KỶ NIỆM 70 NĂM NGÀY GIẢI PHÓNG THỦ ĐÔ (10/10/1954 – 10/10/2024)
Tin tức hoạt động
Đăng ngày: 07/06/2019 - Lượt xem: 128
Một số kết quả bước đầu về thực hiện nếp sống văn minh trong việc tang trên địa bàn tỉnh Hưng Yên

Thực hiện các chủ trương, đường lối, nghị quyết của Đảng, Nhà nước về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước, phát huy truyền thống của quê hương văn hiến, thời gian qua, tỉnh Hưng Yên đã đặc biệt quan tâm tới việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc tang ở các địa phương trên địa bàn tỉnh. 

Tỉnh đã ban hành nhiều văn bản để chỉ đạo, tổ chức thực hiện như: ban hành Chỉ thị số 08-CT/TU ngày 8/4/1998 Ban Thường vụ Tỉnh ủy về “Thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội”; Quyết định số 01/2007/QĐ-UBND ngày 07/2/2007 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc ban hành “Quy chế thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội trên địa bàn tỉnh Hưng Yên”; Chỉ thị số 07/CT-UBND ngày 17/5/2018 của Ủy ban nhân dân tỉnh về “Đẩy mạnh thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang trên địa bàn tỉnh Hưng Yên”; Quyết định số 14/2019/QĐ-UBND ngày 28/2/2019 của Ủy ban nhân dân tỉnh về “Quy định chính sách hỗ trợ khuyến khích sử dụng hình thức hỏa táng trên địa bàn tỉnh Hưng Yên giai đoạn 2019-2022”; Kế hoạch số 56/KH-MTTQ-BTT ngày 12/3/2012 Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh về thực hiện phong trào thi đua “Xây dựng khu dân cư 3 không” với nội dung trọng tâm là: Không tệ nạn xã hội; Không ô nhiễm môi trường; Không lãng phí, hủ tục lạc hậu trong việc cưới, việc tang...
Trên cơ sở chỉ đạo của tỉnh, các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh ban hành nhiều văn bản lãnh đạo, chỉ đạo việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc tang trên địa bàn địa phương, đơn vị. Các xã, phường, thị trấn trong tỉnh đã tích cực triển khai thực hiện tốt các văn bản chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh, của huyện; hướng dẫn cơ sở đưa nội dung thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội vào quy ước, hương ước của các thôn, làng, khu phố, coi đó là một trong những tiêu chí để đánh giá, bình xét, xếp loại các danh hiệu văn hóa.
Để thay đổi nhận thức của người dân, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đã thường xuyên định hướng các cơ quan báo chí tỉnh tăng cường tin, bài, mở chuyên trang, chuyên mục, đẩy mạnh tuyên truyền về các phong trào xây dựng đời sống văn hóa trên địa bàn tỉnh; về thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội; trong đó, chú trọng phản ánh, nêu gương người tốt, việc tốt, các điển hình tiên tiến, mô hình điển hình, đồng thời phê phán những hủ tục lạc hậu, lãng phí trong việc cưới, việc tang... Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Cơ quan Thường trực Ban chỉ đạo phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” tỉnh ban hành các văn bản hướng dẫn, tổ chức các hoạt động tuyên truyền thực hiện quy định về nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang trên địa bàn tỉnh, gắn với công tác xây dựng gia đình văn hóa; làng, khu phố văn hóa;  cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa. Hằng năm, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch phát hành tờ rời, tờ gấp tới từng hộ gia đình tuyên truyền thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang. Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp trong tỉnh theo chức năng, nhiệm vụ đã tích cực tuyên truyền, vận động cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và nhân dân tích cực thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội… thông qua sinh hoạt câu lạc bộ, sinh hoạt hội viên định kỳ, hội nghị tập huấn, tọa đàm nói chuyện chuyên đề, các hội thi, hội diễn văn nghệ…
Từ những nỗ lực, cố gắng của các cấp, các ngành, những năm gần đây, thực hiện nếp sống văn minh trong việc tang trên địa bàn tỉnh Hưng Yên đã có những chuyển biến tích cực. Hiện 100% các khu dân cư trong tỉnh đều thành lập Ban Tang lễ; xây dựng nghĩa trang nhân dân đồng bộ. Các gia đình có người thân qua đời tin tưởng, phối hợp với Ban Lễ tang ở khu dân cư tổ chức đám tang chu đáo với nghi lễ trang trọng theo quy định pháp luật, phù hợp với hoàn cảnh từng gia đình và truyền thống văn hóa của địa phương.
Trong lễ tang, các hủ tục lạc hậu như: trừ trùng, yểm bùa, lăn đường, rắc tiền giấy, tiền xu trên đường, chèo đò, giáo ngựa... hầu hết được xóa bỏ. Tình trạng rải vàng mã, tiền âm phủ trên đường đưa tang, viếng nhiều vòng hoa, câu đối, hút thuốc lá đã giảm mạnh. Hầu hết các đám tang thực hiện tốt quy định không để người chết trong nhà trên 36 giờ, nhạc tang chỉ cử hành trước 22 giờ đêm và sau 6 giờ sáng. Tình trạng hút thuốc lá, mở cỗ mời khách trong ngày tang lễ được hạn chế, nhất là khu vực thành thị. Toàn tỉnh có trên 500/957 khu dân cư không sử dụng thuốc lá trong đám tang.
Chính quyền các địa phương đã thực hiện việc quy hoạch đất nghĩa trang nhân dân và vận động nhân dân chôn cất người chết đúng nơi quy định, đảm bảo vệ sinh môi trường. Đến nay, 100% thôn, làng trên địa bàn tỉnh đã có quy hoạch xây dựng nghĩa trang nhân dân trong đó có gần 400 thôn xây dựng nghĩa trang nhân dân đồng bộ.
Đặc biệt, thực hiện hỏa táng, điện táng khi có người thân qua đời được nhiều gia đình áp dụng. Tỷ lệ đám tang điện táng, hỏa táng ngày một tăng. Ngoài ngân sách của tỉnh, huyện hỗ trợ, nhiều xã trên địa bàn tỉnh có chính sách hỗ trợ kinh phí cho gia đình có người qua đời sử dụng hình thức điện táng.
Các tuần tiết sau lễ tang như cúng 3 ngày, 7 ngày, 49 ngày, 100 ngày, giỗ đầu, sang cát đều tiến hành gọn nhẹ, tiết kiệm theo truyền thống dân tộc và được tổ chức nội bộ gia đình, hạn chế mời khách đến dự.
Chỉ tính riêng năm 2018, toàn tỉnh có 2.683 đám tang thực hiện nếp sống văn minh, trong đó, một số địa phương thực hiện tốt như: xã Thành Công, huyện Khoái Châu; thôn Ngô Xá, xã Quảng Lãng, huyện Ân Thi; thôn Đồng Xá, xã Đại Đồng, huyện Văn Lâm…
Từ việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc tang trên địa bàn tỉnh Hưng Yên thời gian qua đã góp phần từng bước xóa bỏ những hủ tục lạc hậu, lãng phí... trong việc tang, góp phần thực hiện có hiệu quả Nghị quyết 33-NQ/TW và Chương trình hành động số 34-CTr/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy thực hiện Nghị quyết 33-NQ/TW ngày 09/6/2014 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) “về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”, xây dựng xã hội ngày càng văn minh.
ĐVS
 
Tin liên quan