KỶ NIỆM 70 NĂM NGÀY GIẢI PHÓNG THỦ ĐÔ (10/10/1954 – 10/10/2024)
Tin tức hoạt động
Đăng ngày: 04/03/2019 - Lượt xem: 55
Hưng Yên: Tuyên truyền góp phần nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi người dân trong bảo vệ môi trường nông thôn

Bảo vệ môi trường là trách nhiệm của toàn xã hội, trong đó ý thức, hành vi của mỗi cá nhân có tác động trực tiếp đến “sức khỏe” của môi trường. Do vậy, tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức, hình thành ý thức chủ động bảo vệ môi trường luôn là nhiệm vụ, giải pháp quan trọng hàng đầu. 

Nhận thức được tầm quan trọng đó, thời gian qua, hoạt động tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường nói chung, môi trường nông thôn nói riêng đã được các cấp, các ngành, địa phương trên địa bàn tỉnh Hưng Yên quan tâm thực hiện, nhất là sau khi Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành và quyết liệt triển khai Nghị quyết số 11-NQ/TU về tăng cường quản lý, xử lý tình trạng ô nhiễm môi trường - một trong những vấn đề được Tỉnh ủy lựa chọn trong thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) “một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”. Ngay sau Nghị quyết số 11-NQ/TU và những năm tiếp theo, Ủy ban nhân tỉnh đều ban hành các văn bản lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện, trong đó đáng chú ý là kế hoạch triển khai phân loại, xử lý rác thải hữu cơ tại hộ gia đình và đề án nâng cao hiệu quả thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải sinh hoạt nông thôn.
Để triển khai hiệu quả, sớm hoàn thành mục tiêu được giao trong công tác bảo vệ môi trường nông thôn, Sở Tài nguyên và Môi trường thường xuyên tuyên truyền, phổ biến các văn bản quy định về bảo vệ môi trường và công tác phân loại, xử lý rác thải thông qua các hội nghị, đăng tải trên Bản tin Tài nguyên và Môi trường, Cổng thông tin điện tử của đơn vị. Cùng đó, Sở Tài nguyên và Môi trường đã đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, giáo dục thông qua các hoạt động nhân ngày lễ, ngày kỷ niệm về môi trường, thu hút đông đảo cán bộ và nhân dân tham gia, như: Chiến dịch làm cho thế giới sạch hơn; Lễ ra quân Chiến dịch thanh niên, học sinh, sinh viên tình nguyện và Tháng hành động về Môi trường; Chiến dịch bảo vệ môi trường vì sức khỏa cộng đồng; Ngày Môi trường thế giới… Đặc biệt, Sở Tài nguyên và Môi trường đã ký kết chương trình phối hợp tuyên truyền về bảo vệ môi trường, phòng, chống biến đổi khí hậu với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh, cơ quan thường trú Thông tấn xã Việt Nam, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Ban Dân vận Tỉnh ủy và 9 cơ quan, đoàn thể của tỉnh. Các hình thức tuyên truyền, giáo dục môi trường được các đơn vị tổ chức rất đa dạng, phong phú, như giáo dục theo cá nhân, theo nhóm, theo cộng đồng; tuyên truyền, giáo dục qua các phương tiện thông tin đại chúng, qua các hoạt động, hội nghị, diễn đàn, tọa đàm, sinh hoạt thường kỳ của tổ chức đoàn thể.
Nhiều đơn vị đã phối hợp tuyên truyền hiệu quả với ngành Tài nguyên và Môi trường trong công tác bảo vệ môi trường. Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy tổ chức nhiều hội nghị tuyên truyền, tập huấn, bồi dưỡng chuyên đề và truyền thông cơ sở về bảo vệ môi trường; biên tập, đăng tải nội dung trong các số của Bản tin Thông báo nội bộ; biên tập, phát hành Sổ tay Công tác bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu; biên tập và phát hành tờ rơi, tài liệu hỏi đáp về bảo vệ môi trường; đăng tải văn bản chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh và tin, bài, ảnh về bảo vệ môi trường nông thôn trên địa bàn tỉnh trên Trang Thông tin điện tử Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy. Đồng thời, hằng năm, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy chỉ đạo, hướng dẫn ban tuyên giáo huyện ủy, thành ủy phối hợp với các phòng, ngành chức năng ký kết và triển khai chương trình phối hợp về bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu, trong đó trọng tâm là phối hợp tuyên truyền việc phân loại, xử lý rác thải nông thôn; chỉ đạo trung tâm bồi dưỡng chính trị huyện, thành phố lồng ghép chuyên đề về bảo vệ môi trường nông thôn vào các chương trình bồi dưỡng lý luận chính trị cho cán bộ, đảng viên. Báo Hưng Yên xây dựng và duy trì chuyên mục Tài nguyên và Môi trường (2 số/tháng), đăng tải trên 500 tin, bài, ảnh tuyên truyền, phổ biến về công tác bảo vệ môi trường, nêu gương người tốt, việc tốt trong phân loại, xử lý chất thải, rác thải, phê phán hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường. Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh tổ chức nhiều buổi tọa đàm về môi trường với chủ đề “rác thải sinh hoạt, đâu là giải pháp”, “nhân rộng phong trào không sử dụng túi nilon”. Theo báo cáo của Sở Tài nguyên và Môi trường, các sở, ngành, đoàn thể tỉnh và các huyện, thành phố đã tổ chức 517 lớp tập huấn, tuyên truyền về bảo vệ môi trường, hướng dẫn phân loại, xử lý rác thải sinh hoạt cho trên 57.672 lượt cán bộ và nhân dân; cấp phát trên 35.000 tờ rơi tuyên truyền về bảo vệ môi trường.
Cùng đó, Ủy ban nhân dân, các ngành, đoàn thể các cấp đã đưa tiêu chí bảo vệ môi trường, thu gom, xử lý rác thải vào quy ước, hương ước, vào bình xét các danh hiệu Làng văn hóa”, Khu dân cư văn hóa”; Gia đình văn hóa”. Thông qua các danh hiệu thi đua để tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường cho các tầng lớp nhân dân, khuyến khích nhân dân tham gia vào các hoạt động giảm thiểu, tái chế, tái sử dụng chất thải rắn, hạn chế sử dụng túi nilon, phân loại rác thải kết hợp với xử lý rác thải hữu cơ làm phân vi sinh tại hộ gia đình; thực hiện đổ rác đúng giờ, đúng nơi quy định, tạo điều kiện tối đa cho các phương tiện, người thực hiện thu gom. Tại nhiều địa phương, đã tuyên truyền, phát động và duy trì định kỳ, hàng tuần tổng vệ sinh đường làng, ngõ xóm: dọn dẹp cây dại, cỏ dại, rác thải, phế liệu, phế thải dọc các trục đường thôn, xóm nhằm đảm bảo vệ sinh môi trường nông thôn và tổ chức trồng cây xanh, trồng hoa ven đường giao thông thôn, xóm … tạo cảnh quan môi trường xanh - sạch - đẹp.
Đường làng, ngõ xóm thông thoáng, sạch đẹp
Nhờ đẩy mạnh công tác tuyên truyền với nhiều hình thức phong phú, phạm vi tuyên truyền rộng, đối tượng tuyên truyền đa dạng, đã góp phần tạo sức lan tỏa, nâng cao nhận thức và thay đổi hành vi của nhân dân nông thôn trong bảo vệ môi trường sống. Do vậy, công tác bảo vệ môi trường nông thôn trên địa bàn tỉnh ngày một nền nếp và có nhiều chuyển biến tích cực, góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Toàn tỉnh đã thành lập và duy trì hoạt động 915 tổ vệ sinh môi trường với 2.369 người tham gia, đảm bảo thu gom rác thải tại 100% số thôn, khu dân cư; 89.305 hộ gia đình, chiếm 26,06% số hộ gia đình của tỉnh tại 153/161 xã, phường, thị trấn thực hiện phân loại, xử lý rác thải hữu cơ tại hộ gia đình. Việc phân loại, xử lý rác thải hữu cơ tại hộ gia đình được triển khai với nhiều hình thức phù hợp với điều kiện của địa phương, như: huyện Phù Cừ vận động nhân dân tự đào hố, tận dụng vật liệu sẵn có để chế tạo nắp đậy hố xử lý rác hữu cơ; nhiều hộ gia đình huyện Kim Động xây và tận dụng bể xây hiện có để xử lý rác thải; một số địa phương khác sử dụng thùng nhựa 20 lít để phân loại, xử lý rác thải hữu cơ... Nhiều mô hình về bảo vệ môi trường được thành lập, thu hút đông đảo nhân dân tham gia và hoạt động ngày càng hiệu quả, như: mô hình Hội Nông dân với bảo vệ môi trường; Tổ tự quản Cựu chiến binh tham gia bảo vệ môi trường; Phụ nữ hạn chế sử dụng túi nilon; Phụ nữ tự quản về vệ sinh môi trường; Đường hoa phụ nữ; Đội thanh niên xung kích bảo vệ môi trường; Làng xã xanh - sạch - đẹp; Trường em xanh - sạch - đẹp... Từ đó, tỷ lệ rác thải sinh hoạt nông thôn trên địa bàn tỉnh được thu gom, xử lý đến nay đã tăng, đạt trên 70%.
Tuy nhiên, thực tế hiện nay vẫn còn 30% rác thải chưa được thu gom, xử lý; tình trạng đổ, đốt rác thải bừa bãi ở các khu vực công cộng, sông, kênh mương, dọc các tuyến đường giao thông chưa được xử lý dứt điểm. Để đạt mục tiêu nâng cao hiệu quả thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải sinh hoạt nông thôn, trong thời gian tới, các sở, ngành, đoàn thể tỉnh, Ủy ban nhân dân huyện, thành phố trong tỉnh cần tiếp tục đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức về công tác bảo vệ môi trường.
Hữu Chất

 

Tin liên quan