Đỗ Hữu Nhân TUV, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy
Theo đánh giá của Bộ Giáo dục và đào tạo, sau 5 năm thực hiện Nghị quyết 29 – NQ/TW, ngày 4 tháng 11 năm 2013 về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, ngành Giáo dục đào tạo đã đạt được những kết quả hết sức quan trọng, trong đó nổi bật là rà soát, quy hoạch, phát triển mạng lưới cơ sở giáo dục đào tạo. Ngành đã tiếp tục có những giải pháp để hoàn thiện hệ thống cơ chế, chính sách, tạo cơ sở pháp lý cho các địa phương, các cơ sở giáo dục đào tạo thực hiện tốt hơn. Các địa phương đã rà soát, quy hoạch lại mạng lưới giáo dục, sáp nhập các trường mầm non và phổ thông, đặc biệt là sáp nhập các trường tiểu học, trung học cơ sở; các trường phục hồi chức năng có quy mô nhỏ thành trường có quy mô lớn hơn; sáp nhập trung tâm giáo dục thường xuyên với trung tâm dạy nghề, trung tâm kỹ thuật tổng hợp – hướng nghiệp. Một số địa phương đã chủ động đưa các nội dung về quy hoạch cơ sở giáo dục vào trong chỉ thị, nghị quyết; đã huy động và sử dụng lồng ghép các nguồn lực tài chính đáp ứng các điều kiện đảm bảo chất lượng giáo dục. Các địa phương đã tiếp tục triển khai thực hiện xã hội hóa giáo dục để huy động các nguồn lực của xã hội nhằm phát triển giáo dục đào tạo, thực hiện quy định về ưu đãi đất đai, chính sách ưu đãi về thuế, tín dụng hỗ trợ các cơ sở giáo dục ngoài công lập. Khuyến khích các cơ sở đủ điều kiện thực hiện chương trình chất lượng cao với mức thu học phí tương ứng để có thêm nguồn lực, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo. Chính sách thực hiện đầu tư theo hình thức công tư trong giáo dục – nhà đầu tư bổ vốn xây dựng trường lớp, còn nhà trường cung cấp dịch vụ giáo dục đào tạo - đang được nhiều cơ sở giáo dục quan tâm triển khai có hiệu quả, góp phần tháo gỡ khó khăn về kinh phí cho giáo dục đào tạo.
Bên cạnh những kết quả trên, ngành Giáo dục đào tạo vẫn còn một số hạn chế. Một số địa phương chưa quan tâm đúng mức việc quy hoạch mạng lưới trường, lớp học, chưa xây dựng đề án rà soát, sắp xếp, tổ chức lại các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông, hoặc có sáp nhập nhưng vẫn chỉ có tính chất cơ học dẫn đến việc triển khai còn lúng túng, không đồng nhất và còn gặp nhiều khó khan, chưa đảm bảo được mục tiêu của sáp nhập là nâng cao chất lượng giáo dục; còn thiếu đất cho xây dựng trường học, đặc biệt là các thành phố lớn, các khu công nghiệp, khu chế xuất khi dân số cơ học những nơi này tăng nhanh do số lượng công nhân tập trung nhiều; chưa bám sát các quy định về đảm bảo chất lượng, đặc biệt là gắn với chương trình giáo dục phổ thông mới. Sự phát triển của một số cơ sở đào tạo chưa gắn kết chặt chẽ với nhu cầu của thị trường lao động nên đào tạo xong không có điều kiện sử dụng được, gây lãng phí nguồn lực tài chính và nhân lực. Mặt khác, một số địa phương sau khi sắp xếp, quy hoạch lại các điểm trường, tại một số địa bàn dân cư phân tán, giao thông bị chia cắt, ảnh hưởng đến việc đi lại của học sinh nhưng chưa có giải pháp khắc phục. Sau sáp nhập, các trường gặp nhiều khó khăn do dư thừa cán bộ quản lý, đội ngũ nhân viên văn phòng, kế toán, y tế học đường…
Để nâng cao chất lượng quy hoạch, phát triển mạng lưới cơ sở giáo dục đào tạo trong thời gian tới, ngành giáo dục và đào tạo cần tiếp tục triển khai thực hiện tốt Nghị quyết 29 – NQ/TW, ngày 4 tháng 11 năm 2013 về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, trong đó cần tập trung đồng bộ một số giải pháp sau:
Một là: Tập trung rà soát, dự báo quy mô phát triển giáo dục, quy hoạch đất dành cho giáo dục. Đẩy mạnh thu hút các nguồn vốn ngoài ngân sách nhà nước để đầu tư, nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ giảng dạy, nghiên cứu. Tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư xây dựng theo hình thức công tư – đây được coi là biện pháp có hiệu quả trong xã hội hóa giáo dục, nâng cao chất lượng giáo dục; xây dựng cơ chế, chính sách phát triển giáo dục, đặc biệt là giáo dục mầm non ở các khu công nghiệp, khu chế xuất.
Hai là: Hướng dẫn, kiểm tra việc dồn dịch các điểm trường lẻ, sáp nhập các mầm non, phổ thông có quy mô nhỏ, cơ sở giáo dục thường xuyên, nghề nghiệp theo đúng quy định hiện hành cũng như thành lập mới mô hình trường đa cấp có chất lượng cao.
Ba là: Sắp xếp đội ngũ cán bộ quản lý cũng như nhân viên trong các cơ sở giáo dục sáp nhập đảm bảo hợp lý, có lộ trình, tránh gây búc xúc trong dư luận ngành và nhân dân. Tiếp tục thực hiện Đề án kiên cố hóa trường, lớp học và nhà công vụ cho giáo viên theo lộ trình. Cân đối, huy động và bố trí các nguồn kinh phí của trung ương, địa phương đảm bảo cho các chương trình, đề án thực hiện có hiệu quả, chất lượng.