KỶ NIỆM 70 NĂM NGÀY GIẢI PHÓNG THỦ ĐÔ (10/10/1954 – 10/10/2024)
Khoa giáo, Văn hoá - Văn Nghệ
Đăng ngày: 22/05/2024 - Lượt xem: 120
Lĩnh vực y tế dự phòng ứng phó với mô hình bệnh tật kép

Với quan điểm phòng bệnh hơn chữa bệnh, trong những năm qua, lĩnh vực y tế dự phòng của tỉnh đã có nhiều đóng góp quan trọng trong sự nghiệp chăm sóc, bảo vệ sức khỏe Nhân dân. Bên cạnh những bệnh truyền nhiễm luôn rình rập, nhiều người đang phải đối mặt với gánh nặng bệnh tật kép; bệnh mạn tính không lây truyền gia tăng. Do đó đòi hỏi công tác y tế dự phòng nỗ lực hơn nữa nhằm đáp ứng yêu cầu bảo vệ, chăm sóc sức khỏe Nhân dân trong tình hình hiện nay.

Phát tờ rơi tuyên truyền phòng bệnh viêm gan B tại Trạm y tế xã Phương Chiểu
(thành phố Hưng Yên)
Đến nay, tỉnh đã khống chế được nhiều dịch bệnh nguy hiểm. Ban chỉ đạo phòng, chống dịch từ cấp tỉnh đến huyện, xã được củng cố; giám sát chặt chẽ bệnh truyền nhiễm gây bệnh như tay chân miệng, cúm A(H5N1), bệnh sởi, bệnh sốt xuất huyết…; chuẩn bị sẵn sàng nhân lực và trang bị thiết bị đối phó nhanh với tình huống khi có dịch xảy ra; duy trì thường xuyên giao ban y tế dự phòng để nắm bắt tình hình dịch bệnh và triển khai các hoạt động xuống cơ sở, tổ chức điều tra giám sát và trực phòng, chống bệnh dịch theo đúng quy định; tăng cường công tác tuyên truyền về cách phòng, chống bệnh dịch… Cùng với đó, chương trình tiêm chủng mở rộng được triển khai bền vững tại 100% số xã, phường, thị trấn góp phần giảm ca mắc và loại trừ một số bệnh truyền nhiễm nguy hiểm; triển khai chương trình dinh dưỡng cho trẻ em, chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em... Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh xây dựng kế hoạch, tình huống dịch bệnh, sẵn sàng ứng phó kịp thời với các tình huống khẩn cấp như dịch Covid-19, bệnh đậu mùa khỉ, bệnh sốt xuất huyết, tay chân miệng; chủ động biện pháp phản ứng, phòng, chống dịch bệnh kịp thời, hiệu quả trên cơ sở bảo đảm năng lực hệ thống y tế dự phòng mở rộng, bao trùm toàn tỉnh. Tình hình bệnh truyền nhiễm được giám sát, cập nhập hằng ngày trên hệ thống phần mềm của Bộ Y tế. Theo hệ thống báo cáo bệnh truyền nhiễm của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh ghi nhận 41 ca mắc bệnh tay chân miệng, 5 ca mắc sốt xuất huyết, 71 ca mắc Covid-19. Toàn tỉnh chưa ghi nhận ca bệnh nhiễm cúm A H5N1 và H7N9, chưa có ổ dịch…
Bác sĩ Nguyễn Anh Đức, Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cho biết: “Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh tham mưu Sở Y tế chỉ đạo các đơn vị y tế trong tỉnh triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp phòng, chống dịch như giám sát, công tác tuyên truyền… Họp định kỳ đội đáp ứng nhanh tuyến tỉnh, triển khai các nội dung liên quan. Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh duy trì, tích cực phối hợp với các đơn vị y tế trong ngành theo dõi, giám sát tình hình bệnh truyền nhiễm trên địa bàn tỉnh; duy trì công tác truyền thông phòng, chống dịch bệnh, đặc biệt đối với các dịch bệnh đang nổi lên, dịch bệnh theo mùa; thường trực phòng, chống dịch và duy trì đội đáp ứng nhanh của trung tâm, bảo đảm đầy đủ nhân lực, vật lực khi có dịch bệnh xảy ra trên địa bàn tỉnh; duy trì công tác thông tin, báo cáo tình hình dịch bệnh đúng theo quy định”.
Phun thuốc diệt muỗi phòng bệnh sốt xuất huyết tại Trường THCS Thiện Phiến (Tiên Lữ)
Y tế dự phòng được xem là người “gác cổng” trong chăm sóc sức khỏe Nhân dân. Y tế dự phòng không chỉ làm tốt nhiệm vụ phòng bệnh truyền nhiễm mà còn phòng cả bệnh không lây nhiễm, nâng cao sức khỏe Nhân dân. Đặc biệt trong tình hình mới, do những nguyên nhân khác nhau, mô hình bệnh tật dần thay đổi. Người mắc các bệnh mạn tính không lây nhiễm ngày càng tăng, xu hướng trẻ hóa. Toàn tỉnh có trên 23.300 người mắc bệnh tiểu đường, trên 23.600 người mắc bệnh huyết áp, tim mạch đang điều trị ngoại trú BHYT, nhiều người cùng lúc mắc nhiều bệnh; tỉ lệ người mắc ung thư gia tăng…
Ðể thực hiện tốt công tác y tế dự phòng, ứng phó với mô hình bệnh tật thay đổi với gánh nặng bệnh tật kép của bệnh lây nhiễm và bệnh không lây nhiễm, y tế dự phòng không chỉ cần làm tốt nhiệm vụ phòng bệnh truyền nhiễm mà còn phòng cả bệnh không lây nhiễm thông qua dự phòng các yếu tố nguy cơ, góp phần bảo vệ và nâng cao sức khỏe Nhân dân. Theo đó, tăng cường công tác truyền thông giúp người dân hiểu hơn về bệnh tật và cách phòng, tránh, khám sức khỏe định kỳ để phát hiện bệnh sớm; tư vấn sức khoẻ cho người dân bằng hình thức trực tiếp hay điện thoại... Điều này càng có ý nghĩa đối với người nghèo, người yếu thế, người già, góp phần vào công tác an sinh xã hội. Đồng thời tăng cường chữa bệnh bằng y học cổ truyền, giảm lạm dụng thuốc tây y, hạn chế tình trạng kháng sinh hiện nay. Các đơn vị y tế cần tăng cường năng lực quản lý, cung cấp dịch vụ xét nghiệm có chất lượng, bảo đảm an toàn sinh học, đáp ứng hoạt động giám sát, chẩn đoán và phòng, chống dịch bệnh. Bên cạnh đó, tỉnh cần tạo điều kiện về cơ chế, chính sách đãi ngộ đối với đội ngũ cán bộ, nhân viên y tế, nhất là những người trực tiếp tham gia ở tuyến đầu, những nơi điều kiện còn khó khăn để có thêm nguồn nhân lực cho y tế cơ sở.
Nguồn: https://baohungyen.vn
Tin liên quan