KỶ NIỆM 70 NĂM NGÀY GIẢI PHÓNG THỦ ĐÔ (10/10/1954 – 10/10/2024)
Tin tức hoạt động
Đăng ngày: 19/05/2020 - Lượt xem: 96
Hưng Yên: Chuyển biến trong công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khoẻ nhân dân

Qua hơn 4 năm đưa Nghị quyết vào cuộc sống, công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trên địa bàn tỉnh Hưng Yên đã có nhiều chuyển biến tích cực. Nhận thức, trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền các cấp, các ngành, đoàn thể và các tầng lớp nhân dân được nâng cao. Nguồn lực dành cho công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân tăng hàng năm. Nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, tạo chuyển biến cơ bản về cải cách hành chính trong công tác khám, chữa bệnh. Nhiều chỉ tiêu về bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân đạt và vượt.

Thực hiện Nghị quyết số 10-NQ/TU ngày 04/10/2016 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XVIII, Ủy ban nhân dân tỉnh đã cụ thể hóa thành Kế hoạch số 69/KH-UBND ngày 09/3/2017 thực hiện Chương trình bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khoẻ nhân dân tỉnh Hưng Yên giai đoạn 2016 - 2020, định hướng đến năm 2025. Sau khi Nghị quyết số 10-NQ/TU được quán triệt, các huyện ủy, thị ủy, thành ủy, UBND huyện, thị xã, thành phố đã ban hành kế hoạch triển khai thực hiện với các nhóm mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp phù hợp với điều kiện thực tiễn tại địa phương. Qua hơn 4 năm đưa Nghị quyết vào cuộc sống, công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trên địa bàn tỉnh Hưng Yên đã có nhiều chuyển biến tích cực. Nhận thức, trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền các cấp, các ngành, đoàn thể và các tầng lớp nhân dân được nâng cao. Nguồn lực dành cho công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân tăng hàng năm. Nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, tạo chuyển biến cơ bản về cải cách hành chính trong công tác khám, chữa bệnh. Nhiều chỉ tiêu về bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân đạt và vượt.

Cùng với sự ổn định và phát triển về kinh tế, xã hội, ngành Y tế đã có nhiều cố gắng, phát huy nội lực trong công tác chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân. Công tác y tế dự phòng được thực hiện đúng quy định, công tác giám sát các bệnh truyền nhiễm có nguy cơ gây thành dịch được tổ chức, thực hiện thường xuyên. Thời gian qua, trên địa bản tỉnh không có dịch bệnh truyền nhiễm nào xảy ra; công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19 được thực hiện nghiêm, góp phần cùng cả nước kiểm soát tốt dịch bệnh, không để lây lan ra cộng đồng. Cung ứng đầy đủ và kịp thời các loại vắc xin và vật tư đảm bảo an toàn, không xảy ra tai biến trong và sau tiêm chủng. Duy trì tỷ lệ tiêm chủng đủ mũi cho trẻ em dưới 1 tuổi, do đó tỷ lệ mắc và chết do 6 bệnh có vác xin phòng bệnh giảm rõ rệt. Các bệnh dịch nguy hiểm như: Tiêu chảy cấp, thương hàn, viêm màng não, viêm gan virut, đều giảm từ 10 đến 20% hàng năm cả về số mắc và không có tử vong. Duy trì kết quả thanh toán bệnh phong cấp tỉnh. Tăng cường giám sát người nhiễm HIV/AIDS, đảm bảo người nhiễm HIV được quản lý tốt tại cộng đồng.

Mạng lưới y tế từ tỉnh đến cơ sở không ngừng được củng cố, nâng cao hiệu quả hoạt động. Thực hiện bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân, hiệu quả hoạt động mạng lưới cung ứng dịch vụ, trước hết là mạng lưới y tế cơ sở được đảm bảo; mọi người dân được tiếp cận với các dịch vụ chăm sóc sức khỏe cơ bản có chất lượng; đa dạng hóa dịch vụ y tế, phát triển các dịch vụ chăm sóc sức khỏe tại nhà, dịch vụ y tế tư nhân. Đến nay, tuyến tỉnh có 02 bệnh viện đa khoa, 06 bệnh viện chuyên khoa, 04 trung tâm, 02 chi cục; tuyến huyện có 10 trung tâm y tế đa chức năng và 155 trạm y tế xã, phường, thị trấn với tổng số cán bộ, nhân viên y tế toàn ngành là trên 4.500 người. Hệ thống y tế ngoài công lập toàn tỉnh có 1.245 cơ sở hành nghề y, dược tư nhân với trên 1.976 lao động. 148 xã có biên chế bác sỹ; 100% xã có viên chức nữ hộ sinh; 100% thôn có cán bộ y tế hoạt động. Đến hết năm 2019, tỷ lệ giường bệnh/vạn dân đạt 27,3 trong đó (giường bệnh công lập là 25,8 giường bệnh/vạn dân), số bác sỹ/vạn dân đạt 6,8 bác sỹ. Công tác xây dựng xã đạt tiêu chí Quốc gia về y tế được đẩy mạnh. Hằng năm, Sở Y tế có văn bản chỉ đạo, hướng dẫn các phòng y tế, trung tâm y tế huyện, thị xã, thành phố thành lập hội đồng kiểm tra, thẩm định các xã, phường, thị trấn đăng ký đạt tiêu chí Quốc gia về y tế, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt. Đến nay 100% xã, phường, thị trấn đạt tiêu chí Quốc gia về y tế giai đoạn 2020 (năm 2015 đạt 70,81%).

Chất lượng khám, chữa bệnh ở các tuyến tiếp tục được nâng cao. Quyền lợi trong khám, chữa bệnh của người tham gia BHYT được mở rộng. Công tác khám, chữa bệnh đối tượng BHYT tại các cơ sở y tế công lập có nhiều tiến bộ, đồng thời đã thu hút một số cơ sở y tế ngoài công lập cùng tham gia. Có sự phối hợp, kết nối và lồng ghép tốt giữa các tuyến tỉnh và tuyến huyện; tăng cường sự hỗ trợ của các bệnh viện Trung ương; phối hợp chặt chẽ giữa dịch vụ khám, chữa bệnh, phục hồi chức năng và dịch vụ phòng bệnh, chăm sóc sức khỏe ban đầu; phát huy vai trò của các đơn vị y tế chuyên sâu, y tế kỹ thuật cao trong việc chuyển giao khoa học kỹ thuật và hỗ trợ chuyên môn cho toàn mạng lưới cung ứng dịch vụ.

Hiện nay, tỉnh đang duy trì và phát triển đề án bệnh viện vệ tinh, như: Bệnh viện đa khoa Phố Nối là bệnh viện vệ tinh của Bệnh viện Bạch Mai; Bệnh viện đa khoa tỉnh làm bệnh viện vệ tinh cho Bệnh viện Việt Đức, Bệnh viện Tim Hà Nội; Bệnh viện Sản Nhi làm bệnh viện vệ tinh cho Bệnh viện Phụ Sản Trung ương và Bệnh viện Nhi Trung ương. Một số bệnh viện, trung tâm y tế đã ứng dụng tiến bộ kỹ thuật hiện đại vào công tác chẩn đoán, điều trị bệnh, tỷ lệ bệnh nhân chuyển lên các bệnh viện Trung ương giảm bình quân 01%/năm. Bệnh viện đa khoa tỉnh đang phát triển khu xạ trị điều trị ung thư, thực hiện kỹ thuật mới về can thiệp mạch như mổ tim, ấn nút động mạch gan trong điều trị ung thư gan... Trung tâm Y tế huyện Văn Giang và Ân Thi thực hiện liên doanh liên kết với Bệnh viện Mắt Trung ương mổ phaco. Trung tâm Y tế huyện Tiên Lữ thực hiện kỹ thuật chạy thận nhân tạo.... Các kỹ thuật mới đuợc tăng lên tại các cơ sở khám chữa bệnh.

Củng cố và phát triển hệ thống y dược học cổ truyền, kết hợp với y học hiện đại, từng bước nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh bằng y học cổ truyền. Hệ thống khám, chữa bệnh bằng y, dược học cổ truyền đã được quan tâm xây dựng ở cả tuyến tỉnh và cơ sở. Đến nay, tỉnh có 01 Bệnh viện Y dược cổ truyền, 02 bệnh viện đa khoa tuyến tỉnh có khoa Y học cổ truyền và 10 trung tâm y tế có khoa hoặc bộ phận Y học cổ truyền, với trên 300 giường bệnh. 100% trạm y tế xã, phường, thị trấn điều trị bằng phương pháp châm cứu, bấm huyệt, tác động cột sống; 135/162 trạm y tế xã, phường, thị trấn đạt chuẩn quốc gia về Y học cổ truyền.

Công tác quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm theo đúng quy định của pháp luật. Sở Y tế thường xuyên thường xuyên phối hợp với các ngành, đoàn thể tổ chức các hoạt động tuyên truyền, phổ biến các văn bản pháp quy, góp phần nâng cao nhận thức của người dân về an toàn thực phẩm, phòng chống ngộ độc thực phẩm, cũng như nâng cao ý thức trách nhiệm của chủ cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm, góp phần hạn chế vi phạm về an toàn thực phẩm. Trong 4 năm qua đã tổ chức xác nhận kiến thức về an toàn thực phẩm cho các cơ sở chế biến, kinh doanh, dịch vụ ăn uống trên địa bàn tỉnh, cấp giấy xác nhận kiến thức về an toàn thực phẩm cho hơn 6000 người. Cùng đó, đã tập trung chỉ đạo công tác đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm; đảm bảo tổ chức, nhân lực, phương tiện, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của các cơ quan quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm gắn với hệ thống các cơ sở kiểm nghiệm thuốc, mỹ phẩm và thực phẩm; giảm tỷ lệ mắc ngộ độc thực phẩm cấp tính dưới 05 người/100.000 dân và giảm tỷ lệ tử vong do ngộ độc thực phẩm.

Thực hiện chính sách dân số - kế hoạch hóa gia đình hiệu quả; duy trì mức sinh thay thế hợp lý, giảm tỷ lệ sinh con thứ ba, mất cân bằng giới tính khi sinh; đảm bảo duy trì mức độ tăng dân số dưới 01%/ năm; tăng khả năng tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản có chất lượng đáp ứng nhu cầu dịch vụ kế hoạch hóa gia đình của người dân; chất lượng dân số được nâng cao; nâng tuổi thọ trung bình lên trên 74 tuổi. Công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em được chú trọng. Trẻ em dưới 2 tuổi được theo dõi cân nặng hàng tháng và vẽ biểu đồ tăng trưởng đạt 97,5%. Triển khai và thực hiện có hiệu quả phòng chống suy dinh dưỡng trẻ em tại 161 xã trên 10 huyện, thị xã, thành phố. Tiếp tục duy trì mô hình sinh hoạt câu lạc bộ như câu lạc bộ Phụ nữ không sinh con thứ 3+, phụ nữ cùng giúp nhau phát triển kinh tế, câu lạc bộ gia đình trẻ...; duy trì sinh hoạt các mô hình câu lạc bộ người cao tuổi giúp người cao tuổi dựa vào cộng đồng. thu hút được sự quan tâm của người dân trên địa bàn triển khai.

Huy động có hiệu quả các nguồn lực xã hội, có cơ chế thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực y tế, nhất là doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài; đẩy nhanh tiến độ thực hiện bao phủ BHYT toàn dân đi đôi với hỗ trợ cho người nghèo, các đối tượng chính sách trong khám, chữa bệnh. Ngành Y tế và ngành Bảo hiểm xã hội đã thực hiện nhiều giải pháp tích cực nhằm giảm bớt các thủ tục phiền hà, nâng cao chất lượng phục vụ các đối tượng tham gia BHYT. Việc tuyên truyền, vận động nhân dân tự nguyện tham gia các loại hình bảo hiểm được đổi mới, đạt hiệu quả, nâng tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế từ 71,62% (năm 2015) lên 90,5% (năm 2019). Ngân sách tỉnh hồ trợ mua thẻ BHYT cho tất cả đảng viên chưa được hưởng chế độ BHYT được tặng Huy hiệu 30 năm tuổi Đảng trở lên, người thuộc hộ gia đình nông nghiệp có thu nhập trung bình; người tham gia tổ thu gom rác tại các thôn, khu phố và học sinh, trên 60 tuổi chưa có thẻ BHYT, đối tượng cận nghèo. Quỹ khám chữa bệnh cho người nghèo trên địa bàn tỉnh Hưng Yên hỗ trợ cho bệnh nhân nghèo tiền ăn và tiền đi lại khi nằm điều trị nội trú tại các cơ sở y tế công lập, trung bình mỗi năm hỗ trợ trên 10.000 lượt điều trị và trên 70.000 ngày điều trị cho bệnh nhân nghèo trên địa bàn tỉnh.

Phát huy những kết quả đạt được, trong thời gian tới, cấp ủy, chính quyền các cấp, nhất là ngành Y tế sẽ tiếp tục quán triệt và triển khai thực hiện Nghị quyết số 10-NQ/TU về Chương trình bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân, gắn với việc triển khai thực hiện các chương trình, đề án về nâng cao sức khỏe nhân dân, về công tác dân số trong tình hình mới, trọng tâm là thực hiện có hiệu quả công tác y tế dự phòng; củng cố, phát triển và nâng cao chất lượng dịch vụ khám, chữa bệnh; nâng cao chất lượng công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình và chăm sóc sức khỏe sinh sản; đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực; thiết lập và duy trì hiệu quả hệ thống thông tin y tế; thực hiện đổi mới cơ chế hoạt đông, cơ chế tài chính ngành Y tế; tăng cường năng lực quản lý ngành Y tế…

HC

 

Tin liên quan