KỶ NIỆM 70 NĂM NGÀY GIẢI PHÓNG THỦ ĐÔ (10/10/1954 – 10/10/2024)
Tin tức hoạt động
Đăng ngày: 21/12/2017 - Lượt xem: 91
Hưng Yên: 47 linh vật, biểu tượng không phù hợp được di dời ra ngoài khu vực bảo vệ của di tích

Sau 3 năm thực hiện Công văn số 2662/ BVHTTDL-MTNATL ngày 8.8.2014 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về không sử dụng biểu tượng, sản phẩm, linh vật không phù hợp với thuần phong mỹ tục Việt Nam (linh vật ngoại lai), đến nay, công tác di dời, loại bỏ linh vật ngoại lai ra khỏi các di tích trên địa bàn tỉnh có nhiều chuyển biến tích cực.

Theo số liệu thống kê, khảo sát, toàn tỉnh đã di dời được 47 linh vật, biểu tượng không phù hợp tại 23 di tích ra ngoài khu vực bảo vệ của di tích. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành công văn về việc không sử dụng biểu tượng, sản phẩm, linh vật không phù hợp với thuần phong mỹ tục Việt Nam gửi đến Phòng Văn hóa và Thông tin, Trung tâm Văn hóa, Thể thao và Du lịch các huyện, thành phố yêu cầu tiến hành kiểm tra, rà soát, báo cáo thực trạng tại địa phương. Đồng thời, Sở tiến hành kiểm tra, xử lý việc đưa linh vật, hiện vật không phù hợp vào di tích. Ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng tiến hành mở các lớp tập huấn về công tác quản lý di tích cho lãnh đạo, cán bộ văn hoá, ban quản lý di tích, nhà sư trụ trì, thủ nhang, người trông coi trực tiếp di tích trên địa bàn. Đặc biệt, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tham mưu với UBND tỉnh ban hành Quyết định số 23/2016 -QĐ-UBND ngày 23.11.2016  về việc ban hành Quy định quản lý di tích, di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia trên địa bàn tỉnh Hưng Yên. Trong đó, tại Điều 13, Quyết định đã chỉ rõ việc tiếp nhận, bổ sung biểu tượng, sản phẩm, linh vật, đồ thờ tự mới vào di tích phải bảo đảm quy trình, nguyên tắc: Tổ chức, cá nhân được giao quyền quản lý và sử dụng di tích phải có văn bản đề nghị gửi Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch và chỉ được tiếp nhận, bổ sung biểu tượng, sản phẩm, linh vật, đồ thờ tự sau khi có văn bản chấp thuận của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch; biểu tượng, sản phẩm, linh vật, đồ thờ tự được bổ sung phải có giá trị thẩm mỹ, phù hợp với thuần phong mỹ tục Việt Nam, kích thước, kiểu dáng, màu sắc phù hợp với không gian kiến trúc và nội thất của di tích. Ngoài ra, để tránh trường hợp cá nhân, đơn vị, tổ chức cung tiến hiện vật, linh vật không đúng với thuần phong mỹ tục người Việt, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 26/2017- QĐUBND ngày 30.10.2017 về việc ban hành quy định hình thức; việc quản lý, sử dụng tiền, tài sản dâng cúng, công đức, tài trợ tại các di tích lịch sử - văn hóa là các cơ sở tín ngưỡng đã được xếp hạng cấp tỉnh, cấp quốc gia trên địa bàn tỉnh Hưng Yên. Theo đó, việc công đức bằng hiện vật là đá quý, kim loại quý, hiện vật khác có giá trị kinh tế hoặc giá trị lịch sử, văn hóa gắn với cơ sở tín ngưỡng phải có văn bản đề nghị gửi Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch và chỉ được tiếp nhận sau khi có văn bản chấp thuận của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

Bên cạnh những chuyển biến tích cực, công tác di dời linh vật ngoại lai trên địa bàn tỉnh còn gặp những khó khăn nhất định. Để thực hiện đúng tinh thần chỉ đạo của của Trung ương và của tỉnh trong việc di dời linh vật ngoại lai ra khỏi các di tích, các cấp, các ngành cần tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền không sử dụng hiện vật ngoại lai và di dời hiện vật ra khỏi di tích, đồng thời, đẩy mạnh phong trào tìm hiểu, nghiên cứu về các biểu tượng, linh vật thuần Việt, góp phần gìn giữ, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa dân tộc.

NL

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Tin liên quan