KỶ NIỆM 50 NĂM NGÀY GIẢI PHÓNG MIỀN NAM, THỐNG NHẤT ĐẤT NƯỚC (30/4/1975 - 30/4/2025)
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Đăng ngày: 28/01/2015 - Lượt xem: 120
MÃI MÃI HỌC TẬP VÀ LÀM THEO NHỮNG LỜI DẠY CỦA CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH VỀ ĐẠO ĐỨC NGƯỜI LÀM BÁO CÁCH MẠNG

Bằng chính những tác phẩm báo chí đồ sộ cùng kinh nghiệm hơn 50 năm làm báo, Hồ Chí Minh để lại cho chúng ta không chỉ một di sản báo chí to lớn và phong phú, thể hiện sinh động những quan điểm, tư tưởng của Người về cách mạng, về thời đại, về nhân dân, về kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, an ninh, quốc phòng, xây dựng Đảng, mà còn để lại cho chúng ta một tấm gương mẫu mực về đạo đức và phong cách của người làm báo cách mạng.

Trong cuộc đời hoạt động cách mạng sôi động và phong phú của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sớm nhận thức rõ vai trò và sức mạnh quan trọng của báo chí, vì vậy, Người nhanh chóng nắm bắt và sử dụng có hiệu quả vũ khí đấu tranh cách mạng này để động viên, giáo dục quần chúng và chiến đấu với kẻ thù. Từ những mẩu tin đầu tiên đăng trên tờ La Vie Ouvrière của Tổng Liên đoàn lao động Pháp, đến bài báo đầu tiên là bài "Vấn đề dân bản xứ" đăng trên báo L’Humanité của Đảng xã hội Pháp ngày 2-8-1919 (sau năm 1920 trở thành tờ báo của Đảng Cộng sản Pháp), rồi đến bài báo cuối cùng “Nâng cao trách nhiệm chăm sóc và giáo dục thiếu niên, nhi đồng” đăng trên báo Nhân Dân ngày 1-6-1969, Hồ Chí Minh với hơn 150 bút danh đã để lại hàng nghìn bài báo đủ thể loại, phản ánh toàn diện các lĩnh vực của đời sống. Không chỉ là một nhà báo kỳ cựu, Người còn là người sáng lập, tổ chức, điều hành hoạt động, biên tập, trình bày hàng chục tờ báo cách mạng qua những thời kỳ khác nhau như: Người cùng khổ (Le Paria năm 1922), Quốc tế Nông dân (1924), Thanh Niên (1925), Công Nông (1925), Lính Kách mệnh (1925), Thân Ái (1928), Đỏ (1929), Việt Nam Độc lập (1941), Cứu Quốc (1942).

Bằng chính những tác phẩm báo chí đồ sộ cùng kinh nghiệm hơn 50 năm làm báo, Hồ Chí Minh để lại cho chúng ta không chỉ một di sản báo chí to lớn và phong phú, thể hiện sinh động những quan điểm, tư tưởng của Người về cách mạng, về thời đại, về nhân dân, về kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, an ninh, quốc phòng, xây dựng Đảng, mà còn để lại cho chúng ta một tấm gương mẫu mực về đạo đức và phong cách của người làm báo cách mạng.

Động lực làm cho ngòi bút báo chí của Người ngày càng sắc bén và linh hoạt chính là sự giác ngộ từ chủ nghĩa yêu nước đến chủ nghĩa quốc tế vô sản. Vì mục đích rõ ràng nên Bác không ngừng rèn luyện cách viết, không ngừng nâng cao trình độ. Mỗi khi viết một bài báo, Người đều xác định rõ đối tượng hướng tới, mục đích tuyên truyền, từ đó quyết định hình thức, nội dung cụ thể. Sau khi viết xong dự thảo, Người lại nhờ anh em, đồng chí đọc trước và tham gia ý kiến, chỉnh sửa sao cho mọi người đều dễ hiểu, dễ đọc rồi mới chính thức đăng tải bài báo.

Truyền đạt lại kinh nghiệm viết báo của mình cho các nhà báo, nhất là nhà báo trẻ tuổi, Hồ Chí Minh thường xuyên nhắc nhở 4 vấn đề một nhà báo cách mạng chân chính cần ghi nhớ và thực hiện. Thứ nhất, người làm báo phải nêu cao trách nhiệm nghề nghiệp, tức là phải có có đạo đức, phẩm chất chính trị và kỹ năng nghề nghiệp, trong đó, đặc biệt chống "thói ba hoa" với 8 biểu hiện của nó là: dài dòng, rỗng tuyếch; cầu kì; khô khan lúng túng; báo cáo lông bông; lụp chụp, cẩu thả; bệnh theo sáo cũ; nói không ai hiểu; bệnh hay nói chữ.  Thứ hai, người làm báo phải nêu cao vai trò, trách nhiệm xã hội của mình. Bác viết: “Đối với những người viết báo chúng ta, cây bút là vũ khí sắc bén, bài báo là tờ hịch cách mạng để động viên quần chúng đoàn kết đấu tranh, chống chủ nghĩa thực dân cũ và mới, vì độc lập, tiến bộ xã hội và hòa bình thế giới”. Thứ ba,người làm báo phải có trình độ chuyên môn. Bởi theo Người, có tài mà không có đức là người vô dụng, người có đức mà không có tài thì làm việc gì cũng không thành. Muốn vậy, nhà báo phải nhận biết được một cách đúng đắn, chân thực những điều đang diễn ra trong cuộc sống, đó là cơ sở để nhà báo phản ánh, là chất liệu để nhà báo rút ra nhận thức về bản chất của vấn đề, cắt nghĩa nguyên nhân, đưa ra giải pháp phát huy, khắc phục đề cập vào tác phẩm của mình, góp phần giải quyết những vấn đề cuộc sống đặt ra. Thứ tư, người làm báo phải không ngừng tu dưỡng, rèn luyện. Người dạy: Người cách mạng gặp khó khăn thì phải đánh thắng khó khăn. Đó là yêu cầu về phẩm chất của người cách mạng nói chung, người làm báo cách mạng nói riêng. Muốn có được phẩm chất này phải có ý chí tự lập, tự cường, kém thì phải cố mà học.

Một trong những lớp học báo chí đầu tiên của nước ta sau Cách mạng Tháng 8 là lớp học trong rừng Việt Bắc được Bác cho mở tại Trường Huỳnh Thúc Kháng. Khi chuẩn bị bước vào chiến dịch Biên giới – Thu Đông 1949-1950, dù bận trăm công ngàn việc cho cuộc kháng chiến, nhưng trong thư gửi các học viên của lớp báo chí đầu tiên này, Người đã khuyên các nhà báo: "Muốn viết báo khá, thì cần: 1. Gần gũi quần chúng, cứ ngồi trong phòng giấy mà viết thì không thể viết thiết thực. 2. Ít nhất cũng phải biết một thứ tiếng nước ngoài, để xem báo nước ngoài và học kinh nghiệm của người ta. 3. Khi viết xong một bài, tự mình phải xem lại ba bốn lần, sửa chữa lại cẩn thận. Tốt hơn nữa là đưa nhờ một vài người ít văn hóa xem và hỏi họ những câu nào, chữ nào họ không hiểu thì sửa lại cho họ hiểu. 4. Luôn luôn gắng học hỏi, luôn luôn cầu tiến bộ…". 

Để hoàn thành nhiệm vụ vẻ vang của nhà báo cách mạng, Bác yêu cầu cán bộ báo chí phải không ngừng tu dưỡng đạo đức cách mạng mà trước hết là phải biết tự phê bình và phê bình, vì “viết cũng như mọi việc khác, phải có chí, chớ giấu dốt, nhờ tự phê bình và phê bình mới tiến bộ”. Và chính Người thường xuyên nêu gương cho các nhà báo trong việc lựa chọn nội dung phản ánh (thể hiện rõ nhất trong  thời gian Hồ Chí Minh làm Chủ tịch Đảng, Chủ tịch nước), các bài báo của Người hầu hết là biểu dương người tốt, việc tốt, điển hình tiên tiến, cổ vũ các tầng lớp nhân dân hăng hái thi đua kháng chiến, kiến quốc, xây dựng con người mới, bài trừ thói hư, tật xấu...

Thực hiện lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh, 88 năm qua (21/6/1925 - 21/6/2013), báo chí cách mạng nước ta đã thể hiện là công cụ sắc bén của Đảng và Nhà nước trong công tác tuyên truyền, giáo dục, cổ vũ, động viên toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta đoàn kết, vượt qua mọi khó khăn, thử thách, đưa sự nghiệp cách mạng nước ta không ngừng tiến lên và giành được những thành tựu to lớn. Lớp lớp đội ngũ nhà báo Việt Nam luôn trung thành với lý tưởng của Đảng, không ngừng rèn luyện “trí sáng, tâm trong, bút sắc”, sáng tạo những tác phẩm báo chí chất lượng cao, đóng góp quan trọng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, xứng đáng với niềm tin tưởng và sự quan tâm, giao phó của Đảng, Nhà nước và nhân dân.

 

Nguyễn Văn Đông

Tin liên quan