Ngay sau khi Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hưng Yên ban hành Nghị quyết số 11-NQ/TU về tăng cường quản lý, xử lý tình trạng ô nhiễm môi trường, Ban Thường vụ Huyện ủy Kim Động đã xây dựng Chương trình hành động số 16a-CT/HU. Cụ thể hóa Chương trình hành động của Huyện ủy, Ủy ban nhân dân huyện ban hành và chỉ đạo cấp ủy, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể chủ động, phối hợp thực hiện Kế hoạch số 44/KH-UBND. Với sự vào cuộc quyết liệt của cấp ủy, chính quyền các cấp, công tác bảo vệ môi trường trên địa bàn huyện Kim Động tiếp tục có những chuyển biến tích cực, góp phần bảo vệ môi trường sáng, xanh, sạch, đẹp.
Để nâng cao nhận thức, thay đổi thói quen, hành vi của nhân dân, công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật, nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường luôn được các cấp, các ngành trên địa bàn huyện phối hợp thực hiện hiệu quả. Hằng năm, Ban Tuyên giáo, Ban Dân vận, Mặt trận Tổ quốc, Hội Cựu chiến binh, Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên đã ký kết với Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện triển khai các hoạt động truyền thông nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường, với nhiều hình thức đa dạng, phong phú, như tổ chức các lớp tập huấn, lễ ra quân hưởng ứng các chiến dịch, tổ chức các buổi ra quân dọn vệ sinh đường làng, ngõ xóm, phun chế phẩm EM để xử lý các bãi chôn lấp, điểm tập kết rác thải, kênh, mương, ao hồ để giảm thiểu ô nhiễm môi trường; đẩy mạnh phong trào “Ngày thứ bảy tình nguyện”, “Ngày chủ nhật xanh”. Các hoạt động truyền thông đã thu hút hàng ngàn lượt người của các tổ chức đoàn thể chính trị xã hội, đoàn viên thanh niên, học sinh và nhân dân tham gia hưởng ứng và đã đạt được những kết quả đáng khích lệ.
Chuyển biến trong nhận thức đã làm thay đổi thói quen, hành vi của cán bộ, đảng viên và nhân dân trong công tác bảo vệ môi trường và công tác bảo vệ môi trường trên địa bàn huyện Kim Động đã thu được nhiều kết quả. Trong những năm qua, ngoài việc chủ động bố trí nguồn kinh phí phù hợp để thực công tác bảo vệ môi trường, Kim Động đã chú trọng công tác củng cố, kiện toàn và nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của đội ngũ cán bộ làm công tác môi trường các cấp. 17/17 xã, thị trấn đã có cán bộ chuyên trách về môi trường. 100% số thôn của huyện đã xây dựng hương ước, quy ước về bảo vệ môi trường. Các thôn đã thành lập, duy trì hoạt động hiệu quả các tổ vệ sinh môi trường làm công tác thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải sinh hoạt với lượng rác thải được thu gom, xử lý đạt trên 90% lượng rác thải sinh hoạt hàng ngày ở khu dân cư.
Trong công tác bảo vệ môi trường nông thôn, mô hình phân loại, xử lý rác thải hữu cơ tại hộ gia đình được đánh giá hiệu quả nhất, góp phần giảm đáng kể lượng rác thải sinh hoạt thải ra môi trường, đồng thời đem lại lợi ích kinh tế từ việc tiết kiệm chi phí thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải và cung cấp một lượng phân bón giàu dinh dưỡng cho sản xuất nông nghiệp. Nhận thức được hiệu quả của mô hình này, thời gian qua, các đơn vị trên địa bàn huyện đã tổ chức được 63 lớp tập huấn hướng dẫn kỹ thuật về mô hình phân loại, xử lý rác thải hữu cơ tại hộ gia đình cho trên 5.950 lượt người tham gia, giúp người dân hiểu rõ hiệu quả và lợi ích thiết thực từ việc phân loại và xử lý rác thải hữu cơ tại hộ gia đình, góp phần bảo vệ môi trường.
Dự án bước đầu được triển khai thí điểm trong phạm vi 100 hộ dân của thôn Tiên Cầu, xã Hiệp Cường. Theo đánh giá của Phòng Tài nguyên và Môi trường, dự án được cấp ủy, chính quyền, các tổ chức đoàn thể địa phương đánh giá cao bởi tính khả thi, tính ứng dụng và tính xã hội hóa của mô hình. Trên cơ sở đánh giá kết quả thử nghiệm mô hình tại thôn Tiên Cầu, huyện Kim Động tiếp tục thử nghiệm mô hình tại 300 hộ dân ở thôn Động Xá, thị trấn Lương Bằng. Mô hình này được đánh giá có nhiều ưu điểm vượt trội, được xem là quy trình xử lý rác khá độc đáo, phù hợp với mô hình cải tạo vườn tược trồng cây ăn trái. Từ mô hình được triển khai thí điểm, đến nay toàn huyện có 18.405 hộ gia đình đang thực hiện phân loại, xử lý rác thải hữu cơ tại hộ gia đình, đạt 50,2% trên tổng số hộ dân của toàn huyện.
Để duy trì và nâng cao hiệu quả mô hình này, Ủy ban nhân dân huyện chỉ đạo Phòng Tài nguyên và Môi trường thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, giám sát kết quả thực hiện của các xã, thị trấn nhằm đảm bảo kết quả phấn đấu thực hiện đến năm 2020 đạt 70% số hộ toàn huyện thực hiện mô hình. Qua kiểm tra đánh giá của Phòng Tài nguyên và Môi trường, một số xã làm tốt công tác phân loại, xử lý rác như: Chính Nghĩa, Đức Hợp, Hiệp Cường, Vũ Xá, Hùng An, Vĩnh Xá, Ngọc Thanh, Đồng Thanh, Thọ Vinh, Mai Động. Hiện nay, Phòng Tài nguyên và Môi trường đã xây dựng và triển khai kế hoạch phối hợp với Hội Phụ nữ huyện để tuyên truyền, vận động, hướng dẫn người dân tại các xã còn khó khăn để khắc phục hạn chế trong công tác phân loại, xử lý rác hữu cơ tại hộ gia đình. Với cách làm hay, sáng tạo, phù hợp với thực tiễn ở địa phương, mô hình phân loại và xử lý rác thải hữu cơ tại hộ gia đình ở huyện Kim Động được Ủy ban nhân dân tỉnh đánh giá cao, chỉ đạo tổng kết thực tiễn và nhân rộng ra khắp các địa phương toàn tỉnh.
Công tác thu gom, vận chuyển rác thải hàng ngày tại các điểm tập kết xe gom rác trên địa bàn các xã, thị trấn được huyện duy trì thường xuyên, tránh để tồn đọng, tích tụ rác thải lâu ngày, gây ô nhiễm môi trường. Năm 2018 tổng khối lượng rác thải sinh hoạt tồn đọng phát sinh hàng ngày trên địa bàn các xã, thị trấn được vận chuyển đến Công ty Cổ phần Môi trường Đô thị và Công nghiệp11 - URENCO11 để xử lý đảm bảo vệ sinh môi trường là 14.429,760 tấn. Trong 6 tháng đầu năm 2019, tổng khối lượng rác thải sinh hoạt tồn đọng phát sinh hàng ngày trên địa bàn các xã, thị trấn được vận chuyển đến Công ty Cổ phần Môi trường Đô thị và Công nghiệp 11- URENCO11 để xử lý đảm bảo vệ sinh môi trường là 2.710,21 tấn.
Hoạt động kiểm tra, giám sát công tác bảo vệ môi trường tại các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh được chính quyền huyện chú trọng, thường xuyên được thực hiện. Từ năm 2018 đến nay, Phòng Tài nguyên và Môi trường xây dựng kế hoạch kiểm tra đối với 40 công ty, doanh nghiệp sản xuất kinh doanh, chủ cửa hàng xăng dầu trên địa bàn. Nhìn chung, các công ty, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh, chủ cửa hàng xăng dầu trên địa bàn cơ bản chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường. Năm 2018 và trong 6 tháng đầu năm 2019, Phòng Tài nguyên và Môi trường phối hợp với Phòng Cảnh sát môi trường công an tỉnh Hưng Yên kiểm tra việc chấp hành pháp luật về môi trường tại 5 công ty, doanh nghiệp sản xuất kinh doanh trên địa bàn huyện. Qua quá trình kiểm tra, một công ty bị Cảnh sát môi trường công an tỉnh Hưng Yên xử phạt vi phạm hành chính về hành vi xả nước thải ra môi trường với lưu lượng khoảng 02 m3/ngày đêm, có 01 thông số vượt quy chuẩn kỹ thuật địa phương về nước thải sinh hoạt. Các Công ty còn lại cơ bản chấp hành các quy định của pháp luật về môi trường.
Trên địa bàn huyện có 04 làng nghề chính đó là Làng nghề rượu Trương Xá (xã Toàn Thắng), làng nghề mây tre đan Quảng Lạc (xã Phú Thịnh), làng nghề mây giang đan ở thôn Duyên Yên (xã Ngọc Thanh), làng nghề xây dựng thôn Tạ Trung (xã Chính Nghĩa). Các làng nghề nằm xen kẽ các khu dân cư và không có nước thải sản xuất. Sản phẩm của làng nghề mây tre đan ở Quảng Lạc vẫn chủ yếu được tiêu thụ theo lối nhỏ lẻ, rác thải phát sinh không lớn. Các loại rác thải làng nghề sản xuất chăn ga gối, các doanh nghiệp, chủ cơ sở chủ động ký hợp đồng thu gom, vận chuyển, xử lý với các đơn vị có chức năng nên không xảy ra tình trạng ô nhiễm môi trường làng nghề. Thực hiện công tác quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường làng nghề, hàng năm, Ủy ban nhân dân huyện giao cho cơ quan chuyên môn rà soát kiến nghị cơ quan có thẩm quyền không cho phép thành lập mới các công đoạn sản xuất có tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng; đôn đốc việc xây dựng nội dung bảo vệ môi trường trong hương ước, quy ước của làng nghề. Đồng thời tổ chức kiểm tra, hướng dẫn cơ sở thực hiện quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường và xử lý vi phạm theo thẩm quyền. Theo đánh giá, các hộ trong làng nghề chấp hành các quy định pháp luật về bảo vệ môi trường cũng như hương ước, quy ước của địa phương. Nhìn chung chất lượng môi trường làng nghề trên địa bàn huyện đang diễn ra theo chiều hướng tích cực.
Thời gian vừa qua, trên địa bàn huyện cũng xuất hiện bệnh dịch tả lợn Châu Phi. Ủy ban nhân dân huyện đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn tăng cường công tác xử lý môi trường trong giai đoạn dịch bệnh tả lợn Châu Phi xảy ra. Tổng số đầu lợn đã tiêu hủy tính đến nay là 12.959 con. Việc tiêu hủy lợn bệnh được xử lý đúng theo hướng dẫn đảm bảo vệ sinh môi trường. Trên địa bàn huyện có khoảng 300 hầm khí sinh học Biogas và 50 trang trại xa khu dân cư kết hợp xây dựng hầm khí biogas xử lý chất thải chăn nuôi.
Phát huy những kết quả đạt được, trong thời gian tới, để bảo vệ môi trường, cấp ủy, chính quyền, nhân dân trong huyện Kim Động sẽ tiếp tục triển khai tổng hợp các biện pháp quản lý, huy động tối đa mọi nguồn lực, tăng cường đầu tư cho công tác bảo vệ môi trường, góp phần thực hiện tốt mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội bền vững và xây dựng nông thôn mới.
HC