KỶ NIỆM 70 NĂM NGÀY GIẢI PHÓNG THỦ ĐÔ (10/10/1954 – 10/10/2024)
Tin tức hoạt động
Đăng ngày: 05/09/2019 - Lượt xem: 129
Hưng Yên: Tiếp tục nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo

Năm học 2018-2019, ngành Giáo dục và Đào tạo Hưng Yên tiếp tục thực hiện Chương trình hành động số 30-CTr/TU của Tỉnh uỷ thực hiện Nghị quyết Trung ương 8 (khóa XI) về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, Nghị quyết số 09-NQ/TU của Tỉnh ủy về Chương trình phát triển giáo dục và đào tạo giai đoạn 2015-2020, một số định hướng đến năm 2025. Trong đó, ngành tập trung thực hiện tốt công tác rà soát, quy hoạch phân bổ, sắp xếp mạng lưới, quy mô trường, lớp.

 Đến nay, mạng lưới giáo dục ở các cấp học, bậc học đã được phủ kín, phù hợp, đáp ứng nhu cầu học tập của con em nhân dân và góp phần đào tạo nguồn nhân lực phục vụ nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Về giáo dục mầm non (MN): Toàn tỉnh hiện có 185 trường, trong đó 161 trường công lập và 24 trường tư thục. Có 842 nhóm trẻ, huy động 17.633 cháu đến trường, đạt tỷ lệ 41,1% và 2.448 lớp mẫu giáo, huy động 68.721 cháu đến trường, đạt tỷ lệ 99%, trong đó 792 lớp mẫu giáo 5 tuổi, huy động 23.766 cháu mẫu giáo 5 tuổi ra lớp, đạt tỷ lệ 100%. Về giáo dục tiểu học (TH): Toàn tỉnh có 157 trường, 09 trường liên cấp TH-THCS (loại hình công lập) với 3.252 lớp, 110.813 học sinh và 03 trường TH, THCS, THPT (loại hình tư thục) với 57 lớp, 1549 học sinh khối TH. Giáo dục trung học: Cấp THCS có 161 trường và 08 trường liên cấp TH-THCS với 1.919 lớp, 69.128 học sinh. Cấp THPT có 37 trường và 03 trường liên cấp TH-THCS-THPT với 860 lớp, 32.938 học sinh. Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên (GDNN - GDTX): Có 01 trung tâm GDTX cấp tỉnh, có 10 trung tâm GDNN - GDTX cấp huyện, 161 trung tâm học tập cộng đồng, tổng số học viên học chương trình bổ túc văn hóa trung học phổ thông là 4.638 học viên. Giáo dục đại học: Trên địa bàn tỉnh hiện có 6 trường đại học, 01 trường CĐSP, 01 trường Trung cấp có đào tạo chuyên ngành giáo dục MN. Khu Đại học Phố Hiến đã có 02 trường đại học đi vào hoạt động (Đại học Chu Văn An, Đại học Thủy Lợi), 02 trường đang chuẩn bị đầu tư xây dựng (Học viện Y dược học cổ truyền Việt Nam, Đại học Giao thông vận tải).
Cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học tiếp tục được tăng cường đầu tư theo hướng kiên cố hóa, chuẩn hóa và hiện đại. Đồng thời, tập trung đầu tư xây dựng phòng học, phòng thí nghiệm, phòng học bộ môn, các công trình phụ trợ và nâng tỷ lệ phòng kiên cố ở các ngành học, cấp học. Công tác xây dựng trường chuẩn quốc gia được đẩy mạnh. Toàn tỉnh có 9.401 phòng học, trong đó phòng học kiên cố cao tầng 8.541 phòng; tỷ lệ phòng học kiên cố cao tầng MN 82,94%, TH 92,53%, THCS 97,07%, THPT 94,99%, GDNN-GDTX 90,37%. Toàn tỉnh có 342 trường MN, phổ thông đạt chuẩn quốc gia, tăng 34 trường so với cùng kỳ năm trước, trong đó: MN 81/185 trường, đạt tỷ lệ 43,78%; TH 138/157 trường, đạt tỷ lệ 87,89%; THCS 101/161 trường, đạt tỷ lệ 62,73%, THPT 22/40 trường, đạt tỷ lệ 55%.
Công tác phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục được coi trọng. Ngành đã thực hiện tốt việc xây dựng, triển khai đề án vị trí việc làm, chuyển xếp hạng cho giáo viên, đánh giá viên chức để rà soát, sàng lọc và tinh giảm biên chế. Công tác quy hoạch, tuyển dụng, bố trí, sử dụng, luân chuyển, bổ nhiệm, miễn nhiệm đội ngũ được tăng cường và thực hiện đúng quy định. Triển khai có hiệu quả công tác bồi dưỡng thường xuyên cho đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên MN, phổ thông và bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh, bồi dưỡng nâng cao năng lực, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên theo các yêu cầu của chuẩn nghề nghiệp. Năm học 2018 - 2019, Sở Giáo dục và Đào tạo đã xây dựng kế hoạch tổ chức bồi dưỡng thường xuyên tập trung cho 14.431 cán bộ quản lý, giáo viên. Trên cơ sở các nội dung tập huấn của Sở, các phòng giáo dục và đào tạo, các trường MN, phổ thông triển khai bồi dưỡng cho 100% giáo viên của đơn vị. Đến nay, đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên cơ bản đảm bảo đủ về số lượng, đạt chuẩn về chuyên môn nghiệp vụ. Về chất lượng, đa số cán bộ quản lý đạt chuẩn về phẩm chất đạo đức, nghiệp vụ sư phạm; năng lực quản lý nhà trường và có trình độ lý luận chính trị từ trung cấp trở lên; 100% đội ngũ giáo viên được bồi dưỡng về chuẩn nghề nghiệp theo các lĩnh vực phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống; kiến thức chuyên môn; kỹ năng sư phạm, năng lực thực hành. Về trình độ chuyên môn, 100% giáo viên đạt chuẩn, trong đó trên chuẩn bậc MN 72,56%; TH 94,59%; THCS 71,15%; THPT 17,58%; GDTX 6,88%.
Cùng với nhiệm vụ tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, nâng cao chất lượng cán bộ quản lý và giáo viên, ngành Giáo dục và Đào tạo đã triển khai nhiều giải pháp để đổi mới chương trình giáo dục MN, phổ thông; đẩy mạnh giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng trong giáo dục phổ thông. Các cơ sở giáo dục mầm non tăng cường áp dụng đa dạng các hình thức và phương pháp tổ chức hoạt động chăm sóc, giáo dục trẻ theo quan điểm “lấy trẻ làm trung tâm” phù hợp với điều kiện thực tế của trường, lớp và khả năng của trẻ; chú trọng xây dựng môi trường giáo dục, tạo cơ hội cho trẻ tích cực khám phá, trải nghiệm và sáng tạo theo phương châm “học mà chơi, chơi mà học”. Tổ chức biên soạn và hoàn thiện tài liệu hướng dẫn thực hiện chương trình giáo dục MN sau chỉnh sửa, bổ sung nhằm hỗ trợ cho cán bộ quản lý và giáo viên MN khắc phục những hạn chế, khó khăn trong quản lý và thực hiện chương trình giáo dục MN. Các cơ sở giáo dục phổ thông thực hiện điều chỉnh nội dung dạy học chương trình giáo dục phổ thông hiện hành, đổi mới phương pháp, hình thức tổ chức dạy học, kiểm tra đánh giá và quản lý quá trình giáo dục theo định hướng phát triển phẩm chất, năng lực người học, từ đó tạo thuận lợi cho học sinh và giáo viên khi chuyển sang thực hiện chương trình, sách giáo khoa mới. Về đẩy mạnh giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông thông, ngay từ đầu năm học, Sở đã hướng dẫn các nhà trường chỉ đạo giáo viên chủ nhiệm (hoặc bố trí giáo viên khác) làm công tác tư vấn cho học sinh và phụ huynh học sinh về các vấn đề liên quan đến học tập và sinh hoạt của học sinh; đặc biệt là công tác tư vấn hướng nghiệp cho học sinh sau khi tốt nghiệp THCS, THPT, nhất là học sinh lớp 12, giúp các em không còn quá lúng túng trong việc lựa chọn nghề nghiệp, ngành học... Từ đó, các em có sự lựa chọn nghề nghiệp chính xác, phù hợp với năng lực bản thân, tạo bước chuẩn bị vững vàng cho tương lai. Sau năm học 2017-2018, số học sinh tốt nghiệp THCS là 15289 em, số học sinh tốt nghiệp THCS không vào học THPT và bổ túc THPT là  2982 em, chiếm 19,50%; học sinh tốt nghiệp THPT là 12307 em, số học sinh tốt nghiệp THPT không đi học đại học, cao đẳng là 5232 em, chiếm 42,51%.
Trong bối cảnh đất nước hội nhập quốc tế sâu rộng, để nguồn nhân lực đáp ứng được yêu cầu hội nhập thì năng lực sử dụng ngoại ngữ, đặc biệt là tiếng Anh là yêu cầu quan trọng. Để nâng cao chất lượng dạy học ngoại ngữ, đặc biệt là tiếng Anh trong hệ thống giáo dục quốc dân, năm học 2018 - 2019, các đơn vị tiếp tục duy trì dạy tiếng Anh theo chương trình của Bộ từ lớp 3 đến lớp 5, trong đó có 73/167 trường tổ chức học chương trình 4 tiết/tuần. Có 118 trường TH tổ chức cho học sinh học bổ trợ tiếng Anh khối 3, 4, 5, trong đó có 05 trường có giáo viên là người nước ngoài. Bậc trung học tiếp tục thực hiện dạy học bám sát chuẩn kiến thức, kĩ năng theo quy định của môn học, xác định mục tiêu dạy học theo chuẩn kiến thức, kĩ năng. Nhiều cơ sở giáo dục đã mời giáo viên bản ngữ thực hiện dạy tiếng Anh tăng cường kỹ năng nghe nói, giao tiếp thông qua hình thức xã hội hóa. Qua kiểm tra và đánh giá thực tế, tại các đơn vị triển khai hình thức này, học sinh đã được nâng cao đáng kể kỹ năng nghe nói, giao tiếp tự tin hơn; giáo viên được trao đổi, sinh hoạt chuyên môn với giáo viên người nước ngoài ít nhất 1 lần/tháng, góp phần nâng cao trình độ ngoại ngữ của giáo viên.
Ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy, học và quản lý giáo dục được đẩy mạnh. Đến nay, 100% hồ sơ văn bản điều hành, báo cáo của các đơn vị đã sử dụng văn bản điện tử; 100% trường phổ thông đã dùng phần mềm quản lý nhà trường trực tuyến; đưa vào sử dụng sổ điểm điện tử, học bạ điện tử, số liên lạc điện tử. Đẩy mạnh sử dụng các phần mềm dạy học các môn học, phần mềm thiết kế bài giảng e-learning; triển khai phần mềm hỗ trợ kiểm định chất lượng và chuẩn quốc gia; phần mềm hỗ trợ thi trực tuyến tại các phòng máy và kiểm tra online; xây dựng ngân hàng kiểm tra đánh giá dùng chung cho giáo viên tại các trường và tiến tới chia sẻ trên toàn tỉnh. 100% các trường THCS, THPT đã được trang bị một số máy chiếu, màn chiếu đa năng phục vụ việc đổi mới phương pháp dạy học của giáo viên một cách thường xuyên và hiệu quả. Có 161/161 trường THCS, trường TH và THCS, 37/37 trường THPT và 03 trường phổ thông nhiều cấp học, nhiều giáo viên tích cực sử dụng, trao đổi sinh hoạt chuyên môn thông qua trang mạng “Trường học kết nối”.
Nhờ đó, trong năm học 2018 - 2019, chất lượng phổ cập giáo dục của tỉnh Hưng Yên tiếp tục duy trì ở mức cao, đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non 5 tuổi, đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 3, đạt chuẩn phổ cập THCS mức độ 2, đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 2; công tác phân luồng học sinh sau THCS và THPT đạt kết quả tốt. Kỉ cương, nền nếp trong các hoạt động giáo dục được nâng cao, thực hiện đánh giá đúng chất lượng thực của học sinh, chất lượng công tác giảng dạy của giáo viên. Chất lượng dạy và học ở các bậc học tiếp tục được nâng lên.
Công tác tuyển chọn bồi dưỡng học sinh giỏi được đổi mới, có nhiều học sinh đạt giải tỉnh, giải quốc gia, giải Châu Á: có 01 học sinh đoạt Huy chương Bạc Olympic Tin học Châu Á - Thái Bình Dương năm 2019; 52 học sinh đoạt giải quốc gia (04 học sinh đoạt giải Nhất, 11 học sinh giải Nhì, 15 học sinh giải Ba, 22 học sinh giải Khuyến khích); 01 học sinh đoạt giải Nhất trong Cuộc thi Vô địch Tin học Văn phòng Thế giới-Viettel năm 2019; 403 học sinh đoạt giải trong Kỳ thi chọn học sinh giỏi cấp tỉnh THPT; 115 giáo viên được công nhận là giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh.
Trong kỳ thi THPT quốc gia năm 2019, Hưng Yên có 04 học sinh đạt điểm 10 môn Toán (cả nước có 12 học sinh), 01 học sinh đạt 02 điểm 10 (cả nước có 07 học sinh); có 18 thí sinh được 27 điểm trở lên theo tổ hợp Toán - Lý - Hóa (xếp thứ 6 cả nước), 03 thí sinh đạt 28 điểm trở theo tổ hợp Toán - Hóa - Sinh (xếp thứ 8 cả nước), 01 thí sinh được trên 28 điểm theo tổ hợp Văn - Sử - Địa (xếp thứ 3 cả nước). Tỷ lệ học sinh các trường THPT công lập đỗ tốt nghiệp đạt 96,19%, ngoài công lập đạt 77,15%, Giáo dục thường xuyên đạt 78,55%.
Năm học 2019 - 2020, ngành Giáo dục và Đào tạo tiếp tục thực hiện  đồng bộ các giải pháp để hoàn thành các mục tiêu của kế hoạch 5 năm 2016 - 2020 gắn với đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Tiếp tục thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục; sắp xếp các cơ sở giáo dục, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị giáo dục; tăng cường công tác phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục; tiếp tục thực hiện tốt phân luồng sau trung học cơ sở và liên thông giữa các chương trình giáo dục, cấp học và trình độ đào tạo…Đẩy mạnh công tác quản lý nhà nước đối với giáo dục mầm non; giải quyết tình trạng thiếu giáo viên; tăng cường các điều kiện để nâng cao chất lượng thực hiện chương trình giáo dục mầm non. Nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện bậc học phổ thông; tích cực chuẩn bị các điều kiện để thực hiện chương trình, sách giáo khoa mới, nhất là đối với lớp 1; nâng cao chất lượng công tác tổ chức thi, kiểm tra, đánh giá, đặc biệt là kỳ thi trung học phổ thông quốc gia...
HC
Tin liên quan