Tháng hành động vì an toàn thực phẩm năm 2019 được Uỷ ban nhân dân tỉnh, Ban Chỉ đạo liên ngành về vệ sinh an toàn thực phẩm tỉnh tổ chức triển khai trên địa bàn tỉnh từ ngày 15/4-15/5/2019. Với chủ đề “Nói không với thực phẩm giả, thực phẩm kém chất lượng. Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng”, Tháng hành động nhằm tăng cường công tác giáo dục, truyền thông, thông tin chính xác, kịp thời, toàn diện, có trách nhiệm, trung thực các vấn đề liên quan đến an toàn thực phẩm (ATTP). Đề cao vai trò, trách nhiệm của các doanh nghiệp trong việc thực thi pháp luật về ATTP. Đồng thời, đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra bảo đảm ATTP tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, đặc biệt là các cơ sở sản xuất, kinh doanh nhỏ lẻ, các làng nghề. Tăng cường vai trò giám sát của các cơ quan quản lý, tổ chức xã hội và người tiêu dùng đối với việc thực thi pháp luật về an toàn thực phẩm của các cá nhân, cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm. Qua đó, giảm thiểu ngộ độc do tiêu dùng thực phẩm không an toàn, thực phẩm giả, thực phẩm kém chất lượng.
Qua một tháng triển khai, kết quả các hoạt động có nhiều chuyển biến tích cực. Công tác truyền thông được tăng cường với nhiều hình thức phong phú, đa dạng. Theo đó, đã tổ chức 77 hội thảo, lớp tập huấn, buổi nói chuyện về ATTP cho 3.662 lượt người tham dự; in ấn, cấp phát 25.650 tờ gấp, 276 đĩa CD, DVD; treo 119 áp phích, 356 băng rôn, khẩu hiệu tuyên truyền về ATTP; 05 tin, 01 thông điệp tuyên truyền trên truyền hình; phát thanh 2.792 lượt nội dung về ATTP trên hệ thống loa phóng thanh tại tuyến huyện, thành phố, xã phường, thị trấn; 02 bài trên website của Chi cục ATTP... Điểm nhấn của đợt tuyên truyền trong Tháng hành động năm 2019 là 08/10 huyện, thành phố, thị xã đã tổ chức lễ phát động do Uỷ ban nhân dân các huyện, thành phố, thị xã chủ trì.
Bên cạnh đó, công tác thanh tra, kiểm tra tại các cơ sở thực phẩm được chú trọng, toàn tỉnh đã thành lập 186 đoàn kiểm tra liên ngành về an toàn thực phẩm. Trong đó 14 đoàn thanh tra, kiểm tra tuyến tỉnh; 11 đoàn thanh tra, kiểm tra tuyến huyện, thành phố, thị xã; 161 đoàn kiểm tra tuyến xã, phường, thị trấn. Các đoàn đã thực hiện thanh tra, kiểm tra được 4.007/10.998 cơ sở sản xuất, kinh doanh, sơ chế, chế biến thực phẩm trên địa bàn tỉnh. Trong đó có 2.823 cơ sở đạt quy định (chiếm 70,45%), 1.184 cơ sở vi phạm về các điều kiện ATTP (chiếm 29,55%); 22 cơ sở vi phạm bị xử lý hành chính với tổng số tiền phạt là 66.475.000 đồng; ngoài ra có 03 cơ sở bị đóng cửa; 09 cơ sở bị tiêu hủy sản phẩm; 02 cơ sở phải khắc phục về nhãn. Qua kiểm tra cho thấy, các cấp ủy đảng, chính quyền từ tỉnh đến huyện, xã đã quan tâm chú trọng triển khai mạnh mẽ công tác tuyên truyền, thông tin giáo dục về ATTP cho các đối tượng, đặc biệt đối tượng sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm, hầu hết các cơ sở đều có ý thức chấp hành các quy định về ATTP, có nhận thức muốn kinh doanh đảm bảo cho người tiêu dùng. Tuy nhiên, qua kiểm tra, đoàn kiểm tra đã phát hiện một số cơ sở không tuân thủ các quy định về điều kiện ATTP như: Không thực hiện việc xác nhận kiến thức an toàn thực phẩm, khám sức khoẻ định kỳ cho người trực tiếp sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm theo đúng quy định; không có giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm; kho bảo quản thực phẩm không đảm bảo, không duy trì các điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm trong quá trình sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm; chưa có đầy đủ hệ thống ngăn chặn côn trùng và động vật gây hại; kinh doanh thực phẩm quá hạn sử dụng, không rõ nguồn gốc, sử dụng bếp ăn không được thiết kế và tổ chức theo nguyên tắc một chiều.
Qua việc test nhanh được 138 mẫu đối với các thực phẩm gồm giò, chả, thịt, rau, củ, quả, đã phát hiện có 05/138 mẫu không đạt tiêu chuẩn vệ sinh ATTP (chiếm 3,62%) chủ yếu do có chứa chất salbutamol, clenbuterol, hàn the, tồn dư nitrat. Các đoàn kiểm tra đã yêu cầu và hướng dẫn các tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh phải tuân thủ chấp hành tuyệt đối các quy định trong sản xuất, kinh doanh, đồng thời phải chịu trách nhiệm chính về sản phẩm do mình sản xuất ra và tiêu thụ trên thị trường phải đảm bảo an toàn cho người tiêu dùng.
Trong quá trình thanh, kiểm tra, các đoàn đã phối hợp làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật, các kiến thức về bảo đảm an toàn thực phẩm giúp cơ sở nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành các quy định pháp luật của nhà nước.
Công tác quản lý ngộ độc thực phẩm và bệnh truyền qua thực phẩm được chú trọng, trong tháng hành động năm 2019 trên địa bàn tỉnh không xảy ra các ca, vụ ngộ độc thực phẩm, không có tử vong do ngộ độc thực phẩm.
Có được những kết quả trong Tháng hành động, có thể thấy, Ban Chỉ đạo liên ngành về vệ sinh an toàn thực phẩm tỉnh luôn quan tâm, chỉ đạo sát sao công tác ATTP. Đồng thời có sự phối hợp tốt giữa các ngành có liên quan, sự quan tâm đưa tin, tuyên truyền của các cơ quan thông tin đại chúng, sự nhiệt tình của cán bộ làm công tác ATTP. Qua đó, nhiều cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, kinh doanh dịch vụ ăn uống trên địa bàn tỉnh nhận thức được việc bảo đảm vệ sinh ATTP vừa là trách nhiệm, vừa là quyền lợi, từ đó đã hưởng ứng và tham gia tích cực trong Tháng hành động năm 2019, góp phần hạn chế được nguy cơ ngộ độc thực phẩm xảy ra. Tuy nhiên, nhằm thực hiện tốt hơn công tác vệ sinh an toàn thực phẩm trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới, cần nâng cao hơn nữa vai trò, trách nhiệm của lãnh đạo các cấp, các ngành, đơn vị, đặc biệt là vai trò của cấp ủy, chính quyền địa phương, đơn vị trong công tác chỉ đạo quản lý về ATTP trên địa bàn. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền về việc chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật về ATTP trong sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng. Bên cạnh đó, tổ chức thực hiện có hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra về ATTP tại các địa phương, đơn vị; kiên quyết xử lý nghiêm, kịp thời các tổ chức, cá nhân vi phạm về an toàn thực phẩm theo đúng quy định của pháp luật...
Nguyễn Điệp