Đỗ Hữu Nhân
Tỉnh ủy viên, Phó Trưởng Ban Thường trực, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Hưng Yên
Từ khi nước ta thực hiện công cuộc đổi mới đến nay đã đạt được rất nhiều những thành tựu quan trọng như kinh tế, xã hội ngày càng phát triển, đời sống của nhân dân không ngừng được nâng cao... Một trong những nguyên nhân của thành tựu nổi bật đó là công tác giáo dục lý luận chính trị của Đảng và Nhà nước cho cán bộ, đảng viên đã đạt được những kết quả hết sức quan trọng. Trình độ lý luận chính trị của đội ngũ cán bộ, đảng viên hiện nay được nâng cao, cơ bản đáp ứng được yêu cầu của sự nghiệp đổi mới đề ra, có tác dụng định hướng tốt, là kim chỉ nam cho hành động. Công tác giáo dục lý luận chính trị đạt được những thành công như vậy phải kể đến vai trò quan trọng của người giảng viên lý luận chính trị với những bài giảng đạt chất lượng cao. Nhưng bên cạnh đó, chúng ta còn thấy một số những hạn chế, như một bộ phận không nhỏ đội ngũ giảng viên chưa coi trọng việc học tập nâng cao trình độ kiến thức chuyên môn cũng như kiến thức thực tiễn, chưa tập trung nghiên cứu kỹ, sâu nội dung bài giảng, chưa đổi mới phương pháp giảng dạy, chưa tiếp cận phương tiện giảng dạy hiện đại....Chính những yếu tố hạn chế đó của giảng viên đã ảnh hưởng không nhỏ đến khả năng tiếp nhận kiến thức của học viên và do đó có tác dụng không tốt đến việc hoàn thành nhiệm vụ của học viên mà Đảng và Nhà nước đã giao trong giai đoạn đổi mới hiện nay. Vì vậy, việc nâng cao chất lượng giáo dục LLCT hiện nay của người giảng viên là hết sức cần thiết và quan trọng hơn bao giờ hết.
Để nâng cao chất lượng giáo dục LLCT, theo tôi, cần đáp ứng một số yêu cầu chủ yếu sau:
Thứ nhất: Giảng viên cần nắm vững mục tiêu, yêu cầu đào tạo. Mục tiêu đào tạo chính là cái đích mà bài giảng của giảng viên phải đạt tới và trả lời cho câu hỏi: Bài giảng có tác dụng gì đối với học viên? Yêu cầu đào tạo chính là những biện pháp cụ thể cần thực hiện để đạt được mục tiêu đặt ra và trả lời cho câu hỏi: Giảng viên và học viên cần phải làm gì ? Có mục tiêu, yêu cầu chung của toàn khoá học và của từng môn học, từng bài học. Mục tiêu, yêu cầu đào tạo là sợi chỉ đỏ xuyên suốt của bài giảng mà giảng viên luôn cần ghi nhớ, bám sát để xây dựng giáo án với nội dung đào tạo phù hợp, đảm bảo kiến thức lý luận và thực tiễn, nâng cao chất lượng, hiệu quả bài giảng, có tác dụng thiết thực đối với học viên trong nhận thức cũng như áp dụng trong công việc thực tế.
Thứ hai: Giảng viên cần nắm vững đối tượng đào tạo. Nắm vững đối tượng đào tạo là nắm vững về chức danh, nghề nghiệp chuyên môn, lĩnh vực công tác, độ tuổi...để giảng viên biết được trình độ, khả năng, tâm lý, nhu cầu đòi hỏi về kiến thức của học viên, từ đó sử dụng lượng kiến thức trong bài giảng vừa đủ, phương pháp giảng dạy phù hợp đối với từng đối tượng, từng loại hình đào tạo...để học viên tiếp thu tốt nhất kiến thức của giảng viên, đảm bảo mục tiêu đào tạo đặt ra.
Thứ ba: Sử dụng tốt các phương pháp, phương tiện giảng dạy. Hiện nay việc giảng dạy LLCT có rất nhiều phương pháp, phương tiện giảng dạy. Giảng viên cần sử dụng phương pháp giảng dạy tích cực ( hỏi đáp, thảo luận nhóm, chuyên gia…) kết hợp với phương pháp giảng dạy truyền thống ( thuyết trình ). Trong mỗi bài giảng, giảng viên cần lựa chọn phương pháp giảng dạy chủ yếu đảm bảo hợp lý, phù hợp với nội dung bài giảng, đối tượng học tập. Tuy nhiên giảng viên không nên sử dụng một phương pháp duy nhất mà cần phối hợp tốt, linh hoạt phương pháp giảng dạy chủ yếu với các phương pháp khác. Bên cạnh đó cũng cần sử dụng tốt các phương tiện giảng dạy như phấn bảng, micrô...và đặc biệt là phương tiện giảng dạy hiện đại ( máy chiếu…). Việc kết hợp tốt phương pháp, phương tiện giảng dạy truyền thống với phương pháp, phương tiện giảng dạy tích cực, hiện đại là việc làm khó, đòi hỏi giảng viên cần căn cứ vào mục tiêu, yêu cầu đào tạo, nội dung đào tạo, đối tượng đào tạo mà lựa chọn phương pháp, phương tiện giảng dạy phù hợp.
Tóm lại: Nâng cao chất lượng giáo dục LLCT ở bất kỳ thời điểm nào, giai đoạn nào cũng hết sức cần thiết. Vấn đề ở chỗ cần phải có những cách thức, biện pháp phù hợp, thiết thực. Để nâng cao chất lượng bài giảng thì các biện pháp trên là những biện pháp chủ yếu không thể thiếu đối với mỗi giảng viên. Chỉ có như vậy công tác giáo dục lý luận chính trị mới đảm bảo và góp phần vào sự thành công của sự nghiệp xây dựng CNXH, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.