Đọc bút tích của Bác từ bản đầu tiên ngày 15/5/1965 đến các lần viết bổ sung các năm 1968, 1969, càng hiểu rằng Bác nung nấu suy nghĩ, và có biết bao điều muốn dặn lại chúng ta, song với phong cách nói và viết ngắn gọn, sau những đêm ngày suy ngẫm sâu sắc, cuối cùng, Bác đã lựa chọn vấn đề về Đảng, về đoàn viên thanh niên, về nhân dân lao động, về cuộc kháng chiến chống Mỹ, về phong trào cộng sản thế giới và về việc riêng.
Suốt cả cuộc đời, Chủ tịch Hồ Chí Minh hy sinh cho sự nghiệp cách mạng, cho dân tộc độc lập, cho cuộc sống ấm no, hạnh phúc của nhân dân và cho toàn nhân loại. Người dành tất cả tình yêu thương cho đồng bào, đồng chí, con cháu, già, trẻ, gái, trai, miền xuôi, miền ngược, Bắc cũng như Nam. Con người, cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của Người đều là tấm gương đạo đức cho toàn Đảng, toàn dân ta học tập noi theo. Trước lúc đi xa, dù tuổi cao sức yếu nhưng Người vẫn dành thời gian và tư duy mẫn tiệp của mình để viết những lời căn dặn tâm huyết và sâu xa cho toàn Đảng và toàn dân và các thế hệ mai sau.
Đọc bút tích của Bác từ bản đầu tiên ngày 15/5/1965 đến các lần viết bổ sung các năm 1968, 1969, càng hiểu rằng Bác nung nấu suy nghĩ, và có biết bao điều muốn dặn lại chúng ta, song với phong cách nói và viết ngắn gọn, sau những đêm ngày suy ngẫm sâu sắc, cuối cùng, Bác đã lựa chọn vấn đề về Đảng, về đoàn viên thanh niên, về nhân dân lao động, về cuộc kháng chiến chống Mỹ, về phong trào cộng sản thế giới và về việc riêng. Đó đều là những vấn đề vừa có tính cấp thiết lại vừa có giá trị lâu dài, cũng là điều lúc sinh thời Bác đã dày công chăm lo, trực tiếp thực hiện và dạy bảo chúng ta.
Không phải ngẫu nhiên mà ngay sau phần mở đầu bản Di chúc - khẳng định một niềm tin vững chắc vào thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ của nhân dân ta - vấn đề đầu tiên, "trước hết" Bác căn dặn, nhắc nhở chúng ta lại là "về Đảng". Sinh thời, ngay từ khi lực lượng cách mạng còn trong trứng nước, viết cuốn "Đường cách mệnh", Bác đã nói: “cách mệnh trước hết phải có gì? Trước hết phải có Đảng cách mệnh” và “Đảng có vững, cách mệnh mới thành công, cũng như người cầm lái có vững thuyền mới chạy…”. Trải qua nhiều chiến công rực rỡ, chói lọi, Bác đã khẳng định "lịch sử Đảng ta là cả một pho bằng vàng". Song không lúc nào Người quên nhắc nhở chúng ta chớ tự mãn, ngủ quên trong chiến thắng. Và đến những phút cuối của cuộc đời, nói đến Đảng, Bác vẫn đau đáu dặn lại chúng ta hai vấn đề quan trọng nhất: Đoàn kết và đạo đức cách mạng. Bác viết: “Nhờ đoàn kết chặt chẽ, một lòng, một dạ phục vụ giai cấp, phục vụ nhân dân, phục vụ Tổ quốc, cho nên từ ngày thành lập đến nay, Đảng ta đã đoàn kết, tổ chức và lãnh đạo nhân dân ta hăng hái đấu tranh tiến từ thắng lợi này đến thắng lợi khác.
Đoàn kết là một truyền thống cực kỳ quý báu của Đảng và của dân ta. Các đồng chí từ Trung ương đến các chi bộ cần phải giữ gìn sự đoàn kết nhất trí của Đảng như giữ gìn con ngươi của mắt mình...”.
Chỉ trong một đoạn văn ngắn, Bác đã 5 lần nhắc đến chữ "đoàn kết" và đều gạch dưới các chữ đó. Không chỉ nói đoàn kết, Bác còn nhấn mạnh: đoàn kết chặt chẽ, đoàn kết nhất trí, đoàn kết và thống nhất... Nói về công tác xây dựng Đảng, Bác nhấn mạnh đầu tiên đến đoàn kết trong Đảng và phải giữ gìn sự đoàn kết như giữ gìn con ngươi của mắt mình. Ta hiểu rằng sự đoàn kết là một trong những nhân tố quyết định sự tồn tại của Đảng, là sự sống còn của sự nghiệp cách mạng. Nếu con ngươi của mắt bị mù thì sẽ không biết lối nào mà đi. Thực tiễn đã chứng minh lời dạy của Bác.
Sau đoàn kết, Bác nói đến vấn đề đạo đức cách mạng: “Đảng ta là một Đảng cầm quyền. Mỗi đảng viên và cán bộ phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư. Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân”.
Trong suốt 24 năm giữ cương vị là người đứng đầu Nhà nước, Bác luôn nhắc nhở cán bộ, đảng viên: Đảng lãnh đạo nhân dân giành được chính quyền, xây dựng chính quyền cách mạng trở thành đảng cầm quyền, tiếp tục lãnh đạo nhân dân bảo vệ và xây dựng chính quyền, thực hiện mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Khi cầm quyền, Đảng phải ý thức sâu sắc hơn nữa là đầy tớ của nhân dân, chứ không phải là ông chủ của nhân dân, không cho phép mình đứng trên nhân dân, trên nhà nước, trên pháp luật. Muốn vậy, Đảng phải thường xuyên chỉnh đốn, và cách tốt nhất là nghiêm túc thực hành dân chủ, thực hiện tự phê bình và phê bình. Người lại viết thêm vào: “phải có tình đồng chí thương yêu lẫn nhau”. Thật là thấm thía lời Bác dạy. Trong đấu tranh với kẻ thù, người cộng sản lúc sống thì “miếng cơm sẻ nửa, chăn sui đắp cùng” lúc “chết còn cởi áo cho nhau”. Động lực của tình thương đã giúp nhau vượt qua tất cả. Vì vậy tự phê bình và phê bình phải có tình thương yêu đồng chí.
Cùng với đó, Bác còn nhấn mạnh đến giáo dục rèn luyện cán bộ đảng viên, “Thấm nhuần đạo đức cách mạng cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư”. Đây cũng là nội dung được Bác quan tâm ngay từ khi chuẩn bị lực lượng thành lập Đảng. Khi cách mạng thành công, Đảng lãnh đạo chính quyền, đảng viên có nhiều cơ hội có địa vị, quyền hành, Hồ Chủ tịch lại đặc biệt quan tâm việc giáo dục cán bộ, đảng viên. Có học giả nước ngoài đã đánh giá Hồ Chí Minh là vị lãnh tụ quan tâm nhất tới việc giáo dục đạo đức của cán bộ cầm quyền. Tiêu biểu như hai bức thư Người gửi cho các đồng chí Bắc Bộ, Trung Bộ khi mới trải qua hơn một năm Cách mạng Tháng Tám thành công, rồi tác phẩm "Sửa đổi lối làm việc" tác phẩm "Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân". Theo Người, rèn luyện đạo đức cách mạng là để làm cách mạng, làm tròn nhiệm vụ nhân dân giao, để xứng đáng là công bộc của dân. Muốn vậy, cần kiên quyết chống chủ nghĩa cá nhân, lối sống thực dụng, hưởng thụ, vị kỷ, lười biếng, không ngừng rèn luyện, tu dưỡng đạo đức, thực hành cần kiệm liêm chính, chí công vô tư.
Lịch sử đã có sự trùng hợp thiêng liêng và kỳ diệu. Ngày 2-9-1945, tại Quảng trường Ba đình, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đọc bản Tuyên ngôn độc lập khai sinh ra nước Việt Nam dân chủ cộng hoà. Ngày 2-9-1969, Bác Hồ ra đi từ khu vực nhà sàn đơn sơ cũng thuộc Quảng trường Ba Đình lịch sử. Hai sự kiện diễn ra vào hai thời điểm khác nhau của đất nước nhưng lại gắn bó chặt chẽ như một tất yếu lịch sử. Bác đã chuẩn bị cho việc ra đi của mình thật ung dung và thanh thản, "để sẵn mấy lời" cho đồng bào cả nước, đồng chí trong Đảng và bè bạn khắp nơi khỏi thấy đột ngột. Những lời dặn dò ấy đã dẫn dắt toàn dân tộc bước tiếp trên con đường cách mạng đã được chính Bác Hồ vạch ra từ năm 1930, với bản Chính cương vắn tắt mà cho đến nay vẫn còn nguyên giá trị khẳng định tầm nhìn xa, trông rộng của thiên tài Hồ Chí Minh.
Đã 40 mươi năm trôi đi. Quãng thời gian đó đủ để toàn Đảng, toàn dân ta thực hiện trọn vẹn 5 lời thề trước anh linh của Người khi Bác tạm biệt chúng ta về với "thế giới người hiền": giải phóng hoàn toàn miền Nam, hoàn thành sự nghiệp thống nhất đất nước; kiên định đường lối độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; giữ gìn và tăng cường sự thống nhất trong Đảng, sự đồng thuận trong nhân dân; bước đầu đạt được những thành tích quan trọng và có ý nghĩa to lớn trong 20 năm đổi mới đất nước; góp phần tích cực vào phong trào đấu tranh vì hoà bình, tiến bộ của nhân dân thế giới. Những kỳ tích đó gắn liền với việc thường xuyên xây dựng và củng cố Đảng, rèn luyện đạo đức cách mạng của mỗi cán bộ, đảng viên.
DUY KHÔI