cơ sở dạy nghề căn cứ vào “Thẻ học nghề”, chi phí đào tạo thực tế của nghề đã học và chứng chỉ học nghề đã cấp cho học viên nhưng không cao hơn giá trị của “Thẻ học nghề”. Những trường hợp chi phí đào tạo của nghề học cao hơn giá trị của “Thẻ học nghề” thì người học tự chi trả phần chênh lệch cho cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Nguồn kinh phí hỗ trợ đào tạo nghề trình độ sơ cấp qua Thẻ cho thanh niên do ngân sách Trung ương và ngân sách địa phương đảm bảo, được bố trí trong dự toán chi thường xuyên, được giao hằng năm theo quy định của pháp luật về ngân sách Nhà nước. Kết thúc năm ngân sách, phân kinh phí chưa sử dụng hết được chuyển sang năm sau để tiếp tục thực hiện./.
Xuân Trường
 
Tin liên quan