KỶ NIỆM 70 NĂM NGÀY GIẢI PHÓNG THỦ ĐÔ (10/10/1954 – 10/10/2024)
Khoa giáo, Văn hoá - Văn Nghệ
Đăng ngày: 27/09/2024 - Lượt xem: 59
Hưng Yên đẩy mạnh phát triển kinh tế số

Thực hiện Chương trình phối hợp công tác số 14-CTr/BTGTU ngày 30/01/2024 của Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy về việc phối hợp giữa Ban Tuyên giáo với các cơ quan nhà nước cùng cấp phổ biến tuyên truyền các Chỉ thị, Nghị quyết của Đảng, pháp luật của Nhà nước… Cổng Thông tin điện tử Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đăng tải nội dung “Hưng Yên đẩy mạnh phát triển kinh tế số” của Sở Thông tin và Truyền thông.

Ứng dụng công nghệ số để vận hành hệ thống máy móc tại Công ty cổ phần công nghiệp Việt Nhật HTVJ - Khu công nghiệp dệt may Phố Nối (Ảnh: https://baohungyen.vn)

Thực hiện Chương trình chuyển đổi số, cùng với xây dựng chính quyền số, xã hội số, tỉnh Hưng Yên xác định phát triển kinh tế số là trụ cột, nhiệm vụ trọng tâm, chiến lược trong tiến trình chuyển đổi số của tỉnh trong những năm tiếp theo và đề ra mục tiêu vào năm 2025 kinh tế số tỉnh Hưng Yên sẽ chiếm 20% tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh và tăng lên 30% vào năm 2030.

Trong những năm gần đây, tỉnh Hưng Yên đã đẩy mạnh triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ, thúc đẩy phát triển kinh tế số như: tập trung hỗ trợ doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân ứng dụng thương mại điện tử để đưa các sản phẩm hàng hóa và thực hiện bán sản phẩm thông qua môi trường mạng, đẩy mạnh hoạt động giao dịch và kinh doanh bằng các phương tiện điện tử, mạnh dạn trong việc đầu tư, ứng dụng các giải pháp thương mại điện tử thông qua các giải pháp maketing online, tối ưu hóa hiển thị doanh nghiệp trên công cụ tìm kiếm, tham gia quảng bá trên các sàn thương mại điện tử. Đến nay, 100% các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã sử dụng internet phục vụ công việc, tìm kiếm thông tin và trao đổi thông tin, khai thác lợi thế của internet để tiếp cận khách hàng và thương mại điện tử để phát triển sản xuất kinh doanh, phát triển thương hiệu. Ngoài ra, đã có khoảng gần 60% doanh nghiệp xây dựng website với các nội dung giới thiệu công ty, cung cấp thông tin sản phẩm. Cùng với đó, sàn giao dịch thương mại điện tử của tỉnh với tên miền http://ecomhungyen.vn từ khi đi vào hoạt động đã trở thành cầu nối giữa các doanh nghiệp tỉnh Hưng Yên với các doanh nghiệp, người tiêu dùng trong nước. Đây cũng là công cụ đắc lực và hiệu quả trong việc góp phần chuyển tải cơ hội kinh doanh nhanh chóng, kịp thời, chính xác, khách quan, đầy đủ thông tin giới thiệu về doanh nghiệp, sản phẩm của tỉnh đến với người tiêu dùng cả nước.

Bên cạnh việc sử dụng các sàn giao dịch thương mại điện tử, năm 2023 Hưng Yên đã tổ chức diễn đàn xúc tiến thương mại 4.0 và kết nối tiêu thụ sản phẩm OCOP tỉnh Hưng Yên với mục đích cùng hỗ trợ, tìm hiểu, tiếp cận với các phương thức bán hàng mới qua các nền tảng mạng xã hội. Chương trình livestream bán sản phẩm nhãn lồng và các sản phẩm OCOP tỉnh Hưng Yên được thực hiện tại một trong những vùng nhãn lớn của tỉnh Hưng Yên. Kết quả đã thu được 1.800 đơn hàng với doanh số 245.000.000 đồng.

Để quản lý nguồn gốc các sản phẩm, Hưng Yên đã triển khai hệ thống truy xuất nguồn gốc nông lâm thủy sản (hy.check.net.vn). Đến nay, đã cấp tài khoản cho Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Y tế, Sở Công thương, UBND các huyện, thị xã, thành phố và 113 cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh. Hệ thống truy xuất nguồn gốc có 378 tài khoản với trên 900 sản phẩm nông lâm sản và thủy sản, đã hỗ trợ trên 4000 bao bì chứa đựng sản phẩm và trên 240.000 tem để truy xuất nguồn gốc sản phẩm cho các loại rau, quả, thịt, các sản phẩm chế biến từ thịt, cá các loại…

Nhằm đẩy mạnh phát triển kinh tế số, thời gian qua, tỉnh Hưng Yên đã khuyến khích các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp đẩy mạnh hình thức thanh toán không dùng tiền mặt, từ đó, góp phần ứng dụng công nghệ và thúc đẩy chuyển đổi số, xây dựng kinh tế số và kích cầu tiêu dùng. Thời gian qua, các doanh nghiệp viễn thông trên địa bàn tỉnh đã triển khai dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt cho tiểu thương tại 07 chợ trên địa bàn tỉnh, mỗi chợ có từ 50-100 tiểu thương tham gia, từ đó đã thay đổi thói quen, hành vi mua sắm của người tiêu dùng theo hướng văn minh, hiện đại. Với các ứng dụng ngân hàng số, người dân có thể thực hiện thanh toán online cho các hóa đơn tiền điện, tiền nước, cước điện thoại, viễn thông, truyền hình trả tiền, thực hiện việc nộp thuế, phí, lệ phí, học phí và thanh toán các dịch vụ công khác một cách nhanh chóng, thuận tiện, an toàn và hiệu quả. Nhằm đẩy mạnh việc thanh toán không dùng tiền mặt, các ngân hàng trên địa bàn tỉnh cũng đã đầu tư cơ sở hạ tầng và công nghệ, phát triển các phương tiện thanh toán, đa dạng các phương thức thanh toán như mở rộng mạng lưới ATM, POS phục vụ thanh toán không dùng tiền mặt. Hiện nay, tỷ lệ dân số của tỉnh có tài khoản thanh toán ngân hàng đạt tỷ lệ cao, 100% siêu thị, trung tâm mua sắm và cơ sở phân phối cho phép người tiêu dùng thanh toán bằng thẻ thanh toán và thanh toán qua phương tiện điện tử, 100% đơn vị cung cấp dịch vụ điện, nước, viễn thông trên địa bàn tỉnh đã thực hiện thanh toán phí dịch vụ của các hộ gia đình qua phương tiện điện tử; 100% cơ sở kinh doanh trong các lĩnh vực thương mại dịch vụ như vận tải, văn hoá, thể thao và du lịch phát triển các kênh giao dịch điện tử phục vụ người tiêu dùng.

Đến nay, tỉnh Hưng Yên đã đạt được một số chỉ tiêu cơ bản về phát triển kinh số như: Tỷ trọng kinh tế số trên GRDP: 9,26 %; Tỷ trọng thương mại điện tử trong tổng mức bán lẻ đạt 5,3%; Tỷ lệ doanh nghiệp sử dụng hợp đồng điện tử đạt 10%; Tỷ lệ doanh nghiệp nhỏ và vừa sử dụng nền tảng số đạt khoảng 26,2%; Tỷ lệ dân số tham gia mua sắm trực tuyến đạt 33%; Thanh toán không dùng tiền mặt trong thương mại điện tử đạt 33%; Tỷ lệ giao dịch mua hàng trên website/ứng dụng thương mại điện tử có hóa đơn điện tử đạt 40%; Tỷ lệ doanh nghiệp vừa và nhỏ tiến hành hoạt động kinh doanh trên các sàn giao dịch thương mại điện tử đạt 34%.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả bước đầu đã đạt được, việc phát triển kinh tế số trên địa bàn tỉnh vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức. Trong thời gian tới, Sở Thông tin và Truyền thông sẽ tiếp tục phối hợp với các cơ quan báo chí, hệ thống truyền thanh cơ sở trên địa bàn tỉnh đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của toàn xã hội về chuyển đổi số và phát triển nền kinh tế số; cùng với các doanh nghiệp và người dân trong đẩy mạnh việc ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin trong hoạt động sản xuất kinh doanh cũng như quản lý điều hành. Đồng thời, gắn kết chặt chẽ với bảo đảm an toàn, an ninh quốc gia, bảo vệ bí mật nhà nước trên không gian mạng và bảo vệ thông tin cá nhân... góp phần quan trọng vào công cuộc phát triển kinh tế số trên địa bàn tỉnh, từ đó thực hiện chuyển đổi số hiệu quả, phục vụ việc phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Hưng Yên.

Sở Thông tin và Truyền thông

 

Tin liên quan