KỶ NIỆM 50 NĂM NGÀY GIẢI PHÓNG MIỀN NAM, THỐNG NHẤT ĐẤT NƯỚC (30/4/1975 - 30/4/2025)
Tin tức hoạt động
Đăng ngày: 17/06/2019 - Lượt xem: 309
Một số giải pháp thực hiện hiệu quả việc tập trung, tích tụ ruộng đất tại Hưng Yên

Thực hiện Chương trình phối hợp giữa Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy với các sở, ngành trong việc triển khai kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, giải quyết các vấn đề bức xúc của nhân dân năm 2019, Trang Thông tin điện tử Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đăng nội dung phối hợp tuyên truyền với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Hưng Yên, đến tháng 10/2016, toàn tỉnh tích tụ được 4.596,7 ha đất nông nghiệp, trong đó: tích tụ để sản xuất trồng trọt 3.647  ha, chiếm 79,3%; chăn nuôi 501,6 ha, chiếm 10,9 %; thủy sản 448,4 ha, chiếm 9,8 %. Các hình thức tích tụ chính gồm: thuê ruộng 2.231 ha, chiếm 48,5%; chuyển nhượng quyền sử dụng ruộng đất 888,8 ha, chiếm 19,3 %; góp ruộng đất 694,1 ha chiếm 15,1%; hình thức khác (cho mượn ruộng đất để sản xuất) 782,7 ha, chiếm 17%.
Tỉnh Hưng Yên đặt mục tiêu của đề án đến năm 2020 diện tích tích tụ ruộng đất chiếm 15 - 20% tổng diện tích đất nông nghiệp với quy mô mỗi mô hình từ 5ha trở lên đạt 5 nghìn ha.
Để thực hiện mục tiêu này, tỉnh Hưng Yên cần thực hiện tốt các giải pháp trọng tâm, trong giai đoạn 2018 - 2020:
Thứ nhất, tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành từ tỉnh đến cơ sở; coi việc tổ chức thực hiện nhiệm vụ tích tụ, tập trung ruộng đất tại các địa phương, cơ sở là nhiệm vụ trọng tâm, không được lơ là, xem nhẹ để thực hiện có hiệu quả, thiết thực; giao chỉ tiêu và gắn trách nhiệm cho lãnh đạo đảng ủy, chính quyền các xã, thị trấn trong việc thực hiện kế hoạch tích tụ, tập trung ruộng đất tại địa phương.
Thứ hai, tập trung đẩy mạnh tuyên truyền về quan điểm, chủ trương của tỉnh về tích tụ, tập trung ruộng đất; tăng thời lượng tuyên truyền, mở chuyên mục, chuyên trang về tích tụ ruộng đất, kịp thời đưa tin, bài, hình ảnh về tình hình thực hiện và những mô hình điển hình thành công. Đối với cấp cơ sở phải niêm yết công khai tại trụ sở làm việc của UBND cấp xã, nhà văn hóa của các thôn xóm về kế hoạch và chính sách tích tụ, tập trung ruộng đất của từng địa phương để người dân biết, thực hiện theo đúng quy định, đảm bảo lợi ích chung. Đồng thời, tuyên truyền, phổ biến các mô hình hợp tác xã, tổ hợp tác hoạt động có hiệu quả, hợp tác xã tham gia liên kết tiêu thụ sản phẩm để tạo sự chuyển biến trong nhận thức của cán bộ, người dân về vai trò của HTX, tổ hợp tác trong phát triển sản xuất nông nghiệp và thực hiện tích tụ ruộng đất, sản xuất nông nghiệp.
Thứ ba, rà soát, điều chỉnh, bổ sung các quy hoạch ngành để tạo điều kiện thuận lợi hơn khi thực hiện tích tụ, tập trung ruộng đất, như: quy hoạch sản xuất nông nghiệp, quy hoạch thủy lợi, quy hoạch ngành nghề nông thôn và các quy hoạch chuyên ngành khác. Trên cơ sở đó, bố trí lại cơ cấu cây trồng, hình thành những vùng sản xuất chuyên canh và thâm canh có chất lượng, hiệu quả, phù hợp với điều kiện sinh thái từng vùng; phát triển mạnh những cây trồng có lợi thế, có thị trường tiêu thụ ổn định, có sức canh tranh cao. Tăng cường kiểm tra, giám sát, đánh giá thực hiện quy hoạch, nhất là sự kết hợp giữa quy hoạch ngành, lĩnh vực, quy hoạch phát triển tổng thể kinh tế - xã hội; tăng cường tính công khai minh bạch đối với các quy hoạch.
Thứ tư, cần có cơ chế, chính sách hỗ trợ tập trung đối với các cá nhân, tổ chức tham gia tích tụ, tập trung ruộng đất. Đồng thời có chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất đối với các doanh nghiệp đầu tư và các HTX, Tổ hợp tác, các trang trại vào lĩnh vực sản xuất nông nghiệp.
Thứ năm, đẩy mạnh đầu tư phát triển KHCN và tăng cường khả năng áp dụng KHCN trong sản xuất. Nghiên cứu, khảo nghiệm, tuyển chọn những giống cây trồng có năng suất, chất lượng, hiệu quả kinh tế cao, khả năng thích ứng tốt với biến đổi khí hậu... để đưa vào sản xuất; đẩy mạnh việc ứng dụng cơ giới hóa đồng bộ trong các khâu sản xuất để giảm chi phí, tăng hiệu quả sản xuất. Triển khai ứng dụng có hiệu quả những tiến bộ KHKT hiện có (tưới nước tiết kiệm, công nghệ sản xuất trong nhà kính nhà lưới, công nghệ bảo quản sau thu hoạch...) và tiếp tục cập nhật những tiến bộ kỹ thuật mới trong sản xuất. Nhân rộng, phát triển sản xuất áp dụng các tiêu chuẩn GAP để nâng cao chất lượng nông sản và đảm bảo an toàn thực phẩm.
Thứ sáu, thực hiện tốt công tác cải cách hành chính: tiếp tục rà soát, đơn giản hoá, sửa đổi bổ sung các thủ tục hành chính cho phù hợp đồng thời kiến nghị bãi bỏ những thủ tục hành chính không cần thiết, làm tốt công tác tiếp nhận ,công khai dân chủ, niêm yết giá dịch vụ, phí, lệ phí, công khai các thủ tục hành chính và trả kết quả, giải quyết nhanh gọn các thủ tục hành chính tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp hoạt động sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh.
Thứ bảy, tăng cường quảng bá, công khai các sản phẩm chủ lực, sản phẩm nông sản an toàn có tính cạnh tranh cao trên các phương tiện thông tin để các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh biết nhằm tăng cường liên kết sản xuất, xúc tiến thương mại giữa doanh nghiệp và hộ sản xuất. Tích cực thâm nhập thị trường mới trong và ngoài nước cho các nông sản có lợi thế, thế mạnh của tỉnh. Tiếp tục duy trì và phát triển các nhãn hiệu hàng hóa tập thể đã được bảo hộ, đồng thời phối hợp hỗ trợ, xây dựng nhãn hiệu hàng hóa tập thể mới cho một số nông sản khác của tỉnh.
Thứ tám, tổ chức thực hiện tốt Kế hoạch số 200/KH-UBND ngày 07/9/2015 của UBND tỉnh về đổi mới, phát triển các hình thức tổ chức kinh tế hợp tác trong nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Hưng Yên giai đoạn 2015-2020. Trên cơ sở lợi thế của địa phương, định hướng ngành nghề hoạt động của các hợp tác xã và các tổ hợp tác, mạnh dạn giải thể các hợp tác xã hoạt động không hiệu quả, lựa chọn để hỗ trợ phát triển các tổ hợp tác sản xuất, chế biến tiêu thụ cùng sản phẩm có hiệu quả cao, từ đó hướng tới thành lập các HTX kiểu mới theo Luật HTX 2012. Đồng thời, đẩy mạnh đổi mới và phát triển các HTX nông nghiệp theo hướng chú trọng hơn tới việc khuyến khích tập trung ruộng đất, tổ chức nông dân sản xuất nông sản hàng hóa quy mô lớn, an toàn, chất lượng gắn với chế biến và tiêu thụ.
Thứ chín, tập trung thực hiện có hiệu quả Đề án đào tạo nghề cho lao động nông nghiệp, nông thôn theo Quyết định 1956/QĐ-TTg ngày 27/11/2009 của Thủ tướng Chính phủ; trên cơ sở điều tra, khảo sát và xây dựng kế hoạch tổng thể nhu cầu đào tạo nhân lực lao động phục vụ phát triển sản xuất của từng vùng, lĩnh vực nhằm giảm lao động sản xuất nông nghiệp trong cơ cấu lao động chung của tỉnh. Chú trọng đào tạo, tập huấn, dạy nghề nông nghiệp kỹ thuật cao cho nông dân theo hướng nông dân phải được học tập đầy đủ cả về kỹ thuật, quản lý sản xuất, liên kết sản xuất gắn với thị trường tiêu thụ sản phẩm.
Xuân Trường (Phòng Khoa giáo)
Tin liên quan