KỶ NIỆM 70 NĂM NGÀY GIẢI PHÓNG THỦ ĐÔ (10/10/1954 – 10/10/2024)
Tin tức hoạt động
Đăng ngày: 16/04/2019 - Lượt xem: 49
Lặng thầm mà cao quý

Một trong những tấm gương bình dị mà cao quý trong học tập và làm theo Bác mà hôm nay chúng tôi có dịp được gặp là người phụ nữ đã có hơn 20 năm gắn bó với nghề, được nhân dân địa phương yêu mến thường gọi “người phụ nữ làm sạch đường quê”. Đó là chị Phạm Thị Hiền (sinh năm 1979) ở thôn Đồng Lý, thị trấn Lương Bằng, huyện Kim Động, tỉnh Hưng Yên.

Thời gian qua, việc triển khai Chỉ thị số 05 - CT/TW của Bộ Chính trị được các cấp, các ngành, các đơn vị và nhân dân trên địa bàn tỉnh Hưng Yên thực hiện ngày càng đi vào chiều sâu và đạt được nhiều kết quả quan trọng, từ quán triệt, học tập, thống nhất trong tư tưởng, nhận thức đến hoạt động làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Hồ Chí Minh. Qua ghi nhận, đã có nhiều tập thể, cá nhân tiêu biểu trên khắp địa phương, các lĩnh vực, các tầng lớp nhân dân được vinh danh. Một trong những tấm gương bình dị mà cao quý trong học tập và làm theo Bác mà hôm nay chúng tôi có dịp được gặp là người phụ nữ đã có hơn 20 năm gắn bó với nghề, được nhân dân địa phương yêu mến thường gọi “người phụ nữ làm sạch đường quê”. Đó là chị Phạm Thị Hiền (sinh năm 1979) ở thôn Đồng Lý, thị trấn Lương Bằng, huyện Kim Động, tỉnh Hưng Yên.
Đi trên con đường bê tông sạch đẹp, dưới những tán cây cổ thủ là hàng cây hoa hoa mười giờ, chiều tím, ngũ sắc đang đua nhau khoe sắc dưới ánh nắng đầu hè, chúng tôi đã cảm nhận được phần nào công sức, đóng góp của những chị trong Tổ vệ sinh môi trường tự quản và hội viên Hội Phụ nữ trong việc làm thay đổi diện mạo đường quê, làm đẹp cảnh quan. Một đồng chí cán bộ môi trường huyện chia sẻ: mỗi ngày trên địa bàn thị trấn Lương Bằng, người dân thải ra hàng tấn rác thải, chủ yếu là rác thải sinh hoạt, nếu không có biện pháp xử lý kịp thời sẽ gây hậu quả ô nhiễm môi trường và ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe, môi trường sống của nhân dân địa phương. Trước thực trạng trên, Ủy ban nhân dân thị trấn Lương Bằng xác định rõ bảo vệ môi trường là trách nhiệm của cả cộng đồng, từ đó đẩy mạnh xã hội hóa hoạt động bảo vệ môi trường, mà trước hết là hình thành và nhân rộng mô hình tổ tự quản về môi trường. Năm 1999, Tổ vệ sinh môi trường Thôn Đồng Lý được thành lập từ chủ trương đó và ngày càng hoạt động hiệu quả. Sự ra đời của tổ tự quản về vệ sinh môi trường tại thôn Đồng Lý nói chung và cá nhân chị Phạm Thị Hiền nói riêng đã góp phần tích cực trong công tác bảo vệ môi trường nông thôn, hướng tới mục tiêu phát triển bền vững.
Chị Phạm Thị Hiền tham gia công tác vệ sinh môi trường ngay từ khi Tổ tự quản về vệ sinh môi trường được thành lập. Khi ấy, việc làm của chị không được những người bạn đồng trang lứa ủng hộ, bởi họ thường nghĩ phần thì công việc vất vả, hàng ngày phải đối mặt với rác, đang bốc mùi hôi thối, phần thì đồng thu nhập chẳng đáng là bao so với công sức bỏ ra, trong khi đó có nhiều lựa chọn là làm công việc khác như nhân viên, công nhân trong các nhà máy, xí nghiệp đang khát nguồn lao động ở địa phương, sẽ cho nguồn thu nhập cao và ổn định hơn. Nhưng với suy nghĩ công việc hữu ích cho xã hội dù nhỏ cũng nên làm như Hồ Chủ tịch vẫn từng căn dặn trước lúc đi xa “việc phải thì dù nhỏ cũng làm”, “nghề nào trong xã hội này cũng cao quý, miễn mình sống bằng sức lao động của mình trong khuôn khổ pháp luật”, cộng với bản chất cần cù, chịu khó, vốn tính không ngại khó, ngại khổ, bản thân chị Huyền đã gạt bỏ hết sự mặc cảm, tự ti mà chú tâm vào công việc mình đã lựa chọn để làm đẹp cho đời.
Công việc của chị là thu gom rác thải của đội 12 và khu vực chợ Ngàng. Đây cũng chính là địa bàn thu gom rác thải rộng nhất thôn Đồng Lý. Không quản vất vả nắng - mưa, nóng - rét, ngày hai buổi sáng - chiều, chị Hiền thu gom từ 9 đến 10 xe rác rồi đẩy bộ đến nơi tập kết rác thải. Thời gian đầu, dụng cụ bảo hộ lao động còn thiếu, chỉ là những thứ tận dụng, trong khi ý thức xả rác của người dân chưa cao, xả rác không đúng nơi quy định, không đúng giờ nên công việc của chị Hiền và những người trong Tổ gặp nhiều khó khăn, vất vả trong thu gom, vận chuyển. Không nản lòng, ngày ngày chị Hiền vẫn cần mẫn, chăm chỉ thu gom rác qua từng ngõ nhỏ, có khi bận công việc đồng áng, chị còn tranh thủ thu gom vào đêm để bảo đảm vệ sinh cho việc họp chợ vào sáng hôm sau.
Hơn thế nữa, chị Hiền vừa thu gom rác thải, vừa làm công tác tuyên truyền vận động nhân dân nâng cao ý thức bảo vệ môi trường, giữ gìn vệ sinh chung. Ý thức chấp hành các quy định về vệ sinh môi trường của người dân trong thôn nhờ đó đã có chuyển biến tích cực. Từ chỗ vứt rác, đổ rác tùy tiện ra đường làng, ngõ xóm, nay bà con trong thôn đã đổ rác vào thùng, tập kết rác thải đúng giờ theo quy định. Do vậy, công việc thu gom rác của chị cũng thuận lợi hơn, bà con trong thôn xóm ngày càng tin yêu, hưởng ứng và hợp tác cùng chị trong việc giữ gìn vệ sinh môi trường.
Đặc biệt, khi triển khai chủ trương của huyện là đẩy mạnh mô hình phân loại và xử lý rác thải hữu cơ thành phân bón vi sinh tại hộ gia đình, chị Huyền đã chủ động, tích cực tuyên truyền, giải thích cho bà con nhân dân trong thôn hiểu được tính ưu việt của việc phân loại và xử lý rác thải hữu cơ thành phân bón vi sinh so với việc chôn lấp, đốt rác thải như hiện nay. Mô hình này góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường nông thôn mà còn đem lại lợi ích kinh tế từ việc tiết kiệm chi phí thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải và nhất là cung cấp một lượng phân bón giàu dinh dưỡng cho sản xuất nông nghiệp. Tin chị, nhiều hộ gia đình trong thôn đã thực hiện việc phân loại và xử lý rác thải hữu cơ thành phân bón vi sinh. Trong quá trình thực hiện, chị thường xuyên chia sẻ, hướng dẫn cho bà con cách phân loại, cách thức pha chế dung dịch vi sinh và cách ủ. Do vậy, chỉ sau thời gian ngắn, các hộ tham gia đã nhận thấy hiệu quả tích cực mà mô hình đem lại. Rác thải không những được xử lý hiệu quả mà người dân đã được trang bị kiến thức cơ bản về môi trường, hiểu biết về các loại chất thải, rác thải, cách thức phân loại, thu gom, xử lý rác ngay tại nhà. Đó là kiến thức cơ bản để nhân dân cùng chung tay bảo vệ môi trường nông thôn sanh - sạch - đẹp.
Khoảng 20 năm gắn bó với nghề, làm việc bằng sự tận tâm và ý thức trách nhiệm cao, Tổ vệ sinh môi trường của thôn Đồng Lý nói chung và cá nhân chị Hiền nói riêng luôn được cấp ủy, chính quyền các cấp đánh giá cao, tập thể Tổ và cá nhân chị nhiều lần được cấp trên khen thưởng. Điều đặc biệt hơn, đó chính là sự ghi nhận và trân quý về những việc làm giữ sạch đường quê trong mỗi người dân dành cho chị và Tổ vệ sinh môi trường của chị. Đến đây, tôi liên tưởng chị Hiền hôm nay như là người phụ nữ lao công trong bài thơ Tiếng chổi tre được sáng tác vào những năm 60 của thế kỷ trước:
Nhớ nghe em
Tiếng chổi tre
Chị quét
Những đêm hè
Đêm đông gió rét
Tiếng chổi tre
Sớm tối
Đi về
Giữ sạch lề
Đẹp lối
Em nghe!
Dẫu biết rằng trong xã hội, mỗi nghề nghiệp đều có sự hy sinh và cống hiến đáng quý và đáng trân trọng. Song có lẽ, những người làm nghề như chị lại là công việc có sự cống hiến thầm lặng nhất. Họ là những “người hùng”, âm thầm chịu nhiều thiệt thòi để đem lại hạnh phúc cho đời. Tôi tự nghĩ, chúng ta ý thức hơn nữa trong việc giữ gìn vệ sinh môi trường sẽ đồng nghĩa với chúng ta đã nói được lời yêu thương đến công sức của những người chị đang vất vả ngày đêm vì môi trường thân yêu của chúng ta.
Những tấm gương bình dị và cao quý trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh mà tiêu biểu là chị Phạm Thị Hiền đã trở thành những “viên gạch hồng”, góp phần tuyên truyền, giáo dục và khơi dậy lòng tự hào, tính tích cực trong mỗi cán bộ, đảng viên và nhân dân trong tỉnh nhà chủ động tham gia các phong trào thi đua yêu nước, làm nhiều việc tốt cho đời như lời tâm nguyện lúc sinh thời của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “mỗi người tốt, mỗi việc tốt là một bông hoa đẹp. Cả dân tộc ta là một rừng hoa đẹp”.
Hữu Chất
Tin liên quan