KỶ NIỆM 70 NĂM NGÀY GIẢI PHÓNG THỦ ĐÔ (10/10/1954 – 10/10/2024)
Tác phẩm văn học nghệ thuật
Đăng ngày: 10/02/2016 - Lượt xem: 143
Khúc ru những con rồng đá

Làng Như Quỳnh (thị trấn Như Quỳnh, Văn Lâm) có một quần thể di tích liên quan đến bà Chúa Ghênh nổi tiếng vùng Kinh Bắc. Trong quần thể di tích ấy, những tác phẩm điêu khắc đá không chỉ góp phần ghi vào lịch sử mỹ thuật Việt Nam một dấu ấn về phong cách nghệ thuật Lê- Trịnh mà nó còn như một chứng nhân về một thời bình yên thì ít, tao loạn thì nhiều trong dặm dài lịch sử dân tộc…

1- Mối lương duyên kỳ ngộ

Ở vùng đất Như Quỳnh, có mô- típ cuộc gặp gỡ giữa một vị vương giả với một cô gái thứ dân được lặp lại đến lần thứ hai, gần như trùng khít về chi tiết và không gian, dù thời gian thì cách nhau quá xa. Thời Lý, trên địa phận vùng Ghênh, đã diễn ra cuộc gặp giữa Lý triều đệ tam hoàng đế Lý Thánh Tông với cô thôn nữ hái dâu Lê Thị Khiết. Và sau đó, người con gái hái dâu đã trở thành vị Ỷ Lan Nguyên phi lừng lẫy trong lịch sử nước Việt. Gần 500 năm sau, cũng tại gò Tự Vũ, một cuộc gặp gỡ khác đã diễn ra. Đó là một thiên tình sử giữa Tấn Quang Vương Trịnh Bính - con trai của Lương Mục Vương Trịnh Vịnh, cháu đích tôn của Chiêu tổ  Khang Vương Trịnh Căn với một người con gái thường dân tài sắc vùng này…

Ông Trương Anh Tuấn, trưởng tộc họ Trương giới thiệu cuốn gia phả của dòng họ.
 

Những tưởng, đó chỉ là giai thoại. Dù được ông Trương Anh Tuấn, trưởng tộc họ Trương cho xem cuốn gia phả dòng họ, được viết tiếp từ “Kinh Bắc Như Quỳnh Trương Thị quý thích thế phả” tôi vẫn chưa tin hoàn toàn. Chỉ đến khi nhà thơ Lê Minh Hợi, một “người viết sử làng” của Như Quỳnh dẫn tôi đi xem và dịch cả những bia đá ở Từ vũ họ Trương và bia đá ở đình Lê Xá thì tôi mới hoàn toàn bị thuyết phục. Có thể, đó là những dị bản của giai thoại dân gian, nhưng khi đã đi vào văn bản, được khắc trên bia đá, được in trong gia phả thì hoá ra, nó lại là một phần của chính sử.

Chuyện kể rằng, mùa xuân năm ấy, Tấn Quang vương Trịnh Bính du xuân mạn Kinh Bắc, khi kiệu nhà chúa qua sông Nguyệt Đức, đến khu vực gò Tự Vũ, thấy trời nước hữu tình, nhà chúa cho ghé vào ngắm cảnh, bỗng nghe thấy tiếng hát véo von:

“Tay cầm bán nguyệt xênh xang
Hàng trăm giặc cỏ lai hàng tay ta
Mặc ai che tán che tàn
Ta đây mặc sức nghênh ngang cõi bờ”.

Nghe giọng hát hay mà khẩu khí thì phi phàm, nhà chúa cho lính đi mời người hát. Khi cô gái đến, chúa hỏi sao thấy kiệu chúa, người dân đều đổ xô đến xem mà sao cô vẫn cắt cỏ. Cô gái thản nhiên trả lời: “Chúa ngự giá là việc của chúa, còn tôi cắt cỏ là việc của tôi”. Thấy cô gái tỏ vẻ sắc sảo, chúa lại hỏi khó: Từ sáng tới giờ cô cắt được bao nhiêu ngọn cỏ mà dám hát “trăm hàng giặc cỏ”. Cô gái nhìn thấy thị vệ của chúa có dắt theo con ngựa bèn trả lời: “Bẩm chúa, từ sáng tới giờ ngựa của chúa đi bao nhiêu bước, tôi cũng cắt được từng ấy ngọn cỏ”… Qua chuyện trò đối đáp, chúa rất ưng dạ, lại thấy cô gái đẹp người đẹp nết, bèn mang về làm phi. Sau khi sinh ra Trịnh Cương, năm 28 tuổi (năm 1697) Trương Thị Ngọc Chử được tiến cử là Thái phi. Trịnh Căn mất, Trịnh Cương lên ngôi, bà Chử trở thành Thái tôn Thái phi. Khi thân phụ bà là Quý Công Trương Dự qua đời, nhà chúa đã cho xây cất khu đền thờ cụ và họ Trương. Đó chính là Từ vũ họ Trương hiện nay.

Chúa Trịnh Cương còn sai đem gỗ, đá từ Thanh Hoá ra xây một khu dưỡng già cho mẹ là Trương Thị Ngọc Chử ở làng Như Quỳnh, gọi là cung Chí Nguyên (với ý tứ dòng dõi nhà Trịnh kể từ thời Trịnh Cương đều từ đấy mà ra). Với quy mô đồ sộ và các hiện vật trang trí mang tính vương giả, hai công trình này có thể coi như một phần nối dài của Hành cung Cổ Bi (hiện còn dấu vết ở Gia Lâm, Hà Nội) của nhà Trịnh. Tuy nhiên, trong cơn tao loạn của những năm cuối cùng thời Lê mạt, cung Chí Nguyên hai lần bị đốt phá, từ đó trở nên hoang phế.

2- “Kiến long tại điền”…

Tôi đã đến gò Kỳ Ngộ và vào chiêm bái Từ vũ họ Trương. Theo các tư liệu cổ, đây là nơi phong thủy tụ. Từ vũ có nhiều hiện vật bằng đá, được sắp xếp đăng đối qua trục thần đạo từ cổng vào đến đền thờ. Ngoài các cột đá, bệ đá, đẳng đá có chạm trổ hoa văn tinh vi, còn có các loại tượng người, tượng thú đá có kích thước tương đối lớn. Với các di vật này, Từ vũ họ Trương đã được xếp hạng là Di tích lịch sử văn hóa cấp Quốc gia, được coi là một trong ba di tích có hiện vật bằng đá tiêu biểu nhất của tỉnh.

Con rồng đá trong khuôn viên Từ vũ  
Con rồng đá trong khuôn viên cung Chí Nguyên

Trái với Từ vũ, cung Chí Nguyên dường như lại bị lãng quên, dù rằng hiện vật của ngôi phế cung này còn có phần phong phú hơn cả Từ vũ. Dẫn tôi vào khu vực này, nhà thơ Lê Minh Hợi cảm khái đọc câu thơ của Bà Huyện Thanh Quan với giọng bùi ngùi: “Dấu xưa xe ngựa hồ thu thảo/Nền cũ lâu đài bóng tịch dương”. Rồi ông quay sang tôi: “Không bảo tồn nhanh thì hỏng hết cả anh ạ, mà toàn các tượng quý cả”. Quả thật, nhìn các hiện vật ở đây không khỏi không xót xa. Ngoài ngôi điện chính, đã được Trượng tộc phục dựng phần nào làm nhà thờ họ, hệ thống đẳng, sập, tượng đá ở đây vẫn nằm lăn lóc rải rác trong vườn, trong bếp các hộ gia đình xung quanh. Phải vất vả đối chứng với các thư tịch cổ với thực địa, tôi mới hình dung được phần nào của nơi lầu son gác tia xưa kia. Từ cánh đồng Môn hiện nay, đến trước sập đá trước cửa nhà thờ họ Trương bây giờ là con đường thần đạo, các hiện vật bằng đá được xếp đăng đối qua trục thần đạo này. Đầu tiên là đôi chó đá, tiếp đến là đôi sấu thứ nhất sắp xếp hơi doãng ra so với trục thần đạo, đôi sấu thứ hai lại sát trục thần đạo hơn. Rồi đến hai đôi rồng, một đôi lân và hai đẳng đá. Sau hai đẳng đá là chiếc sập đá rộng. Bên sập đá là 2 bệ đá được chia thành hai hàng đối xứng nhau. Các hiện vật đá này đều có kích thước tương đương với hiện vật ở Từ vũ.

Ấy là do cái trí tưởng tượng của tôi nó sắp xếp như thế, chứ thực ra, các hiện vật này lại có số phận bi thảm hơn nhiều. Sau cải cách ruộng đất, khu vực cung Chí Nguyên được chia cho nhiều gia đình cư trú. Vì thế, hiện nay một Con rồng hiện nằm trong bếp nhà cụ Lê Thị Diện (92 tuổi), con còn lại nằm ở khoảnh đất nhà ông Lộc. Thảm hại hơn là đôi sấu đá. Một con bị vùi lấp quá nửa trong vườn nhà chị Hải, một con bị bốn bức tường xây sát như một chiếc cũi, ở khoảng đất đang tranh chấp. Một đôi sấu nữa chúng tôi nghi ngờ trước đây ở thềm điện hiện nay đang được toạ lạc trước cửa đình Lê Xá. Đôi chó đá bị di chuyển nhiều nơi, cuối cùng ra ngồi trước cổng chợ Ghênh và đã bị kẻ gian lấy mất.

Trong khuôn viên nhà thờ họ Trương vẫn còn một con rồng đá đứng lẻ bóng, con còn lại, đối xứng với nó, bị lấp sau bức tường bếp của nhà bên cạnh. Trong một thoáng xuất thần, tôi cảm thấy rằng, chú rồng huyền thoại và vương giả ấy dường như đang chớp mắt nhìn tôi, nhìn tôi…

3- Khúc ru những con rồng đá

…Đó là từ lần thuyết trình về Từ vũ họ Trương và Cung Chí Nguyên tại Học viện Khoa học xã hội Việt Nam, Phó giáo sư, Tiến sĩ Đặng Hữu Tuyền chất vấn tôi: “tại sao lúc đầu thì nói rằng những con rồng đá ở Từ vũ họ Trương và cung Chí Nguyên thuộc dòng nghệ thuật cung đình, nghệ thuật quý phái đầy niêm luật mà sau lại cho rằng những tác phẩm điêu khắc này “lồng lộng tâm thức dân gian?”. Tôi đã phải đưa ra những bức ảnh chụp hệ thống tượng rồng trong thời kỳ Lê- Trịnh ra để thuyết phục. Trong hệ thống các linh vật rồng là con vật đứng đầu theo thứ tự “long, ly, quy, phụng” và xuất hiện khá thường xuyên. Xuất phát từ dân gian, có thể là từ hình tượng những con vật cụ thể như cá sấu, rắn, con rồng tuy trừu tượng nhưng lại rất thân thiết với người dân Việt. Ngay từ thời đại Hùng Vương, người dân đã thích các hình giao long vào người để phòng thuỷ quái. Từ triều đại Lý, Trần, con rồng tuy đã được vua chúa và tầng lớp quý tộc “chiếm đoạt”, nhưng vẫn còn đậm đặc những đặc điểm phong cách tạo hình dân gian. Bởi “vừa biểu tượng cho vua, vừa biểu tương cho thần linh dân dã- chủ của nguồn nước- hiện thân của mọi nguồn hạnh phúc. Cho nên rồng đã được đưa vào đồ thờ để như một lời nhắn nhủ với đời kể cả hiện tại và tương lai một ước vọng truyền đời của cư dân nông nghiệp”.

Trên địa bàn tỉnh Hưng Yên, qua các thời kỳ lịch sử, con rồng dù cao sang nhưng lại khá thân thuộc, gần gũi. Hình tượng rồng đầu tiên xuất hiện là trong truyền thuyết về thần nhân cưỡi rồng xuống gặp và rút móng rồng cho Triệu Quang Phục làm linh khí đánh đuổi quân Lương. Trên các bệ đá thời Lý tại đền Ghênh, chùa Hương Lãng (đều trên địa bàn huyện Văn Lâm), con rồng cũng xuất hiện đậm đặc. Đặc biệt, tại chùa Thái Lạc (xã Lạc Hồng, huyện Văn Lâm), có con rồng khắc gỗ có mây ám thân. Theo giáo sư Trần Lâm Biền thi đó là “con rồng có mây ám thân đầu tiên tìm được trong văn hoá Việt”…

Những con rồng trong cung Chí Nguyên và Từ vũ họ Trương mang đầy đủ các đặc trưng của hình tượng rồng thời Lê Trung hưng. Tuy vậy, những nét phóng túng dân gian tài hoa thường thấy trên những hình tượng rồng thời Lý, Trần và cả thời Lê- Mạc đã nhường chỗ cho sự khô cứng, niêm luật. Được tạo tác trên một tấm đá dày, chạm nổi hai mặt để tạo ra cảm nhận thị giác là khối tròn, nhưng những nét chạm trên mình rồng ở Từ vũ họ Trương và cung Chí Nguyên vẫn cho thấy độ tinh xảo và sự lành nghề của người thợ đục đá. Những con rồng ở đây có chiều dài thân ngắn, mập mạp, đăng đối qua trục. Các khúc uốn yên ngựa đặc trưng của con rồng Việt không còn, các chi tiết cần nhấn mạnh như vẩy được chạm khắc rõ ràng, vây sắc, có gân cứng cáp, khoẻ mạnh. Đầu rồng được phủ một lớp vân xoắn hình dấu hỏi, trong đó lớp vân xoắn (5 chiếc) thể hiện bờm sư tử của rồng được thể hiện to hơn, mạnh mẽ, dứt khoát hơn. Theo GS Từ Chi thì văn hình dấu hỏi thường được quy cho là hình tượng mặt trời hay tinh tú. Miệng rồng để lộ cặp răng nanh to bản, sắc nhọn giữ chặt viên ngọc- biểu tượng sức mạnh uy linh của nó. Đôi đao lửa từ hốc mắt bay ra với 5 đuôi được đè lên chiếc râu to bản hình chữ S- biểu tượng sấm chớp trong tín ngưỡng cầu mưa của cư dân châu thổ. Nhìn toàn bộ con rồng, những yếu tố nước được tạo hình đậm đặc như ước vọng của cư dân nông nghiệp, sống bằng nghề trồng lúa nước. Các vân xoắn, đao lửa che khuất gần như toàn bộ thân rồng làm cho con rồng mềm mại hơn, linh hoạt hơn, đồng thời tăng thêm dáng vẻ huyền bí cho linh vật này. Mặt khác, người ta cũng có thể hiểu là vân xoắn và đao lửa là biểu tượng của sấm và ánh sáng, kết hợp với rồng là biểu tượng của trời mây, hợp lại là biểu tượng cầu mưa. Đặt trong một tổng thể không gian văn hoá thờ Tứ pháp của một vùng rộng lớn gồm các xã của huyện Văn Lâm kéo dài đến tận khu vực chùa Dâu (Thuận Thành, Bắc Ninh), ta có thể thấy rằng, tuy được tạo tác dành cho trang trí một khu thờ tự, một dinh thự quý tộc, nhưng tâm thức dân gian vẫn lồng lộng trong các chi tiết tạo hình các con rồng đá.

 
 
Đôi rồng đá trước đình Lê Xá

Bên cạnh các con rồng ở cung Chí Nguyên được thể hiện rõ nét các chi tiết tạo hình như đầu, thân, chân, móng… thì đôi rồng ở Từ vũ họ Trương lại được cách điệu hoá cao độ bằng hình tượng các đám mây. Thực ra, mô típ “Vân hoá long” đã được các nghệ nhân dân gian tạo hình từ thời Lê sơ. Việc tạo hình “Vân hoá long” thể hiện sự sáng tạo, luôn tìm ra cái mới, cái độc đáo của người nghệ sỹ dân tộc. Sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa mảng, khối và đường nét cùng với tỉ lệ hài hoà giữa các bộ phận, chi tiết của tác phẩm đã làm cho những khối đá đồ sộ, tưởng như khô cứng trở lên mềm mại, thanh thoát và uyển nhã. Đó là điều thường thấy trong điêu khắc gỗ nhưng lại không dễ bắt gặp trong các tác phẩm điêu khắc đá cùng thời.

*

Khi rời Như Quỳnh, qua những con đường làng lát gạch nghiêng như khảm vào lịch sử nét văn hóa của vùng đất cổ, tôi có đọc được đôi câu đối ở trụ cổng một làng nào đó: “Lư liêm lạc lợi an xã tắc/Giao dã thăng bình kiến phượng long” (Dân có vui, có lợi thì xã tắc mới yên/Chốn dân dã thanh bình mới thấy rồng, phượng). Và, tôi chợt hiểu rằng, vượt lên trên lộng lẫy vàng son, những long, những lân ở cụm di tích Từ vũ họ Trương và cung Chí Nguyên chính là biểu tượng của ước muốn thanh bình của nhân dân. Vượt qua ngàn năm trận mạc, đất nước đang bước vào thời kỳ hội nhập. Ngày nào đó, di tích có những tác phẩm điêu khắc đá rất tiêu biểu cho phong cách điêu khắc thời Lê- Trịnh này sẽ dần được phục dựng, hồi sinh. Từ đó, góp phần tạo dựng một điểm du lịch văn hoá, tăng thêm sự hấp dẫn đang dần được hình thành trong hệ thống tuyến điểm du lịch của huyện Văn Lâm nói riêng, tỉnh Hưng Yên nói chung.

Và như thế, những con rồng đá, lân đá rồi sẽ bay lên trong một vận hội “phi long tại thiên” tốt lành.

 Phạm Minh Hoàng

-------

* “Kiến long tại điền” (gặp rồng trên đất), “phi long tại thiên” (rồng bay lên trời) là những quẻ tốt lành theo Kinh Dịch

 

 

Tin liên quan