Khát vọng giải phóng đất nước của đoàn quân Việt Nam vượt núi băng rừng, giữa khói lửa chiến trường để thống nhất bắc-nam là động lực cho tinh thần quyết chiến, quyết thắng, bằng mọi giá đưa dân tộc đến ngày toàn thắng. Từ những chiến hào thấm đẫm máu xương đến bầu trời rền vang tiếng pháo, từ tiền tuyến đến bàn đàm phán ở Hội nghị Paris, toàn thể quân và dân ta quyết tâm thực hiện kỳ được lời căn dặn của Bác: “Đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào... Bắc Nam sum họp xuân nào vui hơn”.

Trung tướng Đoàn Sinh Hưởng, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, nguyên Tư lệnh Binh chủng Tăng Thiết giáp, nguyên Tư lệnh Quân khu 4 chia sẻ về Chiến dịch Tây Nguyên tại trụ sở Báo Nhân Dân. (ẢNH: SƠN TÙNG)
Ý chí quyết tâm, bản lĩnh và trí tuệ Việt Nam thể hiện rõ trong từng câu chuyện chiến tranh ác liệt được người trong cuộc kể lại và cả những nghệ thuật quân sự độc đáo trong cuộc trường chinh chống Mỹ, cứu nước, giải phóng miền nam, thống nhất non sông.
“Cuộc đời đẹp nhất là trên trận tuyến đánh quân thù”
Những năm đầu thập niên 70 của thế kỷ trước, khi mà cuộc kháng chiến cứu quốc bước vào những giai đoạn khốc liệt và mang tính quyết định, với tinh thần yêu nước cháy bỏng, thanh niên cả nước hăng hái ra tiền tuyến mà không hề run sợ.
PGS,TS Hà Minh Hồng (Phó Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Thành phố Hồ Chí Minh), từng là lính trinh sát mặt trận B3 chia sẻ: “Trong những năm tháng kháng chiến, tinh thần của toàn dân, nhất là học sinh, sinh viên khi dân tộc đang chịu cảnh nước mất nhà tan, luôn ở trong tư thế sẵn sàng chiến đấu, bảo vệ Tổ quốc”. Cuối năm 1971, chàng trai trẻ gốc Hà Nội Hà Minh Hồng mới tốt nghiệp lớp 10, đang chờ kết quả thi đại học nhưng nghe theo tiếng gọi của Tổ quốc, lập tức cùng bạn bè đồng trang lứa sửa soạn hành trang và lên đường. Khí thế anh hùng của tuổi trẻ át đi mọi nỗi sợ ra trận và họ luôn tâm niệm “cuộc đời đẹp nhất là trên trận tuyến đánh quân thù”.
Cũng khí thế anh hùng của tuổi trẻ thời chiến đã đưa Thiếu tướng Lộ Khắc Tâm, nguyên Trung đội trưởng Trung đội 3, Đại đội 2, Tiểu đoàn 7, Trung đoàn 66 sớm ra mặt trận. Đi giữa bom đạn từ năm 1965 cho đến ngày giải phóng, thời trẻ của vị tướng này liên tục hành quân từ bắc vào nam, nhưng đáng nhớ nhất là trận thắng Ia Đrăng trong Chiến dịch Plei Me.
Ông kể: “Tháng 11/1965, đế quốc Mỹ lo sợ về thất bại của chiến tranh đặc biệt cho nên bắt đầu ngay chiến lược chiến tranh cục bộ khi đưa Sư đoàn Không vận số 1 trực tiếp tham chiến. Mục tiêu của chúng là chỉ trong 18 tháng phải tiêu diệt toàn bộ quân giải phóng ở miền nam, nhất là chiến trường Tây Nguyên. Điều này khiến mặt trận cao nguyên trở nên vô cùng ác liệt”.
Phán đoán rõ ý đồ này, ta quyết định mở Chiến dịch Plei Me mà thung lũng Ia Đrăng (tỉnh Gia Lai) được xác định là nơi quyết chiến then chốt. “Đêm 14, rạng sáng 15/11/1965, Tiểu đoàn 7 của chúng tôi được lệnh xuất kích, cùng Tiểu đoàn 9 tiếp tục tập kích địch. Tối 15, địch buộc phải rút lui. Sang ngày 16, Tiểu đoàn 1 bị tiêu diệt cơ bản. Trong khi đó, Tiểu đoàn 2 của địch tiếp cứu cũng bị Tiểu đoàn 8 (Trung đoàn 66) chủ động tiêu diệt hoàn toàn. Thung lũng Ia Đrăng đại thắng”, Thiếu tướng Lộ Khắc Tâm kể.
Thắng lợi giòn giã của quân ta ở trận Ia Đrăng củng cố thêm quyết tâm có thể đánh bại cường quốc quân sự hàng đầu thế giới bằng chiến tranh nhân dân Việt Nam.
Câu chuyện về những người lính bất khuất cùng viết lên bản hùng ca cứu quốc lại càng được ghi dấu hào hùng ở trận chiến Thành cổ Quảng Trị năm 1972. Những ngày này ở Hà Nội, nhà báo Phùng Huy Thịnh, người lính sinh viên năm nào “sống chết” viết đơn xung phong ra mặt trận Quảng Trị, đang lặng lẽ ngồi bên góc bàn nhỏ viết về người đồng đội Lê Xuân Đĩnh - Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.
Câu chuyện về người liệt sĩ hy sinh thân mình cứu đồng đội thoát địch vây bắt sẽ được ông Thịnh kể lại trong buổi Lễ Phụng nghĩa cuối tháng tư này, do 500 cựu lính sinh viên Thành cổ tổ chức tưởng nhớ, tri ân người ngã xuống vì quê hương, đất nước.
“Lê Xuân Đĩnh và bao liệt sĩ khác vẫn luôn sống trong tim chúng tôi. Ở tiền tuyến khốc liệt, người lính ra trận quyết chiến bảo vệ quê hương, gia đình và cả đồng đội đang kề vai sát cánh”, ông Phùng Huy Thịnh rơm rớm kể. “Đồng đội là gia đình” - cựu chiến binh này không thể quên được ký ức ám ảnh ông tới tận bây giờ khi trải qua một bữa cơm trong hầm hào có sáu người ăn mà dính bom địch, chỉ một người sống sót... Ông cũng khóc hết nước mắt khi lần đầu chôn cất đồng đội. Đau đớn hơn nữa là mỗi lần quay lại, thấy bao ngôi mộ còn lại toàn là những hố bom vùi...
Thực tế ác liệt trên chiến trường thời điểm cuối năm 1972 khiến đế quốc Mỹ đi đến quyết định dùng máy bay B-52 ném bom hủy diệt Hà Nội, Hải Phòng và nhiều địa phương khác nhằm gây sức ép cuối cùng trên bàn đàm phán Hiệp định Paris.
Trung tướng, Anh hùng Nguyễn Đức Soát, nguyên Tư lệnh Quân chủng Phòng không-Không quân, nguyên Phó Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam kể: Cuối năm 1967, khi làm việc với Bộ Tư lệnh Phòng không-Không quân, Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng: Sớm muộn rồi đế quốc Mỹ cũng sẽ đưa B-52 ra đánh Hà Nội. Phải dự kiến trước mọi tình huống, càng sớm càng tốt để có thời gian mà suy nghĩ, chuẩn bị.
Khó khăn lớn nhất trên bầu trời Hà Nội, Hải Phòng thời điểm đó là khả năng gây nhiễu tự thân của địch rất mạnh với sự tham gia của máy bay EB66, EC121 hiện đại lúc bấy giờ. Nhưng từ kinh nghiệm của lực lượng không quân và phòng không, quân ta đã dần học được cách phân tích hiệu quả đặc điểm nhiễu của B-52.
Ngay từ đêm 18/12/1972, đêm đầu chiến dịch, ta đã bắn rơi ba chiếc B-52, khiến hai chiếc bị hư hỏng nặng. Sau 12 ngày đêm, quân đội ta đã bắn rơi 81 máy bay, trong đó có 34 máy bay B-52 và năm máy bay F111, bắt sống 43 phi công Mỹ. Đây là tổn thất chưa từng thấy ở các cuộc tập kích đường không của quân đội Mỹ, buộc R.Nixon phải quyết định dừng ném bom, ngồi vào bàn đàm phán ở Paris – một chiến thắng gây chấn động thế giới.

Hội nghị Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam diễn ra từ năm 1968 đến năm 1973, là một trong những hội nghị đàm phán hòa bình kéo dài nhất trong thế kỷ 20. (Ảnh tư liệu)
Nhà báo Hà Đăng nhớ mãi những kỷ niệm khi được cử đi dự Hội nghị Paris cuối năm 1968 với tư cách là thành viên của Mặt trận Dân tộc giải phóng miền nam Việt Nam và sau này là Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền nam Việt Nam. Khi ấy, ông đang làm Phó Trưởng ban Miền Nam, Báo Nhân Dân. Trong quá trình diễn ra hội nghị, ông được phân công biên tập những bài phát biểu cho Trưởng đoàn ta.
Trong 5 năm diễn ra Hội nghị Paris, ông chứng kiến rất nhiều cuộc đấu trí căng thẳng. Những thắng lợi vang dội trên chiến trường đã có tác động quyết định đến bàn đàm phán.
Đó là những kết quả trong chiến dịch 81 ngày đêm bảo vệ Thành cổ Quảng Trị và Chiến thắng Điện Biên Phủ trên không trong 12 ngày đêm đánh bại cuộc tập kích chiến lược bằng B-52 cực kỳ tàn bạo của Mỹ đánh vào Hà Nội, Hải Phòng và nhiều nơi khác cuối năm 1972.
Những chiến thắng này đã buộc Mỹ cuối cùng phải ngồi vào bàn đàm phán ký hiệp định. Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam ký ngày 27/1/1973 đã buộc Mỹ phải công nhận các quyền dân tộc cơ bản của nhân dân Việt Nam, chấp nhận rút vô điều kiện toàn bộ quân Mỹ và để lại vấn đề miền nam Việt Nam cho nhân dân Việt Nam tự quyết định.
Chứng kiến lễ ký, tất cả thành viên trong hai đoàn đàm phán của ta đều xúc động. Cuộc đàm phán hòa bình kéo dài nhất thế kỷ 20 đã kết thúc với chiến thắng thuộc về nhân dân Việt Nam.
Tổng tiến công

Trung tướng, Anh hùng Nguyễn Đức Soát, nguyên: Tư lệnh Quân chủng Phòng không-Không quân, Phó Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam chia sẻ về chiến thắng Điện Biên phủ trên không. (Ảnh: THẾ ĐẠI)
Trung tướng Đoàn Sinh Hưởng, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, nguyên Tư lệnh Binh chủng Tăng Thiết giáp, nguyên Tư lệnh Quân khu 4 háo hức kể về trận đánh quyết định mở màn Chiến dịch Tây Nguyên: “Trong trận đánh Buôn Ma Thuột mở màn Chiến dịch Tây Nguyên năm 1975, tôi giữ chức vụ Đại đội trưởng Đại đội 9 xe tăng Lữ đoàn 273 Quân đoàn 3 trực tiếp chỉ huy xe tăng số hiệu 980 dẫn đầu đội hình xe tăng cùng bộ binh Tiểu đoàn 4 đánh thẳng vào khu trung tâm thị xã Buôn Ma Thuột.
Để có được trận đánh này, chúng tôi phải chuẩn bị 3 đến 4 tháng. Tư lệnh Chiến dịch Tây Nguyên chọn Buôn Ma Thuột là điểm mở màn ngày 10/3/1975. Nhiệm vụ của chúng tôi là đánh thẳng vào Trung tâm Chỉ huy Sư đoàn 23 của địch nằm ở trung tâm thị xã để phát huy yếu tố bất ngờ, khiến địch không kịp trở tay. Cánh nam của Quân đoàn 2 ngụy bị sụp đổ nhanh chóng. Trong những ngày tiếp theo, ngày 11 và 13/3, địch phản công hòng tái chiếm Buôn Ma Thuột nhưng đều bị thất bại”.
Chiến thắng Buôn Ma Thuột đã mở toang cánh cửa để quân ta nhanh chóng giải phóng Tây Nguyên, đồng thời triển khai lực lượng giải phóng các tỉnh Nam Trung Bộ tạo nên đột biến trên chiến trường để tiến hành chiến dịch giải phóng Huế, Đà Nẵng và cuối cùng là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.
Chiến dịch Hồ Chí Minh với tinh thần “thần tốc, táo bạo, bất ngờ, chắc thắng”, đánh “thọc sâu, tiêu diệt” kết hợp “tiến công trong hành tiến”, đã làm tan rã hoàn toàn hệ thống phòng thủ của ngụy quân, ngụy quyền Sài Gòn. Đúng 11 giờ 30 phút ngày 30/4/1975, lá cờ cách mạng tung bay trên nóc Dinh Độc Lập, kết thúc cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước kéo dài 21 năm của dân tộc ta.
Theo Đại tá, PGS,TS Nguyễn Văn Sáu, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược và Lịch sử quốc phòng Việt Nam, 50 năm qua đi, chiến tranh đã kết thúc, đất nước đã độc lập, thống nhất và vững bước quá độ lên chủ nghĩa xã hội. Song, lịch sử chiến đấu và chiến thắng oanh liệt của quân và dân Việt Nam trong 30 năm chiến tranh giải phóng (1945-1975) mãi mãi là biểu tượng sáng ngời về sự toàn thắng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng và trí thông minh tuyệt vời của con người Việt Nam. Và cũng từ cuộc trường chinh giải phóng dân tộc đầy máu và nước mắt năm xưa, những tượng đài bất tử hy sinh quên mình vẫn như những ngọn hải đăng soi đường cho non sông mãi hòa bình, tự do.
(Còn nữa)
Nguồn: https://nhandan.vn/