KỶ NIỆM 50 NĂM NGÀY GIẢI PHÓNG MIỀN NAM, THỐNG NHẤT ĐẤT NƯỚC (30/4/1975 - 30/4/2025)
Gương điển hình
Đăng ngày: 01/04/2020 - Lượt xem: 159
Một cựu chiến binh tiêu biểu của Hội chiến sỹ Thành cổ Quảng trị năm 1972 tỉnh Hưng Yên

Trong không khí hừng hực của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, tháng 12 năm 1971, khi đang ngồi trên ghế học đường của Trường Cấp 3 Văn Giang, ở tuổi 18, anh thanh niên Chu Viết Đảng lên đường nhập ngũ. Vừa qua thời kỳ huấn luyện, trước yêu cầu bức thiết của chiến trường, tháng 2 năm 1972, chiến sỹ Chu Viết Đảng cùng đồng đội được điều động tham gia chiến dịch Trị Thiên và trực tiếp tham gia giải phóng Thành cổ Quảng Trị. Trong 81 ngày đêm chiến đấu dưới mưa bom bão đạn tại đây, ông và các đồng đội đã hoàn thành sứ mệnh lịch sử, viết lên khúc tráng ca oanh liệt trong một giai đoạn hào hùng của dân tộc.

Sau chiến dịch Thành cổ Quảng Trị năm 1972, chiến sỹ Chu Viết Đảng tiếp tục được phiên chế về Lữ đoàn tăng thiết giáp trực thuộc Quân đoàn I. Trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, ông cùng đồng đội nhận nhiệm vụ tấn công từ phía Bắc Sài Gòn, bao vây tiêu diệt đối phương ở Phú Lợi, Bến Cát, Bình Dương, Lai Khê, Tân Uyên, đồng thời ngăn chặn Sư đoàn 5 Ngụy quân rút về nội đô và vô hiệu hóa đơn vị này. Đặc biệt, đơn vị của ông được phụ trách mũi tấn công đánh chiếm Bộ Tổng tham mưu Quân lực Việt Nam Cộng hòa, đầu não quân sự của địch. Trưa ngày 30/4/1975, sau khi chọc thủng các lớp phòng thủ của địch, ông đã cùng đồng đội ở trên chiếc xe tăng của mình hoàn thành nhiệm vụ được giao, đánh chiếm thành công Bộ Tổng tham mưu Ngụy.
Hòa bình lập lại, sau 32 năm phục vụ quân ngũ, đồng chí Chu Viết Đảng được nghỉ hưu với quân hàm Thượng tá. Là thương binh, lại có lương hưu, nhưng thấy vẫn còn có thể cống hiến cho xã hội, ông vẫn không nghỉ ngơi. Cùng với một số bạn bè, người thân, ông mạnh dạn đầu tư xây dựng nhà máy nước sạch đầu tiên của huyện trên địa bàn thị trấn Văn Giang với công suất 980m3/ngày, cung cấp nước sinh hoạt cho nhân dân thị trấn và các cơ quan đóng trên địa bàn. Đau đáu với nghĩa tình đồng đội, đặc biệt là những bạn bè đã từng nằm xuống tại chiến trường Thành cổ Quảng Trị máu lửa, nhiều năm liền, đảng viên, cựu chiến binh Chu Viết Đảng kêu gọi, tập hợp đồng ngũ trên địa bàn huyện Văn Giang và các vùng lân cận, tổ chức các cuộc trở về thăm lại chiến trường xưa, viếng liệt sỹ, ôn lại quá khứ hào hùng... Ở quê hương, ông cũng vận động các anh em có điều kiện kinh tế khá giả giúp đỡ, hỗ trợ nguồn vốn làm ăn ban đầu cho đồng đội có hoàn cảnh khó khăn hơn. Sau nhiều năm hoạt động, đến những năm 2010, cùng với hoạt động chung của các cựu chiến binh kháng chiến chống Mỹ cứu nước, đặc biệt là cựu chiến binh đã từng tham gia 81 ngày đêm chiến đấu bảo vệ Thành cổ Quảng Trị, Ban liên lạc Cựu chiến binh Thành cổ Quảng Trị năm 1972 ra đời; rồi Hội Chiến sỹ Thành cổ Quảng Trị năm 1972 tỉnh Hưng Yên đã đi vào hoạt động. Tới năm 2013, Hội Chiến sỹ Thành cổ Quảng Trị năm 1972 huyện Văn Giang được thành lập. Tại Đại hội lần thứ nhất, đồng chí Chu Viết Đảng được bầu làm Chủ tịch.
Cùng với đó, đồng chí Chu Viết Đảng còn cùng với đồng đội của mình tìm hiểu, thu thập các thông tin những chiến sỹ đã hy sinh chưa được quy tập để quy tập về nghĩa trang liệt sỹ. Năm 2010, ông cùng đồng ngũ đã vào địa điểm bờ nam Bến Vượt (thuộc khu vực Thành cổ Quảng Trị, tỉnh Quảng Trị) tìm kiếm và quy tập được 04 bộ hài cốt liệt sỹ, trong đó có 02 liệt sỹ là người các xã Mễ Sở và Vĩnh Khúc (huyện Văn Giang). Bên cạnh đó, Hội Chiến sỹ Thành cổ Quảng Trị năm 1972 huyện Văn Giang cũng đẩy mạnh phong trào giúp đỡ, hỗ trợ các hội viên khó khăn tu sửa nhà cửa, thăm, tặng quà các gia đình liệt sỹ, thương binh và các gia đình chính sách, người có công vào các dịp như: Tết Nguyên đán, 3/2, 27/7, các hội viên khi ốm đau… Riêng năm 2019, Hội đã thăm và tặng quà cho mẹ liệt sỹ, thăm hỏi hội viên ốm đau với tổng kinh phí gần 20 triệu đồng, tổ chức viếng liệt sỹ tại Đền liệt sỹ của huyện và tổ chức cho đồng đội về lại chiến trường xưa…
Qua hơn một nhiệm kỳ, đến nay, Hội Chiến sỹ Thành cổ Quảng Trị năm 1972 huyện Văn Giang đã thể hiện rõ là một tổ chức xã hội có nhiều đóng góp tích cực cho địa phương. Đồng chí Chu Viết Đảng đã lãnh đạo Hội làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và những quy định của địa phương, đồng thời khơi dậy lòng tự hào về truyền thống của Bộ đội Cụ Hồ, ra sức thi đua lao động, sản xuất và công tác, tích cực tham gia các phong trào thi đua ở cộng đồng dân cư. Các phong trào xây dựng nông thôn mới, làm kinh tế giỏi, phong trào xây dựng làng văn hóa, phong trào xây dựng cơ sở Hội Cựu chiến binh vững mạnh trên địa bàn huyện đều được hội viên của Hội Chiến sỹ Thành cổ Quảng Trị năm 1972 tham gia tích cực, góp phần phát triển kinh tế gia đình, xây dựng làng xã, khu phố văn minh, giàu đẹp. 
Với những đóng góp tuy nhỏ bé nhưng rất ý nghĩa ấy, Hội Chiến sỹ Thành cổ Quảng Trị năm 1972 huyện Văn Giang và cá nhân đồng chí Chu Viết Đảng, Chủ tịch Hội đã vinh dự được nhận Bằng khen của Trung ương Hội Chiến sỹ Thành cổ Quảng Trị năm 1972.
Phạm Minh Hoàng
 
 
 

 

Tin liên quan