KỶ NIỆM 70 NĂM NGÀY GIẢI PHÓNG THỦ ĐÔ (10/10/1954 – 10/10/2024)
Tin tức hoạt động
Đăng ngày: 22/11/2018 - Lượt xem: 102
Một số điểm mới trong tư duy lý luận của Đảng về mối phát triển văn hóa, văn nghệ trong thời kỳ đổi mới

Những năm qua, công tác văn hóa, văn nghệ đã đạt được nhiều thành tựu nổi bật trong xây dựng, phát triển; đời sống văn hóa, tinh thần của nhân dân từng bước được cải thiện, “bước đầu hình thành những giá trị mới về con người với các phẩm chất về trách nhiệm xã hội, ý thức công dân, dân chủ, chủ động, sáng tạo, khát vọng vươn lên”. 

Tuy nhiên, so với các lĩnh vực khác, việc đầu tư phát triển, thành quả đạt được trong lĩnh vực văn hóa chưa tương xứng, chưa đáp ứng yêu cầu đề ra. Điều đó đã làm cho “đời sống văn hóa, tinh thần ở nhiều nơi còn nghèo nàn, đơn điệu; khoảng cách hưởng thụ văn hóa giữa miền núi, vùng sâu, vùng xa với đô thị và trong các tầng lớp nhân dân chậm được rút ngắn. Môi trường văn hóa còn tồn tại những biểu hiện thiếu lành mạnh, ngoại lai, trái với thuần phong mỹ tục; tệ nạn xã hội và một số loại tội phạm có chiều hướng gia tăng. Việc bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa đạt hiệu quả chưa cao. Hệ thống thông tin đại chúng phát triển thiếu quy hoạch khoa học, gây lãng phí nguồn lực và quản lý không theo kịp sự phát triển. Một số cơ quan truyền thông có biểu hiện thương mại hóa, xa rời tôn chỉ, mục đích. Đáng chú ý là, “hệ thống thiết chế văn hóa, cơ sở vật chất, kỹ thuật cho hoạt động văn hóa còn thiếu và yếu, có nơi xuống cấp, thiếu đồng bộ, hiệu quả sử dụng thấp. Tình trạng nhập khẩu, quảng bá, tiếp thu dễ dãi, thiếu chọn lọc sản phẩm văn hóa nước ngoài đã tác động tiêu cực đến đời sống văn hóa của một bộ phận nhân dân, nhất là lớp trẻ.

Để khắc phục tình trạng đó và bảo đảm cho văn hóa, văn nghệ phát triển đáp ứng yêu cầu thời kỳ đổi mới, kế thừa và phát triển các quan điểm về xây dựng và phát triển văn hóa, Đại hội XII của Đảng đã xác định rõ tư tưởng chỉ đạo, mục tiêu, phương hướng, nhiệm vụ xây dựng nền văn hóa Việt Nam trong thời gian tới. Tư duy lý luận mới thể hiện sâu sắc về mối quan hệ giữa xây dựng con người phát triển toàn diện với mục tiêu của chiến lược phát triển đất nước trên một số nội dung gồm:

Một là, xác định phương hướng xây dựng, phát triển văn hóa, con người Việt Nam trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta. Đại hội XII chỉ rõ: “Xây dựng nền văn hóa và con người Việt Nam phát triển toàn diện, hướng đến chân - thiện - mỹ, thấm nhuần tinh thần dân tộc, nhân văn, dân chủ và khoa học. Văn hóa thực sự trở thành nền tảng tinh thần vững chắc của xã hội, là sức mạnh nội sinh quan trọng bảo đảm sự phát triển bền vững và bảo vệ vững chắc Tổ quốc vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Nội dung: “phát triển toàn diện, hướng đến chân - thiện - mỹ, thấm nhuần tinh thần dân tộc, nhân văn, dân chủ và khoa học...” là đặc trưng, thuộc tính cơ bản cho cả vấn đề văn hóa và con người. Điều đó cho thấy, tư duy lý luận mới của Đảng đã phản ánh đúng bản chất con người cũng như bản chất văn hóa. Vấn đề văn hóa thực chất là vấn đề con người và vấn đề con người thì kết tinh, cốt lõi nhất ở nội dung, giá trị văn hóa. Tinh thần, quan điểm trên đã thể hiện tính khoa học và cách mạng của sự phù hợp, thống nhất giữa xây dựng, phát triển văn hóa, con người Việt Nam trong thời kỳ mới.

Hai là, chỉ rõ bản chất các mâu thuẫn của quá trình xây dựng, phát triển văn hóa, con người Việt Nam trong thời kỳ quá độ lên CNXH. Mâu thuẫn của quá trình xây dựng, phát triển văn hóa, con người Việt Nam trong thời kỳ quá độ lên CNXH, với tính cách như các mặt đối lập giữa giá trị và phản giá trị; nhân đạo nhân văn và phản nhân đạo, nhân văn; cách mạng và phản cách mạng... Đại hội XII chỉ rõ: “Khẳng định, tôn vinh cái đúng, cái tốt đẹp, tích cực, cao thượng; nhân rộng các giá trị cao đẹp, nhân văn. Đấu tranh phê phán, đẩy lùi cái xấu, cái ác, thấp hèn, lạc hậu; chống các quan điểm, hành vi sai trái, tiêu cực ảnh hưởng xấu đến xây dựng nền văn hóa, làm tha hóa con người. Có giải pháp ngăn chặn và đẩy lùi sự xuống cấp về đạo đức xã hội, khắc phục những hạn chế của con người Việt Nam”. Mâu thuẫn trong quá trình này cũng sẽ có biểu hiện ở mâu thuẫn giữa mục tiêu vươn tới với hiện trạng văn hóa, con người Việt Nam chưa tương xứng. Mục tiêu vươn tới là: “Xây dựng nền văn hóa và con người Việt Nam phát triển toàn diện, hướng đến chân - thiện - mỹ, thấm nhuần tinh thần dân tộc, nhân văn, dân chủ và khoa học...” với một hiện trạng là: “...thành quả trong lĩnh vực văn hóa chưa tương xứng; chưa đủ tầm mức để tác động có hiệu quả xây dựng con người và môi trường văn hóa lành mạnh...”. Trong đó, “thấm nhuần tinh thần dân tộc” được hiểu là sự bổ sung mới và mục tiêu, tiêu chí của văn hóa, con người Việt Nam; nó đối lập với những biểu hiện phai nhạt về lý tưởng, đạo đức lối sống ở một bộ phận xã hội, đặc biệt là thế hệ trẻ, tồn tại như một mâu thuẫn cần phải giải quyết.

Ba là, tư duy lý luận mới của Đảng thể hiện sâu sắc về mối quan hệ giữa xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện với mục tiêu của chiến lược phát triển đất nước. Nhằm phát huy những thành tựu và khắc phục những hạn chế, khuyết điểm trong xây dựng, phát triển văn hóa, con người Việt Nam, Đại hội XII đã xác định “Xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện phải trở thành một mục tiêu của chiến lược phát triển”. Quan điểm của Đảng vừa thể hiện sự nối tiếp mục tiêu có tính chiến lược lâu dài về xây dựng, phát triển văn hóa, con người đã được đặt ra ở các nhiệm kỳ đại hội trước, vừa là sự thể hiện rõ ràng sâu sắc về mối quan hệ giữa xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện với mục tiêu của chiến lược phát triển đất nước, vấn đề này còn được cụ thể hóa ở các quan điểm cụ thể về xây dựng, phát triển văn hóa, con người như: quan điểm về hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị chuẩn mực của con người Việt Nam; về nhận thức, ý thức tôn trọng pháp luật; về sự hiểu biết sâu sắc, tự hào, tôn vinh lịch sử, văn hóa dân tộc; về giá trị nhân văn, nhân đạo của con người Việt Nam. Song, bao trùm hơn cả là tư duy lý luận mới của Đảng về xây dựng và hoàn thiện hệ giá trị nhân cách con người Việt Nam trong thời kỳ mới. Đó là: “Đúc kết và xây dựng hệ giá trị văn hóa và hệ giá trị chuẩn mực của con người Việt Nam thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Làm cho giá trị văn hóa thấm sâu vào mọi lĩnh vực, mọi mặt hoạt động, mọi quan hệ xã hội, thành sức mạnh nội sinh quan  trọng của phát triển bền vững. Xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, tạo điều kiện để xây dựng con người Việt Nam đẹp về nhân cách, đạo đức, tâm hồn; cao về trí tuệ, năng lực, kỹ năng sáng tạo; khỏe về thể chất; nâng cao trách nhiệm xã hội, nghĩa vụ công dân, ý thức tôn trọng, tuân thủ pháp luật; phát huy tốt vai trò chủ thể sáng tạo trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc”. Quan điểm của Đảng thể hiện sự tiếp nối, khẳng định quan điểm về xây dựng mô hình nhân cách của con người Việt Nam được xác định trong Nghị quyết Trung ương 9 (khóa XI) là: “Phát triển văn hóa vì sự hoàn thiện nhân cách con người và xây dựng con người để phát triển văn hóa trọng tâm là chăm lo xây dựng con người có nhân cách, lối sống tốt đẹp, với các đặc trưng cơ bản: yêu nước, nhân ái, nghĩa tình, trung thực, đoàn kết, cần cù sáng tạo” và “Chăm lo xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện, trọng tâm là bồi dưỡng tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc, đạo đức, lối sống và nhân cách. Tạo chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, ý thức tôn trọng pháp luật mọi người Việt Nam đều hiểu biết sâu sắc, tự hào, tôn vinh lịch sử, văn hóa dân tộc”.

Vấn đề xây dựng nhân cách con người Việt Nam hiện nay phải hội tụ đầy đủ các đức tính: cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư, trung thành với Đảng, với Tổ quốc, với sự nghiệp cách mạng của nhân dân; có tình thương yêu, đoàn kết, sống có nghĩa, có tình, trung thực, thẳng thắn, khiêm tốn, nếp sống trong sạch, lành mạnh, cầu thị tiến bộ và tinh thần trách nhiệm cao trong đấu tranh với các hiện tượng tiêu cực, phản văn hóa; có kiến thức toàn diện về chính trị, quân sự, kinh tế, văn hóa, khoa học kỹ thuật; có tính chủ động, linh hoạt, sáng tạo, ý thức tự trọng, tự chủ, sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật, bảo vệ môi trường; quyết đoán, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm trong lời nói, việc làm của mình. Với phương châm xuyên suốt: “Mỗi người vì mọi người, mọi người vì mỗi người”, vì sự phồn vinh của đất nước, vì hạnh phúc của mỗi con người Vỉệt Nam.

Để thực hiện thắng lợi quan điểm xuyên suốt này, Văn kiện Đại hội XII chỉ rõ các nhiệm vụ, có thể khái quát ở 4 nội dung chính là:

Một là, nắm vững tư tưởng chỉ đạo phát triển văn hóa. Cần nhận thức rõ hai điểm quan trọng nổi bật, là: thứ nhất, xây dựng, phát triển nền văn hóa phải gắn chặt với xây dựng, phát triển con người, không tách khỏi cội nguồn dân tộc.

Thứ hai, văn hóa không chỉ là nền tảng tinh thần của xã hội, mà là sức mạnh nội sinh trực tiếp để phát triển bền vững. Với vai trò là nền tảng tinh thần của xã hội văn hóa được xác định vừa là mục tiêu, vừa là động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế xã hội. Chăm lo văn hoá là chăm lo củng cố nền tảng tinh thần của xã hội. Thiếu nền tảng tinh thần tiến bộ và lành mạnh, không quan tâm giải quyết tốt mối quan hệ giữa phát triển kinh tế với tiến bộ và công bằng xã hội thì không thể có sự phát triển kinh tế- xã hội bền vững. Ngược lại, xây dựng và phát triển kinh tế phải nhằm mục tiêu văn hoá; văn hoá phát triển là kết quả của sự phát triển kinh tế đồng thời tạo động lực cho kinh tế ngày càng phát triển. Không những thế, văn hoá còn phải gắn kết chặt chẽ với đời sống và hoạt động xã hội trên mọi phương diện: chính trị, kinh tế, xã hội, pháp luật, kỷ cương,... để trở thành nguồn lực nội sinh quan trọng nhất của sự phát triển. Trên cơ sở nhận thức đúng, đề cao trách nhiệm trong xác định chủ trương, biện pháp xây dựng nền văn hóa gắn với phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo cho văn hóa thẩm thấu trong mọi hoạt động chính trị, kinh tế của đất nước.

Hai là, thống nhất nhận thức về mục tiêu xây dựng nền văn hóa Việt Nam. Mục tiêu trước mắt là, gắn kết giữa nhiệm vụ phát triển kinh tế với phát triển văn hóa; làm cho văn hóa tham gia tích cực vào thực hiện mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”. Xây dựng những giá trị văn hóa mới đi đôi với việc mở rộng giao lưu quốc tế. Nâng cao mức hưởng thụ, tham gia hoạt động, sáng tạo văn hóa của nhân dân; từng bước thu hẹp sự chênh lệch về hưởng thụ văn hóa, nghệ thuật giữa thành thị và nông thôn, giữa đồng bằng và miền núi, vùng đồng bào các dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa. Tăng cường đầu tư của Nhà nước, nâng cao tỷ lệ ngân sách cho văn hóa, đẩy mạnh xã hội hóa các hoạt động văn hóa, huy động mọi nguồn lực cho phát triển văn hóa; coi đầu tư cho văn hóa là đầu tư cho con người, đầu tư cho phát triển bền vững. Xây dựng và nâng cấp đồng bộ hệ thống thiết chế văn hóa, chú trọng các công trình văn hóa lớn, tiêu biểu; nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống các thiết chế văn hóa cơ sở... Mục tiêu lâu dài là, tiếp tục phát triển và nâng cao chất lượng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; gắn kết chặt chẽ và đồng bộ hơn với phát triển kinh tế - xã hội, làm cho văn hóa thấm sâu vào các lĩnh vực của đời sống xã hội. Xây dựng môi trường, lối sống văn hóa; phát huy tinh thần tự nguyện, tự chủ, sức sáng tạo, vai trò chủ thể văn hóa của nhân dân; xây dựng và hoàn thiện giá trị, nhân cách con người Việt Nam. Đẩy mạnh công tác bảo tồn, kế thừa và phát huy các giá trị văn hóa của dân tộc, bảo đảm tính thống nhất trong đa dạng về bản sắc văn hóa độc đáo của cộng đồng các dân tộc Việt Nam. Phát huy tiềm năng, khuyến khích nghệ thuật, sáng tác những tác phẩm văn học, nghệ thuật tiêu biểu phản ánh sức sống của nền văn hóa mới.

Ba là, quán triệt, thực hiện tốt nhiệm vụ, giải pháp phát triển văn hóa. Đại hội XII chỉ rõ: “Xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, góp phần giáo dục, rèn luyện con người về nhân cách, đạo đức, lố sống; xây dựng văn hóa trong chính trị, kinh tế; làm tốt công tác lãnh đạo, quản lý báo chí, xuất bản; phát triển công nghiệp văn hóa đi đôi với xây dựng, hoàn thiện thị trường dịch vụ và sản phẩm văn hóa; chủ động hội nhập quốc tế về văn hóa, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại; tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng và nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước đối với lĩnh vực văn hóa; đầu tư của Nhà nước cho văn hóa phải tương ứng với mức tăng trưởng kinh tế. Đẩy mạnh xã hội hóa nhằm huy động các nguồn đầu tư, tài trợ, hiến tặng cho phát triển văn hóa”.

Trên cơ sở các nhiệm vụ đó, căn cứ vào tình hình cụ thể của từng ngành, địa phương, lĩnh vực mà xác định nhiệm vụ, giải pháp cho phù hợp, hiệu quả; đề cao trách nhiệm trong phát triển văn hóa theo tinh thần Nghị quyết của Đảng, đồng thời khắc phục những nhận thức không đúng về vị trí, vai trò của văn hóa, đặt văn hóa ra ngoài chính trị và kinh tế hoặc thiếu đầu tư, quan tâm phát triển.

Bốn là, tích cực đấu tranh phản bác những quan điểm sai trái thù địch trên lĩnh vực văn hóa. Hiện nay, trước những biến động chính trị phức tạp trên thế giới, một số người dao động, hoài nghi về con đường xã hội chủ nghĩa, thậm chí phủ nhận thành quả của chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta; phủ nhận lịch sử cách mạng Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng. Tệ sùng bái nước ngoài, coi thường những giá trị văn hoá dân tộc, chạy theo lối sống thực dụng, cá nhân vị kỷ,... đang gây hại đến thuần phong mỹ tục của dân tộc. Trong sáng tác và lý luận, phê bình văn hóa, văn học, nghệ thuật, có lúc đã nảy sinh khuynh hướng phủ nhận thành tựu văn học cách mạng và kháng chiến, đối lập văn nghệ với chính trị, nhìn xã hội với thái độ bi quan...Trong khi đó, các thế lực thù địch đang hằng ngày, hằng giờ sử dụng con bài tư tưởng, văn hóa làm đòn tấn công phủ đầu, dọn đường thực hiện các thủ đoạn khác để chống phá cách mạng nước ta... Tất cả những điều đó có tác động không nhỏ đến sự phát triển nền văn hóa Việt Nam, sự phát triền bền vững của đất nước. Bởi vậy, cần phát huy sức mạnh tổng hợp của các tổ chức, lực lượng, nhất là trong lĩnh vực văn học, nghệ thuật, báo chí, xuất bản,... đấu tranh với quan điểm sai trái và mưu đồ đen tối của các thế lực thù địch lợi dụng văn hóa để chống Đảng và chế độ ta.

Nguồn: Chuyên đề “Đường lối phát triển văn hóa, văn nghệ của Đảng trong thời kỳ đổi mới” của PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ

 

Tin liên quan