KỶ NIỆM 70 NĂM NGÀY GIẢI PHÓNG THỦ ĐÔ (10/10/1954 – 10/10/2024)
Tác phẩm văn học nghệ thuật
Đăng ngày: 04/05/2016 - Lượt xem: 144
Mẹ của tôi

                Kính tặng Mẹ và Cậu

“Chúng mày bớt làm khổ mẹ đi có được không? Đời mẹ mày đã khổ lắm rồi. Đừng tưởng mẹ mày là của riêng chúng mày mà lợi dụng, hành hạ như thế. Mẹ mày, nhưng là chị của tao, là mẹ của tao. Chúng mày có hiểu không hả?” Cậu tôi chỉ  nói được như thế, rồi bưng mặt khóc hu hu như một đứa trẻ con. Ngủ vùi trong lòng mẹ tôi một giấc ngon lành, khi tỉnh dậy, cậu tôi phăng phăng lau mặt, rồi chạy ra nổ xe, lao về Hải Phòng.
Cứ thế, tháng đôi lần, chẳng hẹn cậu cũng về, giận dỗi nhìn mẹ tôi gày gò, tất bật bên con cháu, chả có lấy chút thời gian rảnh rỗi để ra Hải Phòng cùng cậu. Giận dỗi chán rồi cậu cũng chấp nhận. Không thể “bù khổ” cho chị những ngày xưa cơ cực bằng cách đón chị ra nhà mình hay đưa chị đi thăm thú cho biết đó biết đây, cậu luôn làu bàu chúng tôi như thế…
Khi cậu tôi lên hai tuổi thì bà ngoại  tôi qua đời. Cuộc sống kham khổ của người phụ nữ năm con, chồng vắng nhà liên miên và áp lực của nợ nần từ việc vừa dựng ngôi nhà mới đã khiến bà không còn hơi sức nữa. Bà nhắm mắt khi hai giọt nước mắt – một to tròn, mặn chát vừa chạm vào đôi môi khô ráp, bệch bạc, một đắng đót thắt lòng, không thể trào qua bờ mi héo mòn, cố ánh lên những tinh lực cuối cùng trên dương thế. Hai tay bà còn cố níu giữ lấy bàn tay bé nhỏ, gày guộc của cậu tôi, đứa trẻ hai tuổi và mẹ tôi, đứa con lớn vừa lên lớp 6.
Đám ma bà tôi diễn ra trong một buổi trời mưa tầm tã. Ông tôi chỉ ở nhà được  một tuần rồi lại tiếp tục phải đi công tác xa. Trước khi đi, ông tôi xót xa đeo lên cổ cho mẹ tôi chiếc chìa khóa nhà cùng lời dặn: “trông em”.
“Trông em”, tức là thay cả bố và mẹ ngày ngày ra vườn rẫy cỏ, trồng chanh, trồng rau để bán kiếm tiền nuôi em. Mỗi tháng, tem phiếu của bố dành dụm gửi về chưa đủ cho năm chị em ăn được một tuần. Ba tuần còn lại, mẹ tôi – đứa trẻ 12 tuổi – và bốn đứa em lít nhít biết sống sao đây? Có hôm đói quá, định sang nhà bác ruột ở bên cạnh xin cơm cho em đỡ lòng, nhưng chỉ nhận được câu hỏi “Sao lại sang đây? Về trông em đi chứ”. Lại âm thầm gạt nước mắt, dắt em xắn quần ra đồng mót khoai, mót lúa lần hồi qua ngày. Không đủ thời gian đi học nữa, mẹ tôi xin nghỉ. Nhưng thày giáo và các bạn không lỡ để cô trò nhỏ thông minh sớm đoạn tuyệt với sách vở đã đến động viên, giúp đỡ. Mẹ kể thày dẫn các bạn cùng lớp đến giúp mẹ đánh phân, cùng làm ruộng bù công điểm…
Thời gian chậm chạp trôi đi trong nỗi khốn khó của mấy chị em mẹ tôi. Khi mẹ học hết lớp 10, rồi có giấy báo học đại học, mẹ tôi quyết định không đi. Giấu ông tôi, mẹ tôi xin đi công nhân để có thêm tiền nuôi các em ăn học. Các cậu, các dì tôi lần lượt đỗ đại học, được sang Nga học tập. Ngày cậu út thi đỗ đại học, mẹ bằng lòng theo cha tôi về làm dâu xứ người. Nhưng thời gian hạnh phúc  bên chồng của mẹ tôi cũng ngắn ngủi vô cùng. Cha tôi biền biệt khắp chiến trường miền Nam, rồi Campuchia. Mình mẹ lại gồng lên gánh vác công việc nội ngoại và chăm sóc mấy chị em tôi bé bỏng. Mẹ dúi dúi vào tay cậu mấy đồng tiền cũ nát và dốc ngược thùng gạo, lọ mì chính bọc bị cho cậu út mang lên trường cho khỏi đói mỗi lúc cậu mướp mát mồ hôi đạp xe về thăm chị. Mẹ nhịn ăn, nhịn mặc, thậm chí bán cả cái quần satanh mới mặc một lần để lấy tiền mua thuốc cho tôi. Ngày lại ngày, những vất vả, tủi cực khi tôi sài đẹn, khó nuôi khiến mẹ tôi càng héo hon, gày mòn hơn. Chúng tôi – cũng như cậu tôi thuở ấy – vô tư lớn lên trong tình yêu thương và sự hy sinh vô bờ bến của mẹ.
Theo gương các cậu, các dì, giờ đều là những phó giáo sư, tiến sĩ, thạc sĩ, chị em chúng tôi đều chăm chỉ học hành. Nhà tôi, từ hồi mái lá vách bùn đến giờ, quen thuộc và có giá trị nhất, được mẹ tôi nâng niu nhất vẫn là những giấy khen, bằng khen về thành tích học tập, công tác của chúng tôi. Những khi chúng tôi băn khoăn vì mình không đủ điều kiện để chăm lo cho mẹ mà còn khiến mẹ vất vả trông nom các cháu giúp mình, mẹ tôi thường bảo, mẹ không khổ đâu, đời mẹ rất có ý nghĩa, các em, các con của mẹ đã phương trưởng cả, mẹ mừng lắm. Rồi mẹ lại đon đả gạt đi “giờ mẹ nghỉ hưu rồi, không có các cháu vàng cháu bạc này để trông nom, để nghe tiếng chúng ríu rít thì có mà thành người thừa à, thế sao mà chịu nổi”…
Chị em chúng tôi giờ đã lớn, cũng đều làm mẹ cả rồi. Cuộc sống tuy chưa dư dả song không phải khổ sở, vất vả như mẹ tôi ngày trước. Nhiều lúc cũng xót xa bởi muốn mẹ được thưởng thức món ngon, thăm thú đó đây song rất khó thuyết phục được mẹ. Mẹ bảo việc gì phải thử ăn món mới, thử đi nơi lạ chỉ tổ đau bụng, say xe, cứ món ăn dân dã, truyền thống chả tốt hay sao. Sâu thẳm đáy lòng, chúng tôi biết mẹ luôn muốn tiết kiệm cho chúng tôi và đã quá quen với cuộc sống kham khổ, thiếu thốn nên mẹ cũng không dễ để thay đổi nếp sống. Những lúc ấy, chúng tôi rất thấm thía tâm trạng của cậu tôi và càng mong cậu về để nhìn thấy mẹ tôi vừa chộn rộn nấu nồi canh cua thật to, thật đặc, kho nồi cá thơm vàng, béo ngậy, vừa luôn miệng nói cười “ngày xưa, cậu con chỉ thích được một mình ăn hết món này, không chịu nhường cho ai đâu”.
Thương mẹ thật nhiều, nhưng nhiều lúc, giữa nắng gió cuộc đời, chúng tôi vẫn vô tư ngã vào lòng suối mẹ mát lành yêu thương, để được mẹ mãi dang đôi cánh tay gày guộc mà vĩ đại, bao dung bảo bọc, chở che. Và như thế, để nghe cậu tôi mỗi lần về nhà lại bực dọc, dỗi hờn “mẹ mày, nhưng là chị của tao, cũng là mẹ của tao…”.

THANH MAI

Tin liên quan