Việt Nam đã bước sang giai đoạn 3 của cuộc chiến chống dịch Covid-19. Với tinh thần "toàn dân chống dịch", mỗi người dân là một chiến sĩ trong cuộc chiến chống dịch Covid-19.
Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 họp chiều 1-4.
Chiều 1-4, tại Bộ Y tế, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona gây ra (dịch bệnh Covid-19) họp thường kỳ để bàn về các giải pháp phòng, chống dịch Covid-19.
Tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng Ban chỉ đạo cho biết, vào ngày 23-1, trước Tết Nguyên đán Canh Tý 2020, khi có ca nhiễm Covid-19 đầu tiên ở TP Hồ Chí Minh, Việt Nam đã bắt đầu bước vào cuộc chiến chống dịch.
Đến thời điểm này chúng ta đã bước sang giai đoạn 3 của cuộc chiến chống dịch Covid-19. Trên thực tế, rất nhiều địa phương dù chưa có người nhiễm bệnh nhưng chính quyền và nhân dân địa phương đã tham gia chống dịch với tinh thần “toàn dân chống dịch".
Theo Phó Thủ tướng, việc Thủ tướng Chính phủ vừa chính thức ký công bố dịch trên phạm vi toàn quốc. Điều này nhằm ba mục tiêu: Thứ nhất, làm tăng thêm tinh thần trách nhiệm của các lực lượng chống dịch trên từng địa bàn, trong từng ngành. Thứ hai, để người dân nhận rõ hơn trách nhiệm của mình trong việc tham gia các chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, ngành y tế. Mỗi người dân được xác định là một chiến sĩ trong cuộc chiến chống dịch Covid-19.
Cuối cùng, khi Thủ tướng công bố dịch trong cả nước có nghĩa tất cả các lực lượng tham gia phòng chống dịch như y tế, quốc phòng, công an.... sẽ được hưởng chế độ, chính sách trong thời gian chống dịch.
Phó Thủ tướng nhấn mạnh, mặc dù quyết định được ban hành ngày hôm nay (1-4), nhưng Thủ tướng cho áp dụng chính sách đó với những người tham gia chống dịch ở tuyến đầu được hưởng chế độ từ ngày 28-1-2020. Đây là sự động viên, khích lệ của Thủ tướng Chính phủ, cũng là của lãnh đạo Đảng, Nhà nước đối với đội ngũ trực tiếp tham gia chống dịch ở tất cả các ngành, các cấp trong cả nước.
Cũng tại cuộc họp, Thứ trưởng Y tế Nguyễn Trường Sơn cho hay, cả nước hiện có 196 bệnh nhân đang điều trị tại 23 cơ sở trên toàn quốc. Cho đến chiều 1-4, đã có 62 bệnh nhân đã khỏi bệnh, trong đó 16 bệnh nhân mắc giai đoạn một đã xuất viện, số còn lại đang được theo dõi tiếp tại các cơ sở y tế trong 14 ngày tiếp theo. Trong số những bệnh nhân đang điều trị, 54 người đã âm tính lần 1, 43 người lần 2.
Theo Thứ trưởng Sơn, theo quy định của ngành Y tế, sau khi âm tính lần 2, người bệnh Covid-19 được coi như khỏi bệnh, nhưng vẫn được giữ lại để cách ly, theo dõi. Việt Nam cũng vẫn chưa để trường hợp nào tử vong vì Covid-19, đây là một thành tựu rất lớn.
Về xét nghiệm, hiện nước ta sử dụng hai loại là xét nghiệm bằng máy bằng kỹ thuật PCR với dịch phết họng và là xét nghiệm nhanh. Trong đó, xét nghiệm sử dụng máy có độ chính xác cao, phát hiện gần như 100% trường hợp nhiễm. Loại xét nghiệm nhanh bằng cách lấy máu được sử dụng trong trường hợp dịch lan rộng hoặc trong cộng đồng nhỏ cần phân loại ngay. Tuy nhiên, kết quả nếu dương tính phải xét nghiệm lại bằng máy để cho độ chính xác cao.
Nguồn: nhandan.com.vn