Bộ Y tế vừa ban hành Hướng dẫn cách ly tại nhà, nơi lưu trú để phòng chống bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona (nCoV). Theo hướng dẫn này, có sáu nhóm đối tượng được yêu cầu phải tự cách ly tại nhà.
Sáu đối tượng phải tự cách ly
Đối tượng cách ly tại nhà, nơi lưu trú là những người không có các triệu chứng nghi nhiễm nCoV (ho, sốt, khó thở) và có một trong những yếu tố sau đây:
- Sống trong cùng nhà, nơi lưu trú với trường hợp bệnh xác định hoặc trường hợp bệnh nghi ngờ trong thời gian mắc bệnh;
- Cùng làm việc với trường hợp bệnh xác định hoặc trường hợp bệnh nghi ngờ trong thời gian mắc bệnh.
- Cùng nhóm du lịch, đoàn công tác, nhóm vui chơi với trường hợp bệnh xác định hoặc trường hợp bệnh nghi ngờ trong thời gian mắc bệnh;
- Có tiếp xúc gần trong vòng 2 mét với trường hợp bệnh xác định hoặc trường hợp bệnh nghi ngờ trong trong thời gian mắc bệnh ở bất kỳ tình huống nào;
- Ngồi cùng hàng hoặc trước sau hai hàng ghế trên cùng một chuyến xe/toa tàu/máy bay với trường hợp bệnh xác định hoặc trường hợp bệnh nghi ngờ;
- Người nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam từ Trung Quốc hoặc từng đi qua Trung Quốc (trừ tỉnh Hồ Bắc) trong vòng 14 ngày kể từ ngày nhập cảnh.
Làm gì trong thời gian cách ly?
Bộ Y tế yêu cầu, thời gian cách ly tối đa 14 ngày, được tính từ ngày tiếp xúc lần cuối với trường hợp bệnh xác định hoặc trường hợp bệnh nghi ngờ hoặc từ ngày nhập cảnh vào Việt Nam. Khi người nghi ngờ mắc bệnh được chẩn đoán loại trừ không mắc bệnh thì những người được cách ly có liên quan sẽ kết thúc việc cách ly.
Người được cách ly chấp hành việc tự cách ly tại nhà, nơi lưu trú đúng thời gian quy định, tốt nhất cách ly ở một phòng riêng. Trong trường hợp gia đình, nơi lưu trú không có phòng riêng thì giường ngủ của người được cách ly nên cách xa giường ngủ của các thành viên khác trong gia đình ít nhất hai mét và tự đo nhiệt độ cơ thể ít nhất hai lần (sáng, chiều) một ngày; ghi chép kết quả đo và tình trạng sức khỏe chung vào phiếu theo dõi sức khoẻ hàng ngày.
Phòng cách ly nên bảo đảm thông thoáng khí, thường xuyên được vệ sinh, hạn chế các đồ đạc vật dụng trong phòng, nơi cách ly.
Người được cách ly hàng ngày hạn chế ra khỏi phòng riêng, hạn chế tiếp xúc trực tiếp với người trong gia đình, nơi lưu trú cũng như những người khác; tự theo dõi sức khỏe; thực hiện các biện pháp vệ sinh cá nhân, đeo khẩu trang, thường xuyên rửa tay bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn khác.
Người được cách ly phải thu gom khẩu trang, khăn, giấy lau mũi, miệng đã qua sử dụng vào túi đựng rác thải riêng và để gọn vào góc phòng của người được cách ly; không ăn chung cùng với những người khác trong gia đình, nơi lưu trú; không được tự động rời khỏi nhà, nơi lưu trú. Đồng thời, thông báo ngay cho cán bộ y tế xã, phường, thị trấn được phân công phụ trách theo dõi ngay khi có một trong các triệu chứng nghi ngờ mắc bệnh: sốt, ho, khó thở.
Các phóng viên cần cẩn trọng trong khu vực có dịch bệnh lưu hành
Ngày 8-2, Bộ Y tế cũng chuyển tải hướng dẫn của tổ chức Thầy thuốc không biên giới dành cho các nhà báo tác nghiệp trong thời gian có dịch.
Trong suốt thời gian dịch Ebola lưu hành ở Tây Phi năm 2014, những báo cáo của hãng thông tấn Pháp AFP (Agence France-Presse) đã đưa ra lời khuyên tránh xa ít nhất sáu mét đối với những người nhiễm bệnh và ít nhất bốn mét đối với những xác chết, kể cả khi những xác này được chứa trong túi vô trùng.
AFP cũng đưa ra lời khuyên nên tuân thủ các hướng dẫn của các tổ chức phi Chính phủ như Tổ chức bác sĩ không biên giới (Doctors Without Borders) - những người có liên lạc trực tiếp với các bác sĩ, bệnh nhân và những người đã hồi phục.
Khi đối mặt với dịch bệnh, AFP đưa ra khuyến cáo với các điều cơ bản sau:
1. Uống nước đóng chai, ăn các thực phẩm biết rõ nguồn gốc và được chế biến bảo đảm. Rửa tay thường xuyên với xà phòng và nước hoặc các dung dịch rửa tay có chứa cồn. Tránh tiếp xúc với dịch tiết từ người khác, thí dụ như mượn điện thoại hay bát đĩa bẩn từ người khác.
2. Mặc áo dài tay và quần dài, điều này giúp bảo vệ cơ thể khỏi muỗi và cũng bảo vệ cơ thể khi tiếp xúc gần với người mặc bệnh.
3. Trong mùa mưa, hãy sử dụng các loại giày có chất liệu có thể tẩy rửa và làm sạch dễ dàng.
4. Không nên bắt tay, thậm chí là đồng nghiệp. Không để bất cứ ai vào trong xe của bạn. Hãy giúp đỡ họ bằng cách khác, như giúp họ một số tiền để họ có thể tự di chuyển. Không chạm vào động vật, kể cả vật nuôi trong nhà. Không mượn bất cứ thứ gì kể cả bút hay điện thoại và giữ các đồ dùng cá nhân sạch sẽ.
5. Tránh các khu vực đông người và không nên ra ngoài vào buổi tối (giờ giới nghiêm có thể được áp dụng ở một số khu vực) và nên chọn các nhà hàng tại các khách sạn.
6. Không ăn, thậm chí chạm vào thịt thú rừng.
Trong các đợt dịch hay các đợt thiên tai: Mặc đồ bảo hộ hay quần áo phù hợp; Tránh tiếp xúc vật lý và dùng chung vật dụng với người khác; Luôn có sẵn các biện pháp khử trùng tay
Nguồn: nhandan.com.vn