KỶ NIỆM 70 NĂM NGÀY GIẢI PHÓNG THỦ ĐÔ (10/10/1954 – 10/10/2024)
Tin tức hoạt động
Đăng ngày: 06/05/2019 - Lượt xem: 48
Kết quả phát triển kinh tế hợp tác xã nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Hưng Yên năm 2018

Thực hiện Chương trình phối hợp giữa Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy với các sở, ngành trong việc triển khai kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, giải quyết các vấn đề bức xúc của nhân dân năm 2019, Trang Thông tin điện tử Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đăng nội dung phối hợp tuyên truyền với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hưng Yên.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đến hết năm 2018, toàn tỉnh có 253 hợp tác xã (HTX) nông nghiệp (tăng 56 HTX so với năm 2017), trong đó: 202 HTX hoạt động trong lĩnh vực trồng trọt, 14 HTX hoạt động trong lĩnh vực chăn nuôi, 08 HTX hoạt động trong lĩnh vực thủy sản, 29 HTX hoạt động trong lĩnh vực lĩnh vực tổng hợp. 100% các HTX hoạt động theo Luật Hợp tác xã năm 2012.
Tổng số vốn góp của các HTX đạt khoảng 132,4 tỷ đồng (tăng so với năm 2017 là 76,71 tỷ đồng), trong đó: 155 HTX tổ chức lại hoạt động có số vốn góp là 7,3 tỷ đồng; 98 HTX thành lập mới có số vốn là 125,1 tỷ đồng. Bình quân vốn điều lệ của 01 HTX khoảng 523 triệu đồng, bình quân vốn góp của 01 thành viên HTX khoảng 16,7 triệu đồng.
Năm 2018, tổng doanh thu của HTX nông nghiệp toàn tỉnh đạt 293,7 tỷ đồng (tăng so với năm 2017 là 70,8 tỷ đồng), bình quân 1,16 tỷ đồng/HTX và lợi nhuận thu được là 31,9 tỷ đồng, bình quân 126,2 triệu đồng/HTX. Trong đó, tổng doanh thu của 155 HTX chuyển đổi hoạt động đạt 111,3 tỷ đồng (chiếm 37,9% doanh thu của các HTX nông nghiệp) tăng 37,5% so với năm 2017; tổng doanh thu của các HTX thành lập mới là 182,4 tỷ đồng, tăng 40,5 tỷ đồng (tương đương với 22%) so với thời điểm năm 2017. Sau khi tổ chức lại hoạt động theo Luật Hợp tác xã năm 2012, các HTX đã bước đầu có sự đổi mới trong tư duy sản xuất kinh doanh; các thành viên tham gia vào HTX trên tinh thần tự nguyện, cùng góp vốn, góp sức, cùng sử dụng sản phẩm, dịch vụ của HTX. Một số HTX hoạt động tiêu biểu, như: HTX Dịch vụ nông nghiệp (DVNN) xã Yên Phú liên kết sản xuất và cung ứng rau an toàn giữa nông dân với các doanh nghiệp, siêu thị tại Hà Nội; HTX DVNN xã Xuân Quan cung cấp các dịch vụ về phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, dịch vụ điện sinh hoạt, dịch vụ chợ; HTX DVNN xã Quảng Lãng cung ứng dịch vụ làm đất; HTX DVNN xã Bãi Sậy và HTX DVNN thị trấn Lương Bằng cung cấp các dịch vụ về phân bón, thuốc bảo vệ thực vật…
Việc ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất và tiêu thụ nông sản đã được các HTX thành lập mới mạnh dạn đưa vào thực hiện. Toàn tỉnh có 21 HTX nông nghiệp đang ứng dụng công nghệ cao trong các lĩnh vực, như: công nghệ chiết, ghép nhân giống các loại cây nhãn, cam, bưởi; công nghệ nuôi cấy phôi nấm trong nhà lạnh; công nghệ sản xuất an toàn theo quy trình thực hành tốt (GAP); công nghệ nhà kính, nhà lưới, nhà màng có hệ thống điều khiển bán tự động; công nghệ nuôi thâm canh thủy sản. Các HTX thực hiện ứng dụng công nghệ cao, tiêu biểu, như: HTX sản xuất và nhân giống nấm Nam Hàn (huyện Ân Thi) với công nghệ nuôi cấy phôi nấm trong nhà lạnh; các HTX thủy sản Hưng Phát (huyện Phù Cừ), HTX nuôi trồng thủy sản Hòa Phong (huyện Mỹ Hào) nuôi cá với công nghệ sông trong ao nước tĩnh; HTX sản xuất cung ứng rau quả và cây dược liệu An Thịnh Phát (huyện Phù Cừ) ứng dụng công nghệ trồng dưa lưới, dưa kim trong nhà lưới theo quy trình VietGap và sử dụng công nghệ tưới tiết kiệm nước.
Toàn tỉnh có 80 HTX xây dựng được liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm; trong đó có 02 HTX xây dựng được chuỗi giá trị từ sản xuất nguyên liệu, chế biến, đóng gói sản phẩm, đăng ký nhãn hiệu sản phẩm và cung cấp đến người tiêu dùng, như: sản phẩm trà nấm linh chi đóng gói của HTX sản xuất và đầu tư thương mại phát triển nấm sạch Việt Tú (huyện Kim Động); sản phẩm trà cà gai leo của HTX đầu tư và phát triển nông nghiệp công nghệ cao Minh Châu (TP. Hưng Yên)... Trong năm 2018, tỉnh đã xây dựng được 5 mô hình hợp tác xã kiểu mới, bao gồm: HTX dịch vụ nông nghiệp xã Xuân Quan, huyện Văn Giang; HTX DVNN tổng hợp xã Yên Phú, huyện Yên Mỹ; HTX chăn nuôi - dịch vụ an toàn Siêu Việt, xã Lạc Đạo, huyện Văn Lâm; HTX sản xuất rau quả và dịch vụ thương mại xã Đồng Thanh, huyện Kim Động; HTX sản xuất cung ứng rau quả và cây dược liệu An Thịnh Phát, xã Tống Trân, huyện Phù Cừ và 02 mô hình hợp tác xã liên kết xã phát triển sản xuất, liên kết tiêu thụ sản phẩm (HTX thủy sản Hưng Phát, huyện Phù Cừ và HTX chăn nuôi và kinh doanh gà Đông Tảo, huyện Khoái Châu).
Bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động của một số HTX nông nghiệp trên địa bàn tỉnh còn nhiều khó khăn, hạn chế. Đa số các hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp hiện nay mới chỉ tập trung hoạt động đối với các dịch vụ đầu vào cho sản xuất nông nghiệp, còn các dịch vụ khác (bảo quản, chế biến, tiêu thụ sản phẩm) chưa được quan tâm. Nhiều HTX có quy mô sản xuất nhỏ, liên kết theo chuỗi giá trị ngành hàng chưa chặt chẽ đầy đủ, tính ổn định chưa cao. Công tác tuyên truyền, phổ biến nhân rộng các mô hình hợp tác xã kiểu mới, mô hình hợp tác xã liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị ngành hàng còn hạn chế…
Nhằm khắc phục những khó khăn còn tồn tại, theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, thời gian tới tỉnh sẽ triển khai nhiều giải pháp thiết thực để không ngừng nâng cao hiệu quả và chất lượng hoạt động của HTX. Trong đó, tập trung triển khai thực hiện các mục tiêu của Đề án phát triển 15.000 HTX, liên hiệp hợp tác xã nông nghiệp hoạt động có hiệu quả đến năm 2020 theo Quyết định số 461/QĐ-TTg ngày 27/4/2018 của Thủ tướng Chính phủ, phấn đấu trong năm 2019 toàn tỉnh thành lập mới 40 hợp tác xã, 350-400 tổ hợp tác; 220-230 HTX nông nghiệp hoạt động hiệu quả, không có hợp tác xã yếu; phát triển mô hình HTX ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp, mô hình HTX liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; có 25-30 HTX nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; 115-120 HTX liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Đồng thời, tiếp tục đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền Luật HTX năm 2012 và các văn bản hướng dẫn thi hành để cán bộ, nhân dân hiểu rõ về bản chất của HTX, vị trí, vai trò của HTX; tuyên truyền, phổ biến các mô hình điển hình về kinh tế tập thể, hợp tác xã, tổ hợp tác trên địa bàn tỉnh. Tổ chức các lớp tập huấn, các đoàn tham quan, học tập, trao đổi kinh nghiệm xây dựng các mô hình kinh tế hợp tác, liên kết sản xuất hiệu quả trong nông nghiệp. Khuyến khích thành lập mới các tổ hợp tác, HTX trong nông nghiệp xuất phát từ nhu cầu thực tiễn của sản xuất, nhất là những nơi chuyển đổi mạnh cơ cấu cây trồng, vật nuôi…
 
                                 
 

 

Tin liên quan