KỶ NIỆM 70 NĂM NGÀY GIẢI PHÓNG THỦ ĐÔ (10/10/1954 – 10/10/2024)
Tin tức hoạt động
Đăng ngày: 21/01/2015 - Lượt xem: 127
Mấy suy nghĩ về đặc trưng của nền văn hóa Việt Nam

Nghị quyết Trung ương 9 (khóa XI) về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước đã nêu rõ 5 quan điểm nhằm mục tiêu xây dựng nền văn hóa và con người Việt Nam phát triển toàn diện, hướng đến chân- thiện- mỹ, thấm nhuần tinh thần dân tộc, nhân văn, dân chủ và khoa học.

        Với đặc trưng nêu trên - đó là sự kế thừa và phát triển các quan điểm của Đảng ta và tư tưởng Hồ Chí Minh về văn hóa.
       Trong Đề cương văn hóa Việt Nam năm 1943, Đảng ta xác định văn hóa mới Việt Nam có 3 tính chất: dân tộc, khoa học và đại chúng. Đồng thời chỉ rõ: nền văn hóa có tính chất dân tộc về hình thức và tân dân chủ về nội dung.
            Sau khi Nước Việt Nam dân chủ cộng hòa ra đời (2/9/1945), vấn đề xây dựng một nền văn hóa mới đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta đặt ra như một trong những nhiệm vụ hàng đầu của cách mạng. Những ngày đầu tháng 9/1945, Hồ Chí Minh đã đặt ra một loạt vấn đề về văn hóa, như giải quyết nạn dốt, giáo dục nhân dân tinh thần cần, kiệm, liêm chính, cấm hút thuốc phiện, tự do tín ngưỡng, đồng thời Người đã cho thành lập Ủy ban văn hóa lâm thời Bắc Bộ, Người nói: Tôi mong rằng các ngài trong giới văn hóa nhận rõ nhiệm vụ của các ngài trong lúc này là củng cố nền độc lập của Việt Nam, sửa soạn gây dựng cho đất nước một nền văn hóa mới. Bổn phận của các ngài là lãnh đạo tư tưởng quốc dân, đấu tranh cho độc lập và kiến thiết một nền văn hóa mới.
            Nền văn hóa thời kỳ đó được xác định là nền văn hóa dân chủ mới, đồng thời là nền văn hóa kháng chiến.
            Khi đặt vấn đề phải xây dựng nền văn hóa mới của một nước Việt Nam độc lập, Hồ Chí Minh đã nói rõ: Cái văn hóa mới này cần phải có tính khoa học, tính đại chúng, thì mới thuận với trào lưu tiến hóa của tư tưởng hiện đại. Nay nước ta đã có được độc lập, tinh thần được giải phóng, cần phải có một nền văn hóa hợp với khoa học và hợp với nguyện vọng của nhân dân.
            Đến Đại hội lần thứ II (1951), Hồ Chí Minh tiếp tục khẳng định phải “xây dựng một nền văn hóa Việt Nam có tính dân tộc, khoa học và đại chúng”.
Tính dân tộc của nền văn hóa còn được Hồ Chí Minh biểu đạt bằng những khái niệm khác như đặc tính dân tộc, cốt cách dân tộc, để nhấn mạnh cái tinh túy bên trong của văn hóa dân tộc Việt Nam.
            Khi miền Bắc bước vào giai đoạn cách mạng xã hội chủ nghĩa, Hồ Chí Minh nêu rõ “để phục vụ sự nghiệp cách mạng xã hội chủ nghĩa thì văn hóa phải xã hội chủ nghĩa về nội dung và dân tộc về hình thức”.
            Từ Đại hội lần thứ III của Đảng (1960), vấn đề này đã được điều chỉnh lại; nền văn hóa mới là nền văn hóa với nội dung xã hội chủ nghĩa và hình thức dân tộc. Đến Đại hội IV( 1976), Đảng ta lại xác định đó là nền văn hóa với nội dung xã hội chủ nghĩa và tính chất dân tộc. Nghị quyết 05 của Bộ Chính trị khóa VI nêu: xây dựng nền văn hóa xã hội chủ nghĩa đậm đà bản sắc dân tộc. Từ Đại hội VII trở đi, tính chất của nền văn hóa được xây dựng là một nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Trong bản Hiến pháp năm 1992, tính chất của nền văn hóa lại được xác định là dân tộc, hiện đại, nhân văn.
Đây chính là sự tiếp nối tư tưởng Hồ Chí Minh và quan điểm của Đảng ta về tính chất của nền văn hóa được đưa ra trong các thời kỳ trước, đã được cô đúc lại một cách ngắn gọn. Vấn đề chính là hiểu cho đúng nội hàm của những khái niệm đó để thúc đẩy công cuộc xây dựng nền văn hóa mới Việt Nam trong giai đoạn cách mạng hiện nay.
Nghị quyết Trung ương 5, khóa VIII ( 1998), Đảng ta tiếp tục khẳng định nền văn hóa mà chúng ta xây dựng là nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Tiên tiến là khoa học, hiện đại, là xã hội chủ nghĩa, là biết tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại. Đậm đà bản sắc dân tộc là biết kế thừa, phát triển những truyền thống tốt đẹp của dân tộc cho phù hợp những điều kiện lịch sử mới của đất nước.
Trong Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011), Đảng ta đã nêu những định hướng lớn về xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, phát triển toàn diện, thống nhất trong đa dạng, thấm nhuần sâu sắc tinh thần nhân văn, dân chủ, tiến bộ, làm cho văn hóa gắn kết chặt chẽ và thấm sâu vào toàn bộ đời sống xã hội, trở thành nền tảng vững chắc, sức mạnh nội sinh quan trọng của sự phát triển.
Một điểm khác biệt với các nghị quyết của Đảng trước đây về văn hóa là Nghị quyết Trung ương 9 (khóa XI) về văn hóa, con người đã khẳng định dân tộc - nhân văn - dân chủ - khoa học là những đặc trưng trong quá trình nhân dân ta xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, đó là sự kế thừa và phát triển quan điểm của Đảng ta và Hồ Chí Minh về tính chất nền văn hóa Việt nam trong thời kỳ mới.
Với đặc trưng đó, nền văn hóa Việt Nam vừa phản ánh cốt cách của văn hóa dân tộc Việt Nam, vừa phản ánh xu hướng chủ đạo về phát triển văn hóa của các dân tộc hiện nay trên thế giới, làm cho văn hóa Việt Nam hòa quyện với tính chất nhân văn, dân chủ và tiến bộ trong dòng chảy văn hóa nhân loại.

Đỗ Cảnh Hưng
(Trưởng phòng GDLLCT)

Tin liên quan